Thánh Gioan Viananey


Cha Gioan Maria Vianney
Nouvel Informateur Catholic (Canada)
Nhà báo Raymond Beaugrand-Champagne

Sưu tầm

Ngài là cha sở nổi tiếng nhất trong các cha sở chẳng phải vì là một nhà đại thông thái hay một nhân vật quyền lực. Trái lại, vị cha sở gầy guộc này chẳng có gì đặc biệt lắm. Thế mà từ khắp nước Pháp người ta tuôn đến Lyon để gặp ngài, vào thời kỳ mà việc đi lại còn nhiều vất vả và kéo dài. Danh tiếng là một linh mục thánh thiện đã biến ngài thành ngôi sao. Người ta nói rằng ngài là “một trong những vinh quang rực rở của hàng giáo sĩ Pháp”, điều đó làm ngài ghét cay ghét đắng. Ngài đã từng mong ước ẩn mình đi, làm thầy dòng Capucin hay Trappist trong một tu viện hoàn toàn im lặng và sống đời khó nghèo để tránh những kitô hữu quá hâm mộ mình.

Gioan Maria Vianney sinh ra trong một trang trại nghèo gần Lyon, ngày 8 tháng 5 năm 1786, trước Cách Mạng Pháp. Cha mẹ ngài đã hiến dâng đứa trẻ này cho Đức Mẹ ngay từ trước khi sinh ra như tất cả các anh chị em mình. Trong thời Cách Mạng Pháp, người ta cầm tù, săn đuổi và giết hại hàng ngàn linh mục và người công giáo. Thế mà Gioan Maria không sợ gì đám cách mạng này. Ngài dám “rao giảng” trong khi những kẻ nổi loạn bắt bớ linh mục và đóng cửa các nhà thờ. Thật vậy, khi còn bé con thì ngài đã bắt đầu chơi trò linh mục; thích giảng dạy những kiến thức sơ đẳng về tôn giáo cho đám bạn con nít và đôi lúc cả người lớn cũng ngạc nhiên khi nghe ngài. Ngài cũng thích tham dự những thánh lễ bí mật được cử hành “ở trong rừng” và thèm muốn nhìn các linh mục sẵn sàng chết để “đem Thiên Chúa đến cho các tín hữu”.

Gioan Maria Vianney rất ao ước được Rước Lễ Lần Đầu, nhưng phải đến năm mười ba tuổi thì mới được nhận diễm phúc này. Ta có thể hình dung được sự sốt sắng của cậu bé khi nhận lãnh Đấng mà bấy lâu nay cậu hằng yêu mến. Điều mà Gioan Maria đặc biệt yêu thích là tiếp đón những người nghèo. Cha mẹ cậu cũng vậy nên họ luôn mở rộng cửa đón tiếp những người nghèo. Có lần họ diễm phúc đón tiếp Thánh Benoît Labre, người lang thang khốn khổ danh tiếng này chết ở Roma vào năm 1783. Đám tang của Benoît Labre đã lôi cuốn cả dân làng đổ ra đường hô to lên như trong đám tang của Đức Gioan Phaolô II: “Phong thánh ngay lập tức!” (Santo subito).

Giáo Hội Công Giáo thật kỳ lạ! Dường như Giáo Hội rất hãnh diện về vẻ hào nhoáng của những khối cẩm thạch đôi khi phô trương quá đáng ở Vatican, về những tuyệt tác nghệ thuật vĩ đại ở đấy, thế mà Giáo Hội vẫn thật sự nhìn nhận những thành viên nghèo khó nhất của mình, không ngần ngại đem họ ra làm gương cho những tín hữu bằng cách phong thánh cho họ. Những gương thánh thiện này có thể là đời sống của các vị Giáo Hoàng, những người bị lưu đày, những kẻ khó nghèo và tử đạo, những Hồng Y rất khiêm tốn và ngay cả những giáo dân lang thang như Thánh Roch, chết trong tù vào năm 1327, một trong những vị thánh tiêu biểu nhất của Giáo Hội. Nhất là khi chúng ta nghĩ đến cuộc thăm viếng đáng kinh ngạc của những môn đồ đầu tiên của Thánh François d’Assise với Đức Giáo Hoàng Innocentê III vào năm 1210. Tương phản biết bao giữa vị Giáo Hoàng và những kẻ lang thang trẻ tuổi muốn được Giáo Hội công nhận! Điện ảnh đôi khi cũng thích làm nổi bật cảnh tượng nực cười này.

