Hạnh Các Thánh


Ngày 14 tháng 10

THÁNH CALLIXTÔ I

GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO

Theo tiếng Hy lạp, Callixtô có nghĩa là rất đẹp. Đẹp hơn nữa vì nó là tên của một trong những vị Giáo Hoàng thời danh thế kỷ thứ III.

Đọc những điểm đại cương sau đây về đời sống của thánh Giáo Hoàng, chúng ta sẽ thấy rõ vẻ toàn năng của Thiên Chúa, Đấng không sự gì không làm được. Nếu khi còn sinh thời, Chúa Giêsu Kitô đã đào tạo những ngư phủ dốt nát thành những tông đồ thông minh; nếu sau khi về trời, Chúa đã cải hóa Phaolô từ kẻ bách hại cuồng nhiệt trở thành một chiến sĩ nhiệt huyết của đức tin, thì cũng thế, Chúa đã dẫn đưa Callixtô từ một thân phận nô lệ, một kẻ gian thương lên đến chức vị một chúa chiên đầy thánh thiện và bác ái...

Quả thế, ít vị Giáo Hoàng nào có một trang sử ly kỳ như tiểu sử của Đức Callixtô. Theo tài liệu của Hippôlitô, thì Đức Callixtô đầu tiên là một nô lệ của ông Capôphôrê, một tín hữu thuộc gia đình Cêsarê. Vì thấy Callixtô lanh lẹ và tinh khôn, ông Capôphôrê tín nhiệm và trao cho chức quản khố. Mấy năm sau, Callixtô mánh khéo chiếm đoạt và làm chủ ngân khố. Từ đó Callixtô trở nên giầu có và nghiễm nhiên là một kẻ buôn tiền xảo quyệt. Dư vốn, Callixtô xây một ngân khố mới tại khu hồ tắm công cộng, tức về phía nam Rôma. Nhưng mấy ai lưu manh mà thoát được lưới trời. Trong lúc hùn vốn buôn bán với nhiều kẻ tai mắt, hầu hết là các quả phụ quý tộc, Callixtô đã ăn chơi phóng túng đến nỗi sau cùng vỡ nợ và bị thưa trước tòa án. Vì quá sợ hãi, Callixtô đáp thuyền trốn đi Portô. Trên đường bôn tẩu, bất ngờ gặp ông Capôphôrê, Callixtô túng thế liền nhảy xuống sông tự tử. Nhưng người ta đã vớt Callixtô lên và bắt về làm nô lệ với công việc quay máy đá. Đến sau vì biết Callixtô còn nhiều tiền gửi nơi người Do thái, nên ông Capôphôrê quyết định phóng thích cho Callixtô để thảnh thơi lo việc trang trải công nợ. Callixtô vui mừng chạy đến hội đường đòi tiền người Do thái, những người này đã không trả tiền, còn bắt nộp cho đô trưởng Rôma là Fuscianô. Họ tố cáo Callixtô về tội phá rối trật tự chung và theo công giáo. Nhưng nhờ sự can thiệp của ông Capôphôrê, Callixtô không bị kết án về tội theo đạo công giáo, nhưng vì tội vỡ nợ mà thôi. Ông đô trưởng truyền đánh đòn Callixtô rồi đày đi làm phu mỏ tại Sarđinia, năm ấy là năm 188.

Hai năm sau, bà Marcia, một người công giáo thành tâm và là người thân cận của Hoàng đế Commođô biên thư xin Đức Giáo Hoàng Victôriô cho biết danh sách những người công giáo bị lưu đầy tại Sarđinia để bà tìm cách cứu thoát họ. Tuy sổ gửi đến không có tên của Callixtô, nhưng vì là người công giáo, nên ông cũng được hưởng đặc ân phóng thích. Biết Callixtô là một gian thương mà nhiều người đương bất mãn, nên để giữ hòa khí, Đức Victôriô điều đình cho ông được gửi đi làm việc tại Antium với một số lương tháng đủ sống. Vốn là con người có chí lập thân và biết cải thiện, Callixtô đã lợi dụng mười năm sống tại Antium để gây lại sự nghiệp, và nhất là trau dồi về văn hóa và tu đức. Ông đặc biệt nghiên cứu về Kinh thánh và thần học.

