Thánh Tử Đạo Việt Nam


Các ngài đã sống như thế nào?
Lm. Dr. Francis Hồ Ngọc Thỉnh

Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam: Các ngài đã sống như thế nào?

Giai đoạn lịch sử thời 117 thánh Tử Đạo Việt Nam kéo dài đúng 117 năm, tính từ hai vị tử đạo tiên khởi 1745 (thánh Phanxicô Federich Tế và Matthêu Liciniana Đậu) đến vị cuối cùng 1862 (thánh Phêrô Đa), qua các triều đại vua Lê - chúa Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức).

Để trả lời câu hỏi : các thánh tử đạo đã sống thế nào ? Chúng ta có thể chú ý đặc biệt đến các vấn đề sau :

1. Thân ái với mọi người

Người Việt Nam thường nói : "Phép vua thua lệ làng". Mặc cho triều đình nhà Nguyễn ra những chiếu chỉ bách hại, dấu hiệu tình thân giữa bà con chòm xóm đối với người Công giáo là sự kiện quá rõ rệt. Thí dụ trong vụ án linh mục Gioan Đạt, viên cai ngục nói : "Tôi thấy cụ khôn ngoan, đạo đức, thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ một cổ quan tài để biểu lộ lòng tôi quí cụ."
Chuyện hai linh mục ThiDũng Lạc, quan huyện Bình Lục nói : "Các ông là quan bên đạo, tôi quan bên đời", rồi cho lệnh cởi trói và cho dọn cơm bằng mâm bát của mình. Đến khi cho áp giải hai vị về Thăng Long, quan lập đàn tế lạy trời phật để thanh minh mình vô can trong vụ án.

Đặc biệt chuyện linh mục Vũ Bá Loan, niên trưởng 84 tuổi, được mọi người kính trọng gọi bằng "cụ", ngài không bị đòn đánh, và trong ngày xử, mười lý hình bỏ đạo chạy trốn, đến người thứ mười một, đã lịch sự xin phép : "Việc vua truyền cháu phải làm, xin cụ xá lỗi cho. Cháu sẽ cố giúp cụ chết êm ái. Khi về trời cụ nhớ đến cháu nhé".

Nhờ đâu ông câu Lê Văn Phụng, mỗi lần quan huyện đi truy lùng lại cho người đến báo trước ? Nhờ đâu linh mục Lê Bảo Tịnh được quan tổng trấn cho giấy phép mở chủng viện ? Nhờ đâu Giáo hội miền nam suốt thời Minh Mạng không có ai trong số 117 vị tử đạo ? Rồi nhờ đâu khu vực dòng Đa Minh bình an đến năm 1838, và hầu như an bình từ năm 1841-1856 ? Nhờ đâu những giám mục như Hermosilla Vọng, từng được nêu đích danh trong chiếu chỉ nhà vua, vẫn được an toàn hơn 20 năm : Thưa, nhờ những quan chức địa phương không đánh giá đạo Công giáo như nhà vua và nhờ những căn nhà "lương dân" luôn mở rộng cách hào hiệp.

Chính trong bối cảnh thân ái của đại quần chúng bình dân Việt Nam, các tín hữu đầu thế kỷ XIX có nhiều cơ may thể hiện sự gắn bó, tinh thần phục vụ và lòng bác ái của Tin Mừng. Những cuộc truy lùng thường xuyên của triều đình đã giúp các nhà thừa sai sống sát với tinh thần nghèo khó của người tông đồ và gần gũi với dân lao động trong các làng quê, sau lũy tre xanh. Đến Việt Nam, các vị liền lo việc học tiếng và phong tục. Rồi sau đó cũng ăn nước mắm, ăn tương, ăn cà, cũng nón lá, áo bà ba, áo khẩu... sống với dân Việt, sống như dân Việt, có vị suốt 15 năm không đụng đến một miếng thịt. Thế nhưng các vị vẫn vui tươi. Thừa sai Gagelin Kính gửi thư về nhà : "Những thiếu thốn, những cực nhọc đủ thứ đến với chúng tôi, nhưng tôi dám khẳng định rằng : tôi được hạnh phúc trong túp lều tranh của tôi hơn vua nước Pháp trong hoàng cung của ngài".

