Lễ Kính Thánh Phanxicô Xaviê Phác Họa Chân Dung Một Vị Thánh
Lm Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP |
Hướng Đến Những Vùng Đất Mới Sứ vụ Moluccas, Nhật bản, Trung Hoa Những Hạn Chế và Nỗ Lực Thích Nghi a. Quyết tâm rao giảng bằng tiếng địa phương. b. Trần gian không phải là chỗ dựa c. Hạn chế do quan điểm thời đại Chân Dung Vị Thừa Sai Nhiệt Thành a. Nhà Du Thuyết vị tha và phục vụ : b. Hoạt động với anh em và trong lòng giáo hội c. Phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa
Nhân dịp mừng kỷ niệm 500 năm ngày sinh của thánh Phanxicô Xavie, trong bầu khí những ngày hội mừng tại tổng giáo phận Sài Gòn [1], và cũng là trả món nợ của một môn sinh có vinh dự chọn ngài làm bổn mạng… Xin được gửi đến độc giả bức phác họa chân dung một vị thánh, về cuộc đời và sự nghiệp của thánh nhân,. Phanxicô Xavie (Francisco de Jassu) sinh ngày 7.4.1506 tại lãnh địa Xavie, miền Navarre, nước Tây Ban Nha, trong một danh gia vọng tộc. Cha ngài ông Juan de Jassu, tiến sĩ đại học Bologna, Chủ tịch hội đồng Hoàng Gia Navarre. Ông thường vắng nhà vì quốc gia đại sự, nên Phanxicô chịu ảnh hưởng nhiều nơi người mẹ đạo đức, bà Maria de Azpilcueta. Bà mời các linh mục tuyên úy đến sống trong lâu đài gia đình. Chính các vị ấy dạy học cho ba anh em trai nhà Phanxicô [2]. Năm 19 tuổi, sau khi hoàn tất chương trình học tại quê nhà, Phanxicô lên Paris theo học đại học. Năm 24 tuổi anh đậu cử nhân. Một tương lai sáng lạn mở ra trước mắt. Phanxicô được chọn làm phụ khảo bộ môn triết tại trường Dormans-Beauvais, và theo học thêm thần học. Hãnh diện về gia thế, về trí thông minh xuất chúng và về những thành tích đạt được, Phanxicô chỉ những mơ tưởng đến danh vọng và tiền bạc. Ước mơ bấy giờ của chàng sinh viên này là trở thành giáo sư, luật sư hay nối nghiệp của thân phụ tại Navarre. Nhưng Thiên Chúa lại muốn hướng anh đến một giấc mơ vĩ đại hơn, khi cho anh gặp một nhân vật đặc biệt, thánh Ignatiô thành Loyola. Cũng phải thêm ba năm nữa Phanxicô mới hoán cải (năm 1533), để dứt khoát giã từ cuộc chạy đua “tìm lời lãi cả thế gian”, quyết tâm phụng sự Chúa qua lời tuyên thệ khiết tịnh, khó nghèo và trung thành phục vụ Nước Chúa Kitô. Đó cũng là nội dung bảy sinh viên Paris, trong đó có Ignatio và Phanxicô, tuyên thệ ngày 15-8-1534 tại Montmartre. Hai năm sau, cùng với các bạn, Phanxicô đến Venise rồi về Roma xin phép lành tòa thánh, trong dự tính sẽ cùng nhau đi hành hương Giêrusalem. Do hoàn cảnh chiến tranh, chuyến đi Giêrusalem không thành, nhưng anh em được trao tác vụ linh mục vào lễ thánh Gioan Tẩy Giả năm 1537. Bốn tháng sau, anh em đi đến một quyết định quan trọng, quyết định lập Dòng Tên với ý nguyện hoàn toàn tuân theo sự điều động của Đức Thánh Cha, đáp ứng nhu cầu của Hội Thánh phổ quát, và soạn bản nội quy để xin giáo hội phê chuẩn. Giã từ giấc mộng thành đạt công hầu khanh tướng, giờ đây Phanxicô ôm ấp một giấc mộng lớn hơn : nối tiếp sứ vụ của Đức Kitô và đảm đương lấy sứ mệnh của giáo hội. Như chúng ta đã biết, theo Quyền Bảo Trợ (1493), giáo hội trao cho nước Bồ Đào Nha trách nhiệm loan báo tin mừng tại Phi Châu và Á Châu. Theo lời xin của vua nước này, Đức Phaolô III yêu cầu thánh Ignatio cử hai người đi thi hành sứ vụ ở Ấn Độ. Bất ngờ, một trong số