Lễ Kính Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu


Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu

Lm.Steph. Nguyễn văn Đậu

1.Têrêsa và tuổi thơ (Hài đồng Giêsu)

2. Têrêsa sống tình yêu Chúa.

3.Tình yêu Chúa chính là Đức Kitô thụ nạn (passion) và Têrêsa sống thụ nạn trong bổn phận và cuộc sống đời thường.

Trong đời sống Giáo Hội, có lẽ ai cũng đã một lần nghe biết về Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Hồi mới 9 tuổi ở làng quê, tôi cũng đã sớm biết Têrêsa, qua một pho tượng do một ông thợ đắp tại nhà ông ngoại tôi. Khi vào Chủng viện năm 1953, thì tôi biết nhiều hơn về Người, nhưng cũng chỉ biết Têrêsa là một vị Thánh nữ trẻ, Dòng kín … có nhiều nét dễ thương! Và rồi dần dần biết người nhiều hơn, cho đến ngày nay, Người là vị Thánh nữ Tiến sĩ thứ ba trong Giáo Hội. Tôi biết, khi tôn phong Đấng nào lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh, thì Hội Thánh muốn cho các tín hữu của mình học đòi Chúa Giêsu, qua học thuyết Tu Đức của vị Thánh ấy.

1. Ghi nhận lịch sử và phụng vụ

Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu qua đời tại Tu viện Carmel ở Lisieux (Pháp), ngày 30 tháng 9 năm 1897, được phong Thánh năm 1925, từ đó lễ kính Thánh nữ được mừng vào ngày 01 tháng 10 hàng năm. Người được chọn làm vị Thánh bổn mạng thứ hai của nước Pháp, cùng với Thánh nữ Jean d’arc, và bổn mạng các xứ truyền giáo (trong đó có Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam) cùng với Thánh Phanxicô Xaviê. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong Têrêsa Hài Đồng Giêsu là Tiến sĩ Hội Thánh, vị “Tiến Sĩ Tình Yêu” vào ngày 19/10/1997.

Têrêsa Hài Đồng Giêsu, tên thật là Marie Françoise Thérèse Martin, sinh tại Alençon (Normandie, Pháp) ngày 02/01/1873, là con gái út của một gia đình đã có 4 cô con gái. Mẹ của Têrêsa qua đời khi Têrêsa chưa đầy 5 tuổi. Bé Têrêsa trở nên cô bé tính khí thất thường, bối rối và hay dằn vặt, lại được cha và các chị nuông chiều. Lễ Giáng Sinh năm 1886, một cuộc “hoán cải” diễn ra nơi cô: Những thái độ trẻ con và bối rối nơi cô biến mất! Cô đạt tới sự trưởng thành lúc mới 14 tuổi. Cô xin vào sống trong Tu viện Carmel tại Lisieux, tại đây đã có 2 chị của mình đã là nữ tu. Cô được nhận vào Dòng năm 15 tuổi với tên gọi là Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan (Thérèse de l’Enfant – Jésus et de la sainte - Face). Têrêsa sống trong Tu viện Carmel ở Lisieux được 2 năm, cho tới khi qua đời; Tu viện này có 25 nữ tu, tất cả đều già hơn chị rất nhiều, trừ hai người. Kinh Thánh - đặc biệt là sách Diễm Ca và các sách Tin Mừng, và các thi ca thần bí của Thánh Gioan Thánh Giá nuôi dưỡng linh đạo của chị nữ tu trẻ, bây giờ đã đạt tới một mức thánh thiện rất cao. Năm 1893, chị Têrêsa được cử trông coi việc đào luyện các tập sinh, và năm 1894, mẹ Agnes (Bề trên nhà Carmel Lisieux, cũng là chị ruột của Têrêsa) yêu cầu chị viết hồi ký tuổi thơ của chị ; một năm sau, tập hồi ký này được xuất bản cùng với các bài viết khác trong cuốn Tiểu Sử Một Tâm Hồn. Tác phẩm này vạch cho toàn thế giới một phương pháp nên thánh đơn sơ nhưng anh hùng, “con đường nhỏ”.

2. Thông điệp của Têrêsa:

a. Vị tiến sĩ Tình yêu: Ngay từ 3 tuổi (!), Têrêsa đã nhận thức được sự cao cả của tình yêu, nên đã hứa một cách hết sức đơn sơ rằng: Không bao giờ từ chối Chúa Giêsu điều gì; cho nên khi vào Dòng Carmel, lại có cơ hội và điều kiện, để dẫn chị tới chỗ dâng hiến đời sống mình làm lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa tình thương, qua sự từ bỏ mình và phó thác hoàn toàn: “Con là tạo vật hèn mọn nhất, con biết sự khốn nạn và yếu hèn của con, nhưng con cũng biết các tâm hồn cao quý và quảng đại yêu thích làm điều thiện biết bao. Vì vậy, con nài xin Chúa, Đấng Toàn Phúc ở trên trời, xin nhận con là con Chúa …. Ôi người yêu của con, con nài xin Ngài đoái mắt ghé nhìn vô số những tâm hồn bé mọn. Con nài xin Ngài thương chọn trong thế giới này một đạo binh những nạn nhân bé mọn đang được Ngài yêu thương”. Tâm hồn của chị Têrêsa là một tâm hồn thanh tịnh và mạnh mẽ phi thường, hoàn toàn phó thác cho sự tác động của Chúa Thánh Thần và dâng hiến cho tình yêu nhân từ của Chúa, như một trẻ thơ nép mình vào lòng mẹ (Tv 130): “Ôi, con yêu Chua…lạy Chúa, con yêu Chúa”. Đó là lời cuối cùng của chị trước khi chị tắt hơi thở cuối cùng; nhưng đó lại là lời gồm tóm tất cả lý tưởng, việc làm và cuộc sống của chị, đặc biệt là trong 9 năm tại Tu viện. Có gì đơn giản hơn là hai từ tình yêu, và cũng không có gì đơn giản hơn là sống cho tình yêu, vì tình yêu!

