Hạnh Các Thánh Ngày 21 tháng 10 THÁNH HILARIÔ TU VIỆN TRƯỞNG |
Thánh Giêrônimô rất cảm phục những đức tính đặc biệt của thánh Hilariô, nên đã tường thuật cuộc đời của vị thánh ngài ngưỡng mộ với rất nhiều chi tiết quý báu, làm nổi bật những nhân đức anh hùng của một vị thánh xuất sắc của thế kỷ thứ IV. Vì thế, người ta có thể tin vào giá trị lịch sử của bản tường thuật ấy. Tuy nhiên nhiều chi tiết và sự kiện có vẻ chung cho những vị thánh khổ tu thuộc mấy thế kỷ đầu như thánh Antôn, thánh Phaolô... Những trang sau đây giúp chúng ta hiểu đại cương tinh thần khổ tu của các tu sĩ đầu tiên. Hilariô sinh tại Tabatha, một thị trấn nhỏ tại Palestina cách Gaza chừng năm dặm về phía nam. Cha mẹ ngài là người ngoại giáo, do đấy người ta ví ngài như một bông hồng mọc giữa bụi gai. Hilariô học tại Alexanđria và theo khoa hùng biện. Khi đã trở thành môn đệ Chúa Giêsu, ngài xa lánh các nơi vui chơi, các hí trường. Từ đây, sở thích của ngài là lui tới các cộng đồng kitô hữu hội họp trong các giáo đường. Hilariô đã tiếp xúc với thánh Antôn tu hành và thụ giáo với thánh nhân. Sau mấy tháng, ngài trở về quê cùng với mấy tu sĩ khác. Khi cha mẹ ngài từ trần, ngài đã chia gia tài với anh em, rồi phân phát cho người nghèo khó tất cả phần gia tài riêng của ngài. Ngài tìm một nơi hiu quạnh gần Majouma thuộc hải cảng Gaza để sống đúng tinh thần một tu sĩ. Lúc ấy Hilariô mới 15 tuổi. Chiếc lều ngài trú mưa nắng chỉ cao hơn một thước, nghĩa là còn thấp hơn ngài. Vì thế phải đào sâu xuống đất để khỏi chạm đầu vào mái nhà. Ở đây Hilariô hãm mình và hy sinh tột độ: mặc áo nhặm, ăn uống kham khổ. Ngài thường ăn lúa mạch, rễ cây và rau cỏ. Bữa ăn chiều có lần ngài chỉ dùng mười lăm trái sung. Không kể những giờ cầu nguyện và đọc Thánh vịnh, thánh nhân còn làm việc chân tay như trồng tỉa, đan rổ, đan rá, theo gương các tu sĩ bên Ai cập, vì ngài thường suy gẫm lời thánh Phaolô: “Ai không làm việc thì không đáng ăn”. Đời sống hãm mình hy sinh đi đôi với việc cầu nguyện và gương nhân đức của ngài đã chiếu sáng khắp xứ, nên hầu như mọi người dân Palestina ai ai cũng nghe biết danh ngài. Lời cầu nguyện của ngài có hiệu quả chắc chắn và đã được Chúa nhận lời. Thế nên người ta đã tìm đến ngài để nhờ ngài cầu nguyện, nhất là khi họ đau yếu bệnh tật hay bị tà ma khuấy khuất. Sau đây là một trong nhiều trường hợp điển hình đã được truyền lại hay ghi chép lại: ông Ôriôn là một bậc vị vọng trong thành Aila trên bờ biển đỏ bị quỷ ám, người ta dẫn ông tới thánh nhân. Hôm ấy Hilariô đang đi bách bộ với mấy tu sĩ và bàn hỏi về Thánh kinh. Bỗng Ôriôn nhẩy chồm đến, ôm ghì lấy thánh nhân nhấc bổng lên. Mấy anh em tu sĩ la ó om sòm vì sợ hãi. Ai cũng sợ con quỷ phanh thây thánh nhân. Nhưng ngài bình tĩnh trả lời cách vui vẻ: “Anh em hãy yên lặng! Cứ để mặc tôi với huấn luyện viên thể dục của tôi xem sao!” Thánh nhân đưa tay về đàng sau, túm lấy tóc ông Ôriôn lôi hắn về phía