Hạnh Các Thánh Ngày 11 tháng 10 THÁNH ALÊXANĐRÔ SAULI
GIÁM MỤC |
Thánh Alêxanđrô Sauli sinh ngày 15.02.1534, trong một gia đình trung lưu tại Milanô. Hai ông bà Đaminh và Spinula sinh hạ được ba trai hai gái, Alêxanđrô Sauli là con thứ hai. Năm 17 tuổi, cậu đến tu trong một tu viện thuộc dòng thánh Bênađô. Để thử thách lòng can đảm và chí nhiệt thành của cậu, cha bề trên dòng đã bắt cậu phải đeo một cây thánh giá to trước ngực rồi đi rao giảng nơi công cộng. Sauli nhận lãnh với tất cả lòng kính cẩn. Thầy đeo thánh giá trước ngực, chạy ra giữa chợ đông đúc và mạnh bạo lên tiếng giảng về ý nghĩa cây thánh giá. Thầy còn sốt sắng hát lên những bài thánh vịnh đánh động lòng người. Trăm ngàn con mắt bỡ ngỡ đổ dồn về phía Sauli. Ai nấy đều tấm tắc khen tài ăn nói của vị tu sĩ trẻ tuổi đầy đức tin ấy. Trước việc làm cản đảm và thành công rực rỡ đó, nhà dòng giữ lại cây thánh giá mà Sauli đã mang như một báu vật kỷ niệm. Và ngày lễ Chúa Thánh Thần năm 1541, thầy được chính thức gia nhập dòng, hưởng thụ niềm vui siêu nhiên khôn tả. Thầy hân hoan đón nhận và thi hành tất cả những quy luật nhà dòng. Theo thầy, muốn tiến cao trên đường nhân đức, cần phải bỏ ý riêng, diệt trừ lòng tự ái, đón nhận tất cả những nghịch cảnh với tấm lòng vị tha, khiêm tốn và bác ái, luôn cố gắng phụng sự Chúa bằng tất cả thiện chí và nhiệt thành. Thánh nhân thường suy niệm lời Chúa: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thánh giá và theo Ta”. Chính vì thế, thánh nhân tiến rất nhanh trên đường tu đức. Năm 1554, thầy được khấn trọng thể trong dòng, và ngày 21.03.1556, thầy được chịu chức linh mục. Nhận thấy cha Sauli có trí thông minh và tài ba đức độ, bề trên cho cha đi Paviê học thêm về khoa hùng biện và các môn tín lý, Kinh thánh. Sau tám năm du học, cha trở về dòng với những thành quả tốt đẹp. Năm 1564, cha được cử giữ ghế giáo sư hùng biện và thần học. Tuy tài cao đức rộng và học vấn uyên thâm, cha sống rất bình dân, hòa mình vào với mọi cảnh ngộ của lớp người đau khổ. Đối với các bạn đồng nghiệp, cha không bao giờ tỏ ý khinh khi, nhưng luôn khiêm tốn và cởi mở. Cha coi tất cả những thành công thu lượm được trong việc dạy học cũng như việc giảng thuyết là do sức hoạt động của ơn Chúa. Hơn ai hết, cha luôn ý thức rằng: muốn cho bài giảng thuyết có sức đánh động lòng thính giả, người giảng thuyết phải sống đời kinh nguyện, dọn bài giảng cẩn thận, bằng nhiều hy sinh. Chính vì thế, khi nào sắp phải giảng là ngài xin cho được làm những việc hèn mọn như dọn bàn, làm bếp, quét nhà... Tiếng nhân đức và lực học uyên thâm của cha Sauli đồn đi khắp nơi, đến cả tai Đức Giáo Hoàng Piô V. Vì thế, khi đức giám mục thành Milanô qua đời, Đức Giáo Hoàng liền cử cha lên kế vị. Đầu tiên, cha khiêm tốn chối từ, nhưng sau vì vâng lời, cha lãnh nhận lấy như một ơn Chúa ban để thánh hóa mình và thánh hóa nhân loại. Lĩnh chức giám mục giữa lúc bao nhiêu công việc phải làm, bao nhiêu thói dị đoan phải trừ diệt, nên thánh Sauli