Lễ Kính Thánh Phanxicô Xaviê


ĐỀN THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ
Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.

Hồi tưởng lại câu chuyện 13 năm về trước, cũng lạ. Ngày ấy, đường từ Macao vào Trung Quốc đã nghẽn lối, thế mà sau cùng tôi vẫn có mặt cùng với nhóm các cha dòng Don Bosco. Tôi đã kể cách nào tôi vào Trung Quốc được và những điều ngạc nhiên xảy ra. Bây giờ tôi đang có mặt ở Goa, nơi lưu giữ xác thánh nhân. Hôm nay ngày 29 tháng 3 năm 2001.

Tôi không còn ở bờ biển Goa nữa, đã về thành phố Panaji (Panjim), ở trọ nhà các cha dòng Tên. Các cha rất hiếu khách, tôi xuống bếp bất cứ lúc nào, lấy đồ ăn tự nhiên như nhà mình. Từ cửa sổ phòng ăn, nhìn qua bên kia là nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm, một công trình kiến trúc tuyệt vời theo lối Bồ Đào Nha được thánh hiến năm 1541. Nhà thờ Công Giáo nhưng là thắng cảnh của thành phố nên nhà nước chịu phí tổn đèn điện. Từ chập tối đến mười giờ đêm, cả nhà thờ như một khối cẩm thạch trắng sáng rực. Từ mãi xa cũng nhìn thấy. Panaji là hải cảng ghé chân đầu tiên của những đội thuyền từ Lisbon. Người Bồ Đào Nha xây cất thánh đường này để tạ ơn cho những chuyến vượt đại dương phong ba.

Goa còn nổi tiếng về rượu. Chỗ nào cũng có quan bán rượu. Bia và rượu ở đây không có thuế, rẻ nhất nước. Ai cũng bảo đến Goa tha hồ uống rượu. Thành phố ngăn nắp, không có bò đi lại nghênh ngang. Phố xá sạch sẽ, nhiều bóng dáng du khách Âu Châu. Tiếp tục thuê chiếc xe gắn máy Honda, ông thầy tôi quen ở Poona là Benedito chở tôi đi khắp nội và ngoại thành của Goa. Từ trung tâm thành phố đi chừng nửa tiếng là tới nơi lưu giữ xác thánh Phanxicô gọi là Old Goa, thành phố Goa cổ.

Thầy Benedito thật tốt lành, đang học thần học. Tôi hy vọng thầy sẽ là một linh mục tốt. Nước da của Benedito chỉ ngăm ngăm đen thôi, dòng họ thầy không phải là người thổ dân Ấn, có thể  mấy thế hệ trước đã lai gốc Âu Châu. Ngay tên gọi của thầy cũng thế, Benedito là tên gọi rất Âu Châu chứ không phải tên Ấn Độ rất khó phát âm. Thầy chờ tôi đi khắp nơi, cắt nghĩa những thắng cảnh lịch sử của Goa. Thầy dẫn tôi vào gặp cha giám đốc trung tâm của nhà thờ đang lưu giữ xác thánh Phanxicô. Cha cũng là linh mục dòng Tên. Được biết tôi từ Việt Nam đến, không có nhiều thời giờ nên cha cho tôi dâng lễ ngay sáng đó. Tôi còn giữ mấy dòng chữ cha viết cho nhân viên coi phòng thánh dọn đồ lễ cho tôi: Father Joseph, Jesuit will say mass at Mausoleum.

Từ cuối nhà thờ đi vào, xác thánh nhân đặt bên cánh phải gần cung thánh, trên cao. Khách hành hương kính viếng có thể quỳ trước hòm đựng xác, có song sắt bảo vệ, không vào trong khu bàn thờ được. Thấy nhân viên bảo vệ dọn lễ mở cửa cho tôi vào dâng lễ bên trong mộ bia, mấy người hành hương cũng theo vào. Sau lễ họ xin chụp hình chung và cám ơn tôi, họ nói rằng quá may mắn được dâng lễ và được tham dự thánh lễ bên cạnh xác thánh, một kỷ niệm không ngờ trong chuyến du lịch của họ.

