Lễ Kính Thánh Phêrô và Thánh Phaolô


Thánh Phaolo biết Đức Kitô như thế nào?

Phaolô Phạm Xuân Khôi 

Bài Giáo Lý Mới VII của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô

THÁNH PHAOLÔ BIẾT ĐỨC KITÔ NHƯ THẾ NÀO

Dưới đây là bản dịch bài huấn từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong buổi triều yết chung ngày thứ tư mùng 8/10/2008 tại quảng trường Thánh Phêrô. ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý dành cho khuôn mặt và tư tưởng của Thánh Phaolô.

 

Anh Chị em thân mến,

Trong những bài Giáo Lý trước về Thánh Phaolô, cha đã nói về cuộc gặp gỡ của ngài với Đức Kitô Phục Sinh, là biến cố thay đổi cuộc đời ngài tận căn bản, và sau đó về liên hệ của ngài với Mười Hai Tông Đồ là những vị đã được Chúa Giêsu gọi, đặc biệt là với các Thánh Giacôbê, Phêrô và Gioan, cũng như liên hệ của ngài với Hội Thánh tại Giêrusalem.

Vấn nạn còn lại bây giờ là Thánh Phaolô biết gì về Chúa Giêsu khi Người còn tại thế: về cuộc đời của Người, vầ giáo huấn của Người, về cuộc Khổ Nạn của Người. Trước khi đi vào vấn đề này, chúng ta nên nhớ rằng chính Thánh Phaolô đã phân biệt hai cách để biết Chúa Giêsu, nói chung là hai cách để biết một người.

Ngài viết trong Thư Thứ Hai gửi tín hữu Côrinthô: “Cho nên từ nay trở đi chúng tôi không còn biết một ai theo xác thịt. Mặc dầu chúng tôi đã biết Ðức Kitô theo xác thịt, nhưng bây giờ chúng tôi không còn biết Người như thế nữa” (5:16). Biết “theo xác thịt”, một cách hữu hình, có nghĩa là chỉ biết vẻ bề ngoài, với những tiêu chuẩn bên ngoài: một người có thể thấy một người khác nhiều lần, nhận ra được những đặc tính về dung mạo của người ấy  và nhiều chi tiết về cách người ấy hoạt động: người ấy nói chuyện, đi đứng,… thế nào. Nhưng dù biết người nào cách này, một người vẫn không thật sự biết người ấy, một người không thể biết được cái tâm của người ấy. Chỉ với trái trái tim, người ta mới thật sự biết một người.

Thực thế, các người Biệt Phái và Xađốc đã biết Chúa Giêsu cách bề ngoài, họ đã nghe Người giảng dạy, và biết nhiều chi tiết về Người, nhưng họ đã không biết Người và chân lý của Người. Có một sự phân biệt tương tự trong những Lời của Chúa Giêsu. Sau khi Hiển Dung, Người đã hỏi các Tông Đồ: “Người ta bảo Thầy là ai?”“Các con nói Thầy là ai?” Dân chúng đã biết Người, nhưng chỉ biết cách hời hợt; họ biết nhiều điều về Người, nhưng họ đã thật sự không biết Người. Trái lại, nhở tình bằng hữu, và vai trò của con tim của các ngài, Nhóm Mười Hai ít ra là đã hiểu những điều chính yếu và đã bắt đầu học thêm về Người thực sự là ai.

Ngày nay cũng có cách hiểu biết khác nhau đó: Có nhiều cá nhân học rộng cùng biết nhiều chi tiết về Đức Kitô, và nhiều người chất phác không biết những chi tiết ấy, nhưng họ lại biết Đức Kitô và chân lý của Người: “Con tim nói với con tim”. Và Thánh Phaolô thật sự nói rằng ngài biết Đức Kitô cách ấy, bằng con tim, và rằng ngài thật sự biết con người và chân lý của Người; và rồi sau đó, ngài biết các chi tiết.

Sau khi đã nói thế, vấn đề vẫn còn lại là: Thánh Phaolô đã biết gì về cuộc đời, các lời nói, cuộc Khổ Nạn và các phép lạ của Chúa Giêsu? Dường như ngài đã chưa bao giờ được gặp Chúa Giêsu trong cuộc đời dương thế của Người. Chắc chắn rằng ngài đã học những chi tiết về cuộc đời dương thế của Đức Kitô từ các Tông Đồ và Hội Thánh Sơ Khai. Trong các Thư của ngài, chúng ta tìm thấy ba hình thức ngài dùng để nói về Chúa Giêsu tiền Phục Sinh. Trước hết, là những đề cập dứt khoát và trực tiếp. Thánh Phaolô nói về dòng dõi vua Đavid của Chúa Giêsu (x. Romans 1:3). Ngài biết Chúa có các “anh em” hay bà con họ hàng theo huyết thống (1 Corinthians 9:5; Galatians 1:19), ngài biết về việc tiến hành trong Bữa Tiệc Ly (x. 1 Corinthians 11:23). Ngài biết những câu nói khác của Chúa Giêsu, thí dụ như sự bất khả phân ly của hôn nhân (x. 1 Corinthians 7:10 vớ1 Maccabees 10:11-12), về nhu cầu mà những người rao giảng Tin Mừng cần được cộng đồng nâng đỡ như là người làm đáng được tiền công (x. 1 Corinthians 11:24-25 và Lc 22:19-20), và ngài cũng biết về Thập Giá của Chúa Giêsu. Những điều này là những đề cập trực tiếp đến những lời nói và các sự kiện trong đời sống của Chúa Giêsu.

