Tháng Các Linh Hồn - Suy Niệm


'Một Mai Tôi Sẽ Chết, Trên Đường Về Cõi Hết...'
Lm Vĩnh Sang, DCCT

Nguồn: Ephata #291

Tôi vừa đi bệnh viện thăm một người anh em Linh Mục, vốn là một bác sĩ lâu năm trong nghề. Ngài từng chăm sóc cho biết bao nhiêu người tại bệnh viện, nhưng lần này thì chính ngài lại được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Những chẩn đoán ban đầu của y khoa cho biết: ngài bị ung thư đại tràng và đã di căn vào gan. Đến bên giường bệnh, nhìn ngài nằm yên lặng mệt mỏi, nghe đâu mất máu nhiều lắm, đã phải truyền hơn 5 đơn vị máu rồi. Người anh em nói trong hơi thở nhẹ nhàng mong manh: “Phú thác cho Chúa thôi!” Người bác sĩ chữa trị, cũng là người con tinh thần của ngài, nói với chúng tôi qua hai con mắt đỏ hoe: “Trễ quá rồi!”

Mới mấy hôm trước anh em chúng tôi còn gặp nhau, còn cười nói, còn trao đổi, còn suy tư với nhau nhiều điều trăn trở, hôm nay ngài nằm đó, người bác sĩ Linh Mục đã không chẩn đoán kịp bệnh trạng của chính mình. Anh em trong Nhà thở dài: “Dao sắc không gọt được chuôi!”

Tôi trở về và dọn bài cho ngày mồng 2 tháng 11. Ngồi nghiền ngẫm với bài đọc thứ hai của giờ Kinh Sách, Thánh Ambrosio viết về cái chết nhân dịp ông Satiro (anh của ngài) qua đời: “Chớ gì mỗi ngày chúng ta tập làm quen và yêu mến sự chết, để nhờ sự tách biệt này, linh hồn chúng ta học cho biết đoạn tuyệt với các dục vọng thể xác, và một khi được đặt ở chốn cao siêu, nơi các ham muốn trần tục không thể tới cũng không khuyến dụ được nó, linh hồn đón nhận được hình ảnh của sự chết, để khỏi phải chịu hình phạt của sự chết.” (Bản dịch của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ).

Lời tuyên xưng đức tin và từ bỏ ma quỷ, từ bỏ những quyến rũ, từ bỏ những sự sang trọng của Thần Dữ ấy, chúng ta sang sảng công bố trong ngày lãnh Bí Tích Thánh Tẩy, và hằng năm trong đêm Vọng Phục Sinh ta vẫn long trọng lập lại lời tuyên bố ấy, nhưng có lẽ chưa bao giờ chúng ta mạnh mẽ đủ để thực hiện điều ấy, chúng ta luôn bị ràng buộc với những quyến rũ của thế gian, của dục vọng và đam mê. Quyền lực, tiền bạc, tình ái, hận thù, danh vọng, ...cứ mãi đeo bám ta như bóng với hình, đúng hơn như một thứ đỉa đói hút lấy máu Sự Sống của ta mà ta cứ ngỡ mình thong dong tự do ghê lắm!

Tập làm quen với cái chết, yêu mến cái chết là phương kế mà Thánh Ambrosio đề nghị chúng ta thực hành để đạt được lời cam kết. Chúng ta thường ra nghĩa địa với tâm trạng của một người sống đi cầu nguyện cho người chết, của một người con ra thăm để báo hiếu cha mẹ, của một người bạn đến thăm để vẹn nghĩa bằng hữu... chúng ta thiếu mất một cơ may để chiêm nghiệm sự chết, để yêu mến sự chết, và vì thế cũng thiếu luôn một dứt khoát với những quyến rũ của thế gian.

