Thánh Luca Tông Đồ


  Nước Thiên Chúa trong các tác phẩm của thánh sử Luca 

Linh Tiến Khải

Thánh Luca là tác giả hai tác phẩm: Phúc Âm và sách Công Vụ các Tông Đồ. Trong cả hai tác phẩm thánh sử thường nói về đề tài Nước Thiên Chúa, đặc biệt là trong Phúc Âm.

Trong khi từ “basileia” vương quốc, nước Thiên Chúa được thánh sử Mạccô dùng 20 lần, thánh sử Luca dùng nó tới 46 lần trong Phúc Âm và 8 lần khác trong sách Công Vụ các Tông Đồ. Sự kiện này nói lên tầm quan trọng của đề tài Nước Thiên Chúa và việc lưu tâm của tác giả.

 

Một trong các yếu tố đặc thù nhất của nền thần học theo thánh Luca là việc gây ý thức đối với đề tài nước cứu thế ngay trong Phúc Âm thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Thật vậy, thiên thần Chúa loan báo cho Đức Maria biết rằng Người Con do Đức Maria cho chào đời sẽ thừa hưởng ngai vua Đavít tổ phụ Người, và Người sẽ cai trị nhà Giacóp, còn hơn thế nữa vương quốc của Người sẽ vô cùng tận (Lc 1,32 tt.).

Trong các lời này của sứ thần vang vọng lên các lời sấm cứu thế về vị xuất thân từ dòng dõi vua Đavít, như có thể đọc trong sách Samuel II chương 7. Giavê truyền cho ngôn sứ Nathan nói với vua Đavít: ”Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi một người - một người do chính ngươi sinh ra - và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi” (2 Sm 7,12-13). Ngôn sứ Isaia cũng viết trong chương 9: ”Người sẽ mở rộng

quyền bính, và lập nền hòa bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đavít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9,6). Trong thị kiến kể lại ở chương 7 ngôn sứ Đaniel cũng tả cảnh Đấng Lão Thành là Thiên Chúa trao quyền thống trị cho Con người như sau: ”Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống

trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 7,14). Như thế ngôn sứ báo trước vương quyền vĩnh cửu của đấng được thánh hiến của Thiên Chúa.

Người Con của Đức Trinh Nữ sẽ hiện thực tràn đầy các lời tiên tri ấy. Không phải tình cờ mà Người Con ấy khi chuẩn bị vào thành Đavít đã được đám đông, các môn đệ và dân chúng tung hô như là vua cứu thế (Lc 19,38), nghĩa là như Đấng Kitô, tức Đấng Được Xức Dầu làm vua, vì văn bản Phúc âm thánh Luca trích lại Thánh vịnh 118,26 ” Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa”. Ngoài ra, khi bị bắt dẫn tới dinh quan toàn quyền Philatô, và bị quan hạch hỏi về tội dám xưng mình là vua, ngôn sứ thành Nagiarét đã không phản bác lời tố cáo đó, mà đã nhận mình là vua người do thái. Và lý do cái chết bị đóng đanh trên thập giá của Người đã là vương quyền cứu thế (Lc 23,38 và song song). Trong chương 23 thánh Luca thuật lại như sau: ”Toàn thể Thượng Hội Đồng đứng lên, điệu Đức Giêsu đến ông Philatô. Họ bắt đầu tố cáo Người rằng: ”Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Cesar, lại còn xưng mình là Messia, là Vua nữa”. Ông Philatô hỏi người: ”Ông là vua dân do thái sao?”. Người trả lời: ”Chính ngài nói đó” (Lc 23,1-3). Dù không tìm thấy tội nào nơi Đức Giêsu, nhưng vì sợ áp lực của người do thái, quan Philatô vẫn cho đánh đòn Người, rồi giao Người cho họ đem đi đóng đanh trên thập giá. Trên đầu Người có bản án viết: “Đậy là vua người Do thái” (Lc 23,38).

Đức Giêsu Con Trinh Nữ Maria đã tái lập Nước Thiên Chúa trên trái đất, và vương quốc Đavít đã chỉ là dấu chỉ. Thật vậy, Người đã không chỉ công bố tin mừng tự do và cứu rỗi cho người nghèo (Lc 4,16-21) và loan báo Nước Thiên Chúa trong mọi miền nước Palestina, mà còn khai mào Nước ấy với cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người nữa.

Vị ngôn sứ thành Nadarét là vua cứu thế. Người phải công bố trước hết Nước Thiên Chúa: mục đích chính việc rao giảng của Người là loan báo thưc tại thiên linh này. Phúc Âm chương 4 thánh Luca kể lại việc Chúa Giêsu rao giảng tin mừng trong miền Giuđêa, dân chúng tìm đến với Người và muốn giữ Người ở lại, nhưng Người nói với họ: ”Thầy còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì Thầy được sai đi để làm việc ấy” (Lc 4,43). Sau khi kể lại sự kiện nhiều phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ và đã yêu mến Chúa Giêsu, thánh sử Luca cũng ghi trong chương 8 rằng: ”Sau đó, Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ qủy và chữa bệnh... ” (Lc 8,1-2). Trong chương 9 thánh Luca cho biết Chúa Giêsu đã sai Mười Hai Tông Đồ đi giảng, rồi Người cùng các ông lui về miền Betsaiđa. ”Đám đông dân chúng biết thế, liền đi theo Người. Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa lành: (Lc 9,11).