Cha sở họ Ars cũng là một trong những vị thánh không ngờ này. Vâng, Thánh Gioan Maria Vianney ước ao làm linh mục nhưng là một ứng cử viên rất lỏng lẻo cho chức linh mục. Nhiều khi quá thất vọng, ngài kêu cầu với một đấng thánh trong vùng là cha François Régis, Dòng Tên. Dường như con người tốt bụng này khi thấy bộ óc của ngài không thích hợp cho việc học hành nên cũng đã soi lòng mở trí cho ngài chỉ học được những gì cần thiết để chịu chức. Cuối cùng thì ngài cũng xong năm thứ nhất Triết học vào lúc 26 tuổi, nhưng chẳng mấy thành công. Như vậy là cũng đã trễ hơn 10 năm. Học bạ của ngài vẫn ghi là “quá yếu”. May mắn thay số linh mục thiếu hụt trầm trọng sau cuộc Cách Mạng nên ngài vẫn được nhận vào Đại Chủng Viện Lyon vì những tố chất tinh thần của mình.

Nhưng ở Đại Chủng Viện vẫn không ổn. Ngài bị sa thải. Một linh mục biết rõ ngài đã can thiệp và ngài được nhận lại qua một cuộc sát hạch ngắn ngủi, rồi sau đó được phong chức phụ phó tế và rồi phó tế. Gioan Maria Vianney trở thành linh mục vào ngày 13 tháng 8 năm 1815 lúc 29 tuổi. Nhưng người ta nhận ngài vì thiếu ứng cử viên nên ngài vẫn không có quyền giải tội! Tuy nhiên, ngài sẽ trở thành linh mục ở Ars và là cha giải tội được yêu mến của toàn nước Pháp. Người ta tuôn đến với ngài từ khắp nơi ngay cả triều đình. Chính nhờ cha Belley mà tân linh mục Vianney bắt đầu sứ vụ linh mục của mình. Cha Balley ôn tập cho ngài toàn bộ thần học. Vào lúc 32 tuổi, cha Gioan Maria Vianney trở thành cha sở họ Ars, một ngôi làng nhỏ mà kinh kệ lễ nghĩa rất hời hợt và hờ hững.

May mắn thay, ở đấy có vài Kitô hữu nhiệt thành, nhất là các phụ nữ quảng đại và chuyên cần. Được những giáo dân này khuyến khích, và chỉ trong vòng 5 năm, cha sở họ Ars đã tập họp lại phần lớn dân làng. Ngài thành công trong việc huỷ bỏ được tệ nạn say rượu và cả nạn phạm thượng mà ngày nay rất phổ biến ở Québec, ngay cả trên truyền hình. Cuối cùng, điều này cũng khá ngạc nhiên đối với người thời đại chúng ta, ngài dẹp luôn những buổi khiêu vũ! Làm thế nào có thể biến đổi họ Ars trong vòng 5 năm như vậy? Bằng những phương tiện truyền thống mà ngày nay không còn được sử dụng nữa: cầu nguyện liên lỉ và lâu dài, kèm theo việc ăn chay.