hai vị được thánh Ignatio chọn lựa bị lâm bệnh, thế là Phanxicô được gọi điền vào chỗ trống. Không chần chừ, Phanxicô thưa “con sẵn sàng”. Chỉ cần một tối để chuẩn bị, sáng hôm sau Phanxicô đã rời Roma đi đường bộ sang Bồ Đào Nha, chờ tàu đi Ấn độ… Hành trang của ngài là cây Thánh giá, sách nguyện và một cuốn sách thiêng liêng. Lúc này là tháng 3-1540, nhưng phải qua năm sau, Phanxicô mới có cơ hội rời Lisbonne đi Goa. Sau nhiều tháng lênh đênh trên biển, cuối tháng 8.1541, Phanxicô tới Mozambique, phía đông nam Châu Phi. Gặp lúc gió ngược, ngài phải trú đông tại một hòn đảo san hô nhỏ ngoài khơi. Đến Goa vào tháng 5.1542, Phanxicô tìm một chỗ ở khiêm tốn gần những người bệnh ở nhà thương, rồi đi trình diện Đức Giám Mục sở tại, xuất trình giấy giới thiệu của Đức Thánh Cha, đặt ngài làm Phái viên Tòa Thánh tại Phương Đông, với nhiệm vụ dạy dỗ các tân tòng và đưa người ngoại trở lại, nhưng ngài xin tuân theo mệnh lệnh của Giám Mục địa phương. Tại Goa, ngài gửi thư về Roma xin các đặc ân thiêng liêng cho vùng truyền giáo Ấn Độ [3]. Để chuẩn bị các thiếu niên bản xứ làm linh mục hay giáo lý viên tương lai, ngài thúc đẩy việc thành lập Học viện Thánh Phaolô. “Học viện được thành lập để những người bản xứ trong lãnh thổ này, gồm những người đến từ nhiều bộ lạc và sắc tộc, được giáo dục trong đức tin. Nhờ đó, sau khi đã được dạy dỗ đến nơi đến chốn trong đức tin, họ được gửi về nơi chôn nhau cắt rốn, để cây đã được vun trồng sẽ trổ sinh hoa trái.” Vài tháng sau, ngài lên tàu, đem theo ba học sinh ở học viện làm thông dịch viên, đến thủ phủ Bờ Biển Parava, nơi những những người Ấn thuộc giai cấp cùng đinh sinh sống. Họ có 30 làng với tổng số khoảng 30 ngàn người, chuyên nghề lặn mò ngọc trai. Thánh Phanxicô ở bờ biển Parava một năm. Tại đây, thời tiết khắc nghiệt, dân chúng nghèo đói, ngài chia sẻ hòa đồng với họ, và phục vụ tận tình. Đi hết làng này qua làng khác, ngài thăm viếng bệnh nhân, rửa tội, dạy giáo lý, tổ chức việc đọc kinh dự lễ cho từng làng. Trong thư ngài kể : “Tôi thường xuyên mỏi tay vì rửa tội, và không còn đọc nổi kinh bằng ngôn ngữ của họ, trừ có một bài huấn từ bằng ngôn ngữ đó … Có ngày tôi rửa tội nguyên một làng. Thế mà trên bờ biển này có tới 30 làng”. Riêng tháng 11-1544, ngài rửa tội được 10 ngàn tân tòng.
Thế nhưng những thành công trên cũng không thể giữ chân Phanxicô ở lại Ấn độ, ngài xin bề trên cử người đến tiếp nối những thành quả ấy, để có thể ra đi theo tiếng gọi của sứ vụ rộng lớn hơn. Được ông Antonio de Paiva, một giáo dân ở quần đảo Moluccas [4] cho biết “dân ở đây rất sẵn sàng phục vụ Chúa, nhưng thiếu người làm việc”, Phanxicô quyết định khởi sự một cuộc hành trình truyền giáo hơn một năm đầy thử thách nhưng cũng đầy an ủi, cho đến tháng 4 năm 1547, mới trở về Malacca. Một thời gian sau, Phanxicô gặp được ba thanh niên Nhật Bản sang Ấn Độ học đạo và được rửa tội tại Goa. Một trong ba người là anh Phaolô Anjiro, đã giới thiệu cho ngài biết về đất nước và đồng bào họ. Với Phanxicô, một khu vực truyền giáo mới đầy triển vọng được mở ra. Ngày 15.4.1549, Phanxicô cùng với hai tu sĩ cùng Dòng và ba thanh niên Nhật Bản, xuống tàu đi Nhật Bản, và đến Kagoshima lễ Đức Mẹ Lên Trời. Ngài lên tận kinh đô Myako gặp Nhật Hoàng để xin phép truyền