Hạnh Các Thánh Ngày 12 tháng 10 THÁNH SÊRAPHINÔ TRỢ SĨ DÒNG THÁNH PHANXICÔ |
Montegranarô ngày nay là một làng nhỏ nằm trên miền cao nguyên tỉnh Ascoli Picenô, thuộc nước Ý. Dân cư ở đây được chừng năm ngàn rưởi người. Nhờ cảnh trí ngoạn mục và dân chúng làm ăn trù phú Montegranarô là nơi dừng chân của rất nhiều du khách. Tuy nhiên, lý do chính yếu khiến Montegranarô được nhiều người chú ý chỉ vì nơi đây còn là tổ quán của một vị thánh thời danh, thánh Sêraphinô. Cũng chính trong lũy tre xanh đầm ấm này, một cậu bé tên là Felix, tiếng la tinh có nghĩa là “Hạnh phúc” đã chào đời vào đầu mùa xuân năm 1540. Gia đình Felix không mấy sung túc; cha cậu làm thợ hồ, còn mẹ thì buôn bán hàng vặt ở chợ làng. Vì thế Felix không được may mắn cắp sách đi học như nhiều trẻ đồng tuổi; trái lại, cậu phải nhận công tác chăn chiên đỡ cho gia đình. Cảnh đời vất vả ấy, tuy vậy, vẫn không làm mất vẻ hồn nhiên của cậu bé có tiếng là ngoan ngoãn nhất làng. Dù sớm phải lặn lội với đoàn chiên, bè bạn với những trẻ mục đồng, Felix vẫn giữ được vẻ vui tươi trong sạch, nết na và thật thà như một thiên thần. Người trong làng ai cũng đồng ý khen cậu như vậy. Dầu sao nét trổi vượt hơn cả trong cuộc đời thơ ấu của Felix là lòng yêu mến Thánh Thể. Ban ngày, lúc chăn chiên cậu hái nhiều hoa để chiều về, khi xong việc dọn dẹp nhà cửa rồi, cậu đem hoa đến dâng cho Chúa Giêsu Thánh Thể và quỳ hằng giờ trước nhà chầu. Với đôi mắt đăm chiêu, đôi môi tươi vui, cậu yên lặng quỳ trước bàn thờ, nghiêm trang như một thiên thần... Nhưng rồi một biến cố bất ngờ xảy đến phũ phàng phủ tấm khăn tang lên đầu Felix. Cha mẹ cậu đã lần lượt lâm bệnh và từ trần nội trong vòng hai tháng, để cậu lại cho một người anh cả tàn nhẫn. Thực vậy, sau ngày cha mẹ mất, Felix phải sống với người anh cả. Sáng ngày cậu phải lùa bày chiên ra đồng chăn dắt cẩn thận, tối về lại phải canh thức bên lò bánh nóng nực. Không còn thời giờ tới nhà thờ viếng Chúa, Felix vô cùng đau khổ. Thêm vào đó Felix còn hay bị anh đánh mắng và nhiều khi cho ăn đói mặc rách. Nhiều lần Felix có ý định bỏ nhà trốn đi, nhưng nghĩ đến lòng yêu Chúa và đức nhẫn nhục mà mẹ đã dạy khi còn nhỏ, Felix lại trấn tĩnh được mình và quyết chí ở lại với anh. Từ đó, mỗi tối khi ngồi canh lò bánh, Felix xin một người bạn giúp mình học và đọc Phúc âm. Cậu đã học thuộc được những câu Kinh thánh dưới đây và thường dùng làm đề tài suy niệm tối sáng: “Các con đừng thu tích những của cải dưới đất, vì mối mọt có thể làm hư và kẻ trộm đào ngạch lấy mất, nhưng hãy tích trữ những của cải trên trời, ở đó, không có sâu bọ làm hư, không có kẻ trộm đào ngạch lấy được”. “Của các con ở đâu thì lòng các con ở đó” (Mt 6,19-22). “Các con chớ quá bận tâm về của ăn áo mặc; cũng đừng quá lo về ngày mai, vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai, cái khó ngày nào sẽ đủ cho ngày ấy. Vậy trước hết các con hãy lo tìm nước Thiên Chúa, còn những sự khác Người sẽ ban cho các con sau” (Mt 6,25)... Được khích lệ bởi Lời Chúa, Felix không những can đảm chịu mọi vất vả, bị hành hạ trong nhà anh, mà còn nẩy ra một ý tưởng muốn hiến thân sống theo gương khó nghèo và khiêm hạ của thánh Phanxicô. Ý tưởng đó mỗi ngày một mãnh liệt và cương quyết. Thực vậy, Chúa không bao giờ phụ lòng kẻ muốn thành tâm bước theo con đường nhỏ hẹp của Người. Không bao lâu sau Felix đã được như sở nguyện, vì hai năm sau cậu đã được anh cho phép vào dòng. Sau một thời gian tập luyện, cậu được mặc áo dòng và đổi tên là Sêraphinô. Danh từ này trong Kinh thánh (Is 6,2) có ý ám chỉ những bậc thiên thần được hầu cận Đức Giavê. Áp dụng vào trường hợp của thầy, người ta bảo thầy rất quý chuộng những công việc giúp bàn thờ như lau chùi, đốt đèn chầu, nến, chưng hoa... Ngoài ra, khi giúp lễ, thầy còn rất sốt sắng lạ thường. Theo cuốn truyện còn lưu lại trong dòng thánh Phanxicô, thì nhiều lần thầy Sêraphinô được ơn xuất thần ngay khi đang giúp lễ. Vì những lý do đó, bề trên đã chọn đặt tên cho thầy là Sêraphinô vậy. Ngoài