Hạnh Các Thánh


Ngày 10 tháng 10

THÁNH PHANXICÔ BORGIA

BỀ TRÊN CẢ DÒNG CHÚA GIÊSU

Dòng tộc thánh Phanxicô Borgia đã cống hiến cho Giáo hội nhiều vị anh tài. Trổi vượt hơn cả là hai vị Giáo Hoàng Callitô II và Alêxanđôrô VI. Thừa hưởng di sản tinh thần ấy, Borgia đã đem hết đời sống, hết tài năng để phụng sự Chúa và Giáo hội. Ngài là một trong những nhân vật xuất sắc nhất của dòng Chúa Giêsu mà ta quen gọi là dòng Tên, về cả tài ba và đức độ. Borgia sinh tại miền Ganđia năm 1510. Thân phụ ngài là vị lãnh chúa thứ ba của miền này. Khi lên mười tuổi, Borgia thích giải trí bằng những trò chơi có tính cách phụng vụ. Cậu bày bàn thờ và bắt chước linh mục làm các lễ nghi. Với những cử điệu nghiêm trang, với giọng hát có khiếu từ bé, cậu đã làm cho mọi người phải chú ý tới lối “giải trí” của mình, nhất là bà thân mẫu; bà mừng thầm và đoán biết chí hướng của con mình. Nhưng cha cậu lại không thích cái lối chơi như thế của con. Lần kia, trong khi mọi người tấm tắc khen Borgia, thì ông đã nghiêm nét mặt bảo con: “Borgia, dẹp hết bàn thờ đi, địa vị của con không phải làm cha xứ, nhưng làm đại tướng”.

Rồi từ đó, ông rèn luyện cho con một tinh thần thượng võ, bằng cách ngày đêm chỉ cho con chơi với những ngựa sắt, kiếm đồng và áo giáp. Dầu vậy, trong những ngày cắp sách đến trường, Borgia không quên trau dồi triết học và để tâm thâu lượm những kiến thức phổ thông. Vì thế, mới 17 tuổi, Borgia đã được tiếng là một hiệp sĩ văn võ kiêm toàn. Hoàng đế Carôlô V, vì khâm phục tài đức của Borgia, đã gán ép cho chàng kết hôn với một công chúa người Bồ Đào Nha tên là Êlêônora Castro. Năm 1529, hiệp sĩ Borgia được phong làm hầu tước miền Lômbay. Hầu tước là một trong những người được Hoàng đế Carôlô V, và sau này Hoàng đế Philipê II hết sức tín nhiệm.

Say sưa với một tương lai rực rỡ đang chờ đón mình, nhiều lúc Borgia đã lãng quên bổn phận của người tín hữu, đến nỗi chỉ mê tìm mọi cách gây uy tín và thế lực trần gian.

Nhưng đường lối Chúa đi nào ai thấu suốt! Sau nhiều ngày tháp tùng Hoàng hậu Isabella đi du ngoạn, hầu tước Borgia ngã bệnh phải trở về nhà dưỡng bệnh. Chính trong thời gian này, ngài đã lấy lại được tinh thần đạo đức nhờ đọc Phúc âm, thư thánh Phaolô và các bài giảng của thánh Gioan Kim khẩu. Tiếp sau đó là cuộc thất trận với quân Pháp tại miền Prôvencia cùng với cái chết đau đớn của một quân nhân thi sĩ Garcilasô Vêga năm 1536, và năm 1539 tiếp đến cái chết của Hoàng hậu Isabella, người mà hầu tước kính yêu như một người mẹ hiền, một vị ân nhân lân tuất. Borgia vô cùng cảm xúc và nhận biết những lời cảnh báo của Thiên Chúa qua những biến cố đau thương này. Từ đó ngài dốc quyết dự lễ, rước lễ hằng tuần và chăm lo việc bổn phận. Cũng từ đây cách giải trí duy nhất của ngài sau những ngày làm việc là săn bắn và thưởng thức âm nhạc, nhất là các bài thánh ca. Mọi lối giải trí có xu hướng xác thịt khác, ngài đều dốc lòng xa tránh, như lời ngài vẫn thường nói: “Những lối chơi đó không những tốn tiền, hao sức, mà còn phá hoại đức tin và làm hoen ố lương tâm”. Vị linh mục ảnh hưởng đặc biệt đến đời sống Borgia lúc này là thánh Gioan Avila. Nhờ cha hướng dẫn, Borgia đã giữ mình đúng theo lời Kinh thánh: “Cả khi được quyền cao chức trọng và dư đầy của cải, con cũng đừng để lòng con dính bén và ra đen tối vì tham vọng và lạc thú”. Và lời khác: “Được danh thơm tiếng tốt thì quý hơn giầu sang, chức trọng” (Pro 22,1).