Hết mười năm, Callixtô biên thư về xin Đức Giêraphinô, người kế vị Đức Victôriô, cho trở về Rôma, và ghi tên nhập hàng đạc đức của địa phận. Sau một thời gian, Đức Giêraphinô chấp thuận cho Callixtô chịu chức Phó tế và đảm nhiệm việc quản trị nghĩa trang. Bấy giờ người công giáo có một nghĩa trang riêng trên đường Salaria. Với tài kinh doanh, thầy Callixtô đã xây thêm một nghĩa trang khác tại đường Appia. Với nghệ thuật kiến trúc mới mẻ, lại ở vào một vị trí thuận tiện, nên chẳng bao lâu nghĩa trang mới này trở nên sầm uất, lấn át nghĩa trang trước và mang tên là nghĩa trang Callixtô. Theo dòng thời gian, cùng với sự hoạt động âm thầm của ơn Chúa, Callixtô nô lệ, gian thương, phu mỏ và tiểu công chức xưa kia, đã dần dần trở thành một tu sĩ, một linh mục hoạt động, có nhiều uy tín với chính quyền và rất thông thạo thần học. Hơn thế, vì tín nhiệm tài đức của cha Callixtô, Đức Giêraphinô đã quyết định chọn ngài làm kế vị ngôi Giáo Hoàng, mặc dầu có nhiều linh mục không bằng lòng. Năm 217, Đức Giêraphinô tạ thế và Đức Callixtô lên thay quyền.

Lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Callixtô phải đương đầu với nhiều vấn đề khó khăn. Vấn đề thứ nhất thuộc tín lý. Ngài đã sáng suốt theo ơn Chúa bảo vệ tín điều Chúa Ba Ngôi: ngài kết án Sabelliô. Đối với ông Hippolitô, ngài không kết án minh nhiên, nhưng cảnh cáo chủ trương nguy hiểm của ông về Chúa Giêsu. Ông này có khuynh hướng về nhị nguyên thuyết. Đúng hơn, trong lúc các danh từ thần học chưa được xác định, Đức Callixtô quyết trung thành với đức tin các tông đồ truyền lại cho Giáo hội. Vấn đề thứ hai thuộc kỷ luật giáo hội. Nhiều người phản đối vì thấy ngài quá dễ dãi với các linh mục lập gia đình. Nhưng với lòng bác ái vị tha, Đức Callixtô đã âm thầm chịu đựng và tìm mọi cách làm vừa lòng mọi người, nhưng vẫn phù hợp với tinh thần Phúc âm. Từ khi nhập hàng giáo sĩ, nhất là từ khi lãnh sứ mệnh đại diện Thiên Chúa ở trần gian, Đức Callixtô tỏ ra một đời sống thánh thiện sâu xa. Ngài bắt chước các thánh phụ, luôn ăn chay và cầu nguyện. Theo sách giáo chủ, thì chính ngài đã ban cho sắc lệnh giữ chay các ngày thứ tư bốn mùa. Với đời sống hối cải và gương mẫu, Đức Callixtô đã có thể nói được như thánh Phaolô rằng: “Những cái từ trước đối với tôi là lợi lộc, nay vì Chúa Kitô, tôi coi là tai họa. Tôi coi tất cả chỉ là tai họa trước sự nhận biết cao cả của Chúa Kitô. Vì Người mà tôi hy sinh tất cả và coi mọi sự như phân bớn...” (Phil 3,7-9).

Đức Callixtô tạ thế năm 222. Tuy nhiên, ngài chết trong hoàn cảnh nào, bệnh tật hay tử đạo, chúng ta không thể xác quyết, mặc dầu ngay từ đầu, phụng vụ Giáo hội vẫn kính ngài như một vị thánh tuẫn giáo.

Lạy Chúa, Chúa biết chúng con nản lòng vì yếu đuối, vì những tội lỗi trong quá khứ. Nhưng việc Chúa làm đối với thánh Callixtô đã khích lệ chúng con rất nhiều. Xin Chúa vì gương sáng và lời bầu cử của thánh Callixtô chúng con mừng kính hôm nay, ban cho chúng con lòng tin mạnh mẽ, kiên trung tin vào sức mạnh của ơn Chúa để cải hóa đời sống chúng con trong niềm yêu Chúa chân thành.