Hạnh Các Thánh Ngày 16 tháng 10
THÁNH NỮ HÊVIGÊ |
Silêsia là một đồng bằng khá rộng và phì nhiêu, được tưới gội bởi giòng sông Ođu đổ xuống từ mấy ngọn núi miền Bohême. Thắng cảnh của Silêsia là ngọn đồi Trebnitz cao chừng ba trăm thước, nằm ngay ven bờ sông Ođu. Suốt thời Trung cổ, Silêsia là miếng mồi ngon cho các xứ lân cận như Balan, Tiệp khắc và Đức quốc tranh giành. Vì thế năm 1182, Silêsia bị phân đôi với quận công Henricô I chiếm cứ miền nam Silêsia. Quận công Henricô đây chính là phu quân của thánh nữ Hêvigê mà chúng ta kính nhớ hôm nay. Hêvigê là một trong tám người con của bá tước Andechs. Thánh nữ có hai người anh làm giám mục, một em gái làm bề trên nữ tu viện và một người nữa làm hoàng hậu nước Hungari, tức thánh nữ Êlizabeth mà Giáo hội mừng lễ vào ngày 19 tháng 11 hằng năm. Ngay từ khi mới lên bốn tuổi, Hêvigê đã được cha mẹ gửi vào một tu viện để học chữ nghĩa và giáo lý. Trong số các chị em ở đây, Hêvigê được liệt vào hàng xinh đẹp và khôn ngoan nhất. Thực vậy, tuy còn ít tuổi, nhưng Hêvigê đã biết nói năng, cư xử và làm việc như một cô gái trưởng thành. Tới tuổi thành hôn, Hêvigê được cha mẹ hứa gả cho quận công Henricô. Với cuộc đời mới, là phu nhân của quận công Henricô, Hêvigê đã tỏ ra là một người nội trợ đảm đang và nhân đức. Ngài sinh hạ được tất cả sáu mặt con: ba trai ba gái. Với căn bản đạo đức được hấp thụ khi còn bé, thánh nữ rất để ý đến việc chăm lo cho con cái nên người đạo hạnh hơn là lo cho chúng có địa vị. Ngài dạy dỗ con bằng gương sáng, bằng sự tìm hiểu tâm lý của con hơn là bằng sự truyền khiến và trách mắng. Ngài thường nói: “Con tôi là của Chúa, tôi phải chăm sóc để chúng trở nên những công dân của Nước Trời”. Với đường lối giáo dục tốt đẹp như thế, thánh nữ không những đã làm tròn bổn phận của một người mẹ, mà còn đủ can đảm để vâng theo ý Chúa khi Người cất các con về lúc chúng còn thơ ấu. Thực vậy, tuy sáu lần sinh con, nhưng sau cùng thánh nữ chỉ còn lại người con gái thứ ba tên là Giêtruđê, sau làm tu viện trưởng tại Trebnitj. Tuy ở địa vị giầu sang phú quý, thánh nữ vẫn một mực trung thành với đức khó nghèo của Phúc âm. Ngài ăn mặc những đồ rẻ tiền. Đôi khi được người ta tặng vải vóc, lụa là quý thì ngài chỉ tìm dịp nhường lại cho những người giúp việc trong nhà. Khác với các bà quý phái thời bấy giờ, thánh nữ ít khi đi dự các cuộc giải trí công cộng, trái lại, ngài thường dành thời giờ ấy để đến nhà thờ suy niệm lời Chúa. Đối với thánh nữ, Thánh vịnh và Phúc âm là hai món ăn thiêng liêng mà không bao giờ ngài chán. Nhờ đời sống đạo đức ấy, ngài đã gây được nhiều ảnh hưởng trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Chính vì thế mà sau khi thánh nữ từ trần, người ta đã nhận ngài làm bổn mạng chung của nước Ba lan và cách riêng của các bà hiền mẫu. Nhưng người chịu ảnh hưởng trực tiếp hơn cả có lẽ là chính quận công Henricô. Lúc còn thanh niên, ông chơi bời phóng túng, nhưng dần dần noi