giáo trong cả nước. Đến khi khám phá ra ông chỉ có hư vị, Phanxicô tiếp xúc trực tiếp với từng lãnh chúa địa phương, quen gọi là “daimos”. Ngài lập cộng đoàn tín hữu thứ hai tại Yamaguchi, rồi cộng đoàn thứ ba ở Bungo. Năm 1551, Phanxicô phải trở về Goa vì được bổ nhiệm làm giám tỉnh Dòng Tên tại Ấn Độ, nhưng con tim của ngài đã hướng trọn về Trung Hoa. Ngài cố gắng thu xếp mọi công việc cách chu đáo, để có thể lên đường vào tháng tư 1552. Vì chính quyền Trung Hoa lúc này đang áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng, Phanxicô phải dừng chân tại đảo Tam Châu ngày 19-11, để chờ một nhà buôn Trung Hoa dẫn vào lục địa, nhưng không hiểu vì sao người đó không đến. Ngày 21-11-1552, ngài ngã bệnh. Mọi người thấy ngài luôn luôn kêu danh Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần và lời nguyện : "Lạy Chúa Giêsu, Con Vua Đa Vít, xin thương xót con." Sáng ngày 28-11, Ngài á khẩu và mê đi, rồi lại tỉnh lại. Lời cuối cùng của ngài là: “Lạy Chúa, con đặt hi vọng nơi Chúa, con sẽ không phải xấu hổ muôn đời” (Tv 71,1). Ngài đã tắt thở vào rạng đông thứ bảy 3-12-1552, trong một chòi tranh, trên tay cầm cây nến cháy do anh Antôn, một tín hữu Trung Hoa trao cho. Lúc này, ngài mới chỉ 46 tuổi. Anh Antôn mặc áo lễ cho thánh nhân, chôn trên đảo trong một quan tài gỗ. Tháng 2-1553, thuyền trưởng thuyền Santa Cruz cải táng, đặt ngài vào một quan tài mới, đưa về Malacca. Dân chúng Malacca tổ chức cuộc rước xác ngài long trọng vào nhà thờ Đức Mẹ Trên Núi. Sau đó, ngài được đưa về Goa, chôn gần bàn thờ chính của Học viện Thánh Phaolô. Ngày 25.10.1619, Phanxicô Xavie được đức Phaolô V suy tôn lên hàng chân phước. Ba năm sau (1622) Đức Grêgôriô XV suy tôn ngài lên bậc hiển thánh. Thánh Phanxicô được giáo hội tôn phong là Đấng Bảo trợ Truyền giáo Phương Đông (năm 1748), Đấng Bảo trợ Công cuộc Truyền Bá Đức Tin (năm 1904), và là Đấng Bảo trợ Các Xứ Truyền Giáo (năm 1927). Ngày trước, Giáo hội Việt Nam mừng thánh Phanxicô Xavie theo lễ trọng, vì ngài là Bổn mạng Các Xứ Truyền giáo [5]. Nhiều người ca ngợi vị thánh như một siêu nhân, dựa trên những huyền thoại do lòng quý mến thêu dệt nên. Dĩ nhiên các lời truyền tụng này luôn đề cao vai trò của ơn Chúa, Đấng ban cho thánh nhân thực hiện những thành quả lẫy lừng, rửa tội cho hàng triệu tân tòng, kèm với vô vàn dấu kỳ phép lạ. Đặc biệt là ơn ngôn ngữ : thánh nhân chỉ cần nói tiếng mẹ đẻ, thế mà thổ dân thì ai cũng hiểu ! Sự thực không phải thế. Tìm hiểu kỹ hơn các tài liệu về cuộc đời của ngài, ta sẽ thấy chân dung một “con người”, với những giới hạn của thời đại, với những khoảnh khắc buồn, nản, giận ghét, lo âu, cùng với những lập trường mà ngày nay chúng ta không thể chấp nhận. Ngoài ra, ta thấy nơi ngài chân dung một nhà truyền giáo khôn khéo, với ước muốn tất cả cho “Chúa được vinh danh hơn” [6], biết dung hòa lý trí với tình cảm, biết sử dụng những phương thế thời đại, biết lên kế hoạch dài và ngắn hạn, cũng như biết chọn những biện pháp khéo léo kiểu “trần gian” để đạt được mục đích. Cuối cùng, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng chân dung một vị thánh ý thức rõ giới hạn của bản thân, hoàn toàn phó thác cho Thánh ý của Thiên. Chính Chúa mới là Đấng lên kế hoạch, hướng dẫn và hoàn thành.
