Hạnh Các Thánh


Ngày 22 tháng 9

THÁNH TÔMA VILLANÔVA

TỔNG GIÁM MỤC THÀNH VALENCIA

Trong khi Giáo hội Đức có Luther phá giới, làm gương mù gương xấu, phản đối Giáo hội và làm ô danh cho dòng thánh Âutinh thì trái lại, ở Tây Ban Nha, một tu sĩ Âutinh khác tên là Tôma Villanôva đã làm sáng danh Giáo hội và đưa lại vẻ vang cho dòng không ít.

Tôma sinh năm 1488, thuộc địa phận Tolêđô. Cha mẹ ngài có một lòng nhân từ hiền hậu, nhất là đối với kẻ nghèo túng, nên được mệnh danh là: “Quan thầy các kẻ khó nghèo”. Riêng bà thân mẫu còn có một lòng đạo hạnh khác thường, bà xưng tội rước lễ hằng ngày, ăn chay kiêng thịt các ngày thứ sáu quanh năm. Mỗi ngày bà lại dành riêng một giờ để dạy giáo lý cho con cái, cháu chắt cùng gia nhân đầy tớ trong nhà.

Cách ăn nết ở của bà đã góp một phần lớn vào việc đào tạo Tôma thành một vị thánh.

Với người nghèo khó, bà quả như một người mẹ hiền, đầy tình thương xót, âu yếm họ như con cái. Một lần kia, bà làm bánh phân phát hết cho người nghèo, chiều tối lại có người đến xin bà làm phúc, bột đã hết, bánh cũng không, bà băn khoăn lo ngại; nhưng cứ tin tưởng vào Chúa, bà sai người nhà vào lấy bột. Họ vâng lời mau mắn đi ngay, vào tới kho, họ phải ngạc nhiên vì các thùng bột ban sáng đã phân phát hết không còn chút nào, giờ đây lại đầy ứ những bột trắng tinh thơm tho. Cả gia đình thấy phép lạ đều ngợi khen, ca tụng Thiên Chúa thương ban cho bột để giúp đỡ người nghèo khổ.

Nhờ người mẹ nhân đức ấy, Tôma đã sớm hấp thụ một nền giáo dục kiện toàn và tập được nhiều nhân đức, đặc biệt hơn cả là đức bác ái. Noi gương mẹ, ngay trong những năm đầu tiên khi còn cắp sách đến trường, Tôma thường nhường phần ăn lót lòng ban sáng của mình cho các học sinh nghèo khổ. Có lần gặp những cậu quá túng thiếu, quần áo rách rưới tả tơi, động lòng thương xót, Tôma đã cởi cả quần áo, giày dép của mình đem cho họ. Lần kia mẹ ngài đi khỏi, ngài phải trông nom coi nhà, một lát sau có sáu người kẻ khó đến ăn xin, tuy không có chìa khóa để lấy bánh lấy bột làm phúc, nhưng không lẽ để họ trở về tay không, ngài liền gọi đàn gà sáu con đến bắt cho mỗi người một con. Khi mẹ về, ngài vui vẻ kể lại mọi điều cho mẹ nghe. Bà thân mẫu âu yếm nhìn con, lòng tràn đầy sung sướng vì thấy con ngoan ngoãn và đầy lòng thương người. Nếu có tiền do chị em hoặc bà con cho, Tôma cũng chỉ dùng tiền đó để mua bánh, mua trứng đem đến tặng các bệnh nhân ở nhà thương.

Lên mười lăm tuổi, Tôma được cha mẹ gửi theo học tại trường đại học ở Alcala. Cậu học một cách rất chăm chỉ, cần mẫn, chỉ trong mấy tháng trời đã trổi vượt chúng bạn về phương diện học vấn cũng như tu đức. Hằng ngày Tôma suy gẫm lời Chúa: “Ai không từ bỏ mọi sự, không thể làm môn đệ Ta”, và lấy lời ấy như tiêu chuẩn cho con đường tu đức của mình. Vì thế, tất cả cách ăn nết ở của ngài đều đem lại cho anh em chúng bạn một ảnh hưởng tốt đẹp.

Trong khi đang theo học, thân phụ qua đời, Tôma đành phải bỏ dở việc học, về quê nhà yên ủi và giúp đỡ mẹ thu xếp việc gia đình. Ngài giữ lại cho mẹ một phần gia tài để sinh sống, còn bao nhiêu đem phân phát cho kẻ nghèo hoặc để làm những việc từ thiện khác.

