Hạnh Các Thánh


Ngày 6 tháng 10

THÁNH BRUNÔ

SÁNG LẬP DÒNG SÁCTRƠ

Thánh Brunô một trong những nhân vật thời danh của phong trào phục hưng của thế kỷ XI và XII. Ngài cũng là một trong những vị tôn sư khả ái, có nhiều môn đệ và bằng hữu nhất thời bấy giờ. Tuy nhiên, sau khi qua đời, tên tuổi ngài mau bị lu mờ trong suốt mấy thế kỷ. Cho tới ngày 19.7.1514, thánh Giáo Hoàng Lêô X truyền ghi tên ngài vào sổ bộ chư thánh của Giáo hội, danh thơm và nhân đức của ngài mới được phục hồi xứng đáng.

Theo những tài liệu còn lại, chúng ta biết thánh nhân sinh khoảng năm 1034, trong một gia đình quý tộc thuộc tỉnh Côlônia. Lúc còn nhỏ, Brunô theo học tại các trường ở tỉnh nhà. Mãn học, ngài dâng mình cho Chúa và lãnh chức kinh sĩ. Chịu chức linh mục rồi ngài đi Rêims theo lớp bổ túc về tín lý. Năm 1056, cha Brunô được mời về Rôma giữ chức giáo sư tín lý. Kỳ này cha bắt đầu chú giải Kinh thánh. Tập chú giải đầu tiên về thánh vịnh, và tập thứ hai về thư thánh Phaolô. Tuy là những tác phẩm chú giải, cha cũng mặc cho chúng một văn từ hoa mỹ, sáng sủa và mạch lạc. Ngài chịu ảnh hưởng rất nhiều tư tưởng của thánh Âutinh.

Những tác phẩm này được chuộng nhất vào thế kỷ XVI vì thế, danh hiệu tôn sư Brunô mà các môn đệ và nhiều học giả thời bấy giờ truy tặng cha, nay sống lại một cách trọn vẹn hơn khi nào hết. Cha Brunô dạy học có tiếng đến nỗi sau khi cha qua đời, ghế giảng sư của cha Brunô bị bỏ trống trong một thời gian gần một phần tư thế kỷ. Nhắc đến cha, ai cũng khen ngợi tài ba và đức độ của ngài. Người đương thời đã khen tặng cha bằng những tước hiệu như: nhà hùng biện số một, nhà văn lỗi lạc, nhà biện chứng luận, nhà văn phạm và tiến sĩ trên các tiến sĩ...

Những lời khen tặng ấy không có gì quá đáng nếu đem đối chiếu với những lời chứng rất thật do các cựu môn sinh của thánh nhân kể lại. Cha Rangêriô sau làm giám mục thành Luques thường xưng mình là môn sinh của vị tôn sư khả kính Brunô. Đức Giám mục Rôbertô địa phận Langres hay xin các vị tu hành trong địa phận cầu nguyện cho vị tôn sư lỗi lạc của mình. Còn cha Lambert, tu viện trưởng ở Pochiê cũng luôn luôn nói với các tu sĩ trong dòng rằng: “Hầu hết những điều tôi huấn dụ anh em, tôi đã được Thiên Chúa phú ban qua người thầy thánh thiện là tôn sư Brunô”. Cha Mainard, bề trên tu viện Comêry và cha Phêrô, giám đốc tu viện thánh Gioan tại Soisson cũng thường hãnh diện xưng mình là môn đệ của tôn sư Brunô. Nhưng có lẽ người môn đệ trung thành và thời danh nhất của cha Brunô, chính là cha Êuđê Chatillôn, sau làm Giáo Hoàng với danh hiệu là Urbanô II.

Với tinh thần nhân bản đích thực, cha Brunô đã được hân hạnh làm cố vấn cho một trong những vị Giáo Hoàng đã từng canh tân Giáo hội nhiều nhất. Nhưng không phải vì thế mà cha Brunô không vấp phải những trở ngại do những người khác ý kiến, khác lập trường tư tưởng gây nên. Ngay khi cha mới về dạy tín lý tại Rôma, họ đã tìm mọi cách phản đối cha. Dưới triều Đức Giáo Hoàng Grêgôriô VII, tại công đồng Autun, năm 1077, nhiều linh mục thành Reims đã đệ đơn tố cáo cha. Vụ án kéo dài tới công đồng Lyon năm 1080. Nhưng sau cùng phần thắng vẫn về phía cha Brunô, và mọi người, kể cả đối phương, đều công nhận cha là người chính trực và liêm khiết.