b. Đơn sơ, nhưng anh hùng: Hồi trước, tôi hiểu biết đời sống nên thánh của chị nữ tu từ Carmel khá hời hợt, và bề ngoài với hai từ “đơn sơ – bé nhỏ”. Bởi lẽ, tôi chưa hiểu được ý sâu của phụng vụ, khi cho đọc bài Tin Mừng của Thánh Matthêu 19,14 “cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng”. Đối với Têrêsa, cách sống yêu thương không phải dễ dãi như “con nít vô lo” đối với Chúa, mà cần phải có một thái độ anh hùng. Têrêsa nhận lấy cho mình bé nhỏ như Hài Đồng Giêsu, nhưng lại có kèm theo “Thánh nhan”. Tôi hiểu, khi chị Têrêsa chọn cho mình hai tước hiệu này của Chúa Giêsu, là để chị yêu như Giêsu yêu, thụ nạn như Giêsu thụ nạn! Dường như Têrêsa muốn nói với chúng ta rằng: Khuôn mặt (thánh nhan) của Chúa Giêsu như phải được nhìn thấy trong cuộc khổ nạn (thụ nạn) của Ngài. Đó là cái thu hút chị Têrêsa. Trước đây khuôn mặt của Chúa Giêsu mà chị Têrêsa đã nhìn thấy, đó là Chúa Giêsu đang ngồi nói chuyện với người phụ nữ xứ Samaria: Khuôn mặt của sự dịu hiền của tình yêu vô biên của Người.

Nhưng hơn nữa, và cách tuyệt đỉnh của Đức Giêsu vào chính giờ phút thụ nạn của Người. Trước hết, khi Đức Giêsu mặt mày bị bầm dập bởi chịu đánh đòn, phỉ nhổ, chịu đội vòng gai quấn quanh đầu, y phục tả tơi đẫm máu, thì ông Philatô giới thiệu với đám người đang đòi đóng đinh Ngài. Ông Philatô đem Chúa Giêsu ra, nói cho dân chúng thấy mà thương “Đây là Người” (Ecce Homo). Đây là lúc Đức Giêsu chứng minh tình yêu của Ngài! Têrêsa như muốn nói rằng: Tôi muốn ở lại với Đức Giêsu, tôi muốn để Ngài chia sẻ với tôi tất cả tình yêu Ngài dành trọn cho nhân loại, kể cả khi nhân loại không thừa nhận Ngài. Tôi muốn ở lại với Ngài, vì Ngài chỉ có một mình trong cuộc khổ nạn. Tình cảm của tôi đối với “thánh nhan” Ngài, không phải là một sự si mê bệnh hoạn. Tôi nhớ rằng trên núi Tabor, Đức Giêsu đã cho phép ba môn đệ, được thấy thánh nhan sáng chói rực rỡ như mặt trời, y phục Ngài trắng tinh như tuyết. Tình yêu thật, thì không bao giờ già đi và đổi thay theo cuộc đời. Nó thâm nhập bên dưới bề mặt, để khám phá vẻ đẹp không thay đổi bên trong.

Đức Giêsu yêu chúng ta vô cùng, đến vô cùng. Tôi nghĩ về Ngài trong cơn hấp hối của Ngài, khi tình yêu của Ngài đối với chúng ta, bị chúng ta khinh dể, từ chối. Nhưng Têrêsa lại muốn ở lại với Đức Giêsu.

Chính vì vậy, không lạ gì khi chúng ta đọc thấy trong cuộc đời của mình, chị không bao giờ từ chối Chúa, mà bỏ qua những cơ hội sống hy sinh, hãm mình. Những chấp nhận ấy tuy bé nhỏ, lại âm thầm trong đời tu sĩ Carmel thường xuyên có đó. Dù tất cả như cành gai nhọn của hoa hồng mà chị muốn hái lấy.

Têrêsa hiểu rõ tình yêu của chị đối với Chúa Kitô, phải được thực hiện trong việc theo Chúa trên con đường khổ nạn, vì thế, chị đã không để rơi mất, không bỏ qua một hy sinh nào, để chị trở nên lễ hy sinh dâng lên cho Đấng là tình yêu thương xót. Chị nói: “tôi không tin là mình có thể chịu đau khổ được đến như vậy!”. Đó là nếp sống nên thánh “đơn sơ nhưng anh hùng” của Têrêsa.

Chúng ta nên học hỏi tường tận lại cuộc đời nên thánh của Thánh nữ Têrêsa, để không nhìn cái dáng vẻ bề ngoài hời hợt về Têrêsa, mà cái tình yêu sâu đậm, đậm chất “thánh nhan” của ngài ẩn kín sâu bên trong tâm hồn người nữ đan sĩ Carmel.

Têrêsa trút hơi thở cuối cùng thứ 5 ngày 30 tháng 9 năm 1897, lúc 7 giờ 20 tối, sau một cơn hấp hối kéo dài 2 ngày.

XÁC QUYẾT ĐỂ TỰ CHỈNH

1. Têrêsa được mệnh danh là vị Thánh“Tiến sĩ Tình Yêu” ở tại điều gì ?

2. Tình yêu là đặc điểm nên thánh của Têrêsa phải là tình yêu nào và thế nào ?

3. Têrêsa đơn sơ, nhưng anh hùng… gợi lên cho bạn nếp sống thế nào và để làm gì ?

Trang chủ

Trang các Thánh