Đại đa số giới Công giáo thuộc thành phần nào ?

Thưa, là những người nông dân tầm thường nhất, mỗi ngày lam lũ lao động để làm xanh giải đất quê hương. Linh mục Khuông từng tuyên bố : "Đạo Giatô không những cấm tín hữu chống lại triều đình, mà còn khuyến khích để họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương an ninh thịnh vượng".

2. Tôn trọng vua quan và hết lòng vì quê hương

Hội nhập vào nền văn hóa Á Đông theo chế độ xã hội gia trưởng, Giáo hội Việt Nam đã có nét suy tư sáng tạo đặc biệt. Ngay từ thời linh mục Đắc Lộ, tín hữu Việt Nam đã coi nhà cầm quyền như một người cha, mọi người đều là con trong đại gia đình dân tộc. Linh mục Tự đối đáp với quan tòa : "Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ, và kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được".

Dĩ nhiên trong bối cảnh lịch sử "thượng tôn Tống Nho" của nhà Nguyễn, thì việc đề cao chữ hiếu hơn chữ trung đủ làm cho triều đình thêm khó chịu. Vì khi đề cao hiếu hơn trung, người Công giáo tuân lệnh vua một cách có suy nghĩ, có lựa chọn, tuân giữ luật lệ hợp lý, nhưng bạo dạn phản đối điều nghịch lý trái với lương tâm mình. Dầu sao giới Công giáo không tổ chức nổi loạn, bạo động. Giám mục Alonso Phê trong thư chung năm 1798 xác định khí giới đánh giặc bách hại "chẳng phải là súng ống gươm giáo đâu, mà là đức tin, lời cầu nguyện và đức bác ái" .

Đức cha Xuyên ra vạ tuyệt thông cho ai tổ chức bạo động và buộc những ai vu cáo ngài cổ động nổi dậy phải cải chính công khai. Giám mục Hemosilla Liêm nhắc nhở các tín hữu phải tuân giữ luật nhà phép nước, còn nếu bị vu cáo tội chính trị thì cứ an tâm, vì đức Giêsu xưa từng bị dân Do Thái lấy cớ chính trị để giết (Ga 19,12). Ngài nói tiếp : "....Phô con đừng hòa tập vuối giặc, đừng nghe chúng nói dối dá đấng ấy đấng khác sai chúng nó, vì cái ấy là không hẳn".

Là dân trong nước, các tín hữu sẵn sàng thi hành nghĩa vụ công dân, từ thuế khóa cho đến gia nhập quân ngũ. Năm 1838, nguyên tại tỉnh Nam Định, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh đã tụ tập được 500 binh sĩ Công giáo, để rồi bắt đạp lên Thánh Giá. Trong quan trường, chiếu chỉ tháng 9-1855 ra lệnh sàng lọc các quan Công giáo, cấm đạo đồ đi thi hay nhận chức vụ trong làng trong tổng. Thế mà sáu năm sau (1861), trong một đợt thanh trừng, triều đình còn bắt được 32 viên quan, ba người chối đạo, 18 bị giết, 11 bị án lưu đày.

Các thừa sai Pháp sẵn sàng làm nhân viên thông dịch cho nhà vua. Chính Minh Mạng định phong các ngài làm quan chức trong triều đình. Linh mục Gagelin Kính đại diện anh em từ chối đặc ân đó : "Tuy nhiên, những việc đó nào có thể dung hòa với nhiệm vụ linh mục của tôi, tôi sẵn sàng giúp đỡ nhà vua". Thừa sai Jaccard Phan liên tục giúp vua 10 năm, dù bị lãnh ba án tử hình: lần đầu vua giảm thành án xung quân để dịch sách, lần hai đổi thành án lưu đày chung với thừa sai Odorico Phương Ofm, vị này chết nơi rừng thiêng nước độc, còn ngài vẫn sống sót và tiếp tục dạy sinh ngữ và dịch sách cho hoàng triều. Lần cuối cùng cha tử đạo vào ngày 21-9-1838. Trước đó, nhiều người khuyên ngài bỏ trốn, ngài nói : "Không bao giờ, tôi muốn chứng tỏ phải dùng điều thiện để thắng điều ác".