Kể từ năm 1077, khi bị tố cáo tại công đồng Autun, cha Brunô từ giã ghế giáo sư tín lý, để thong dong hướng về đời sống thánh thiện âm thầm mà cha đã nhiều năm ôm ấp. Năm 1082, cha đến Molêm thụ huấn với cha Rôbertô. Đây là một tu viện mới được cất lên năm 1075, với mục đích quy tụ các vị tu hành thành một cộng đồng. Tuy nhiên, quy luật dòng vẫn chưa được nhất định. Phần cha Brunô, ngài mơ ước đời sống bán tu hành, hay đúng hơn “bán cộng đồng” hơn là đời sống cộng đồng chặt chẽ theo quy luật. Vì thế, cha đã lãnh ý cha Rôbertô cùng với hai đồng bạn là Phêrô Bêthunne và Lambertô Bourgogne đến Séche Fontaine, cách Môlêm chừng mấy dặm đường. Nhưng chỉ một năm sau, cha lại từ giã các bạn, đi tìm một địa điểm thuận tiện hơn. Nguyên do chính khiến cha từ biệt cha Rôbertô và các bạn cha chỉ vì lý tưởng sống của cha Brunô có một mầu sắc khác biệt. Dầu vậy, mối liên lạc giữa cha Brunô và toàn thể cộng đồng tu viện do cha Rôbertô sáng lập vẫn bền chặt và đằm thắm. Bằng chứng là khi được tin cha Brunô qua đời, các thầy đã gửi đến tu viện Torre những lời phân ưu tình nghĩa như sau: “Chúng tôi đoan hứa trong 30 ngày liền sẽ dâng lễ cầu cho cha Brunô, người cha ân nhân của các thầy và là người bạn chí ái của chúng tôi. Chúng tôi sẽ ghi ngày giỗ của cha vào niên lịch của tu viện...”

Sau những chặng đường mệt mỏi, cha Brunô gặp được cha Seguin Escotay, bề trên tu viện. Theo lời chỉ dẫn của vị này, năm 1084, cha Brunô đến Chartreuse (Sáctrơ) giữ chức bề trên một tu viện mới. Tại đây, tu viện được Đức Giám mục Hugues nhiệt liệt ủng hộ và khuyến khích theo đúng như nội quy mà cha Brunô đã đệ trình. Noi theo quy luật của thánh Giêrônimô và thánh Bênêđitô, các tu sĩ đầu tiên ở Sáctrơ, ngày đêm chăm lo cầu nguyện, làm việc chân tay, trau dồi trí thức và biên chép sách vở. Nhờ đó mà chẳng bao lâu, tu viện đã có được một thư viện nổi tiếng vì nhiều sách.

Cho đến ngày nay, tu viện Sáctrơ vẫn là một tu viện khắc khổ và nhiệm nhặt nhất. Khí hậu của miền rừng núi càng làm tăng thêm giá trị đời sống hy sinh hãm mình của các thầy. Đầu tiên các tu sĩ sống từng hai người một, nhưng dần dà mỗi người sống trong một hang núi hay trong một túp lều riêng biệt. Ở đó, mỗi thầy tự do cầu nguyện, hãm mình và làm việc riêng, chỉ hội nhau dự lễ cộng đồng vào các ngày lễ trọng và chủ nhật mà thôi.

Ngày tháng trôi qua tốt đẹp trong sự ganh đua hy sinh và cầu nguyện. Tới năm 1089, bỗng một việc không đẹp xảy ra tại tu viện khiến cha Brunô hết sức đau đớn. Nhưng cũng là sự kiện chứng tỏ tài ba và nhân đức của ngài. Số là năm 1088, khi cha Êuđê Chatillon, một trong những môn sinh lỗi lạc của cha Brunô, được đắc cử làm Giáo Hoàng, với danh hiệu là Urbanô II. Đức Tân Giáo Hoàng là người có tâm hồn cởi mở, ngài muốn có nhiều vị cố vấn khôn ngoan giúp ngài cai trị Giáo hội. Trong số những nhân vật được đề cử có cha Brunô, vị tôn sư khả ái của ngài. Vâng lời, cha Brunô lên đường đi Rôma cùng với mấy thầy. Ngài trao quyền điều khiển tu viện cho cha Lăngđanh. Nhưng chẳng may, có nhiều thầy nhân dịp vị sáng lập vắng mặt đã đứng lên chỉ trích cha Lăngđanh và đòi cải tổ luật dòng. Giữa lúc nguy ngập, cha Lăngđanh đến xin Đức Giám mục Huygues và cha Seguin can thiệp để làm dịu những yêu sách của các thầy. Nhưng vô ích, tình trạng rối loạn vẫn mỗi ngày một gia tăng, đến nỗi cha Lăngđanh phải cho người sang Rôma mời cha Brunô về. Không cần phải cải tổ và dàn xếp vất vả, sự hiện diện của vị sáng lập đã dẹp tan ngọn sóng phũ phàng vừa tràn ngập tu viện.