gương người vợ hiền, ông đã cải hóa và trở thành một người gia trưởng gương mẫu, người công chức chính trực và bác ái. Năm 1209, chính quận công Henricô đã ngỏ ý cùng với thánh nữ khấn giữ đức thanh tịnh đôi bạn. Thực ra, trước kia hai ông bà vẫn có thói quen kiêng cữ không gần gũi nhau trong mùa vọng, mùa chay và các ngày bốn mùa. Hồi ấy Hêvigê mới 30 tuổi. Ít lâu sau, thánh nữ vào sống trong tu viện mà chính ngài đã bỏ tiền xây cất và con gái ngài hiện làm bề trên. Còn quận công Henricô cũng xin vào ở bậc trợ sĩ tại một nhà dòng nam. Thật là một việc ít có nơi các gia đình. Vào sống trong tu viện, thánh Hêvigê đã treo gương sáng cho các chị em về hai nhân đức: khiêm nhường và nhẫn nại. Khi bà bề trên, tức con gái của thánh nữ ngỏ ý muốn chuẩn cho thánh nữ một vài quy luật dòng, lập tức ngài quỳ xuống và thưa: “Nếu con yêu mẹ, con hãy xử với mẹ như một chị em rốt nhất trong nhà. Mẹ ước được như thế ngay khi mẹ bước chân vào tu viện này. Và đây là một điều ngoài luật dòng mà mẹ muốn con đặc cách cho mẹ, đó là mỗi lần chị em xuống phòng ăn, mẹ muốn được quỳ trước cửa để hôn từng người”. Thánh nữ còn xin được làm những việc hèn hạ trong nhà và ngài đã chu toàn một cách rất cẩn thận và nhân đức. Ngài tỏ ra nhẫn nại khi làm việc, khi coi sóc bệnh nhân, nhất là trong cách đối đãi với chị em. Mặc dầu tuổi đã cao, thánh nữ vẫn dễ tính và vui tươi với hết mọi người, kể từ người nhỏ tuổi cho tới người mới bước chân vào tu viện. Không những để cho chị em mặc sức bông đùa, thánh nữ còn tìm dịp làm vui cho chị em nữa. Quả thực, tuy cao niên nhưng tâm hồn ngài vẫn tươi trẻ; một sự trẻ trung và vui tươi của những người con cái Chúa và của những tâm hồn trong sạch tràn đầy ơn Chúa. Phải, lòng thánh nữ không tràn đầy ơn Chúa sao được, vì ngài vẫn có một tâm hồn chiêm niệm. Ngài yêu mến thánh lễ cách đặc biệt. Một linh mục đã viết về ngài như sau: “Đối với thánh Hêvigê, chỉ lễ Misa mới làm cho ngài được thỏa mãn”. Ngoài ra, thánh nữ cũng ưa đọc hạnh các thánh để tìm ở đó những mẫu mực nên thánh thích hợp cho mình. Một hôm, có chị em hỏi tại sao thánh nữ thích đọc truyện các thánh, ngài đáp: “Tôi thích đọc vì tôi yêu mến các thánh, và chúng ta phải yêu mến các thánh, vì các ngài là những bông hoa Chúa ban để chúng ta thưởng thức và nhìn ngắm. Các thánh cần thiết cho chúng ta, nếu chúng ta muốn các ngài đến với chúng ta trong giờ chết thì điều kiện duy nhất là chúng ta phải yêu mến các ngài”. Người ta cũng không thể nào bỏ qua những việc hãm mình phạt xác mà thánh nữ Hêvigê đã làm để được tiến cao trên đường thánh thiện. Được biết thánh nữ ăn chay nỗi tuần ba ngày. Trong những ngày ấy, ngài thường uống một thứ nước lá cây rất đắng mà ngài bảo là để thay thế chất giấm chua mà Chúa đã uống xưa. Hơn nữa, vào mùa đông, thánh nữ chỉ mặc một áo vải thô với chủ đích bắt chước Chúa chịu trần trụi trên thánh giá. Đời sống thánh Hêvigê thực là đời cầu nguyện và hãm mình