Từ rất sớm trước khi mặt trời mọc, ngài đã ở trước Mình Thánh Chúa trong nhà tạm, Thân Thể phục sinh của Đức Kitô (tôi nhắc điều này bởi vì ngày nay dường như người không còn biết đến điều đó nữa). Thật vậy, Đức Giêsu đã tuyên bố cách đây gần hai ngàn năm rằng: “Ai ăn Mình ta sẽ được sống đời đời”. Đây không còn là bánh nữa mà chính là Thân Thể Đức Kitô. Thánh Gioan Maria Vianney tin chắc điều đó và ngài không biết chán khi ở gần bên Đấng mình yêu mến (Cf. Pierre Blanc, Prier 15 jours avec le Curé d’Ars, Nouvelle Cité). Hàng linh mục bắt đầu chỉ trích ngài. Điều này kéo dài trong vòng 10 năm. Ngài bị tố lên Đức Giám Mục, kể những chuyên tồi tệ về ngài. Giám Mục giáo phận Belley của ngài đã bênh vực cho ngài. Không chỉ bị con người bách hại mà ngài còn bị khốn đốn với ma quỷ nữa. Ta sẽ nói rằng đó là điều không thể xảy ra. Nếu bạn nghi ngờ không biết có thật hay không thì có lẽ nên đọc tiểu sử của vị cha sở ngoại hạng này. Bạn có thể đọc thêm về gương sống của Thánh Padre Pio, linh mục Dòng Capucin mất ngày 23 tháng 9 năm 1968 và được phong thánh ngày 16 tháng 6 năm 2002. Những bằng chứng chân thật mà người ta kể lại sẽ làm cho bạn không nghi ngờ gì về ngài. Tất nhiên đây là điều tế nhị, nhất là ngày nay người ta không còn tin vào những câu chuyện như vậy nữa và cho rằng chỉ vẽ vời ra thôi.

Mệt mỏi vì chịu đựng những điều bách hại, cha sở họ Ars muốn trở thành làm tu sĩ dòng, nhưng các giáo dân giữ ngài lại. Trọn ngày sống của ngài được hiến dâng cho Chúa và các linh hồn. Ngài thức dậy lúc 1 giờ sáng và vào cầu nguyện trong nhà thờ, ngay cả trong mùa Đông. Trời vẫn còn tối mờ tối mịt thế mà ngài bắt đầu giải tội cho các phụ nữ từ xa đến. Ngài cử hành Thánh lễ vào lúc 6 hay 7 giờ sáng. Sau khi tạ ơn khoảng một khắc, ngài giải tội cho các cánh đàn ông. Khách hành hương đến với ngài để xin chữa bệnh hay cho một người nào đó trở lại. Vào khoảng 10 giờ, ngài đọc Thánh Vịnh trong Kinh Nhật Tụng rồi quay lại toà giải tội. Dạy giáo lý lúc 11 giờ là thời điểm mà giáo dân và khách hành hương yêu thích nhất. Khoảng giữa trưa, ngài ăn vài củ khoai tây đã nấu chín sẵn dành cho cả tuần. Rồi sau đó đi thăm viếng bệnh nhân có cả đoàn người đi theo. Sau kinh chiều và kinh tối, những giờ kinh chính thức cuối cùng của Giáo Hội, ngài lại giải tội, thỉnh thoảng kéo đến tận khuya không ngủ. Người ta trở lại rất đông. Giờ kinh tối rất cảm động đến rơi nước mắt vì chứng kiến được tận mắt biết bao lòng tin và nhân ái.

Cha sở họ Ars luôn nghĩ đến việc trở thành thầy dòng trappist, nhưng rồi từ bỏ ý định. Từ rất lâu, ngài đã biết trước giờ chết sẽ xảy ra vào ngày 04 tháng 8 năm 1859, lúc 73 tuổi. Vị linh mục khác thường này có trong tay rất ít phương tiện thế nhưng đã làm được những việc kỳ diệu. Khi có ai hỏi ngài rằng mình phải làm gì trong cuộc sống, ngài trả lời với một ít sốt ruột: “Ơn gọi của con à? Đó là lên Thiên Đàng!”. Cha sở họ Ars được phong thánh ngày 31 tháng 5 năm 1925, vài ngày sau Thánh Thérèse de Lisieux. Xác của vị đại thánh này, đã khô héo nhưng vẫn còn nguyên vẹn, được lưu giữ trong hòm thánh tích trưng bày trong Đền Thánh được xây dựng để tưởng niệm ngài. Người ta tuôn về đấy từ tứ phương.

Trang chủ

Trang các Thánh