công việc bàn thờ, thầy Sêraphinô còn ưa chọn những việc hèn hạ nhất trong nhà. Thầy làm vừa nhanh nhẹn, vừa cẩn thận hơn mọi anh em. Thầy còn có tài đặc biệt về cách làm vườn như cấy rau, trồng cây và gieo lúa. Càng làm việc cần mẫn, thầy càng âm thầm kết hợp với Chúa như lời thầy thường nói với anh em: “Tôi chỉ kể là đã làm được một việc, khi tôi làm việc ấy mà lòng trí tôi kết hợp khăng khít với Chúa”. Chính nhờ sự kết hợp ấy, Chúa đã thông ban sự khôn ngoan thông thái cho tôi tớ của Người. Vì thế, mặc dầu mù chữ, thầy Sêraphinô vẫn có thể làm được những việc kết quả không kém những anh em có học lực uyên bác. Người ta kể rằng: thầy đã thuộc lòng rất nhiều lời Kinh thánh, giảng thuyết rất hùng hồn và đúng tín lý, ngay cả trong những vấn đề khúc mắc nhất trong đạo. Thầy còn có khoa dạy giáo lý rất hấp dẫn và thích hợp với tâm trí thính giả không kém thánh tổ Phanxicô. Bàn về đức tính hồn nhiên của thầy, một tác giả đã viết: “Thầy tuy nhiều tuổi và luôn làm việc vất vả, nhưng tinh thần vẫn luôn luôn vui tươi. Tay chân làm việc, lòng trí hướng về Chúa, và môi miệng vui cười niềm nở. Đó là những nét sáng ngời trong đời sống thầy Sêraphinô. Thầy đã thừa hưởng được tính vui trẻ của thánh Philipê Nêri”. Không kể những lần được ơn ngất trí mà nhiều người đã được mục kích tỏ tường, thầy Sêraphinô còn được ơn làm nhiều phép lạ. Điều đáng chú ý là những người thụ hưởng ơn lạ của ngài thường là những trẻ em mồ côi và nghèo khổ như chính ngài hồi còn thơ ấu. Số phép lạ Chúa đã dùng qua thánh nhân có tới hằng trăm. Sau đây chỉ là vài trường hợp tượng trưng: Một hôm, trên đường đi dạy giáo lý ở một họ đạo về, thầy gặp một em bán bánh ngồi khóc bên vệ đường. Thầy đứng lại hỏi thăm tại sao em khóc. Em trả lời: “Em bị kẻ cướp lấy hết bánh và sợ về bị mẹ đánh!” Không hỏi thêm, thầy Sêraphinô liền quỳ xuống, hai tay bưng giỏ bánh sốt sắng nguyện cầu. Lạ thay, chỉ vài phút sau, giỏ trống liền đầy bánh thơm ngon và có vẻ còn nhiều hơn trước nữa. Thầy đứng dậy, trao giỏ bánh cho em bé rồi tiếp tục về nhà, miệng còn ngâm nga bài ca ‘Te Deum’. Lần khác, đang khi làm vườn, thầy thấy người ta phá cửa nhà dòng ùa chạy vào và la lối ầm ĩ. Thầy chạy lại hỏi truyện thì được biết, một hầm rượu vừa bị nổ làm thiệt mạng nhiều phu khuân rượu. Như được ơn Chúa thôi thúc, thầy xin phép bề trên, theo họ đến tận nơi xảy ra tai nạn. Thầy quỳ xuống cầu nguyện giữa năm xác chết đặt ngổn ngang. Sau hai giờ cầu nguyện, thầy lần lượt đến đặt tay lên mỗi xác chết và nói: “Nhân danh Thiên Chúa toàn năng, ngươi hãy hồi sinh lại để đem an vui đến cho mọi người”. Nguyện đoạn, lập tức các tử thi lần hồi nóng lên, tỉnh lại và rồi lành mạnh như không xảy ra tai nạn gì. Trong số năm người được hồi sinh này, có ba thanh niên mồ côi cha mẹ, một người góa vợ và một người bị điếc từ khi mới sinh. Nếu trước mắt người đời ơn làm phép lạ là phần thưởng Chúa ban cho kẻ khiêm nhường thánh thiện, thì trái lại, với thánh Sêraphinô ơn trọng ấy là nguyên do thúc đẩy ngài phải khiêm hạ hơn. Thầy thường nói: “Khiêm tốn không phải chỉ là nhân đức tôi phải tập vì là môn đệ của cha tổ, mà còn vì những lời dạy nghiêm nhặt của Chúa trong Phúc âm”. Vì thế, suốt đời thầy sống rất khiêm nhường. Nhân đức ấy đạt đến mức độ thẳm sâu, nhất là khi thầy biết mình gần chết. Lúc ấy thầy xin phép bề trên cho gặp từng anh em trong nhà và quỳ gối xin lỗi từng người. Thầy qua đời tại Acôli cuối năm 1604, hưởng thọ 64 tuổi. Để kỷ niệm cái chết êm ái và lòng sùng mộ của giáo dân đối với thầy, người ta khắc trên bia mộ ngài lời Kinh thánh sau đây: “Xác các vị thánh nghỉ yên trong sự bằng an của Thiên Chúa và tên các ngài tồn tại đến muôn đời” (Ac 44,14). Vì lòng sùng mộ của giáo dân và những sự lạ hằng xảy ra trên mộ ngài, năm 1610, Đức Phaolô V cho phép đốt đèn đêm ngày trên mộ ngài, và năm 1728, Đức Bênêđitô XIII truyền đem hài cốt thánh nhân về kính tại làng Montegranarô, và đến năm 1767, Đức Clêmentê XIII truy phong ngài lên bậc hiển thánh. |