Trong ba văn bản nói trên chúng ta tìm thấy 3 kiểu diễn tả đặc thù của thánh sử Luca, không có trong các Phúc Âm khác. Chúng trình bầy sứ vụ của Đức Giêsu như một dấn thân loan báo Nước Thiên Chúa. Tài liệu gốc của văn bản thứ nhất là chương 1 câu 38 Phúc Âm thánh Mạccô ghi lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ”Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Thánh sử Luca sửa lại như sau: ”Thầy còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì Thầy được sai đi để làm việc ấy” (Lc 4,43), bằng cách chỉ cho các môn đệ thấy rõ mục đích việc rao giảng của Chúa Kitô là Nước Thiên Chúa, và lồng vào đó ý tưởng Tin Mừng do Người công bố chứa đựng Nước Thiên Chúa. Trong một văn bản khác song song với văn bản của thánh Mátthêu 9,15, thánh sử Luca miêu tả hoạt động truyền giáo của Đức Giêsu và giới thiệu nó như là việc công bố và loan báo Nước Thiên Chúa trong các thành thị và làng mạc (Lc 8,1). Trong phần dẫn nhập vào trình thuật hóa bánh ra nhiều, thánh sử Luca biến tài liệu nguồn gốc của thánh Mạccô nói về việc giảng dậy của Đức Giêsu một cách tổng quát (Mc 6,34), trở thành việc loan báo Nước Thiên Chúa (Lc 0,11). Như vậy, theo thánh sử Luca, việc rao giảng của Chúa Kitô có đặc thái là loan báo Nước Thiên Chúa, vì nó chứa đựng sứ điệp ấy: ngôn sứ thành Nadarét đã giảng dậy về Nước Thiên Chúa, nên Tin Mừng của Người là Tin Mừng của Nước Thiên Chúa.

Sứ vụ của Chúa Giêsu có đặc tính là loan báo Nước Thiên Chúa, trong khi chương trình cứu độ cựu ước kết thúc với lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả. Thật thế, chính Chúa Giêsu cho chúng ta biết điều này khi khuyên các môn đệ cố gắng mà vào Nước Trời: ”Cho đến thời ông Gioan, thì có Luật và các ngôn sứ; còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào”, như thánh Luca ghi lại trong chương 16 câu 16. Văn bản song song trong Phúc Âm thánh Mátthêu 11,12 cũng có các lời lẽ giống như vậy, nhưng lại có nghĩa khác, vì thánh sử miêu tả Nước Trời như đối tượng của vũ lực: ”Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với bạo lực, và kẻ bạo lực chiếm lấy nó” (Mt 11,12). Như vậy chỉ đối với thánh sử Luca Nước Trời là yếu tố đặc thù lời rao giảng của Chúa Kitô, vì thế lời Người tập trung vào Nước Thiên Chúa và chứa đựng thực tại của Thiên Chúa. Sứ mệnh ngôn sứ của Đức Giêsu hệ tại chổ công bố tin vui nước trời, và vì vậy tin mừng của Chúa Kitô là tin mừng nước trời.

Qủa thế, kiểu nói ”loan báo nước Chúa” trong các bút tích của thánh sử Luca tương đương với câu ”loan báo lời Chúa”. Sau khi kể lại cuộc tử đạo của Phó Tế Stêphanô, trong chương 8 sách Công Vụ các Tông Đồ thánh sử Luca cho biết Giáo Hội tại Giêrusalem phải trải qua một cơn bách bớ dữ dội. Ông Phaolô thì cứ bách hại Hội Thánh, đến từng nhà lôi cả đàn ông lẫn đàn nbà đi tống ngục. Cuộc bắt bớ khiến cho các kitô hữu phải tản mác đi nơi khác: ”Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo Lời Chúa” (Cv 8,4). Trong chương 15 sách Công Vụ cũng cho biết thánh Phaolô đã dẫn một đoàn đại biểu về Giêrusalem để thảo luận với các Tông Đồ về vấn đề phải cắt bì hay không cần cắt bì cho các tín hữu không phải là gốc do thái theo Kitô giáo. Công Nghị đã quyết định không bắt các người ngoại giáo theo Kitô giáo phải cắt bì theo Luật Môshê. Phái đoàn đã đem thư của Công Nghị về cho tín hữu Antiokia, Siria và Cilicia. ”Ông Phaolô và ông Baranaba ở lại Antiokia. Cùng với nhiều người khác, hai ông giảng dậy và loan báo Tin Mừng lời Chúa” (Cv 15,35).

Nhiều văn bản khác trong sách Công Vụ nói rằng các Tông Đồ loan báo Chúa Giêsu Kitô (Cv 5,42; 8,35; 11,20). Liên quan tới điểm này tưởng nên ghi nhận sự tương xứng ý nghĩa giữa hai kiểu nói ”loan báo lời” (Cv 8,4) và ”loan báo về Nước Thiên Chúa” (Cv 8,12). Cũng thế, kiểu nói ”loan báo vương quốc” (Lc 8,1; 9,2; Cv 20,25; 28,31) xem ra đồng nghĩa với ”loan báo Đức Kitô” (Cv 8,5) và ”loan báo Đức Giêsu” (Cv 9,20; 19,13). Nói cách khác Chúa Giêsu Kitô chính là Tin Mừng sống động. Đối với thánh sử Luca Nước Thiên Chúa biểu tượng cho ”lời”. Về điẩm này việc giải thích dụ ngôn người gieo giống rất có ý nghĩa vì thánh sử Luca là người duy nhất đồng hóa hạt giống với ”lời Thiên Chúa” (Lc 8,11). Và đối với thánh sử, các dụ ngôn biểu tưởng cho các mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa (Lc 8,10), vì thế vương quốc ám chỉ lời được công bố bởi ngôn sứ thành Nadarét, hay tin vui cứu độ, hoặc tin mừng. Còn hơn thế nữa, sứ điệp này chứa đựng Chúa Giêsu, Đấng là trung tâm của việc loan báo tin mừng.

Trang chủ

Trang các Thánh