Qua các thư từ và tài liệu thánh Phanxicô Xavier để lại, chúng ta thấy cần phải giải trừ bớt những lời đồn đại chung quanh công cuộc truyền giáo của thánh nhân. a. Quyết tâm rao giảng bằng tiếng địa phương. Thánh Phanxicô có một trực giác kiên định với nhu cầu học và sử dụng ngôn ngữ địa phương. Điều này khác hẳn với các thừa sai Tây Ban Nha hoạt động tại Nam Mỹ. Phanxicô là một mẫu gương không ngừng chú tâm đến việc đó. Mới đầu ngài sử dụng thông dịch viên, chọn trong số các học sinh từ các nơi về học tại Goa, và nhờ người phiên dịch kinh và giáo lý. Sau chính ngài giảng bằng tiếng địa phương. Có lẽ vì Phanxicô đi giảng cho các bộ tộc, và những thông tin về việc ngài giảng bằng tiếng thổ dân đã tạo nên dư luận về ơn ngôn ngữ này. Điều này không đúng, như chính ngài viết trong thư gửi anh em cùng dòng sau một năm ở với dân Parava, dù đã có sự hỗ trợ của ba thông dịch viên : “Tôi nói họ không hiểu, còn họ nói tôi không hiểu, vì họ nói tiếng Malabar, còn tôi nói tiếng xứ Basque” [7]. Tương tự, sau 50 ngày ở Nhật Bản, với sự giúp đỡ của ba thanh niên Nhật, ngài đã tâm sự như sau : “Xin Thiên Chúa thương cho chúng tôi mau biết nói tiếng địa phương để có thể nói những điều về Thiên Chúa : lúc ấy chúng tôi sẽ sinh được nhiều hoa trái, nhờ Chúa giúp đỡ và ban ơn. Hiện chúng tôi ở giữa họ như những bức tượng, vì họ nói năng, trao đổi nhiều điều về chúng tôi, nhưng chúng tôi im lặng, vì chúng tôi không hiểu tiếng” [8]. Còn bản dịch kinh của ngài, nhiều năm sau ngài mới phát hiện mình dịch sai thậm chí đôi khi còn dịch ngược nghĩa nữa. Như kinh tin kính ở Parava, thay vì dịch “tôi tin” ngài đã dịch là “tôi mong ước” [9]. Làm sáng tỏ sự thật này, chúng ta sẽ càng cảm thấy thánh Phanxicô gần gũi hơn, hấp dẫn hơn, và rút tỉa được bài học lớn về “hội nhập văn hóa”, là một công trình lâu dài, gian khổ, cần sự đóng góp của nhiều thế hệ. Trực giác của ngài sẽ được các anh em dòng Tên sau như Valignano, Nobili, Ricci, Đắc Lộ, tiếp nối tại Nhật, Ấn, Trung Hoa và Việt Nam. b. Trần gian không phải là chỗ dựa Khi mới đến Goa, Phanxicô lóa mắt vì nhà thờ chính toà nguy nga, các nhà thờ lớn nhỏ rải tác khắp nơi, lại có cả một đan viện nữa. Trong thư ngài viết với giọng văn đầy phấn khởi về "thành phố Goa đầy người Công Giáo", nhưng chỉ một thời gian ngắn, ngài đã nhận ra khuôn mặt Đức Kitô tại đây đang bị bóp méo bởi bàn tay của đám con buôn Tây Phương, khi thấy những người Bồ Đào Nha vênh váo ngồi trên cáng bắt những người Ấn Độ mình trần khiêng. Còn các phụ nữ Bồ Đào Nha thì ăn mặc diêm dúa, trang sức lộng lẫy, ung dung vắt vẻo trên kiệu giữa phố, với một đám thổ dân theo sau hầu hạ. Rồi chợ bán nô lệ, những sòng bạc, những quán rượu ...[10]. Trong bối cảnh quyền bảo trợ, giai đoạn đầu Phanxicô có chút ngây thơ khi tin tưởng vào lòng đạo của vua quan có bổn phận “bảo trợ”, phần vì thấy phái đoàn được đón tiếp, được giúp đỡ, trong đó có việc tài trợ để mở trường tại Goa, phần vì quyền ấy bắt nguồn từ phán quyết của giáo hoàng. Vì thế, hoạt động của ngài lúc đầu thiên về việc mở rộng quyền bảo trợ cho nhà vua, ngài khen ngợi họ, và nhắc khác các thừa sai khác xây dựng quan hệ tốt với tổng trấn, nếu muốn cho sứ vụ tông đồ được thuận lợi. Nhưng vài năm sau (1544), khi hoạt động mục vụ và bác ái của ngài gặp nhiều khó khăn, kèm với tiếng kêu cứu từ Sri Lanca và Maluku, ngài nhận thức rõ rệt rằng vua quan trần gian vốn lo chuyện đời hơn là việc đạo. Từ nay ngài chọn lựa lên tiếng bênh vực cho thổ dân. Như trong một lá thư gửi vua nước Bồ, ngài yêu cầu ông phải nghiêm túc thực hiện những mục tiêu đã đề ra ở Châu Á [11]. Thư nhắc ông bổn phận giúp đỡ công cuộc truyền giáo, yểm trợ các chủng viện, hỗ trợ các tân tòng, và phải lưu ý đến quỹ của trẻ em mồ côi. Có thể đó cũng