Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả


 Những người mở luống cày
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP

Liên tục và đứt đoạn

Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu ông Gioan Tẩy Giả, về thân thế và sứ điệp của ông. Nơi con người này, nhân vật cuối cùng của thế hệ các ngôn sứ, cả những dấu chỉ về tính liên tục cũng như sự đứt đoạn trong cả một lịch sử dài, lịch sử duy nhất. Ðó là lịch sử cứu độ.

Gioan sống đời khắc khổ, nhiệm nhặt về thức ăn cũng như áo mặc. Thức ăn và áo mặc của ông là điển hình cho sự hối cải, cho thấy ông là người của Thiên Chúa, đổng thời khẳng định rõ rệt rằng : chỉ việc hối cải mới quan trọng, còn những nhu cầu khác chỉ là thứ yếu.

Một khi đoạn tuyệt với những nhu cầu vật chất, con người được chuẩn bị để tiếp nhận ơn thánh. Ðiều này khiến người ta liên tưởng đến nhiều ngôn sứ, nhất là đến ngôn sứ Êlia (2 V 1,8) đã từng sống trong sa mạc (1 V 17,3).

Vì thế, khi Gioan xuất hiện, người ta đã nhìn nhận ông thuộc hàng ngôn sứ. Cách sống và hành động của ông hoàn toàn phù hợp với lời ông rao giảng. Ðàng khác, hình ảnh Gioan cũng là âm vang của ngôn sứ I-sai-a : ông chính là nhân vật được loan báo trước, có nhiệm vụ dọn đường cho Ðấng Thiên Sai sẽ đến.

Ðồng thời, Gioan cũng là dấu chỉ về sự đứt đoạn. Ông đả bắt đầu rao giảng tại hoang địa chứ không phải tại thành phố hay giữa dân chúng. Vị "tiền hô" không đến với con người, trái lại, con người phải thay đổi, phải ra khỏi nơi ở của mình, ra khỏi những thói quen của mình để tìm vào hoang địa, để gặp ông. Ðàng khác, việc loan báo về Ðấng Cứu Thế không diễn ra tại Giê-ru-sa-lem, là thành thánh, thành có Ðền thờ của Thiên Chúa. Ngược lại, ""dân chúng từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng các vùng lân cận sông Gio-đan"" đều kéo đến hoang địa để nghe Gioan giảng dạy.

Sa mạc

Gioan xuất hiện nơi hoang địa để làm phép rửa và rao giảng. Trong Kinh Thánh, hoang địa hay sa mạc là trường thử thách đem lại vinh quang. Dân Ít-ra-en, sau khi ra khỏi Ai-cập, đã được Thiên Chúa hướng dẫn trong sa mạc để gặp gỡ với Thiên Chúa tại núi Xi-nai. Sa mạc tượng trưng cho sự đoạn tuyệt với văn minh bên ngoài, với tiếng động huyên náo, để trở nên hoàn toàn tự do, dễ dàng nghe tiếng Chúa (x. Hs 2,16).

Sa mạc là nơi để Thiên Chúa "nói với tâm hồn", là nơi để sám hối, để đổi mới, để ơn cứu độ được thể hiện. Sa mạc là nơi chuẩn bị, nơi để thanh luyện trước khi vào Ðất hứa. Bên bờ sông Gio-đan, nơi xưa kia dân Ít-ra-en đi vào Ðất hứa, Gioan giảng dạy và làm phép rửa, để rổi khi Ðức Giêsu đến, Người sẽ dẫn họ vượt qua sông để vào Ðất hứa đích thực. Trong sa mạc, ông là người chuẩn bị cho Ðấng Thiên Sai sắp đến một đoàn dân sẵn sàng đón tiếp Người, vì theo tương truyền, vào thời cánh chung, Nước Thiên Chúa sẽ khởi đầu từ sa mạc và Ðấng Thiên Sai sẽ xuất hiện tại đây (x. Mt 24,26).

Ngoài ra, sa mạc cũng là nơi Thiên Chúa hiện diện và bày tỏ vinh quang. Trong cuộc xuất hành, Thiên Chúa hiện diện với dân qua cột mây, cột lửa. Vinh quang Thiên Chúa còn trở lại từ bên kia sa mạc, tức là từ đất lưu đày Ba-by-lon (x. Ed 43).

