Lễ Kính Thánh Phêrô và Thánh Phaolô


Giáo Hội trên nền tảng Phêrô và Phaolô
LM. NGUYỄN NGỌC LONG

Nói đến Giáo Hội Công giáo Roma, ta nghĩ ngay đến hai Thánh Phêrô và Phaolô.

Thánh Phêrô là Tông đồ cả của Chúa Giêsu, vị Giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội.

Thánh Phaolô nổi danh với những thư ngài viết gửi cho các Giáo đoàn thời Giáo Hội sơ khai được liệt kê vào bộ Kinh Thánh Tân Ước, mà xưa nay các bài đọc trong các Thánh lễ thường trích dẫn ra. Các bức thư của Thánh Phaolô trong Tân Ước không chỉ là những áng văn chương mang đậm mầu sắc triết lý về đạo lý cùng về nhân sinh quan, nhưng còn là những chỉ dẫn cụ thể về Giáo lý của Chúa Kitô trong đời đức tin.

Ở ngoại thành Roma có một đền thờ được xây cất dâng kính Thánh Phaolô. Bên trong đền thờ này, trên tường chung quanh, có treo khắc hình của các ĐGH trong Giáo Hội từ vị thứ nhất tới vị đương kim. Năm vừa qua, người ta đã khám phá tìm thấy ngôi mộ của thánh Phaolô ở trong đền thờ này.

Hai đền thờ to lớn ở Rôma: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, nhắc nhớ đến hai khuôn mặt vĩ đại trong Giáo Hội.

1. Hai khuôn mặt trong Giáo Hội

Hai khuôn mặt thánh nhân to lớn cao trọng trong lịch sử Giáo Hội Công giáo đã xây dựng Giáo Hội ngay từ thuở ban đầu cách đây hơn hai nghìn năm.

Nhưng từ khi thầy dòng Aucơtinh Martin Luther bên nước Đức, ngày 31 tháng 10 năm 1517, với 95 đề tài thách thức Roma, đã tách riêng lập ra một chi nhánh giáo hội Tin Lành tự trị, dựa trên lời của Thánh Phaolô về đức tin và tự do của người tín hữu, có câu nói truyền miệng: Giáo Hội Công giáo là Giáo Hội Phêrô; Giáo Hội Tin lành thệ phản là Giáo hội Phaolô!

Chúa kêu gọi hai Thánh vào là thợ trong vườn nho cho Giáo Hội của Chúa giữa trần gian. Họ có nhiệm vụ gầy dựng Giáo Hội qua việc loan truyền đức tin vào Chúa. Đời sống lòng nhiệt thành của hai Vị, nhất là những giáo huấn của các ngài đã là những hướng dẫn tạo thành khuôn khổ nếp sống cụ thể trong Giáo Hội cho hôm qua, cho hôm nay cùng cho ngày mai.

Hai người thợ Tông đồ đó là hai khuôn mặt lớn cao trọng, có nhân cách mạnh mẽ. Dù được Chúa tuyển chọn ban ân đức là nền tảng xây dựng Giáo Hội của Người, nhưng họ vẫn là hai con người do Chúa tạo dựng. Nên mặt yếu đuối của họ, cùng sự khác biệt giữa hai Thánh nhân thuộc về thiên nhiên.

1.1. Tảng đá thiên nhiên Phêrô

Thánh Phêrô một con người sinh sống bằng nghề đánh cá ngoài sông hồ, có gia đình. Nghe Chúa Giêsu kêu gọi "hãy theo Thầy", Ông và em Ông là Anrê, liền bỏ chài lưới theo Chúa trước tiên.

Theo Phúc âm thuật lại Thánh Phêrô có tính tình bộc trực và thẳng thắn. Ông lớn tiếng tuyên xưng Chúa Giêsu là con Thiên Chúa và còn quả quyết "bỏ Thầy con biết đi theo ai, vì Thầy có Lời ban sự sống!"

Ông muốn chứng tỏ lòng tin anh hùng của mình với Chúa. Ông nhảy ra bước đi trên mặt nước. Lúc thấy chân mình càng lún sâu xuống nước, Ông hốt hoảng kều cầu Chúa: Xin Thầy cứu con với.!

Khi Chúa Giêsu bị bắt, Ông đã âm thầm bỏ chạy. Rồi nhân lúc lộn xộn, ông lẻn vào trong sân xử án Chúa Giêsu, ngồi quan sát bên đống lửa. Bị nhận diện và bị hỏi: Ông chối bỏ Chúa Giêsu, Thầy mình tới ba lần.