Thứ đến, chúng ta có thể thấy từ một vài câu trong các Thư Thánh Phaolô một số ám chỉ khác nhau đã được truyền thống Nhất Lãm xác nhận. Thí dụ các lời mà chúng ta đọc trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica, theo đó thì “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm” (5:2), không thể dựa theo các lời tiên tri trong Cựu Ước mà giải thích được, bởi vì việc so sánh với kẻ trộm trong đêm chỉ được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Matthêu và Luca, như thế những lời ấy phải được trích ra từ truyền thống Nhất Lãm. Và khi một người đọc rằng Thiên Chúa “chọn sự điên dại của thế gian” (1 Corinthians 1:27-28), người ta có thể nhận ra đó là tiếng vang vọng trung thực của Giáo Huấn của Chúa Giêsu về những người đơn sơ và khó nghèo (x. Matthew 5:3; 19:30). Cũng có những lời của Chúa Giêsu trong Lễ Đại Xá cứu thế; “Lạy Cha, là Chúa Trời đất, Con cảm tạ Cha vì cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người như trẻ nhỏ.” Thánh Phaolô biết — từ kinh nghiệm truyền giáo của ngài — rằng những lời này là chân thật, những người giống trẻ nhỏ là những người có con tim mở ra để đón nhận sự hiểu biết về Đức Kitô. Cũng thế, việc nhắc đến sự vâng phục của Chúa Giêsu “cho đến chết” mà chúng ta thấy trong Philliphê 2:8 không nói về điều gì khác ngoài việc hoàn toàn sẵn lòng của Chúa Giêsu khi còn tại thế để làm trọn Thánh Ý Chúa Cha (x. Mc 3:35; Ga 4:34).

Cho nên Thánh Phaolô đã biết về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, Thập Giá của Người, và cách Người đã sống trong những giây phút cuối cùng của đời Người. Thập Giá của Chúa Giêsu và truyền thống về sự thật của Thập Giá nằm ở trọng tâm của Lời Rao Giảng của Thánh Phaolô. Một cột trụ khác của cuộc đời Chúa Giêsu mà Thánh Phaolô đã biết là Bài Giảng Trên Núi, một số yếu tố của Bài Giảng này được nhắc lại hầu như từ chương khi ngài viết cho tín hữu Rôma: “Anh chị em hãy yêu thương nhau. … Phúc cho những ai bị bách hại. … Anh chị em hãy sống hòa thuận với mọi người. … Hãy thắng sự dữ bằng việc lành”. Trong các Thư của ngài có sự diễn tả trung thực [những điều trong] Bài Giảng Trên Núi (x. Mt 5-7).

Sau cùng, chúng ta có cách thứ ba để tìm thấy lời của Chúa Giêsu trong các Thư của Thánh Phaolô: đó là khi ngài hoán chuyển truyền thống của thời Tiền Phục Sinh thành Hậu Phục Sinh. Một thí dụ cụ thể là đề tài về Nước Thiên Chúa. Đây chắc chắn là trung tâm của việc giảng dạy của Đức Kitô lịch sử (x. Matthew 3:2; Mc 1:15; Lc 4:43). Trong cách hoán chuyển của Thánh Phaolô đề tài này được thấy rõ ràng, vì sau khi Phục Sinh rõ ràng là Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh, là Nước Thiên Chúa. Khi ấy, Chúa Giêsu ở đâu thì Nước Thiên Chúa ở đó. Và như thế sự cần thiết của đề tài về Nước Thiên Chúa, mà trong đó mầu nhiệm của Đức Kitô đã được thấy trước, được biến đổi thành Kitô học.

