Hạnh Các Thánh


Ngày 30 tháng 10

THÁNH ANGÊLÔ ACRI DÒNG ANH EM HÈN MỌN
(1730)

Lời Chúa phán trong Phúc âm: “Không có ơn Cha, các con không thể làm gì được” (Ga 4,5) đã giúp các thánh nhân nhận sự yếu đuối của mình và tín nhiệm thành thực vào Chúa, vì “Ơn Chúa vẫn đủ cho các ngài” (II Cr 12,9). Và như thế chúng ta không lạ gì cũng là con người yếu hèn, các thánh lại làm được những việc lạ lùng ngoài sức tưởng tượng của con người. Tất cả các ngài đều nói được như thánh Phaolô rằng: “Tôi làm được mọi sự trong Đấng nâng đỡ tôi” (Pl 4,13). Và đó cũng là bài học tóm tắt đời sống tu đức của thánh Angêlô Acri mà Giáo hội kính nhớ hôm nay.

Thánh nhân chào đời ngày 16.10.1669, tại tỉnh Acri gần thành Napôli. Cha mẹ ngài là những người dân lương thiện, giầu lòng bác ái nhưng lại lâm cảnh nghèo nàn vất vả. Vì thế, lúc bé Angêlô tuy cũng được cha mẹ cho đi học, nhưng ngoài việc học ra, cậu còn phải chăn chiên và giúp việc nhà. Đến năm 18 tuổi, vì cảm mến lối sống khó nghèo của các anh em Dòng Hèn Mọn, Angêlô ngỏ ý với cha mẹ muốn được theo ơn kêu gọi vào dòng đó. Chiều ý con, ông bà Angêlô ưng thuận ngay. Nhưng nhập dòng chưa được bao lâu, Angêlô chán nản vì luật dòng quá nghiêm nhặt; thầy xin bề trên cởi áo dòng để trở về với đời sống cũ. Trở về thế gian rồi, Angêlô lại cảm thấy như tiếng Chúa vẫn theo đuổi mình. Vì thế, sau một tuần tĩnh tâm, ngài lại đến gõ cửa xin nhập dòng lần thứ hai. Cha bề trên vẫn vui vẻ tiếp nhận. Dầu vậy, chưa đầy hai tháng, Angêlô buộc lòng lại phải lên xin bề trên cho xuất dòng! Thấy vậy, cậu ruột của Angêlô là một linh mục thánh thiện, hết sức giúp cháu tìm biết ơn Chúa gọi. Nhờ đó sau hai năm thử thách, tâm hồn Angêlô mới lấy lại được quân bình và thầy sung sướng bước vào tu viện lần cuối cùng lúc 21 tuổi.

Từ nay Angêlô cảm thấy yên hàn sung sướng như nai khát gặp suối nước trong. Thầy chuyên cần học tập và tu luyện nhân đức để bù lại những ngày bất định khi xưa. Mười năm sau, thầy được gọi chịu chức linh mục và lĩnh sứ mạng đi rao giảng Phúc âm. Sứ mạng đó sẽ đem đến cho ngài biết bao hy sinh và tủi nhục. Thực vậy, trong những năm đầu đi giảng, ngài hay bị thính giả la ó vì bài giảng của ngài buồn chán và khó hiểu. Thất bại điển hình nhất là lần cha giảng mùa chay tại nhà thờ thánh Gêorgio năm 1702. dĩ nhiên không phải vì cha không dọn bài giảng cẩn thận, nhưng vì cha kém trí nhớ, lại nhút nhát. Vì thế, lần đầu tiên giảng tại đây, cha phải bỏ dở bài giảng lộn xộn, chưa được kết thúc! Thấy thế, bề trên dòng đòi cha về tu viện. Cha vui vẻ trở về nhận lỗi với bề trên. Tuy nhiên cha không khỏi những lúc buồn tủi vì thấy mình bất tài, và như thiếu ơn Chúa! Ngày đêm cha cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ, nhất là cho biết thánh ý Người. Một hôm đang cầu nguyện, cha nghe tiếng bảo: “Angêlô, con đừng sợ, Cha sẽ ban cho con ơn rao giảng, từ nay, việc làm của con không còn vô ích như trước nữa”. Sợ hãi, cha Angêlô hỏi lại: “Nhưng Người là ai?” – “Ta là Đấng Hằng Hữu. Từ nay về sau, con nên giảng thuyết bằng lời văn đơn sơ, rõ ràng để mọi người có thể hiểu lời con”. Cha Angêlô sung sướng đến ngất đi một hồi lâu, và chính giờ phút xuất thần đó, cha đã nhận biết điều Chúa muốn: từ nay cha chỉ chuyên giảng Kinh thánh và về Thánh giá. Cũng từ đó, thay vì ngồi viết từng mấy chục trang, cha quỳ trước nhà chầu, dọn bài giảng bằng cầu nguyện và suy gẫm. Cha múc lấy trong Thánh kinh những chân lý, những bài học cần thiết cho đời sống dân quê! Và quả nhiên từ đó lời giảng thuyết của cha vừa bổ ích cho đám dân quê ít học, vừa là món ăn tinh thần mới mẻ cho những người học thức!