trước. Thánh nhân xiết chặt tay hắn, dẵm lên chân nạn nhân và kêu lên: “Hỡi lũ quỷ, hãy chịu thua đi, hãy chịu thua đi! Lạy Chúa Giêsu, xin tháo gỡ cho người khốn nạn này, xin phóng thích kẻ tù tội này! Dầu có một hay nhiều quỷ đi nữa, thì cũng chỉ có mình Chúa mới có thể trừ khử được”. Khi Ôriôn được phóng thích, ông trở lại cùng thánh nhân, đem theo nhiều tặng vật để tạ ơn ngài. Nhưng ngài từ chối và đáp lại rằng: “Ông không biết Giêdi và Simon đã phải phạt như thế nào? Người thứ nhất vì đã nhận tiền, người thứ hai vì đã đút tiền; người trước thì muốn ban ân sủng của Chúa Thánh Thần, người sau lại muốn mua bán ơn Chúa”. Nhưng Ôriôn xin rằng: “Xin ngài vui nhận rồi ban phát cho kẻ nghèo!” Hilariô đáp lại: “Nếu chính ông đi phân phát tiền của ông cho người nghèo khó hẳn còn giá trị và có ảnh hưởng hơn tôi nhiều. Riêng tôi, tôi đã từ bỏ mọi tài sản của tôi. Tại sao tôi lại còn tìm kiếm của cải của người khác. Đối với nhiều người, kẻ nghèo hèn là một dịp để họ phô trương những tình thương đích thực thì không có gì là giả tạo. Chẳng ai ban phát nhiều hơn người không giữ lại chi cả... Ông đừng buồn vì tôi không nhận, tôi làm phiền lòng Chúa, và bầy quỷ sẽ trở lại ám ông chăng”. Tiếng đồn thổi càng ngày càng tăng thêm, vì thế cả những người ở Syria hoặc Ai cập cũng tìm hết cách để đến gặp ngài. Nhiều người, sau khi được ngài chữa cho khỏi bệnh hoặc khỏi quỷ ám đã xin theo ngài để làm môn đệ ngài. Cũng có người tình nguyện sống khắc khổ vì cảm phục sự thánh thiện của ngài. Tuy có nhiều người làm phiền lòng ngài, nhưng vì lòng nhân từ, không bao giờ ngài từ chối những người đến nhờ cậy ngài cứu giúp phần hồn. Các tu sĩ sống với ngài không phải là những vị thánh, nên thường có nhiều tu sĩ còn vương vấn danh vọng và của cải. Thánh nhân lợi dụng mọi hoàn cảnh để giáo dục những người chưa có tinh thần tu sĩ đích thực. Đây là một trường hợp điển hình. Hôm ấy vào ngày chủ nhật, thầy Sabas mời cha Hilariô, các anh em tu sĩ và mọi người ra thưởng ngoạn vườn nho của thầy, với mục đích để được khen lao. Nhưng thánh nhân đáp: “Đáng nguyền rủa cho những kẻ nào tìm cách nuôi lòng tự ái hơn là lợi ích linh hồn! Ta hãy cầu nguyện cho, hãy đọc thánh vịnh để Chúa vườn nho thánh hóa chính người thợ vườn nho của Ngài”. Hilariô rất nghiêm khắc đối với nhiều tu sĩ vì thiếu đức tin, đã lo lắng để dành của cải về sau hoặc quá lo lắng về tiền bạc. Lúc 63 tuổi, khi thấy tu viện mỗi ngày một phát triển, lại thêm số bệnh nhân và người hành hương tuốn đến như nước chảy, làm náo động vùng sa mạc xưa nay vẫn yên lặng, cha Hilariô tỏ vẻ hối tiếc và nhiều lần ngài đã nói với các tu sĩ: “Sống trong hoàn cảnh nhộn nhịp hiện nay, phải chăng chúng ta đã lĩnh nhận được phần thưởng đời sau rồi! Nếu thế thì khốn khổ quá. Chúng ta phải lo sống ẩn dật và thinh lặng để mai ngày đáng được vui hưởng hạnh phúc trên trời”. Thánh nhân được Chúa cho biết những việc tương lai