là lý do khiến sau này ngài chọn đi hoạt động tại Trung Hoa và Nhật Bản, nơi quyền bảo trợ còn mờ nhạt [12]. c. Ngoài ra, do những hạn chế của quan điểm thời đại về thành ngữ “ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” [13], ta thấy Phanxicô thương xót dân ngoại “nằm trong bóng tối sự chết”, coi họ là những kẻ bị mê hoặc đi thờ ma lạy quỷ. Ngài nói về các tôn giáo khác như công trình ma quỷ, và các tu sĩ của họ là tay sai của chúng. Chính vì thế, ngôn ngữ Phanxicô đượm mầu sắc của cuộc chiến đấu giữa thày Giêsu với thủ lãnh “thế gian”. Gặp bão tố, khó khăn, hay tai nạn… ngài gán tất cả đều do sự ghen tị, tức giận, và quậy phá của ác thần. Dĩ nhiên trong thâm tâm, Phanxicô yêu thương thổ dân và muốn bằng mọi cách đưa những “kẻ khốn khổ” này về vương quốc của ánh sáng. Nhưng chắc chắn ngày nay chúng ta sẽ cảm thấy xa lạ trước lời khoe về niềm vui khôn tả của ngài : “Rửa tội xong, tôi ra lệnh cho họ phá hủy những chòi thờ tượng thần, cho đập nát vụn các tượng thần, vì nay họ đã là Kitô hữu. Không bao giờ tôi có thể kể hết cho anh em là tôi vui mừng thế nào trong lòng, khi thấy các tượng thần bị phá hủy do chính tay những người từng thờ lạy tượng thần”. [14] Phải với thời gian và kinh nghiệm thực tế, cũng có thể do trình độ văn minh của Nhật và Trung Quốc, nơi ngài đang hoặc dự định hoạt động, Phanxicô sẽ nói về những văn hóa này với sự kính trọng hơn. Về Trung Hoa, ngài viết: “Người Hoa rất khéo léo và rất hiếu học, nhất là về luật lệ liên hệ đến việc trị nước. Họ rất ham hiểu biết... Họ đại lượng và nhất là rất hiếu hòa”[15]. Còn về Nhật Bản : “Chúng tôi hi vọng sẽ kể rất tỉ mỉ cho anh em về tất cả những thuận lợi mà Miyako và các đại học cống hiến để giúp người ta nhận biết Chúa Giêsu Kitô” [16]. Ngài quyết định ăn chay trường để hòa đồng với các tu sĩ Nhật Bản, vốn “không bao giờ ăn thịt hay cá, không uống rượu, chỉ ăn mỗi ngày một lần cách rất đạm bạc, chỉ ăn rau cỏ, trái cây, lúa gạo”.
Đọc lại cuộc đời của thánh Phanxicô Xavie, ta bắt gặp chân dung của một tông đồ nhiệt thành. Trên tàu từ Bồ Đào Nha đi Ấn Độ, người ta khuyên ngài nên nhận một người giúp việc, nhưng ngài từ chối. Ngài tự giặt lấy quần áo. Phần ăn, ngài nhận từ bàn vị Tổng Trấn, dùng vừa đủ, những gì còn lại chia cho người nghèo. Phòng dành riêng, ngài cho người bệnh ở, còn chính mình ra nằm ngủ ở đống thừng chão, bên cạnh những thanh niên nghèo đi tha phương cầu thực. Suốt đời thánh Phanxicô luôn sống vị tha. Ngài luôn nghĩ đến người khác, không màng đến lợi lộc, danh vọng, địa vị, và cả đến mạng sống mình nữa. Ngài quan tâm đến những gì nhỏ bé của cõi nhân sinh. Trong thư gửi thánh Ignatio, ngài hỏi thăm một phụ nữ tên Faustina về lời hứa sẽ xưng tội chịu lễ, và nhờ nhắn rằng ngài sẽ không quên bà, cả khi đã đến Ấn Độ.[17] Có khi ngài trở thành ông tơ bà nguyệt, giới thiệu một người đạo đức ở Malacca cho một cô gái mồ côi ở Goa cần lấy chồng, dù ngài chỉ nhớ được tên cha của cô [18]. Chính trái tim tình yêu ấy là động lực khiến ngài trở thành nhà du thuyết. Hầu như Phanxicô luôn trên đường đi, đi mãi không ngừng, đi để cứu rỗi các linh hồn. Theo tính toán của cha X. Léon-Dufour SJ., trong mười hai năm hoạt động truyền giáo, ngài đã vượt gần một trăm ngàn cây số, ở trên biển ba năm bảy tháng, tức là cứ ba ngày thì có một ngày trên biển, và mỗi ngày di chuyển trung bình 60 cây số [19]. Ngài làm việc từ sáng đến khuya : “Tôi bù đầu với những công tác tông đồ : giảng lễ, giải tội, hòa giải những người thù nghịch, và thăm người bệnh… giả như cùng một lúc tôi ở được bảy chỗ, thì ở đâu tôi cũng bù đầu với những hoạt động giúp đỡ tha nhân về đời sống thiêng liêng”[20]. Tận dụng thì giờ và sức lực, với những phương tiện yếu kém thời ấy, Phanxicô thường khởi sự bằng