Dẫu vậy, Chúa không chấp tội Ông. Sau khi sống lại hiện ra với các Tông đồ, Chúa Giêsu hỏi ông ba lần về tình yêu mến Chúa. Ông quả quyết: Con yêu mến Thầy!

Căn cứ vào tình yêu mến đó, Chúa Giêsu đã chọn cắt cử ông là vị Giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội: Hãy chăn dắt đoàn chiên Giáo Hội của Thầy!

Thánh Phêrô được Chúa Giêsu kêu gọi và đặt cho là tảng đá, trên tảng đá này Người xây dựng Giáo Hội ở trần gian.

Thánh nhân là nền tảng cho sự vững chắc của những Cộng đoàn Giáo Hội lúc ban đầu, là người có mối liên lạc trực tiếp với Chúa Giêsu, là hình ảnh của mối dây bền chặt vào lòng tin tưởng phó thác nơi Chúa.

Thế giới của Thánh Phêrô thuộc vùng Ga-li-lê và nước Do Thái.

1.2. Con đường thiên nhiên Phaolô

Con đường đời sống của Thánh Phaolô hoàn toàn khác với Thánh Phêrô. Phaolô sinh trưởng trong một gia đình Do Thái sùng đạo sống ở vùng ít người Do Thái ở, xứ Tarsus bên Kilikien. Ông có nền học vấn cao vừa hấp thụ văn hoá Hy Lạp, vừa có kiến thức của nền văn hoá người Roma và vừa có sự đào tạo của một thầy giảng kinh sư theo học trường Tora phái luật sĩ Phariseo.

Là một người có học thức uyên bác, nhưng lại sinh sống bằng nghề dệt vải. Tính tình của Ông hoạt bát cùng rất hăng say với đạo giáo niềm tin. Ông không thể đứng nhìn Giáo Hội Chúa Giêsu thời sơ khai, sau khi Chúa Giêsu về trời, phát triển trong lòng Do Thái giáo được. Với Ông niềm tin vào Chúa Giêsu không phải là niềm tin chân chính. Nên ông ra sức tìm cách chống đối, diệt trừ bắt bớ những ai tin theo Chúa Giêsu.

Ông đã tham dự vào cuộc ném đá đến chết Thánh Stephanô, vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội. Nơi nào, ông nghe biết có cộng đoàn Giáo hội Chúa Giêsu, ông tìm đến nơi phá huỷ. Có thể nói ông mở cuộc "thánh chiến" chống lại Giáo Hội Chúa Giêsu vừa mới được thành lập ở Giêrusalem và những vùng lân cận.

Trên đường đến Damascus truy lùng phá hủy Giáo Hội Chúa Giêsu nơi đó, ông đã sống trải qua một khúc ngoặt trong đời mình. Bị té ngã ngựa, Chúa Giêsu hiện ra với Ông, và cho ông ơn ăn năn trở lại với Chúa. Từ ngày đó ông được ơn kêu gọi làm Tông đồ cho Chúa, ra đi xây dựng Giáo Hội Chúa nơi các dân ngoại.

Với kiến thức và lòng hăng say nhiệt thành, ông đã từ một người truy lùng bắt đạo Chúa Giêsu, trở nên người đi rao giảng bênh vực cho Giáo Hội Chúa Giêsu trong khắp các nước thiên hạ: nước Israel, nước Syria, bên miền Tiểu Á, bên Hy Lạp, vùng Balkan và sau cùng tới tận Roma.

Thánh Phaolô được mệnh danh là Tông đồ dân ngoại, không biết mệt mỏi đi khắp các nơi trên thế giới vượt hằng trăm ngàn cây số cho đức tin vào Chúa Giêsu.

Là công dân thế giới, ông có tầm nhìn trải rộng theo hướng chân trời, cùng muốn đem ánh sáng, mà ông đã được Chúa Giêsu trao vào tâm hồn ông từ ngày ngã ngựa trở lại với Chúa, đến cho con người, cho những người chưa biết Chúa là ai.

Thế giới của Ông vừa hướng lên Trời cao nơi Chúa ngự và vừa trải rộng ra hướng chân trời, nơi có con người sinh sống.

Thế giới của ông không chỉ thu hẹp trong những luật lệ sẵn có, nhưng theo sát với hoàn cảnh cuộc sống của con người thời đại.