Xác thánh nhân còn đó nhưng khô lại như vỏ cây. Dĩ nhiên không còn lành lạnh tất cả. Một cánh tay đã được đưa về nhà thờ Giêsu ở Roma. Khi người ta cải mộ từ Trung Hoa đem về Roma, đi ngang qua Goa, dân chúng giữ xác lại không chịu cho đem đi. Ngay sau khi chết, Phanxicô Xaviê đã làm phép lạ. Cùng lúc hiện ra những chỗ khác nhau để cứu người bị bão biển. Lúc bốc xác, xác còn nguyên không bị hư nát. Vì Goa là vùng đất ngài đã đặt chân tới lúc ban đầu nên dân chúng nhất định giữ lại. Đối với Roma thì nhất định phải có mặt Phanxicô ở thủ đô  của Giáo Hội vì có thể nói Phanxicô Xaviê  là nhà truyền giáo rửa tội nhiều nhất trong lịch sử truyền giáo. Sau cùng không đem được xác về Roma thì đưa một cánh tay về. Hôm nay ai đến Roma sẽ thấy cánh tay của thánh Phanxicô Xaviê được trưng bày tại nhà thờ Giêsu.

Ngày xưa xác thánh nhân được trưng bày cho tín hữu đến tận nơi chạm vào. Nhưng có người cứ muốn lấy xương thánh làm của riêng, để bảo toàn, hôm nay xác thánh được đặt trong lồng kiếng. Vào dịp lễ hàng năm, mồng 3 tháng 12, hàng trăm ngàn người hành hương đổ về Goa tham dự kiệu thánh. Chung quanh nhà thờ là một công trường mấy mươi mẫu đất, rộng mênh mông để tiếp đón khách hành hương thập phương. Bên cạnh không xa là nhà thờ chính toà của Goa. Giữa vùng đất của các thần linh, về đến Goa tôi có cảm tưởng như về Roma của Giáo Hội.

Tôi quỳ bên mộ xác Phanxicô, hình dung con người đầy dũng cảm này trong những ngày đầu tiên trên đất Ấn. Hơn bốn trăm năm về trước, Phanxicô Xaviê chỉ là một người đàn ông mới ngoài tam thập, 36 tuổi, đến một vùng đất đầy chướng khí, âm u, muỗi độc, nước độc. Bấy giờ lên đường truyền giáo là vĩnh biệt quê hương, là ra đi không hẹn ngày trở lại. Thật sự là chết đi trong lòng cho một tiếng gọi cao cả. Hôm ở bến tầu Lisbon từ giã những thành phố Âu Châu, không biết Phanxicô có những xúc cảm nghẹn ngào nào. Ngài có nhớ thương cha mẹ không, có biết mình ra đi không trở lại không?

Thật sự là thế, chuyến tầu định mệnh ấy đem Phanxicô Xaviê ra đi, và chàng trai này đã vĩnh biệt quê hương, một chuyến đi không bao giờ về. Bến cũ mênh mông trong tưởng nhớ. Làm sao mà không có lúc bùi ngùi nhớ về gia đình, bạn bè, con đường xưa?

Đối với những con người truyền giáo này Hội Thánh là một gia đình bao trùm cả thế giới, là một vở kịch lịch sử lớn và các ngài muốn dự phần vào. Đức Thánh Cha thời đó là Phaolô III bảo thánh Inhaxiô nên quên dự tính đi Jêrusalem, để ở lại Roma vì không thiếu gì việc làm. Đó là năm 1539, những tu sĩ dòng Tên đầu tiên khấn đức vâng lời và tuyên hứa một lời thề đặc biệt là chấp nhận bất cứ sứ mạng nào Đức Giáo Hoàng trao và sẵn sàng ra đi khắp nơi trên thế giới. Dần dần nhóm trở thành một trong những dòng tu truyền giáo lớn nhất trong Hội Thánh.

Chúa có cách dùng người khá kỳ lạ. Thánh Phaolô đã từng săn đuổi các Kitô hữu. Nhưng bất ngờ, Ngài đột ngột thay đổi hết. Sau khi ngã ngựa và hoán cải, Ngài đi nhiều nơi ở Trung Đông, Hi Lạp và Roma để chia sẻ kinh nghiệm về Đức Kitô. Ngài trở nên khuôn mẫu sau này thánh Phanxicô Xaviê và các vị thừa sai khác sẽ theo.