các hoạt động nhân đạo : thăm viếng bệnh nhân và các tù nhân. Ngài lắc chuông trên các nẻo đường để tập họp trẻ em lại mà dạy giáo lý. Ngài xuống miền Nam Ấn Độ để giảng cho dân thuyền chài đã được rửa tội nhưng giáo lý còn sơ sài. Để bài trừ nạn say rượu, ngài hướng dẫn họ uống thứ rượu dừa nhẹ hơn. Tại Nam Dương, nghe đồn về quần đảo có thổ dân hung dữ, thích ăn thịt người, ngài tìm đến đó mong cứu linh hồn họ. Dù là một thủ lãnh đoàn truyền giáo, Phanxicô không từ chối những công tác nhỏ bé : “Nhiều người mời tôi đến nhà họ đọc kinh cầu nguyện cho người bệnh, cũng có những người đau yếu khác đến tìm tôi. Họ không để tôi được nghỉ ngơi hay rảnh rỗi chi hết, ngoài giờ đọc Tin Mừng, dạy kinh và rửa tội cho trẻ em, còn phải dịch kinh, ấy là chưa kể an táng người qua đời. Cứ vậy, muốn đáp ứng nhu cầu của những người mời tôi hoặc đến với tôi, tôi bù đầu với công việc. Để họ đừng mất chút nào lòng tin tưởng nơi đạo và luật Chúa Kitô, tôi không được từ chối bất cứ lời yêu cầu đạo đức nào.” [21] Và cũng trong lá thư ấy, ngài hô hào cổ võ việc truyền giáo, như một người điên : “Vì thiếu người lo những việc đạo đức và thánh thiện, nên nhiều người ngoại đáng lẽ có thể theo đạo mà không theo được. Rất nhiều khi tôi có ý định về bên nhà, đến các nơi người ta học hành, để gào thét như một người mất trí, đăc biệt là ở đại học Paris. Tôi muốn đến học viện Sorbonne nói với những người hiểu biết nhiều nhưng ít muốn làm cho kiến thức của mình sinh hoa kết quả: “Vì quý vị lơ là, biết bao linh hồn thay vì được hưởng phúc vinh quang, lại phải sa địa ngục.” Ước chi khi trau dồi kiến thức, họ cũng được học biết Chúa sẽ đòi họ phải tính sổ thế nào về kiến thức và tài năng Chúa ban cho họ, hẳn là nhiều người sẽ được đánh động, tìm đến những phương tiện và những bài tập thiêng liêng giúp họ nhận ra và cảm thấy trong linh hồn mình những điều Chúa muốn. Họ có thể sẽ bỏ sở thích riêng mà theo ý Chúa hơn, và thưa với Chúa : “Lạy Chúa, này con đây. Chúa muốn con làm gì ? Xin gửi con đến nơi nào Chúa muốn, và nếu Chúa thấy là thích hợp thì gửi con đến Ấn Độ cũng được.” b. Hoạt động với anh em và trong lòng giáo hội Tình cảm của anh em trong Dòng là chỗ dựa vững chắc của Phanxicô. Ngài thường xuyên viết thư về nhà và xin anh em viết thư thật dài “sao cho chúng tôi đọc tám ngày mới hết ; và chúng tôi cũng sẽ làm như vậy”, bởi vì : “Thưa anh em, để giải trí tôi thường nhớ đến anh em và nhớ đến thời gian tôi được biết và sống với anh em” [22]. Hiện Công Hàm Lịch Sử của dòng Tên còn lưu trữ 138 tài liệu của thánh nhân, trong đó 34 tài liệu giữ được bản chính do chính tay ngài viết hoặc đọc cho người khác viết, số còn lại là bản sao. Khi Phanxicô lên đường, Hiến Luật của dòng Tên chưa được châu phê, nên thánh nhân sẽ phải tuyên đọc lời khấn trước mặt vị giám mục sở tại. Nhưng ngài luôn có lòng kính trọng đặc biệt với bề trên của mình, như trong thư gửi cha Ignatio ngày 1.2.1549 ngài viết : “Con quì gối dưới đất suốt thời gian viết thư này như thể đang ở trước mặt cha”. Tại nơi làm việc, ngài liên kết với mọi thành phần giáo hội : Giám Mục và các vị Đại Diện trong tinh thần vâng phục, với các linh mục triều, các thừa sai Phanxicô và Đaminh như những người thợ trên cùng cánh đồng truyền giáo. Ngài nhắc nhở anh em trong dòng phải hợp tác, thăm viếng, giúp đỡ, và tránh làm gương xấu cho giáo dân. Với vai trò lãnh đạo, khi sắp xếp công việc cho anh em, thánh Phanxicô hướng dẫn họ cách sống và hoạt động, an ủi khi họ gặp khó khăn, khích lệ khi thành công, sửa bảo khi cần thiết. Những lời khuyên ấy thường rất cụ thể và chân tình, như trong thư gửi cha Gaspar Berze : “Khi nói chuyện với bất kỳ ai, hãy giữ nét mặt tươi vui, đừng đăm chiêu hay buồn phiền, vì nếu người ta thấy cha đăm chiêu