Cuốn giáo lý đầu tiên cho người Công giáo Việt Nam, cuốn "Phép giảng tám ngày" (1651) của cha Đắc Lộ đã khẳng định các tín hữu theo đạo Thiên Chúa, đạo của mọi quốc gia chứ không phải đạo Phú Lãng Sa. Đến thời Lê Cảnh Hưng (1740-86), trong cuộc tranh luận bốn tôn giáo, được ghi lại trong cuốn "Hội đồng tứ giáo", hai linh mục GiaLiêm đã trả lời vấn nạn "Đạo Hoa Lang là đạo ngoại quốc" rằng :"Chớ thì đạo Phật chẳng từ Ấn Độ, đạo Nho từ nước Lỗ, đạo Lão chẳng từ đời nhà Châu ở Trung Hoa sao ?" và đã khẳng định : "Chẳng có đạo nào là đạo Hoa Lang, đạo chúng tôi là đạo Thiên Chúa, chúng tôi ước ao thiên hạ mọi nước đều biết". Linh mục Vũ Bá Loan trình bày điều đó với quan : "Tôi chẳng theo đạo của nước nào cả, tôi chỉ thờ Chúa Trời Đất, Chúa của muôn dân thôi".

Cũng vì vậy, khi quân đội Pháp tiến vào Đà Nẵng năm 1858, giới Công giáo không hề làm nội ứng như thừa sai Pelerin tưởng. Ngược lại, họ tình nguyện đi bảo vệ non sông. Có điều, vua Tự Đức đòi họ muốn tham chiến phải bỏ đạo trước đã. Tháng 7-1857, có 14 binh sĩ, một bỏ đạo, 13 bị lưu đày. Tháng 4-1858, trong nhóm 20 binh sĩ, bốn bỏ đạo, 16 bị lưu đày. Và khi tàu Pháp đến, 193 binh sĩ Công giáo chuẩn bị lên đường xuống Đà Nẵng, vì không chối đạo đã lãnh án chung thân.

Một vị tử đạo thời này là binh sĩ Trần Văn Trung, đã bị giết vì khẳng khái tuyên bố : "Tôi là Kitô hữu tôi sẵn sàng đi đánh kẻ thù của đất nước, nhưng bỏ đạo thì không bao giờ".

3. Mặn nồng tình nghĩa gia đình

Một trong những đóng góp của giới Công giáo vào cơ chế Pháp lý gia đình Việt Nam, là luật lệ một vợ một chồng. Trong giai đoạn văn hóa quá ảnh hưởng quan điểm Nho giáo "trai năm thê bảy thiếp", các tín hữu đã góp phần đề cao đạo đức thủy chung của dân tộc trong truyện trầu cau. Dĩ nhiên không phải mọi tín hữu đều trung thành với lời cam kết hôn nhân, như ông Gẫm, binh sĩ Huy, Cai Thìn, quan Hồ Đình Hy ... đã có thời gian sa ngã, thế nhưng tất cả đều biết trở về để vun đắp lại mái ấm gia đình của mình.

Trong danh sách 117, trừ một số theo đạo khi đã trưởng thành, còn những ai sinh ra trong gia đình Công giáo đều được rửa tội và giáo dục đức tin ngay từ bé. Thày Đa Minh Úy từng mạnh dạn tuyên bố, giữ vững niềm tin là giữ đạo cha ông : "Nếu tôi cả gan bước lên thánh giá, thì tôi xúc phạm đến Chúa và bất hiếu với mẹ cha. Vì song thân sinh ra tôi đã dạy tôi trung thành với niềm tin cho đến chết". Nói chung các vị tử đạo khi bị bắt không thoát khỏi tình cảm quyến luyến với người thân, có điều các vị chọn lựa Thiên Chúa và tin tưởng phó thác người thân cho Ngài. Nhiều vị đang bị giam được về thăm gia đình, đã bình tĩnh khuyên vợ con vui vẻ cho mình được chịu tử đạo, rồi tự động trở vào tù như các ông Dũng, Thuần, Ngôn, Năm Thuông. Ta có thể thấy điều đó trong vài di ngôn cuối cùng sau

(1). Ông Thọ căn dặn các con vào thăm trong tù : "Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp các con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy cố gắng vâng lời mẹ. Các con lớn hãy nhớ quan tâm săn sóc em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng vâng lời anh chị. Hãy thương yêu nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Hãy nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một thánh giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo".