Cha Quang Uy biết được những ngày này tôi vẫn đang đắm mình trong mạch ý niệm suy về Sự Sống và Sự Chết nên đã tìm gửi cho tôi một bộc bạch tâm sự của nhạc sĩ thiên tài Mozart, người có tên gọi là “Amadeus”, nghĩa là “người được Thiên Chúa yêu thương”. Đây là một đoạn trích từ lá thư đề ngày 4.4.1786, Mozart gửi cho một người bạn, khi ông vừa nhận được tin thân phụ mình đang hấp hối:

”...Vì Sự Chết, xét cho thấu, là mục đích cuối cùng của cuộc sống, cho nên từ ít năm nay, tôi đã làm quen với Người Bạn thật tình và trọn hảo nhất ấy của loài người, cho đến nỗi, hình ảnh Sự Chết không những chẳng còn gì đáng khiếp sợ đối với tôi, ngược lại, đó lại là một niềm thanh thản rất an ủi cho tôi. Và tôi cảm ơn Thiên Chúa của tôi, Ngài đã cho tôi cái diễm phúc có được cơ hội để học biết và nhìn nhận Sự Chết như là chìa khóa mở cửa Hạnh Phúc cho chúng ta...

Tôi không bao giờ đi ngủ mà không nghĩ đến có thể ngày mai đây, mặc dù tôi vẫn còn trẻ trung đấy, tôi cũng sẽ không còn sống nữa! Ấy vậy mà trong tất cả những ai quen biết tôi, chẳng có ai có thể bảo rằng tôi âu sầu hay buồn chán trong lúc trò chuyện...

Mỗi ngày tôi đều cám ơn Đấng Tạo Hóa của tôi về niềm hạnh phúc ấy, và tôi cũng thành thật mong muốn cho anh em đồng loại của tôi có được diễm phúc này...”

Ngày 31.10.2006, báo Phụ Nữ có đăng một bài phỏng vấn ông Đỗ Đức Cường, người sáng chế ra máy rút tiền ATM mà ngày nay chúng ta đang quen dần với nó trên mọi ngã đường của các đô thị. Phóng viên hỏi ông: “Thời gian làm việc tại Sài-gòn, ông có hay về quê ?” – “Tôi rất thích về quê, nơi đó làm cho tôi thanh thản. Cuối mỗi tuần tôi thường về quê của các nhân viên và mỗi hai tháng lại về Quảng Ngãi quê tôi. Tôi thích ngồi cạnh mộ mẹ tôi và thích nhìn ngắm ngôi mộ của tôi đã xây bên cạnh đó...”

Phóng viên lại hỏi: “Ông bị bệnh tim, nhưng lại làm việc mỗi ngày từ 14 – 16 giờ. Phải chăng ông đang cố chạy đua với thời gian ?” – “Tôi luôn cảm thấy, nếu hôm nay mình không xong việc thì ngày mai không biết có còn cơ hội nữa không! Tôi đã chuẩn bị và biết rằng sẽ có một giấc ngủ mà tôi không thức dậy nữa. Cho nên những ngày sống một mình ở đây, tôi cũng tạo cho mình một thói quen mặc quần áo tử tế khi đi ngủ. (Bài phỏng vấn tiến sĩ Đỗ Đức Cường, “Với tôi, mẹ như một viên thuốc an thần!”, ký giả Minh Nhật, báo Phụ Nữ số 84 ra ngày 31.10.2006).

Vâng, ngồi nhìn ngắm mộ của cha hoặc mẹ, ngồi nhìn ngắm mộ của... chính mình, lòng chúng ta được thanh thản và dễ dàng chuẩn bị cho một cuộc ra đi vĩnh viễn.

Chúng ta đã ra nghĩa trang hàng trăm lần, đã bao giờ chúng ta ngồi nhìn ngắm ngôi mộ của người thân để chiêm nghiệm về cái chết và về một sự ra đi cho thanh thản lòng mình ? Nhạc sĩ Phạm Duy ôm đàn ghi-ta tự hỏi: “Một mai tôi sẽ chết, trên đường về cõi hết, tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây ?...”

Lời Chúa vẫn cứ còn đấy, hãy tỉnh thức và sẵn sàng luôn!

Trang chủ

Trang các Thánh