Các giáo huấn của chính Chúa Giêsu về việc làm sao để được vào Nước Thiên Chúa cũng đúng đối với Thánh Phaolô về việc công chính hóa nhờ Đức Tin: Cả hai đòi hỏi một thái độ khiêm nhường hết sức và sẵn lòng, không tự phụ, để nhận được ân sủng của Thiên Chúa. Thí dụ, dụ ngôn người Biệt Phái và người Thu Thuế (x. Lc 18:9-14) dạy chính điều mà Thánh Phaolô bàn đến khi ngài quả quyết rằng không ai được tự khoe mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Cũng thế, giáo huấn của Chúa Giêsu về những người thu thuế và gái điếm, là những người sẵn sàng đón nhận Tin Mừng hơn những người Biệt Phái (x. Matthew 21:31; Lc 7:36-50), và quyết định ngồi ăn cùng bàn với họ của Người (x. Matthew 9:10-13; Lc 15:1-2), được tìm thấy trong học thuyết của Thánh Phaolô về mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa dành cho những người tội lỗi (x. Romans 5:8-10Ephesians 2:3-5). Bằng cách này, đề tài về Nước Thiên Chúa được đề ra bằng một phương thức mới mẻ, nhưng luôn luôn trung thành với truyền thống của Chúa Giêsu lịch sử.

Một thí dụ khác về việc hoán chuyển một cách trung thành trọng tâm giáo thuyết của Chúa Giêsu được tìm thấy trong các “tước hiệu” nói về Người. Trước Phục Sinh, Đức Kitô tự xưng mình là “Con Người”; sau Phục Sinh rõ ràng là Con Người cũng là Con Thiên Chúa. Cho nên, tước hiệu mà Thánh Phaolô thích dùng để nói về Chúa Giêsu là “Kyrios” – Chúa (x. Phil 9:11) — tước hiệu ấy ám chỉ Thiên Tính của Chúa Giêsu. Với tước hiệu này Chúa Giêsu xuất hiện trong ánh sáng sung mãn của sự Phục Sinh của Người.

Trên Núi Cây Dầu, trong giây phút “cực kỳ đau buồn” của Chúa Giêsu (x. Mark 14:36), các môn đệ, trước khi mê ngủ, đã nghe Chúa Giêsu nói với Chúa Cha và gọi Ngái là “Abba – Cha ơi”. Đây là một lời rất thân tình, giống như “bố ơi”, chỉ dành cho con cái gọi cha mình. Cho đến giây phút ấy, việc một người Hipri dùng lời như vậy mà gọi Thiên Chúa là một điều không tưởng; nhưng Chúa Giêsu, là người Con thật, nói như thế trong giờ mật thiết và gọi “Abba, Cha ơi”.

Trong Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma và Galatê, điều đáng ngạc nhiên là chữ “Abba” dùng để diễn tả liên hệ riêng cuả Chúa Giêsu với Chúa Cha được phát ra từ miệng những người được rửa tội (x. Romans 8:15; Galatians 4:6). Họ đã nhận được “Thần Khí làm Nghĩa Tử” và giờ đây mang trong chính mình họ Thần Khí này, và họ có thể nói như Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu như những con cái thật của Chúa Cha. Họ có thể gọi “Abba” bởi vì họ đã được biến đổi thành con cái trong Chúa Con.

Và cuối cùng, cha muốn vạch ra chiều kích cứu độ của cái chết của Chúa Giêsu, như chúng ta thấy trong Tin Mừng mà trong đó “Con Người không đến để được phục vụ mà để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc tội nhiều người” (Mc 10:45; Matthew 20:28). Cách diễn tả trung thực câu này của Chúa Giêsu xuất hiện trong học thuyết Thánh Phaolô về cái chết của Chúa Giêsu như là một sự giải thoát (x. 1 Corinthians 6:20), như sư cứu độ (x. Romans 3:24), như giải phóng (x. Galatians 5:1) và như hòa giải (x. Romans 5:10; 2 Corinthians 5:18-20). Đây là trung tâm của Thần Học Thánh Phaolô, là một nền thần học dựa vào câu này của Chúa Giêsu.

Để kết luận, Thánh Phaolô đã không nghĩ rằng Chúa Giêsu là điều gì lịch sử, điều gì trong quá khứ. Ngài chắc chắn biết truyền thống cao cả về cuộc sống của Người, lời nói, cái chết và sự Phục Sinh của Người, nhưng ngài không coi những biến cố đó là những gì trong quá khứ; ngài đưa các biến cố này ra như những thực tại của Chúa Giêsu vẫn còn sống. Những lời nói và hành động này của Chúa Giêsu đối với Thánh Phaolô không gắn liền với một thời điểm lịch sử, với quá khứ. Chúa Giêsu hiện vẫn sống và nói với chúng ta, và sống cho chúng ta. Đó là cách đích thực để biết Chúa Giêsu, không phải cách tự nhiên, như một người trong quá khứ, nhưng như là Chúa và Anh của chúng ta, mà ngày nay đang ở với chúng ta cùng chỉ cho chúng ta phải sống thế nào và chết thế nào.

+ĐTC Bênêđictô XVI

Trang chủ

Trang các Thánh