đáng cho chúng ta phải tự thẹn. Chắc hẳn vì thế, mà cũng như nhiều vị thánh khác, thánh nữ Hêvigê đã được ơn làm nhiều phép lạ ngay lúc sinh thời. Xin đan cử một vài trường hợp tiêu biểu: Ngày kia, ngài đã cầu nguyện cho một vị linh mục người Pháp khỏi chết khi còn đang bị vạ vì tội phạm thánh. Lần khác ngài đã làm dấu thánh giá dập tắt lửa đang bốc cháy ngùn ngụt trên mái nhà. Ngoài ra Chúa còn cho ngài biết trước ngày qua đời của quận công phu quân. Càng về cuối đời, thánh nữ càng được Chúa cho làm nhiều sự lạ và đoán biết những điều kín nhiệm. Sau hết, thánh nữ cũng được Chúa cho biết trước ngày giờ Chúa sẽ gọi mình về nước trời. Vì thế, sau hai tuần lâm bệnh, thánh Hêvigê xin bà bề trên cho chị em đến đứng quanh giường cùng đọc với ngài ca vịnh sám hối để giúp mình dọn mình chết. Đọc xong, thánh nữ xin lỗi mỗi người và hứa về trời sẽ cầu nguyện cho tất cả. Sau hết, thánh nữ xin chịu lễ. Khi vừa nuốt trôi Mình Thánh Chúa và thốt ra được hai tiếng kêu: “Lạy Chúa, lạy Chúa”, thánh nữ từ từ nhắm mắt lại và từ trần cách yên hàn. Hôm ấy là ngày 15 tháng 10 năm 1243. Thi hài thánh nữ được mai táng trọng thể tại nhà nguyện tu viện, sau được đưa về nhà thờ chánh tòa Trebnitj. Thánh Hêvigê được phong hiển thánh ngay năm 1267, nghĩa là sau khi qua đời được 24 năm. Tại Trebnitj, người ta sùng kính thánh nữ cách đặc biệt. Không kể những nhà thờ được xây cất và mang tên thánh nữ, còn nhiều hội đoàn, nhiều phong trào từ thiện cũng nhận thánh nữ làm bổn mạng. Ngày nay vẫn còn một hội dòng gọi là “Hội các chị em thánh Hêvigê” mà chủ đích là chuyên lo việc giáo dục trẻ em và sống theo quy luật thánh Âutinh. Ngoài ra, thánh nữ còn là bổn mạng của các bà mẹ công giáo và toàn thể đất nước Ba lan. Xem như vậy, đối với các thánh, chết là bắt đầu sống, và sống một cách mãnh liệt và phong phú. Thật là chí lý vậy.
-o0o- THÁNH MAGARITA MARIA ALACỐC Giữa lúc con người ngủ vùi trong tiền tài, khoái lạc và danh vọng, Magarita Maria đã xuất hiện như một vì sao sáng, một tiếng gọi khẩn cấp cảnh tỉnh nhân loại bỏ đường tội lỗi trở về với Thánh Tâm Chúa. Magarita Maria sinh năm 1647, trong một gia đình quý tộc và đạo đức tại làng Lautêcourt bên Pháp. Magarita có năm anh em, người anh cả là Giacôbê cũng đi tu, làm linh mục. Vì lòng mến Chúa, ngay từ nhỏ Magarita đã khấn giữ mình đồng trinh, tận hiến trót đời sống cho Thiên Chúa. Dù còn trẻ người non dạ và chưa hiểu đi tu là gì, cô cũng ao ước được vào sống trong tu viện để dễ đọc kinh, nguyện ngắm. Nhiệt thành tôn thờ Chúa, Magarita cũng hết lòng yêu mến Đức Mẹ. Cô lần chuỗi mỗi ngày và trong khi lần chuỗi, cô quỳ cúi mình hôn đất khi hết một chục hạt. Năm 1656, ông thân sinh qua đời, Magarita được gửi học nội trú trong nữ tu viện Charolla. Chính nơi cô được diễm phúc chịu lễ lần đầu. Khi ấy cô chẵn chín tuổi. Trong những giờ chơi tại lưu xá, Magarita thường đến góc sân hay chỗ nào vắng người quỳ cầu nguyện. Cô xin Chúa