đã thảo ra một kế hoạch hoạt động quy mô trong toàn địa phận. Ngài bắt đầu thực hiện chương trình bằng việc xây cất ngay một chủng viện. Mặc dầu bận trăm công ngàn việc, ngài cũng đảm nhiệm việc dạy giáo lý hằng tuần cho các chủng sinh. Vì lòng yêu mến Thánh Thể, thánh Giám mục không những cổ động phong trào rước lễ và chầu Thánh Thể, ngài còn thiết lập một tu viện “Sùng kính Thánh Thể” tọa lạc ngay cạnh nhà thờ chính tòa. Những ngày bớt việc, thánh Giám mục thường đi thăm và an ủi những họ đạo xa xôi hẻo lánh, nhất là khi nghe họ gặp phải nỗi túng thiếu, bệnh hoạn. Tuy nhiên, công việc làm bận tâm thánh Sauli hơn cả là lo huấn luyện và thánh hóa hàng giáo sĩ địa phận. Ngài thường nói: “Các linh mục phải thánh để bổn đạo nên sốt sắng”. Và sự thánh thiện của linh mục cốt tại sự sống phù hợp với tinh thần Phúc âm. Ngài nêu cao tinh thần cộng tác giữa các linh mục với giám mục, giữa linh mục với giáo dân. Vì thế, hễ thấy nơi nào cha sở bận việc quá, thánh nhân liền đến giúp làm các phép bí tích cho con chiên được nhờ. Nhiều khi ngài ngồi tòa đến sáu bảy giờ liền. Về mặt xã hội, thánh Sauli ra sức bảo vệ thuần phong mỹ tục, lập nhiều hội đoàn nhằm huấn luyện thanh thiếu niên. Thánh nhân còn tổ chức nhiều buổi nói chuyện công cộng, thu hút nhiều thính giả. Người ta say mê nghe ngài giảng thuyết đến nỗi không quản ngại trời mưa nắng. Ngoài ra, thánh Giám mục còn dành thời giờ soạn những tập giáo lý cần thiết dùng trong địa phận và sáng tác một cuốn sách tu đức danh tiếng gọi là cuốn: “Những việc phải làm để nên trọn lành”. Cuốn sách này được Đức Hồng y Gerdil tán dương và cho phổ biến trong nhiều địa phận và dòng tu. Nhưng tác phẩm ảnh hưởng hơn cả chính là đời sống thánh thiện của thánh nhân. Mặc dầu làm giám mục, thánh Sauli vẫn giữ tinh thần hy sinh hãm mình của dòng. Ngài thường đi chân không và nguyện ngắm nhiều giờ mỗi ngày. Người ta phải ngạc nhiên khi thấy thánh nhân làm việc nhiều mà ăn uống kham khổ lạ thường. Tối nào trước khi đi ngủ, thánh nhân cũng đọc kinh chung với những người trong nhà. Đặc biệt trong tuần thánh, thánh nhân chỉ dùng mỗi ngày một bát cháo. Thánh Giám mục rất thương mến những người nghèo khổ; không lần nào gặp người túng thiếu mà thánh nhân không trợ giúp ít nhiều hoặc ban lời an ủi. Lần kia, người dọn phòng trải tấm thảm mới trong phòng ngài, ngài liền bắt họ đem bán đi để lấy tiền giúp kẻ nghèo. Ngài nói: “Tôi không thể dùng tấm thảm này trong khi bao anh em tôi thiếu cơm áo và thuốc men”. Như để tưởng thưởng nhân đức của thánh Giám mục, Chúa đã soi sáng cho Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIV nâng ngài lên chức Hồng y, đồng thời Chúa cũng ban cho ngài làm nhiều phép lạ cứu giúp người ta khi lâm bệnh hay gặp tai nạn rủi ro. Nhưng phần thưởng sau cùng Chúa đã ban cho thánh nhân lúc cuối đời, là cái chết êm ái và thánh thiện vào ngày 11.10.1592. Thánh Giám mục được phong chân phước năm 1741, và được suy tôn lên bậc hiển thánh năm 1904. |