Lịch sử ghi lại Phanxicô Xaviê không phải là thừa sai đầu tiên được thánh Inhaxiô cử đến với dân ngoại. Thoạt tiên được thánh Phanxicô Xaviê đang ở Roma giảng trong các nhà thờ tại đây. Khi ngài phục hồi sau cơn bệnh, thánh Inhaxiô chỉ định ngày làm thơ kí, vì dòng Tên lúc ấy đang tăng trưởng, và thánh Inhaxiô cần người giúp để quản tự. Nhưng chưa được bao lâu thì năm 1540 vua Gioan nước Bồ Đào Nha xin thánh Inhaxiô cho hai tu sĩ dòng Tên sang Ấn Độ, nơi người Bồ Đào Nha đã đến làm ăn sinh sống và truyền giáo. Lúc bấy giờ mới có mười tu sĩ dòng Tên thôi. Thánh Inhaxiô chỉ định hai linh mục đi Ấn Độ. Nhưng ngay đúng hôm lên đường đi Lisbon, tầu sắp nhổ neo thì một người bị bệnh nặng. Thánh Inhaxiô gọi Phanxicô Xaviê nói với ngài có thể lên đường đi Ấn Độ ngay hôm sau. Phanxicô Xaviê vâng lời ngay, không hỏi lại một lời nào. Dù biết có thể không bao giờ gặp lại thánh Inhaxiô, không bao giờ nhìn lại Âu Châu, dù biết thời ấy cứ hai người vượt đại dương thì một người chết trên biển, ngài chỉ thưa thật ngắn gọn với thánh Inhaxiô:

- Vâng, con xin đi!

Chắc là nhớ nhà, những ngày xa quê hương, Phanxicô Xaviê có một túi da nhỏ, lúc nào cũng đeo trên ngực. Mỗi lần nhạn được thư từ quê nhà, Phanxicô  cắt chữ ký bỏ vào túi da ấy và cứ đeo bên mình.

Phanxicô sinh ngày 7.4.1506, tầu nhổ neo rời Lisbon đi Ấn Độ ngày 7.4.1541, đúng ngày sinh nhật lần thứ ba mươi lăm. Đáng nhẽ chuyến tầu ấy mang hai tu sĩ dòng Tên, nhưng phút cuối người kia ở lại. Chuyện xảy ra là từ Roma, Phanxicô và Rodriguez đáp tầu về Lisbon để đi Ấn nhưng về đến nơi, tầu kia nhổ neo rồi. Trong khi chờ tầu, hai người tiếp tục làm việc tông đồ ở Lisbon. Lúc có tầu cũng là lúc việc tông đồ đang phát triển. Vì thế người kia ở lại để tiếp tục. Sau cùng Phanxicô ra đi một mình. Chia tay nhau ở bến tầu, Phanxicô bước xuống nước. Sợ ra đi không có ngày trở lại, bấy giờ Phanxicô mới nói chuyện bí mật trong một giấc mơ mà người bạn cứ tò mò hỏi mãi.

- Tôi trẩy xa anh em, chẳng còn ở chung nữa, vì tình nghĩa anh em, tôi chẳng muốn giấu gì, điều mà anh hỏi tôi nhiều lần trong đêm tôi đã kêu to: “Lạy Chúa, xin ban cho con thêm nữa.” Đêm ấy trong một giấc mơ, tôi thấy mình phải chịu gian nan vì Chúa, nhưng được Chúa ban ơn, tôi chẳng sợ gì. Nên tôi đã xin Chúa ban thêm những sự khó khăn ấy cho tôi.

Trời hôm nay rất trong và mây rất cao, Ấn Độ đã vào mùa hanh nắng. Tôi đang ngồi đây bên đền thờ trên đất Ấn hình dung lại những chặng đường xa xưa hơn bốn trăm năm về trước.

Sau cuộc hành trình dài mười ba tháng trời, Phanxicô đến Goa ngày 6.5.1542. Tôi muốn hình dung trong tâm trí lúc thánh Inhaxiô gọi Phanxicô Xaviê bảo ngày mai tầu nhổ neo, người cha dự định gởi đi bị bệnh, con có thể đi thế được không. Và Phanxicô Xaviê đã không hỏi lại lời nào chỉ nói: Vâng, con xin đi. Tôi cũng muốn hình dung giây phút cuối cùng, lúc tầu nhổ neo giã từ Âu Châu, người kia ở lại không đi nữa.

Tâm trạng Phanxicô lúc đó thế nào, trên chuyến tàu ấy, Phanxicô ra đi một mình.