Càng thay đổi cách sống, hầu tước Borgia càng được Hoàng đế tín nhiệm. Cuối năm 1539, Hoàng đế Carôlô V đặt Borgia làm phó vương xứ Catalôgna, một lãnh thổ phì nhiêu và đông dân cư, nhưng đồng thời cũng là một nơi hiểm trở vì giáp biên thùy và hiện còn đang xảy ra nhiều vấn đề cam go, nhất là sự dòm ngó của quân Pháp. Dầu vậy, với đức tính cương trực và bác ái, Borgia đã làm tròn bổn phận và nghĩa vụ của một phó vương. Dân chúng mến phục và uy tín của ngài một ngày một rộng lớn. Năm 1543, Hoàng đế cất gánh nặng cho ngài bằng cách đặt ngài làm Thái sư của công chúa nước Tây Ban Nha, kiêm cố vấn riêng của hoàng gia. Cũng năm ấy, thân phụ ngài qua đời, nên Borgia còn đương nhiên được thừa hưởng địa vị làm lãnh chúa miền Ganđia, nơi đây ngài đã cố gắng canh tân mọi mặt, như xây cất bệnh viện và trường học. Lần đầu tiên dưới đời ngài, miền Ganđia có một trường đại học và chính ngài là một trong những vị tiến sĩ thần học nổi danh xuất thân từ đại học này. Nhưng rồi năm 1546, Borgia phải đau đớn vì cái chết bất ngờ của người vợ yêu quý, bà Êlêônôra. Nhưng đây cũng là lúc ngài cảm thấy tiếng Chúa gọi mỗi ngày một mạnh mẽ. Ngài muốn từ bỏ mọi chức quyền thế gian để hiến thân lo việc tông đồ và lo nên thánh.

Không bao lâu sau, lòng ước ao của ngài đã được thể hiện như ý. Ngày 01.02.1548, ngài khấn vào dòng Chúa Giêsu trước sự chứng kiến của thánh Inhaxiô, vị sáng lập dòng. Nhưng vì còn phải vướng ngăn trở nhiệm vụ chăm lo cho đoàn con chưa trưởng thành, nên ngài được Đức Giáo Hoàng ban đặc ân cho ở lại gia đình mặc dầu đã có lời khấn. Nhờ thế lực của ngài đối với hoàng đế và chính quyền, dòng Tên mỗi ngày một thêm ảnh hưởng đến độ không tránh khỏi những ghen tương tự nhiên của nhiều dòng khác.

Ngày 31.8.1558, lãnh chúa Borgia từ giã quê hương đến Rôma trình diện với thánh Inhaxiô. Sau một năm sống chiêm niệm và thống hối, ngài lĩnh chức linh mục cách sốt sắng và trở về giảng đạo tại quê nhà. Hai năm sau, Đức Giáo Hoàng Juliô II trạch cử cha Borgia lên chức Hồng y. Được tin ấy, cha đến xin thánh Inhaxiô bầu cử cho mình tránh khỏi chức trọng ấy. Nhưng đến năm sau, cha phải vâng lời giữ chức bề trên tỉnh dòng tại Tây Ban Nha. Ngài dốc hết tâm lực lo việc truyền giáo tại Ấn độ, Á châu và Mỹ châu. Chỉ trong hai năm ngài đã lập thêm được nhiều chi nhánh cho tỉnh dòng. Mặc dầu không còn giữ một địa vị phần đời nào, cha Borgia vẫn được coi như vị cố vấn của hoàng đế. Dựa vào uy tín sẵn có đối với Hoàng đế Carôlô và Gioan III, ngài đã làm ích nhiều cho Giáo hội, nhất là trong việc truyền giáo nơi hải ngoại.

