Hạnh Các Thánh


Ngày 29 tháng 9

CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAE, GABRIE VÀ RAPHAE

Tinh thần phụng vụ không cho chúng ta tách biệt các thiên thần và các vị tổng lãnh thiên thần. Vì thế từ lâu, lễ kính Tổng lãnh Micae cũng là lễ kính các thiên thần. Bộ kinh lễ nói lên bổn phận chung chúng ta phải có đối với tất cả đạo binh thiên quốc. Đạo binh này hết sức đông đảo và giữ một vai trò quan trọng trong Kinh thánh. Tuy nhiên, các ngài không mang một tên nào rõ rệt, trừ Đức tổng thần Micae và sứ thần Gabrie mà tiên tri Đaniel và thánh sử Luca nói đến cách rõ rệt. Sau cùng tổng lãnh thiên thần Raphae, vai trò chính trong truyện ông Tôbia. Đức Raphae đại diện cho bảy vị tổng lãnh “hầu toà Thiên Chúa” (Tob 12,15). Còn Đức Micae, tên ngài có nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?”. Đó là lời tuyên chiến thốt ra từ miệng những thiên thần trung tín chống lại thần dữ kiêu ngạo để suy tôn quyền tối cao Đấng Tạo Thành.

Lần giở lại những tác phẩm thời Giáo hội sơ khai, chúng ta thấy người ta còn kể thêm nhiều tên các thiên thần khác. Nhưng năm 745, tại công đồng Latêranô, Đức Giáo Hoàng Zacharia đã tuyên bố: “Giáo hội Kitô chỉ nhìn nhận ba tên gọi chính thức của các thiên thần: Micae, Gabrie và Raphae.

Đến sau các nhà thần học, căn cứ vào những danh từ dùng trong sách được linh ứng, phân chia các thiên thần thành chín phẩm và đặt thiên thần Micae làm tổng lãnh phẩm thứ tám, tức là phẩm các thiên thần “sốt mến” (Cherubim).

Sở dĩ các nhà thần học đã có thâm ý đặt Đức Micae là tổng lãnh thiên thần; vì theo nhiều tác giả thời danh, chính ngài đã lãnh nhận nhiều sứ mệnh trong thời ông bà nguyên tổ sau khi bị đuổi ra khỏi địa đàng, ngăn tay ông Abraham không cho giết Isaác, vật lộn với Giacóp, hướng dẫn dân Do thái qua sa mạc, mai táng xác ông Maisen, cứu trợ tiên tri Êlia trong sa mạc, tàn sát quân đội xứ Assyria…

Nhưng đặc biệt hơn cả, người ta đồng thanh kính tôn Đức Micae là “Vị chiến thắng Satan”. Tiên tri Đaniel, nhất là thánh Gioan tông đồ, đã khéo tả như sau: Khi ấy trận chiến bùng nổ trên trời, thánh Micae và các thiên thần thuộc quyền chiến đấu với Satan và các thần dữ. Chúng chống trả lại mãnh liệt, nhưng cuối cùng bị thảm hại và bị đuổi khỏi nước trời… Và bấy giờ tôi nghe từ trên trời kêu xuống: “Từ nay, chiến thắng, quyền lực và đế vương hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa chúng ta và quyền thống trị là của Chúa Kitô Con Người”, vì kẻ tố cáo anh em chúng ta đã bị triệt hạ… (Kh 12, 7-18). Rồi thánh Micae tổng lãnh cơ binh thiên quốc mà tiên tri Đaniel đã mô tả (10-12) như người bảo trợ dân Israel, thì trong Tân ước lại được kể như vị bênh vực Giáo hội và từng người tín hữu.