(2). Y sĩ Phan Đắc Hòa thì nói : "Cha yêu thương các con và hằng chăm sóc các con, nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, yêu thương nhau và săn sóc việc nhà....".

(3). Nói đến tình nghĩa gia đình, chúng ta khó có thể quên một số hình ảnh như : linh mục Triệu vì thương mẹ già ở lại Huế ba tháng dựng nhà cho mẹ, nên mới bị bắt. Ông đội Trung có con gái được phép ở trong tù chăm sóc, nhưng ông bắt con về để kịp học giáo lý với bạn bè trong xứ. Ông Trùm Phụng tại pháp trường gặp lại con gái, cô Anna Nhiên, đã đeo cho con ảnh thánh giá ở cổ mình và nói : "Con hãy nhận lấy kỷ vật của Ba. Đây là ảnh đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, ảnh này quí hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé !". Nếu nói đến gia đình tử đạo phải kể : anh em có Anrê Tường - Vinhsơn Tương ; cha con có Án Khảm - Cai Thìn ; con rể bố vợ có Lý Mỹ - Trùm Đích.

(4). Ông Lý Mỹ vì thấy nhạc phụ là ông trùm Đích đã cao niên, mỗi cuộc tra tấn đều tự nguyện chịu đòn hai lần thay thế cho cha. Con gái ông Lý 12 tuổi, trốn mẹ vào tù thăm và thưa: "Xin cha can đảm chịu chết vì Chúa". Cậu Tường 9 tuổi, con trai ông không đi được, cũng nhắn lời : "Cha đừng lo cho chúng con, cha cứ an tâm vững lòng xưng đạo và chịu chết vì đạo". Vợ ông, bà Mỹ nói trong tiếng nghẹn ngào : "Vợ con ai mà chẳng thương tiếc nhưng ông hãy hy sinh vác thánh giá rất nặng vì Chúa. Hãy trung thánh đến cùng, đừng lo nghĩ đến mẹ con tôi. Thiên Chúa sẽ quan phòng tất cả".

Như thế, ta thấy những thân nhân của các vị tử đạo, tuy vẫn tiếc thương, vẫn buồn khóc, nhưng cũng can đảm vì tin tưởng yểm trợ tinh thần cho các chứng nhân. Chúng ta quan tâm đặc biệt đến hình ảnh một số bà mẹ.

(5). Bà mẹ của Jaccard Phan, khi nghe tin con chịu chết vì đức tin đã reo lên : "Thật là tin vui, gia đình ta có một vị tử đạo". Bà nói tiếp : "Xin chúc tụng Chúa, tôi sẽ buồn biết bao, nếu con tôi chịu khuất phục trước gian khổ và cực hình".

(6). Bà mẹ Castañeda Gia, khi em trai vị linh mục đang tìm cách báo tin sao cho khéo để mẹ bớt buồn. Bà hỏi : "Tại sao Jacinto của mẹ lại chết ? Anh ấy chết bệnh hay bị giết?". Cậu Clêmentê hỏi lại : "Vậy mẹ muốn anh ấy chết cách nào?". Bà đáp : "Mẹ mong rằng Jacinto chết vì đức tin". Clêmentê liền nói "Thưa mẹ vâng, chính vì đức tin mà anh ấy bị giết". Ngay chiều hôm đó, bà liền đến nhà thờ dòng Đa Minh để cùng với các tu sĩ hát lên lời kinh Tạ Ơn TE DEUM.

(7). Bà Maria Nhiệm, thân mẫu thánh Gẫm, năm 1870, tức là 23 năm sau cuộc tử đạo của con trai, đã đến làm chứng tại tòa án phong Chân Phước. Bà nói : "Khi nghe tin con bị giết, vợ chồng tôi không thảm thiết gì hết, chỉ nói : chết như vậy đặng làm thánh".