hay buồn phiền, nhiều người sẽ ngại gặp cha, và cha sẽ không giúp được họ. Hãy niềm nở và dịu dàng, và nhất là khi phải quở trách, hãy nói với vẻ trìu mến, giọng ngọt ngào” [23]. Bàn về tiêu chuẩn cho các thừa sai tại Ấn Độ, ngài xin bề trên cử đến những người có sức khỏe và đức hạnh, để có khả năng đối diện với hoàn cảnh khó khăn, vượt qua những thử thách, và nêu gương sáng cho mọi người. Ngay từ đầu, ngài đã nghĩ đến việc gầy dựng hàng giáo sĩ bản xứ, khi mở học viện thánh Phaolô ở Goa. Dù sau này gặp không ít khó khăn, nhưng ngài vẫn quyết tâm theo đuổi công trình này đến cùng. c. Phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa Trong thư 27.1.1545, ta thấy quan điểm của ngài có một bước tiến dài : “Xin Chúa ban cho chúng ta được biết và nhận ra ý muốn rất thánh thiện của Chúa, và khi đã nhận ra, xin Chúa ban dồi dào sức lực và ân sủng, để với đức mến, chúng ta chu toàn thánh ý ngay ở đời này.” Cũng thế, ba tháng sau trong thư gửi Mansilhas, ngài viết : “Chúa muốn chúng ta luôn sẵn sàng chu toàn thánh ý mỗi khi Người bày tỏ và cho chúng ta cảm nhận được từ trong lòng. Muốn sống tốt ở đời này, chúng ta phải làm khách hành hương để đi bất cứ đâu, đến nơi chúng ta có thể phục vụ Chúa.” Kinh nghiệm đó càng rõ nét hơn khi ngài đến Nhật Bản “Chúa đã cho chúng tôi nhận biết và cảm thấy rõ ràng ân sủng Người ban tràn lan khi đưa chúng tôi đến Nhật Bản để giải thoát chúng tôi khỏi lòng quyến luyến nhiều thụ tạo có thể ngăn cản chúng tôi gia tăng niềm tin tưởng, trông cậy và phó thác nơi Người… Ở những khu vực khác, của cải vật chất dồi dào thường trở nên nguyên nhân và cơ hội làm cho những ham muốn lệch lạc nổi lên… Chúng tôi sống với niềm hi vọng lớn là Thiên Chúa sẽ ban cho chúng tôi ơn ấy, vì tôi không đặt một chút tin tưởng nào nơi sức riêng mình, nhưng đặt trọn niềm trông cậy nơi Chúa Kitô, nơi Mẹ Maria, nơi chín phẩm các thiên thần” [24]. Theo thánh Phanxicô, có ba nguy cơ lớn của người tông đồ, đó là : 1/ Sợ hãi trước nguy hiểm khi đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. 2/ Tự phụ về những thành quả đã đạt được. 3/ Đứng núi nọ trông núi kia cao, không hết mình với công việc hiện tại, đưa đến ảo tưởng về hoạt động ở nơi khác. Cảm nghiệm sâu sắc thánh Phanxicô chia sẻ cho chúng ta vào cuối đời của ngài : Duy Thiên Chúa là tất cả, người tông đồ chẳng là gì hết. Ngài viết : “Nhiều nhà giảng thuyết có những bài giảng làm trổ sinh nhiều hoa trái... lại sa địa ngục, vì họ tự gán cho mình những điều vốn thuộc về Thiên Chúa. Tại sao ? Họ bám vào thế gian, vui mừng khi được người ta ca ngợi, càng ngày càng tự cao tự đại, rồi trở nên kiêu căng, thế là hư mất [25]. Cha Léon-Dufour SJ, sau khi giới thiệu chân dung thánh Phanxicô là một người “đi vào thế giới như một nhà chiêm niệm trong hoạt động", đã tổng kết sứ điệp rút ra từ hoạt động tông đồ của thánh nhân như sau : Linh đạo của người tông đồ không hệ tại việc làm một số việc nào, mà trước tiên cần có một nỗ lực uốn nắn bản thân theo chính đời sống của Thiên Chúa. Chúa đào luyện các tông đồ của Ngài theo dòng lịch sử : Tất cả những gì Chúa thực hiện, đều biểu lộ qua lịch sử và cuộc sống. Vị tông đồ phải chú ý để bước đi cùng nhịp với Ngài. Người ấy đón nhận các thử thách như những bài tập, được tình yêu từ phụ của Thiên Chúa gửi đến… bằng mọi giá, người ấy dám giã từ thứ hoạt động mà mình cảm thấy tự căn bản là khác ý Chúa… Khi đó Thiên Chúa ở với người ấy hiển nhiên đến nỗi người ấy không còn nhận ra mình nữa, hoạt động của người ấy dường như là một cuộc hiển linh của Thiên Chúa [26]. Xin được kết thúc bài viết bằng bằng những vần thơ của đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore, đã phản ảnh cuộc đời, nhiệt tâm cũng như tinh thần của thánh Phanxicô Xavie.