Như vậy, những ai bằng lòng tìm đến sa mạc, sẽ thấy Thiên Chúa đến trong Ðức Giêsu để tỏ vinh quang của Người và được ghi ấn giao ước. Nói chung, chỉ cần nhìn vào con người và cách sống của Gioan Tẩy giả, cũng như nơi ông hoạt động, người ta cũng thấy được ý nghĩa của việc Ðức Giêsu đến.

Lời mời gọi khẩn cấp

Gioan Tẩy Giả giúp dân chúng thực hiện ba điều này : nghe rao giảng, xưng thú tội, chịu thanh tẩy để lo hối cải nhằm được tha tội là điều sẽ được ban như ân huệ của triều đại Thiên Chúa. Như thế, sứ vụ của Gioan có tính cách như một thời "toàn xá", một giai đoạn chuẩn bị bước vào thời cánh chung.

Ði vào sa mạc là chấp nhận thay đổi, là đoạn tuyệt với thế giới thường ngày. Ði vào sa mạc, không phải để "trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống", nhưng đúng ra là để hiện diện trước cái nhìn của Thiên Chúa, để chết đi cho chính mình.

Dó đó, việc đi vào sa mạc để nghe rao giảng, để chịu phép rửa không phải là một sự trốn tránh, một sự từ nhiệm, cũng không phải là tự sát. Sám hối là sáng tạo, là đổi mới, là lên đường để "sinh hoa quả". Ðó là con đường đưa đến mùa gặt, con đường hướng tới phép rửa trong Thánh Thần và trong lửa.

Khi nào "Ðấng phải đến" sẽ đến ? Không ai biết. Chỉ biết rằng "Nước Trời đã gần kề"; "cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây". Thế nên, lời mời gọi hối cải là một lời gọi khẩn cấp, người ta không thể trì hoãn. Nước Thiên Chúa đã gần bên tức là niềm hy vọng và sự chờ đợi của toàn dân sắp đến ngày toại nguyện. Ðây là cơ hội cuối cùng hiến cho mọi người. Thật là một tin quan trọng. Sám hối là đặt mình vào trạng thái chờ đợi để đón điều bất ngờ.

Lời mời gọi này gửi đến mọi người, trước hết là những người Do-thái. Ðặc ân là con cháp Áp-ra-ham không cho phép họ từ bỏ việc sám hối. Chính họ phải mở rộng tâm hồn, phải sám hối để đón nhận những điều kỳ diệu vượt xa những điều đã được Thiên Chúa thực hiện trong quá khứ. Ðặc biệt, Gioan đã tỏ ra nghiêm khắc với những người Biệt phái và Xa-đốc. Họ là những người hiểu biết, có địa vị hơn, nên càng phải tích cực hơn trong việc đón nhận Ðấng Thiên Sai. Như thế, Gioan đã nhìn thấy trước tình trạng căng thẳng giữa những nhóm này với Ðức Giêsu như Tin Mừng sẽ sẽ thuật lại.

Cuối cùng, lời kêu gọi này không phải chỉ gửi tới những người thời xưa, những thính giả hiện diện, nhưng còn gửi tới mọi người ở mọi nơi, mọi thời. Tất cả đều phải chuẩn bị đón "Ðấng đang đến".

Chỉ là người mở đường

Trong lời mời hướng tới tương lai, Gioan đã nhìn thấy rõ ràng tác động giải thoát của Thánh Thần, cũng như khả năng đáp ứng phi thường của con người.

Gioan biết trong tâm hồn có những khoảng cách - khoảng cách giữa công chính và bất lương, giữa tự do và nô lệ (tiền bạc, dục tình, nô lệ). Ông biết cần phải phá bỏ khoảng cách đó, cần phải đẩy tới. Vì vậy, ông muốn đưa con người vượt ra khỏi cảnh sống tầm thường của họ. Ông đã dìm họ trong nước, dòng nước của tự do và chờ đợi Thiên Chúa.

Trang chủ

Trang các Thánh