(8).  Nhưng hình ảnh nổi bật nhất là bà mẹ binh sĩ Anrê Trông, được đức Lêô XIII trong sắc phong chân phước năm 1900 ca tụng về lòng can trường, đã theo gương "Nữ vương các thánh Tử Đạo". Bà có mặt trong cuộc hành quyết để dâng hiến người con trai duy nhất. Bà đi cạnh con, không than khóc, không sầu buồn, lại bình tĩnh khuyên con bền chí. Và khi đầu vị tử đạo rơi xuống, bà mạnh dạn tiến vào pháp trường và nói với quan : "Đây là con tôi, xin các ông trả lại cái đầu nó cho tôi". Rồi bà mở rộng vạt áo, bọc lấy thủ cấp của người con yêu quí, đem về an táng ngay trong nhà.

(9). Linh mục Hạnh thay vì dày đạp, đã hôn kính ảnh Đức Mẹ dù bị đánh đúng 100 roi. Bà Lê Thị Thành tâm sự : "Nhờ ơn Đức Mẹ giúp sức, tôi không thấy đau đớn". Ngoài ra linh mục Schoeffler Đông trong thư, tỏ ra mừng rỡ khi biết tin mình tử đạo ngày 01-5, ngày đầu tháng hoa kính Đức Maria. Linh mục Hoan luôn đeo trên cổ áo Đức Bà cho đến giờ xử tử, ngài nói : "Ảnh này tôi không thể cho ai được. Đây là hình ảnh Đức Nữ Vương và là Bà Chúa của tôi". Linh mục Cornay Tân khi bị giam trong cũi, vẫn cất tiếng hát, lính nghe hay nên báo với quan, thế là quan bắt hát mới cho ăn, ngài kể lại trong thư rằng: "Mỗi bữa ăn tôi lại có dịp hát thánh ca chúc tụng Đức Maria".

(10). Bởi vì thực ra trong thâm tâm của các vị, cuộc tử đạo quả là một hiến tế cần nhờ Mẹ MARIA (tượng trưng cho Tình Mẫu Tử trong gia đình) làm trung gian để dâng lên Thiên Chúa, như Linh mục Théophane Vénard Ven đã ghi lại lời nguyện trong thư gửi Đức cha Theurel :

"Lạy Mẹ Vô Nhiễm, khi đầu con rơi xuống dưới lưỡi gươm của lý hình, xin nhận lấy tôi tớ nhỏ bé như trái nho chín được hái, như bông hồng nở rộ được ngắt về dâng kính trên bàn thờ. Ave-Maria ".

Thánh Vénard VEN là một linh mục trẻ, mới 31 tuổi, ăn nói rất lịch thiệp và " đẹp trai " nữa. Sáng ngày 2 tháng 2 năm 1861, ngài đã ăn mặc chỉnh tề, áo quần tươm tất, lịch sự như ngày đại lễ. Các quan chức đều khâm phục ngài nhưng phải tuân lệnh vua. Chính ngài đã từ giã các quan và nói : " Trong tương lai chúng ta sẽ gặp nhau trước toà thẩm phán của Thiên Chúa. " Một vị quan nói : " Xin ông đừng về báo oán chúng tôi nhé ". Cha đáp lại : " Tôi không báo oán nhưng sẽ cầu nguyện cho các ông ! " Tới nơi xử là pháp trường Cầu Giấy, Hà Nội, anh lý hình tên Túc dụ dỗ Cha cho tiền để anh chỉ chém một nhát cho mau và đỡ đau, nhưng Cha lại nói : " Càng lâu càng tốt ". Túc bực mình, khi chiêng trống nỗi lên ra hiệu, có ý chém cha hai nhát bể cổ vai. Hai nhát sau vào cổ nhưng không đứt, anh lấy gươm khác chém thêm một nhát nữa đầu cha mới rụng xuống đất, rồi anh cầm trên tay giơ cao, tung lên để các quan biết là cuộc hành quyết đã xong ! Thi hài cha được chôn cất ngay tại pháp trường, còn đầu của cha bị quăng xuống sông Hồng, mãi tới ngày 15 tháng 2 (gần 2 tuần sau khi bị chém) ngư phủ mới tìm thấy vẫn còn tươi tốt.

Trang chủ

Trang các Thánh