thực hiện điều cô vẫn hằng mong ước, là được vào tu trong nhà dòng. Nhưng nhiệm ý của Chúa còn muốn thử thách Magarita trước khi trao cho cô một sứ mệnh quan trọng. Mẹ cô ốm liệt giường lâu năm, gia tài khánh kiệt, nên cô phải về nuôi mẹ. Trong thời gian sống tại quê nhà, Magarita đã tỏ ra rất hiếu thảo đối với mẹ. Chính công việc bề bộn và vất vả của gia đình đã giúp Magarita hiểu sâu về giá trị việc thánh hóa hằng ngày. Do đó cô đã tiến mạnh trên đường tận hiến cho Chúa và bác ái với tha nhân. Magarita vẫn chăm chỉ lần hạt, viếng Chúa và hãm mình nhiều. Giường cô nằm là một tấm ván sần sùi. Cô chỉ có một bộ sách thiêng liêng là hạnh các thánh, cô say mê đọc và cố gắng noi gương bắt chước các ngài. Qua thời gian thử thách, Magarita được phép mẹ và các anh cho tự do vào dòng. Đầu tiên Magarita định xin nhập tu viện thánh nữ Usula tại tỉnh Macôn. Nhưng một tiếng bí nhiệm đã thầm bảo: “Ta không muốn cho con tới tu ở đó, nhưng Ta muốn con xin vào dòng Đức Mẹ”. Trước tiếng gọi thầm kín đó, cô sung sướng thưa lại: “Lạy Chúa, con xin vâng ý Chúa. Con muốn đến tu trong một tu viện mà không ai biết đến con. Con muốn sống mai danh ẩn tiếng vì tình yêu Chúa”. Thế rồi ngước đôi mắt mờ lệ nhìn lên ảnh chuộc tội, Magarita kêu xin: “Ôi lạy Chúa Cứu Thế, thật hạnh phúc cho con biết bao, nếu Chúa in hình ảnh đau thương khổ cực của Chúa vào tấm thân non dại này. Lạy Chúa, con khẩn khoản nài xin Chúa ban cho con ơn trọng ấy, mặc dầu con chẳng đáng”. Ngày 20 tháng 6, cô được nhận vào dòng Đức Mẹ Thăm Viếng tại Pharây. Sau hai tháng chị được mặc áo nhà tập và chính thức mang tên là Magarita Maria, khi ấy thánh nữ chẵn 22 tuổi. Thời gian trôi qua, ngày 26.10.1672, thánh nữ khấn trọn đời và được bề trên trao cho việc coi sóc hai con lừa. Tuy là một công việc nhỏ mọn, hèn hạ, thánh nữ phải suốt ngày vất vả chăn nuôi hai con vật. Với tinh thần tận hiến và hy sinh, chị luôn làm tròn nhiệm vụ. Năm sau bề trên sai chị săn sóc các bệnh nhân. Nhận nhiệm vụ mới, chị Magarita đem hết thiện chí thi hành nhiệm vụ. Ai ai trong bệnh viện cũng thấy nơi thánh nữ một tâm hồn khiêm tốn, nhiệt thành và bác ái bao la. Ma quỷ thấy thánh nữ lập nhiều công phúc, chúng tìm mọi cách ám hại ngài. Lần kia, trong lúc thánh nữ chăm chú làm nhiệm vụ, ma quỷ đến cám dỗ để ngài chán nản, chúng nói: “Chao ôi! Vô ích, không làm nên gì đâu, chỉ là công dã tràng thôi. Chúa Giêsu đã bỏ chị từ lâu rồi”. Không nản sợ, thánh nữ quỳ xuống cầu nguyện: “Lạy Chúa, con quyết yêu một mình Chúa, dù Chúa có bỏ con, đầy đọa con... con cũng xin nhận rằng: Chúa làm như thế chỉ vì yêu con mà thôi. Xin Chúa giúp con luôn trung thành và kiên chí làm trọn mọi việc vì yêu Chúa và bác ái với tha nhân”. Dường như để tiên báo cho thánh nữ biết con đường mà mai ngày thánh nữ phải bước qua, con đường đầy chông gai và đau khổ, lần kia, Chúa đã cho ngài xem thấy một cây thánh giá to, kết đầy hoa và nói: “Hỡi con, đây là giường