Là Đấng bảo trợ Giáo hội và thủ lãnh các thiên thần hầu quanh bàn thờ Chúa, thánh Micae đương nhiên là người trung gian giữa loài người và Thiên Chúa. Từ lâu Giáo hội vẫn nhận tổng thần Micae hằng dâng lễ. Lúc xông hương, thầy cả kêu cầu đến lời bầu cử của tổng lãnh Micae hằng đứng bên phải bàn thờ dâng hương. Và đó cũng là lý do khiến người ta hiểu rằng vị sứ thần tay cầm bình hương vàng đứng cạnh bàn thờ (Kh 7, 3-4) được nói đến trong cuốn Khải huyền là chính tổng lãnh Micae. Cũng thế, từ thế kỷ XII, các nhà chú giải Kinh thánh nghĩ rằng chính tổng lãnh thiên thần Micae đã hiện ra với ông Giacaria ở bên hữu bàn thờ (Lc 1,11). Nhưng còn của lễ nào được khẩn thiết dâng lên Thiên Chúa bằng lòng thống hối của chúng ta. Trong kinh cáo mình, sau khi cậy nhờ Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta cầu cứu với thánh Micae. Ngài còn xin ơn tha thứ và hộ vực chúng ta chiến đấu với Satan, đặc biệt trong giờ hấp hối. Vì thế chúng ta hãy sốt sắng hợp ý với Giáo hội khi kêu danh ngài trong kinh cầu các thánh! Chúng ta kêu cầu ngài cho người hấp hối, và cả những linh hồn quá cố nữa. Phải chăng, vì thâm hiểu giáo lý Chúa Kitô muốn dạy chúng ta qua dụ ngôn “Ông Lagiarô nghèo khó được các thiên thần mang về đặt lên lòng tổ phụ Abraham” (Lc 16,22), “Giáo hội dành cho các thiên thần và riêng thánh Micae một chỗ đặc biệt trong kinh lễ các linh hồn”.

Trong bài ca chiến thắng “Bước vào thiên quốc” (In paradisum) Giáo hội hát: “Chớ gì các thiên thần dẫn linh hồn về thiên quốc, các thánh tử đạo tiếp nhận linh hồn đến và đưa linh hồn về nơi an nghỉ vĩnh cửu cùng với Lagiarô, con người nghèo khi xưa”. Rồi trong kinh dâng lễ, Giáo hội lại hát: “Ước gì tổng lãnh Micae dẫn đưa các linh hồn về nơi ánh sáng ngàn cực thánh”.

Vì thế, chúng ta không lạ gì ngay từ thế kỷ đầu, các tín hữu đã có những phong trào tôn sùng đặc biệt đối với các thiên thần và riêng thánh Micae. Tâm tình đạo đức này nhiều khi thái quá đến nỗi thánh Phaolô tông đồ đã phải cực lực phản đối: “Có những người cho các thiên thần là thần minh đệ nhị cấp, những người khác táo bạo hơn dám đặt các thiên thần trên Ngôi Lời Nhập Thể…” (Cl và Dt). Người ta phải đợi mãi đến thế kỷ III Giáo hội mới định rõ rệt về sự tôn kính các thiên thần ở cổ thời, bằng những ngày lễ “Cung hiến các đại giáo đường”.

Giáo hội Đông phương tôn sùng đặc biệt thánh tổng lãnh Micae. Ngoài ba ngày lễ trọng hằng năm, người Đông phương còn có thói quen nhận tên đệm là Micae để xin ơn “hộ phù”.

Giáo hội Tây phương cũng rất tôn kính Tổng lãnh Micae. Cuốn sách tử đạo của dòng thánh Giêrônimô chép rằng: “Ngày 29 tháng 9 là ngày cung hiến đại giáo đường thánh tổng thần Micae trên đường Salaria, cách Rôma sáu dặm đường. Lòng sùng kính này được phổ biến khắp Giáo hội Tây phương nhờ ba lần Đức Micae hiện ra. Lần đầu tiên, thánh Grêgôriô Cả, trong buổi kiệu cầu cho khỏi bệnh dịch, đã nhìn thấy Đức Micae hiện ra, tay cầm gươm đứng trên lăng ông Hadrien. Lần thứ hai Đức Micae lại hiện ra với một người chăn chiên tên là Gargan truyền ông phải liệu xây một nhà thờ gần thánh hang trên núi thánh Micae. Cũng tại đây, Ngài lại hiện ra với thánh Giám mục Albêrtô. Lòng sùng kính lan tràn đến đâu, người ta ở đấy thi nhau xây cất nhiều nhà thờ, nhiều kỳ đài dâng kính thánh Tổng lãnh. Nhiều nước, nhiều miền và nhiều địa phận đã nhận thánh Micae làm đấng hộ thủ.

*

* *

 Không ai có thể kể lại được đời sống của một sứ thần Thiên Chúa. Tuy nhiên người ta có thể kể lại câu truyện về việc sứ thần khi ngài vâng lệnh Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại, hoặc chung hoặc riêng. Riêng hôm nay, chúng ta đọc truyện thánh Raphae tổng lãnh thiên thần. Câu truyện còn ghi lại rõ rệt trong sách Tôbia thuộc bộ Thánh kinh của Giáo hội.