Khi lên 28 tuổi, Tôma xin nhập tu viện thánh Âutinh và, ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình năm 1516, ngài mặc áo dòng. Cũng vào ngày lễ đó năm sau ngài lại được khấn trọn đời. Sau thời gian tuyên khấn được ba năm, ngài thụ phong linh mục. Vào chính đêm lễ Giáng sinh, Ngài dâng lễ mở tay với tâm hồn sốt sắng phi thường. Sau đó được chọn làm giáo sư thần học, rồi lần lượt được cử giữ các chức bề trên nhà tập, bề trên tỉnh dòng…

Năm 1528, ngài được chọn làm Tổng Giám mục Granađa, nhưng với lòng khiêm nhường, ngài đem hết lý lẽ ra để từ chối. Mười năm sau, toà Tổng giám mục Valencia trống ngôi, ngài lại được cử lên chức Tổng Giám mục, tức ngày 10 tháng 10 năm 1538. Khi Đức Giáo Hoàng Phaolô III gửi phẩm phục Tổng Giám mục đến cho ngài, ngài hết sức lo lắng bối rối; nhưng Toà thánh không miễn chuẩn, ngài đành cúi đầu phụng lĩnh.

Valencia, một nơi khó khăn cằn cỗi về vật chất cũng như tinh thần đã trở nên sầm uất náo nhiệt từ khi ngài về nhận toà. Các giáo sĩ xưa kia sống theo trần tục, nay trở nên sốt sắng và chuyên cần thi hành chức vụ. Đời sống giáo dân cũng được cải hóa từ chỗ khô khan nguội lạnh, mê dục vọng, tới mức độ thánh thiện khả đáng.

Mặc dầu là Tổng Giám mục, nhưng ngài vẫn sống đơn sơ, nghèo khó hãm mình. Nhờ đời sống đó, ngài đã cải hóa được mọi người giáo dân cũng như giáo sĩ trong toàn địa phận. Để thúc giục con chiên, ngài năng ra thư chung nhắn nhủ mọi người phải thực tâm trở về với Chúa. Ngài đã tổ chức một công đồng hàng tỉnh để nhắc nhở cho các linh mục luật lệ của Giáo hội.

Tất cả công việc ngài làm, đều thấm nhuần một tinh thần đức tin sâu xa, một đức bác ái nồng hậu. Ngài rất lo lắng đến nhiệm vụ giảng dạy các vị chủ chăn. Một đêm, vào năm 1555, ngài sấp mình trước ảnh chuộc tội, cầu nguyện lâu giờ, khóc lóc xin Chúa chóng đem ngài ra khỏi chốn tù đầy trần gian. Bỗng ngài nghe tiếng phán: “Con hãy can đảm, ngày lễ sinh nhật Mẹ Chí Thánh Cha, con sẽ được về yên nghỉ nơi Cha”.

Quả thực, ngày 23 tháng 8 năm 1555, một cơn sốt nặng hành hạ thân xác ngài. Mỗi lúc một nguy kịch. Nhưng tinh thần ngài vẫn tỉnh táo, vì thế ngài ước ao được gặp đông đủ các giáo sĩ trong địa phận, để khuyên họ hãy lo tuân giữ giới răn Chúa, và ăn ở xứng đáng bậc Chúa chọn. Trước ngày từ giã cõi trần, ngài xin một vị linh mục cử hành thánh lễ trong phòng ngài. Sau khi chịu Mình Máu Chúa, ngài than thở: “Lạy Chúa, con xin phó linh hồn trong tay Chúa” và thở hơi cuối cùng chính ngày lễ sinh nhật Đức Mẹ năm 1555, đúng như lời Chúa Giêsu đã báo trước cho ngài.

Thể theo ý muốn của ngài, người ta đã an táng ngài trong dòng thánh Âutinh, nơi ngài đã tu luyện nhân đức trước khi về nhận toà Tổng Giám mục Valencia. Trên mộ ngài đã xảy ra không biết bao nhiêu là phép lạ; không một ai đến quỳ gối kêu xin ơn này ơn nọ mà phải thất vọng ra về. Đức Giáo Hoàng Phaolô V đã tôn ngài lên bậc Á thánh ngày 07 tháng 10 năm 1618. Dưới đời Đức Alêxanđê VII, ngài được phong lên bậc hiển thánh và được toàn thể Giáo hội mừng kính vào ngày 22 tháng 9 hằng năm.