Mùa chay năm 1706, Đức Hồng Y Pignatelli mời cha Angêlô đến giảng tuần đại phúc tại nhà thờ thánh Elôysiô thuộc thành phố Napôli. Cử tọa hầu hết là những người có địa vị trong thành. Họ hết sức khen ngợi và thán phục bài giảng của cha về cả nội dung lẫn hình thức. Cha Angêlô khiêm tốn dâng những lời khen ấy cho Thiên Chúa. Cũng vì lòng khiêm tốn và trong mọi việc không tìm vinh danh cho mình, nên cha mới có can đảm chịu đựng hành động ghen tương của cha xứ coi nhà thờ thánh Elôysiô. Cha này vì thấy giáo dân chê bai mình giảng kém hơn cha Angêlô, đã nổi xung và theo lòng tự ái cha cấm cha Angêlô không được phép trở lại giảng lần thứ hai, và cũng không được dâng lễ tại nhà thờ ấy nữa. Không ngần ngại, cha Angêlô vâng lời và trẩy đi ngay. Hay tin ấy, Đức Hồng y quở mắng cha xứ và cho người đi mời cha Angêlô về Napôli.

Lần khác, cha Angêlô cũng giảng bằng lời văn bình dị như mọi khi. Trong cử tọa có những người vì đến nghe theo tính tò mò hơn là muốn nhận Lời Chúa, đã bất mãn vì lời văn quá đơn sơ nhạt nhẽo của cha. Thậm chí có một luật sư đã la lên bằng một giọng khiếm nhã. Cha Angêlô bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra. Cho tới khi bỏ tòa cha mới kêu gọi: “Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đọc một kinh Kính mừng cầu nguyện cho một người sẽ gặp tai nạn rùng rợn khi ra khỏi nhà thờ này”. Mọi người đều bỡ ngỡ. Riêng luật sư vô lễ đã cười ồ lên và cho đó là lời tiên tri ngớ ngẩn! Nhưng chỉ nửa giờ sau, mọi người đều kinh ngạc và khâm phục nhân đức của cha Angêlô khi chính mắt họ chứng kiến tai nạn bất ngờ xẩy đến cho nhà luật sư ngạo nghễ kia ngay trước cửa thánh đường. Ông vấp chân ngã và bị một que nhọn đâm lòi mắt!

Mấy năm sau, từ địa vị một người canh cổng tu viện Acri, cha Angêlô được chọn làm bề trên tỉnh dòng. Tuy nhiên cha vẫn được tiếp tục đi rao giảng.

Kèm theo lời giảng có sức đánh động tâm hồn người nghe, nhiều khi Chúa còn ban cho cha quyền làm phép lạ để lời cha thêm hiệu lực. Năm 1711, tại Têrra Nova cha Phanxicô Bonifarti ngã bệnh nặng và được cha Angêlô đến chữa khỏi bằng những giọt nước thánh.

Say mê rao giảng Chúa Kitô chịu tử nạn, cha Angêlô đã làm cho các thính giả cảm động không ít. Có lần nghe cha giảng về “Mầu nhiệm khổ giá”, mọi người đều khóc nức nở. Ngài giảng không phải bằng lời, nhưng còn bằng chính cả đời sống: “Đời cầu nguyện, suy gẫm và chay tịnh. Cha yêu mến thánh giá đến nỗi sau mỗi tuần đại phúc ở một nơi xa lạ nào đó, cha hết sức vận động tìm địa điểm trồng tại đó một cây thánh giá làm như di vật để lại cho cả miền. Người ta kể: tại Menđicinô, cha đã vác một cây thánh giá rất nặng lên ngọn núi cao. Khi dựng lên rồi, thánh giá tỏa ánh sáng và ánh sáng lạ đó chữa nhiều người khỏi bệnh.

Năm 1729, khi đi giảng ở Castrovillani, cha cùng đi với thầy Anrê. Tới nơi kia phải đi qua sông, nhưng rủi thay, nước sông dâng lên cao làm cho bao nhiêu người phải quay bước. Thầy Anrê ái ngại nhìn nước sông chảy cuồn cuộn và phân vân không biết qua làm sao! Hiểu ý thầy, cha Angêlô cười nói: “Thầy đừng sợ, cứ tin tưởng vào Chúa mà bước đi”. Yên tâm, thầy Anrê bước đi theo cha Angêlô và sang bên bờ bình yên!

Chúa còn ban quyền cho cha Angêlô làm nhiều phép lạ khác, những phép lạ đó đều quy vào mục đích: hoặc giúp cha thắng vượt mọi cản trở để giúp đỡ kịp thời những người bệnh tật, hấp hối hoặc đến đúng giờ những nơi xa xôi mà ngài phải rao giảng.

Sau những năm dầy công truyền giáo và làm nhiều phép lạ khác; cha Angêlô bỗng nhiên bị mù mắt. Nhưng Chúa lại làm phép lạ cho ngài sáng mắt hầu dâng lễ và đọc kinh nhật khóa trong những ngày sau cùng của đời sống. Ngày 30.10.1730, cha lại ngã bệnh và cơn bệnh lần này đã cất mạng sống của cha. Cha qua đời tại tu viện tỉnh Acri và hưởng thọ 70 tuổi. Đức Giáo Hoàng Lêô XII đã cất cha lên bậc chân phước năm 1825.