Câu truyện ấy được tóm tắt như sau: Ông Tôbia già vốn là người Do thái chính trực và nhân đức. Ông bị lưu đầy sang Assyria và đã bị mù mắt vì một tai nạn. Bởi thế, ông thường bị bà vợ tên là Hana nhiếc mắng. Bà cho rằng mọi tai nạn đổ xuống gia đình chỉ tại ông quá bận tâm đến những công việc bác ái và quá lo lắng về công bằng. Tôbia cảm thấy khổ tâm, nhưng ông vẫn trung thành sống theo chân lý và cố gắng làm việc lành với lòng kính sợ Giavê Thiên Chúa. Ông thường kêu xin với Chúa: “Lạy Chúa Giavê, Chúa là Đấng chí công và mọi việc Chúa đều chính trực. Mọi đường Chúa đi tràn đầy ân sủng và chân lý. Chúa là Đấng phán xét muôn dân. Giờ đây xin Chúa hãy nhìn đến tôi, hãy nhớ đến tôi…” (Tb 3,2).

Trong khi đó, Sara con gái của ông Raguel, bà con với ông Tôbia cũng bị phát lưu sang Mêđia. Nàng thường bị đứa đầy tớ gái sỉ nhục vì bảy lần kết hôn là bảy lần chồng chết ngay sau tiệc cưới. Vì thế, mỗi lúc bị bêu xấu, nàng ra cửa sổ giơ tay lên trời cầu nguyện với Giavê: “Lạy Giavê nhân từ, ước gì danh Chúa được chúc tụng muôn đời. Và mọi công trình Chúa sáng tạo, ca ngợi Chúa mãi ngàn năm. Giờ đây, con ngước mắt nhìn về Chúa, xin Chúa mau cứu thoát con…” (Tb 3,11).

Tôbia và Sara mỗi người ở một chân trời, nhưng cùng chung một hoàn cảnh, một tâm trạng của kẻ sống lưu đầy luôn bị xỉ nhục, nhưng cùng cậy trông vào Chúa Giavê. Nỗi niềm chân thành của họ đã thấu đến toà Chúa. Người nhận việc họ làm và lời họ cầu xin. Người sai sứ thần Raphae đến cứu chữa họ: chữa cho Tôbia khỏi mù và cứu Sara khỏi số phận oan nghiệt mà quỷ dữ đã gây nên. Vì thế, chữ Raphae có nghĩa là “Thiên Chúa chữa”.

Vậy, một hôm Tôbia cha sai con trai là Tôbia sang Mêđia đòi lại số bạc còn gởi nhà ông Raguel. Cùng lúc ấy, sứ thần Raphae được lệnh lấy hình một người đàn ông mang tên là Arazias để làm bạn đồng hành với Tôbia. Tới bờ sông Tigeri họ thấy một con cá to nằm ngay mé bờ. Sứ thần liền bảo Tôbia mổ lấy gan con cá ấy đưa về làm thuốc chữa bệnh. Khi tới gần nhà Raguel, trước khi chia tay sứ thần bảo cho Tôbia biết: Sara là người được ơn trên định làm bạn trăm năm với chàng. Vì thế, ngay chiều nay chàng hãy đến xin cưới nàng. Sứ thần cũng trấn tĩnh Tôbia về chuyện Sara đã chết bảy đời chồng ngay sau ngày cưới. Sứ thần bảo lấy gan cá vừa được, đốt thành than sẽ cứu Sara khỏi bàn tay quỷ ác. Quả thế, vì hơi gan cá, quỷ đã đào tẩu sang Ai cập. Sứ thần Raphae đuổi theo đến tận nơi và xích quỷ dữ lại (Tb 8,3).

Trong khi bận sửa soạn tổ chức tiệc cưới, Tôbia đã cậy sứ thần Thiên Chúa đến đòi tiền nơi Raguel. Tiệc cưới kéo dài tới hai tuần mới mãn hạn. Sau đó đôi vợ chồng trẻ lên đường trở về gia đình. Nơi đây ông Tôbia cha đang nóng lòng chờ đợi con về. Như lúc đi, trên đường về, sứ thần Raphae cũng đồng hành với họ. Khi gần tới nhà, sứ thần cùng Tôbia đi về trước. Người bảo Tôbia đốt gan cá, lấy tro xức lên mắt cho thân phụ. Lúc vừa vào nhà, Tôbia giang tay ôm lấy mẹ, rồi ôm lấy cha. Chàng lấy tro gan cá sức lên mắt cha như lời sứ thần dạy. Xức xong chưa đầy một phút thì ôi lạ thay, người mù đã được nhìn thấy. Cả nhà đều đồng thanh cảm tạ Chúa. Họ hân hoan trao cho nhau những nụ hôn bình an. Vừa lúc đó, Sara ở ngoài bước vào, niềm vui sướng và tâm tình biết ơn Thiên Chúa lại trào dâng trong lòng mọi người. Một lần nữa tiệc cưới lại được tổ chức linh đình.