nằm của những nữ tu khấn giữ mình trinh khiết, nhưng con nên biết trước rằng, rồi đây những cánh hoa tươi thắm kia sẽ rơi hết, chỉ còn trơ lại những gai nhọn”. Quả thế, bao nhiêu biến cố đau thương đã lần lượt xẩy đến đè nặng trên con người thánh nữ: quả thật càng thương mến ai, Chúa càng gửi xuống cho họ nhiều thử thách. Lần kia, thánh nữ đang quỳ chầu Thánh Thể, thì Chúa Giêsu hiện ra tỏ Trái Tim cho ngài và nói: “Trái tim Cha quá yêu mến loài người đến nỗi ngọn lửa tình yêu trong Trái tim Cha muốn bùng cháy ra”. Và từ đấy, Chúa đã đặt trong trái tim thánh nữ những vết thương tình yêu. Thánh nữ luôn cảm thấy đau nhói bên cạnh sườn. Và cũng từ đấy, cứ mỗi thứ sáu đầu tháng, Trái tim Chúa Giêsu lại hiện ra với thánh nữ, dưới hình mặt trời đỏ chói như một bầu lửa. Theo tiếng gọi của Thánh Tâm và để phạt tạ tội lỗi loài người, thánh Magarita xin mẹ bề trên cho phép thức dậy cầu nguyện từ mười một giờ tối tới mười hai giờ đêm, nhưng bà mẹ bề trên không ban phép, cho là ngớ ngẩn. Sau ít lâu thánh nữ lâm bệnh nặng. Từ trước đến giờ mẹ bề trên cũng như hầu hết các chị em trong dòng đều ngờ vực vì những lần Chúa hiện ra và những lời thánh nữ thuật lại, nên khi thấy thánh nữ lâm bệnh, họ liền đặt điều kiện bảo ngài phải cầu xin với Chúa cho khỏi bệnh. Magarita khiêm tốn cầu xin Chúa và Chúa đã nghe lời. Việc thánh nữ khỏi bệnh như là phần thưởng Chúa ban cho ngài và như ơn thêm đức tin cho các chị em dòng. Tháng 6 năm 1657, Chúa Giêsu lại hiện ra với thánh nữ và dạy rằng: “Trái tim Cha quá yêu mến loài người... nhưng ôi! Loài người đã đáp trả lại bằng những vong ân bội nghĩa. Nhất là những kẻ đã dâng mình cho Cha lại làm cực lòng Cha hơn hết. Vì thế, Cha muốn con dâng một lễ vào ngày thứ sáu, tức là ngày thứ tám sau lễ Mình Thánh, để phạt tạ và tôn thờ Thánh Tâm Cha”. Chúa cũng tha thiết xin thánh nữ làm giờ thánh đêm thứ năm rạng sáng thứ sáu đầu tháng và siêng năng chịu lễ kêu gọi mọi người phạt tạ Thánh Tâm. Lần khác, trong lúc thánh nữ quỳ bên góc vườn thờ lạy Thánh Thể, Chúa lại hiện ra có các thiên thần bao quanh ca hát và thờ lạy. Với lòng yêu mến và tâm tình phạt tạ, thánh Magarita muốn loan truyền tiếng nói của Thánh Tâm Chúa cho mọi người. Nhưng khổ thay, còn bao nhiêu chướng ngại phải vượt qua: vì nghi kỵ những sự kiện đã xảy ra và những lời lẽ Magarita kể lại, mẹ bề trên nại đến ý kiến các nhà thần học. Và chính nhà thần học được mời đến cũng thẳng nhăït kết án thánh nữ. Họ cho rằng thánh nữ vì yếu thần kinh nên mắc phẳi chứng bệnh yên trí. Bản án này đã khiến cho các chị em dòng từ trước đã nghi nan thánh nữ, nay lại càng đố kỵ thêm. Dù bị bao nhiêu hiểu lầm, bao nhiêu hiềm ghét, Magarita vẫn âm thầm chịu đựng và cầu nguyện, tìm mọi cách làm cho người ta nhận thấy sự thực. Một hôm, trong giờ cáo mình theo luật dòng, Magarita đã bình thản đứng lên trình bày lại mọi sự việc đã xẩy ra và những lời kêu gọi khẩn cấp