Nhưng khi Hoàng đế Gioan III băng hà và Hoàng đế Philipê II lên ngôi kế vị, thì ngài trở về Rôma. Tại đây, ngài được Đức Giáo Hoàng Piô V và thánh Giám mục Carôlô Bôrômêô rất mực tín nhiệm. Năm 1546, ngài được cử làm phó bề trên liên tỉnh dòng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha; năm sau lại làm phó bề trên cả hội dòng, rồi mấy tháng sau chính thức làm bề trên cả thay thế cha Laynez.

Với chức vụ mới, cha Borgia hăng hái làm việc như quên tuổi già đang đến với bệnh dạ dầy đang làm hao mòn sinh lực. Đối với dòng Tên, thánh nhân được coi như vị sáng lập thứ hai sau thánh Inhaxiô. Quả thế, chính nhờ ngài, nhờ sự thánh thiện và cách làm việc khôn ngoan của ngài mà hội dòng này đã phát triển mạnh mẽ, đã có mặt tại nhiều quốc gia và mỗi ngày một thêm uy tín trong Giáo hội. Công trình hoạt động của thánh nhân thực đáng kể, nhưng đời sống nhân đức của ngài còn đáng khâm phục hơn. Người ta bảo ngài được các người trên tín nhiệm vì ngài có tính cương trực và tinh thần trách nhiệm, được kẻ dưới kính yêu vì lòng bác ái vị tha của ngài. Ngài thành tựu trong công việc xét theo bề ngoài là do tài ba, suy tính đắn đo, nhưng bên trong là nhờ ơn Chúa chan hòa nơi đức tin sống động và lòng yêu mến trọn hảo của ngài. Có thể nói được rằng, càng về cuối đời, thánh Borgia càng sáng chói nhiều nhân đức, càng trở nên đèn sáng mà Chúa muốn dùng để chiếu soi cho anh em trong dòng và cả thế giới công giáo.

Mùa hè năm 1571, vâng lời Đức Giáo Hoàng Piô V, cha Borgia tháp tùng Đức Hồng y Bônelli đi công cán tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Cuộc du hành kéo dài tới ba tháng, đã nên dịp cho bệnh tái phát và mau chóng làm suy tàn tuổi già còn lại. Tuy nhiên, cha vẫn gắng chịu cho tới khi trở về Rôma. Nơi đây, cha nằm liệt giường và chịu bệnh cho tới nửa đêm ngày 30.9.1572 thì qua đời; cha hưởng thọ 62 tuổi.

Năm 1670, cha Borgia được Đức Giáo Hoàng Clêmentê X ký sắc lệnh phong thánh và kính lễ trong dòng Tên, và đến năm 1689, Đức Alêxanđôrô mới truyền cho cả Giáo hội kính nhớ. Đầu tiên lễ kính thánh nhân định vào ngày 30 tháng 9, tức là đúng ngày ngài qua đời, nhưng đến sau lại đổi vào ngày 10.10 hằng năm.

Đọc truyện thánh Borgia, chúng ta không thể bỏ qua lời vàng ngọc của ngài còn để lại và bao người đã coi như châm ngôn của đời sống mà ngài đã ghi lại trong một trang nhật ký: “Tôi ước nguyện làm điều vừa lòng Chúa hơn cả, vì chỉ điều ấy mới làm cho lòng tôi toại nguyện. Chớ gì tôi được cùng chết và cùng sống với Chúa. Tôi yêu mến thánh giá Chúa, thánh giá mang vinh dự và cứu rỗi đến cho tôi...”.

Chớ gì những lời trên đây cũng là câu tâm niệm và là phương châm hoạt động cho mỗi người chúng ta trên con đường tu đức.