Khi xong tiệc cưới, ông Tôbia truyền cho người con trai lấy tiền bạc để hậu tạ người bạn đồng hành hiếm có ấy. Bấy giờ sứ thần mới nói rõ chức vụ của mình: “Ta là Raphae, một trong bảy sứ thần luôn túc trực bên toà vinh hiển của Thiên Chúa. Ta đã dâng những lời cầu nguyện của ông lên cùng Thiên Chúa. Vì ông đẹp lòng Chúa, nên ông đã phải qua cơn thử thách. Và đây, Chúa sai ta đến để chữa ông, để trừ quỷ cho Sara con dâu ông”. (Tb 12, 15…)

Ngày nay, không còn ai hồ nghi về giá trị lịch sử của sách truyện Tôbia. Đọc câu truyện trên, chúng ta thấy hiển hiện một ý nghĩa thâm thúy với những lời văn rất tế nhị và hấp dẫn. Sống trên dương thế đầy thử thách, chúng ta phải bắt chước Tôbia và Sara hướng lòng về Chúa và trông cậy ở nơi Người. Và tâm tình chính yếu phải có là ca tụng vinh danh Chúa. Nhưng ai sẽ đem lời cầu nguyện của chúng ta lên toà Chúa, ai là người còn có sứ mệnh nâng đỡ, an ủi và giải thoát cho những tâm hồn công chính? Thánh tổng thiên thần Raphae là một trong những sứ thần đầy ân tình và sẵn sàng lãnh nhận sứ mệnh trung gian ấy!

*

* *

 Riêng về việc tôn kính các thiên thần, có lẽ nó cũng kỳ cựu như chính lịch sử Kitô giáo. Cả hai cùng bắt nguồn từ Do thái giáo. Tuy nhiên, việc tôn kính các thiên thần được phổ biến sâu rộng kể từ mấy thế kỷ đầu, đặc biệt ở Giáo hội Đông phương, thánh Raphae được kính đồng hàng với thánh Micae và Gabrie. Tại một hòn đảo ở gần Alexanđria, người ta xây một nhà thờ đồ sộ dâng kính thánh Raphae với một truyền thuyết rất ly kỳ. Lòng tôn kính các thiên thần từ Đông phương dần dần phổ biến sang Giáo hội Tây phương, với những lời kêu xin trong kinh cầu. Phong trào này có lẽ khởi sự dưới thời Đức Giáo Hoàng Sergiô cuối thế kỷ thứ VII. Đến sau, công đồng Soissons năm 774 và công đồng Rôma năm 715 đã xác định riêng về việc tôn kính ba Tổng lãnh thiên thần Raphae, Micae và Gabrie mà Thánh kinh đã nói đến một cách rõ rệt. Đến thế kỷ thứ XV, người ta cổ động một phong trào tôn sùng thánh Raphae với chức vụ là quan thầy của khách lữ hành. Tiếp đó thế kỷ XVI và XVII, trước phản ứng của Lutherô và Canvin, người ta càng hâm mộ thánh Raphae. Dòng Đức Mẹ chuyên việc chuộc lại các tù nhân và nô lệ đã được Toà thánh cho đọc những kinh nguyện kính thánh Raphae “vị Sứ thần của linh dược và hành trình”. Rồi năm 1683, một sắc lệnh khác ban cho các nước thuộc quyền Tây Ban Nha được dâng lễ riêng kính thánh Raphae. Từ đó việc tôn sùng thánh Tổng lãnh thiên thần được phổ biến khắp năm châu.

Ngày lễ kính thánh thiên thần Raphae lúc đầu không xác định. Sách lễ đời trung cổ cho di chuyển tùy thói quen mỗi địa phương. Mãi tới năm 1921, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV mới ra sắc lệnh định rõ ngày lễ vào ngày 24 tháng mười mỗi năm.

Người ta tôn kính thánh Tổng lãnh thiên thần Raphae với nhiều ý nghĩa. Nhưng đặc biệt hơn cả là để xin ngài ban sức khỏe phần hồn và phần xác như đã được bộc lộ rõ rệt trong lời kinh sau đây: “Lạy Tổng lãnh, xin mau mau đến cứu chúng con. Tên người là ‘thần dược của Thiên Chúa’, xin chữa chúng con khỏi mọi bệnh tật phần xác và ban cho chúng con lời trăn trối đầy sức khỏe tâm thần.

Sau Công đồng Vaticanô II, phụng vụ kính chung ba Đức Tổng thần vào ngày 29.9 với bậc lễ kính.