Vì vui riêng, người đã làm tôi bất tận.
Xác này cây sậy khẳng khiu,
Khi tay người bất tử âu yếm vuốt ve,
Tặng vật người ban vô biên vô tận,
Thời gian lớp lớp đi qua, người vẫn chưa ngừng đổ rót,
R. Tagore (Lời Dâng số 1) [27] [1] Ngày 2/12/2006 : Giáo phận Sài Gòn đón tiếp ba hồng y Ấn Độ, Philipines và Hồng Kông, tổ chức ngày hội 12.000 bạn trẻ tại trung tâm mục vụ. [2] Phanxicô là út trong gia đình năm chị em. Chị lớn đi tu dòng Clara, chị thứ hai lập gia đình. Hai anh trai theo binh nghiệp nhưng không thành công. [3] Ngài nhờ thánh Ignatio xin Toà Thánh ban ơn toàn xá cho các bệnh nhân, ơn toàn xá mỗi năm một lần cho các Hội viên Thiện Nguyện, ơn toàn xá vào dịp lễ thánh Tôma. Và đặc biệt xin chuyển mùa chay cho dân tại đây qua tháng bảy, vì tháng ba là mùa lao động chính trong năm của họ. (Thư gửi BT Ignatio, ngày 20-9-1542) [4] Ông Antôniô dẫn theo bốn thiếu niên đến Goa du học. Moluccas hiện nay thuộc Miền đông bắc nước Inđônêxia. [5] Lễ bậc Solemnitas. Trước đây tại Việt Nam, nếu ngày 3 tháng 12 trùng Chúa nhật, thì lịch phụng vụ sẽ xác định lễ dời qua thứ bảy. [6] Châm ngôn của Dòng Tên “Ad Majorem Gloriam Dei”. [7] Thư 15-1-1544 [8] Thư 5-11-1549 [9] Thay vì dịch vichuam, ngài dịch là venum, thư 27.3.1544 [10] Xavie Léon-Dufour, SJ, St Francois Xavie, Ed. du Vieux Colombier, 1953 [11] Thư gửi vua Gioan III, ngày 20.1.1545 [12] Xc. Philippe L’écrivain, s.j. “Thánh Phanxicô Xavie Người biết ước muốn và nhận định” bản dịch Lm Cosma Hoàng Văn Đạt SJ, mạng Vietcatholic [13] Ngày nay chúng ta hiểu : có người tưởng mình ngoài giáo hội nhưng đã ở trong, có người tưởng mình ở trong nhưng lại ở ngoài. [14] Thư gửi anh em dòng Tên ngày 27-1-1545 [15] Thư gửi BT Ignatio ngày 29.1.1552 [16] Trong thư gửi anh em dòng Tên ngày 5-11-1549, ngài nói về Nhật Bản có sáu đại học lớn Miyako, Coya, Negru, Fieson, Omy, và Bandu. [17] Thư ngày 31-3-1540 [18] Thư từ Malacca 23.6.1549 [19] Xavie Léon-Dufour, SJ, Sđd. [20] Thư Cochin 20.1.1548, gửi anh em trong Dòng tại Roma. [21] Thư viết ngày 15-1-1544. [22] Thư 18-3-1541 [23] Khi ngài chuẩn bị đi Hormuz Goa, đầu tháng 4.1549 [24] Thư trên đất Nhật, ngày 5.11.1549 [25] Thư gửi cha Gaspar Berze, tháng 4.1552 [26] Theo Xavie Léon-Dufour, SJ, Sđd. [27] R. Tagore, Tập thơ Lời Dâng – Gitanjali, bản dịch Đỗ Khánh Hoan |