Hai khuôn mặt xây dựng Giáo Hội với hai con đường sống khác nhau, hai cách thế rao giảng làm chứng cho Chúa Giêsu khác nhau. Nhưng họ chắc chắn đã có những lần gặp gỡ nhau, không phải chỉ để làm quen, nhưng còn tìm cách bàn bạc làm thế nào để rao giảng tin mừng của Chúa có hiệu quả cho con người.

Chắc chắn những cuộc gặp gỡ bàn thảo đó không phải lúc nào cũng diễn ra không có căng thẳng.

2. Những cuộc gặp gỡ

Sau khi ngã ngựa trở lại với Giáo Hội Chúa Giêsu, Thánh Phaolô đi tìm gặp các Tông đồ. Ông muốn được các Tông đồ công nhận mình là Tông đồ và có sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại. Điều này có thành công hay không, không có gì là chứng tích rõ ràng để lại.

Ở Antiochia hai vị Tông đồ Phêrô và Phaolô gặp nhau bàn thảo sôi nổi về phép cắt bì, bàn về những đồ ăn thức uống thanh sạch, cho những người không phải là ngươi Do Thái muốn trở lại Giáo Hội của Chúa Giêsu. Sau cùng Phaolô đã biện hộ thắng cuộc: người nào trở về với đức tin vào Chúa Giêsu, không phải chịu cắt bì như luật cũ bó buộc. Họ chỉ cần phải chịu phép Rửa thôi.

Từ lúc quen biết Phaolô đã trở lại là môn đệ trung tín nhiệt thành của Chúa Giêsu, các Thánh Tông đồ đã dần tin tưởng Phaolô trong công việc truyền giáo làm chứng cho Chúa Giêsu và cùng hợp tác làm việc chung.

Các Thánh Tông đồ chia nhau đi rao giảng cho tin mừng của Chúa. Đi tới đâu, họ qui tụ dân chúng lại, rửa tội cho họ và thành lập Giáo Hội địa phương từng vùng. Hai Thánh Phêrô và Phaolô tuy bôn ba từ Giêrusalem đi khác phương hướng sang các nước lân cận xung quanh, nhưng sau cùng hai vị đã gặp nhau ở Roma, dưới thời vua Neron, và hai vị cùng bị chết vì đạo cùng thời ở pháp trường Roma vào khoảng thời gian từ năm 60-68 sau Chúa giáng sinh.

Dẫu vậy cuộc đời hai Vị đại Thánh này vẫn gặp nhau ở điểm chung.

3. Khác biệt nhưng cùng chung đích điểm

Hai vị Tông đồ Phêrô và Phaolô trong Giáo hội Chúa Giêsu như hai đầu của một hình bầu dục giữ cho hình được thăng bằng đồng đều, cho hai đường vòng cung gặp nhau ở điểm nối kết nơi hai đầu. Theo cung cách suy luận ngày nay, người ta có thể nói: hai vị đã tôn trọng nguyên tắc đối thoại, tôn trọng xây dựng trong nhận xét phê bình. Tất cả để cho đức tin vào Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người.

Hai vị tuy khác nhau về nhiều khía cạnh, nhưng đã chấp nhận sự hiệp nhất trong bối cảnh sự khác biệt.

Hai Vị với hai tính khí thiên nhiên, hai nếp sống thiên nhiên khác nhau. Nhưng cùng được Chúa kêu gọi tuyển chọn làm Tông đồ cho Chúa.

Phêrô với tâm tính bộc trực và chân tình đầy nhiệt huyết yêu mến của một trái tim nồng cháy.

Phaolô với lòng nhiệt thành hăng say của một con người trí thức có tầm hiểu biết nhìn xa trông rộng.

Trong Giáo Hội của Chúa không đặt thành vấn đề Giáo Hội Phêrô hay Giáo Hội Phaolô. Càng không phải là chuyện bàn luận: Phêrô là người có quyền năng cai trị Giáo Hội qua hình ảnh chìa khoá trên tay, còn Phaolô là người đã thắng cuộc trong những tranh luận bàn cãi về luật lệ trong Giáo Hội qua hình cuốn sách Phúc âm và cây kiếm trên tay.

Không, hai khuôn mặt với những khác biệt đều phục vụ trong Giáo Hội với lòng đầy tin tưởng cho và vào Đấng đã tin tưởng kêu gọi họ.

Lòng tin tưởng đó là yếu tố chính cho sự sống phát triển của Giáo Hội.

Trang chủ

Trang các Thánh