của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nhưng trái với lòng ước nguyện của thánh nữ, chẳng những không thành công, mà còn gây nên truyện xôn xao trong nhà dòng. Từ mẹ bề trên đến các chị tân tu đều coi thánh nữ như một người điên khùng, thậm chí có người lấy nước phép rẩy vào chị vì cho là chị bị quỷ ám. Lợi dụng thời cơ, ma quỷ cũng dồn dập tấn công thánh nữ bằng nhiều ý nghĩ trái đức vâng lời, đức trinh khiết nhất là đức tin. Nhưng ơn Chúa đã giúp thánh nữ bền vững. Ngài âm thầm chịu đựng với một niềm phó thác và tin tưởng vào sự Quan phòng của Thánh Tâm Chúa. Thánh nữ thường nói: “Tôi chỉ là dụng cụ, còn Chúa mới là người hoạt động!” Tình trạng ấy kéo dài mãi tới năm 1684, khi bà Mêlin, là bạn của thánh nữ đắc cử bề trên. Bà Mêlin hiểu Magarita hơn ai hết, sau khi đắc cử, bà đã chỉ định Magarita làm bề trên nhà tập. Nhờ đó, năm 1685 thánh nữ đã có thể tổ chức việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và lễ kính Ngài vào ngày thứ sáu sau tuần lễ Mình Thánh. Việc tổ chức lần đầu tiên này mang lại cho tu viện một bầu không khí mới, thấm nhuần ơn siêu nhiên và tình bác ái vị tha. Với sự đồng ý của mẹ bề trên, thánh nữ đã lập một bàn thờ nhỏ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trong nhà nguyện. Sáng ngày thứ sáu, trước bàn thờ Thánh Tâm, thánh nữ hướng dẫn các chị em nguyện ngắm về Thánh Tâm Chúa Giêsu bằng những lời sốt sắng và đầy ý nghĩa. Ngài nói: “Chúng ta hãy yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu bằng một tình yêu trọn vẹn không chia sẻ. Thánh Tâm Chúa là nguồn mọi ơn phúc của chúng ta. Và càng yêu mến Ngài, chúng ta càng phải sẵn sàng chịu đau khổ để phạt tạ tình yêu Ngài...” Lễ kính Thánh Tâm đầu tiên được tổ chức trọng thể tại tu viện ngày 21.06.1680. Hai năm sau, đức giám mục địa phận lại cho phép xây một ngôi thánh đường nguy nga dâng kính Thánh Tâm Chúa, mở màn cho phong trào đền tạ mỗi ngày một lan tràn mạnh mẽ tại các nước Âu châu và cả thế giới công giáo. Thánh nữ Magarita rất đỗi vui mừng khi thấy người ta đã biết nghe theo tiếng gọi của Thánh Tâm Chúa. Ngài không muốn gì hơn là được chịu đau khổ và chết vì tình yêu Thánh Tâm Chúa và để cầu cho mọi người. Thánh nữ đã được Chúa nhận lời: sau nhiều năm chịu khó, ngài đã lâm bệnh nặng và qua đời ngày 17.10.1690. Thọ 44 tuổi. Năm 1856, Đức Giáo Hoàng Piô IX truyền cho cả giáo hội mừng lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Và tám năm sau, ngày 18.9 thánh nữ được phong chân phúc. Rồi ngày 13.03.1920, Đức Bênêđictô XV tuyên phong ngài lên bậc hiển thánh. Ngày nay việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã phổ biến và ăn sâu trong lòng mọi người, mọi dân tộc, mọi gia đình và nơi từng người. Đó chính là sức mạnh vô biên của tình yêu Chúa Giêsu. Chớ gì nhờ gương sáng và lời bầu cử của thánh nữ Magarita, mỗi người chúng ta biết tha thiết đáp lại tiếng gọi của Thánh Tâm Chúa, và nhiệt thành cổ võ cho mọi người yêu mến... |