kín nhiệm. Như một hôm, có một tu sĩ mời ngài đi thăm thánh Antôn tu hành, ngài đáp: “Ta rất mong tới đó, nếu như ta không bị giam giữ ở tu viện này và nếu như cuộc hành trình này không đem lại sự đau khổ: vì đã từ hai hôm nay, loài người đã mất một vị cha già thánh thiện”. Sau này người ta hiểu rằng ngài có ý nói tới việc thánh Antôn đã qua đời. Người ta không muốn cho thánh Hilariô đi đâu xa. Một hôm ngài cưỡi lừa ra đi, cốt ý tìm nơi thanh vắng để náu thân tụng niệm, nhưng người ta hay biết và từng đoàn lũ kéo ra nhất định ngăn cản không cho ngài đi. Thánh Hilariô bình tĩnh quỳ cầu nguyện, không kêu ca, không phân giải nửa lời. Sau bảy ngày, nhận thấy thánh nhân vẫn cương quyết ra đi, người ta mới chịu để ngài được tự do. Thánh nhân đến sa mạc gần Athrôđitôn và ở đó với hai tu sĩ. Chẳng bao lâu, người ta lại tuốn đến xin ngài cầu nguyện và chữa bệnh cho họ, nên ngài lại định trốn đến Alexanđria chung sống với các tu sĩ gần Bruchium. Nhưng rồi một hôm, lúc trời đã xế chiều, thánh nhân lại ngỏ ý ra đi, các tu sĩ nài nẵng xin ngài lưu lại. Ngài đáp: “Cha đi để anh em buồn sầu. Rồi ra anh em sẽ hiểu tại sao cha đã ra đi đột ngột thế này”. Quả nhiên, sáng hôm sau, binh lính đã tới vây nhà dòng có ý tìm bắt ngài theo sắc lệnh cấm đạo của Hoàng đế mới ban hành. Nhưng họ đã không tìm thấy ngài. Chính vì thế, bọn họ kháo láo với nhau rằng: “Đúng như người ta đồn: ông này là một tên phù thủy biết được chuyện tương lai”. Đó là thời Hoàng đế Julianô. Chính ông ra lệnh phá hủy tu viện của thánh Hilariô ở Gaza và cho lệnh tầm nã ngài khắp nơi. Vì thế, Hilariô phải đến trú ẩn tại một ốc đảo. Nhưng không được một năm, tiếng nhân đức và ảnh hưởng phép lạ ngài làm lại vang dội khắp miền, người ta tuốn đến với ngài mỗi ngày một đông, đến nỗi ngài không còn biết trú ẩn nơi đâu nữa. Giữa lúc ấy, Ađrianô, đồ đệ của ngài từ Palestina tới báo tin cho ngài biết là Hoàng đế Julianô đã băng hà, và Hoàng đế nối ngôi là người công giáo. Thánh Hilariô vui mừng trở về tu viện Gaza, bấy giờ đã thành nơi hoang phế. Tại đây, ngài đã sống những năm cuối đời trong sự thinh lặng và mai danh. Thánh nhân hưởng thọ 80 tuổi. Lúc hấp hối, mắt ngài mở rộng, tâm hồn như bị nung đốt, ngài kêu lên: “Ra đi, ngươi sợ gì? Hồn ta ơi, ra đi thôi, tại sao ngươi còn do dự? Ngươi đã phụng sự Chúa Kitô gần 70 năm trời, vậy mà còn sợ chết ư?” Nói rồi ngài tắt thở. Thánh Hilariô ghi lại cuộc đời của ngài vào khoảng năm 386-391. Hình như thánh Giêrônimô đã tìm được dấu tích của thánh Hilariô khi ngài sang Palestina, và ngài say mến tới nỗi đã muốn coi thánh Hilariô như là một thánh Antôn thứ hai. Nguyện xin thánh Hilariô bầu cử trước tòa Chúa cho chúng con được lòng khiêm tốn, biết khinh chê danh vọng và của cải thế gian, để đời này, chúng con tận tình phụng sự Chúa trong chính đời sống thầm lặng và mai ẩn của chúng con, và mai sau được cùng ngài vui hưởng phần phúc trên trời. |