Sau khi trấn tĩnh mọi yêu sách của các thầy, và đem hòa khí lại cho tu viện, cha Brunô trở lại Rôma. Ngài ở đây cho tới năm 1092, theo ý Đức Giáo Hoàng, ngài đi Calabrê, một hứa địa của các vị tu hành thời trung cổ. Ngài muốn lập tại đó một tu viện lấy tên là tu viện Trinh Nữ Maria. Và đặt dưới quyền bảo trợ của Đức Giáo Hoàng Urbanô II. Ngoài ra, ngài còn lập thêm một tu viện thứ ba mang tên thánh Têphanô cũng gọi là tu viện miền Torrê. Tu viện này sau chiếm địa vị quan trọng hơn cả tu viện đầu tiên tại Sáctrơ.

Lý do khiến tu viện Torrê chiếm địa vị ưu tiên có lẽ là vì đó là nơi chứng kiến những năm sống cuối đời của cha Brunô. Cha không ước gì hơn nữa là thánh hóa đời sống trong tịch liêu và an bình. Hai lá thư cha viết cho tu viện Sáctrơ chứng tỏ điều đó. Cha viết: “Trái tim và linh hồn cha no say đời sống chiêm niệm. Tuy cha chưa được về trời như lòng mong mỏi, nhưng cha đã được Thiên Chúa ban cho một sự thư thái và an bình tràn ngập tâm hồn…”. Trong một lá thư khác trả lời cha Raoul Verd thành Reims, cha Brunô viết: “Tôi hiện ở tại Calabrê với mấy anh em. Tu viện này chìm trong tĩnh mịch lặng lẽ. Ước gì tôi có đủ tài văn chương để tả lại cho cha cảnh thanh bình nơi đây. Còn gì sung sướng hơn khi lòng đã no say của ăn thiêng liêng nhờ chiêm niệm, mắt tôi còn được chiêm ngắm cảnh thái bình có một không hai này. Phải chăng đó là nguồn vui của đời sống tu hành, mà chỉ ai yêu mến thinh lặng và tịch liêu mới có thể thưởng nghiệm…”. Quả thực chúng ta không thể đan cử hết được những dòng chữ ca ngợi đời sống tu hành mà cha Brunô còn để lại như những linh dược khích lệ các môn đệ hậu thế. Nhân dịp cha Lăngđanh đến thăm và đưa tin về tu viện Sáctrơ, cha Brunô đã biên thư về cho các thầy như sau: “Anh em rất thân mến, anh em hãy vui hưởng trọn vẹn nguồn ơn dư đầy Thiên Chúa ban cho anh em. Anh em hãy hân hoan vì anh em đã thoát mọi nguy hiểm, mọi phong ba của biển trần ai. Anh em hãy sung sướng vì anh em đã tìm thấy bến bình an và vững chắc”. Cha không quên khuyên các thầy trung thành với lý tưởng tu hành ẩn dật, xa tránh cảnh huyên náo vô ích của người đời, ngoan ngoãn vâng lời các vị bề trên, nhất là thực hành bác ái cộng đồng, và phát triển tinh thần hy sinh đích thực.

Mấy tháng sau cha lâm bệnh nặng và qua đời, để lại cho mọi người một sự luyến tiếc sâu xa. Theo một tài liệu còn lại của tu viện, thì các tu sĩ đã loan tin về cái chết của ngài như sau: “Chúng tôi, những tu sĩ ẩn dật hèn mọn, thuộc tu viện mà cha Brunô là vị sáng lập, là người cha lân ái và là bề trên cao cả, đau đớn đưa tin cho mọi người biết rằng: khi thấy giờ từ giã trần gian để về với Cha trên trời đã gần tới, cha Brunô cho hội anh em dòng lại khuyên nhủ và kể cho nghe đời sống của ngài ngay từ hồi thơ ấu… đoạn ngài tuyên xưng đức tin cách sốt sắng. Linh hồn thánh thiện lìa khỏi thân xác vào ngày chủ nhật, cũng là ngày mồng 06 tháng 10 năm 1101. Xin mọi người cầu cho linh hồn cha và cho chúng tôi là những tội nhân…”

Nguyện xin thánh Brunô bầu cử trước mặt Chúa cho chúng con biết yêu cảnh đời thinh lặng và giữ lòng thanh sạch để luôn cháy lửa mến yêu Chúa và yêu người.