Hạnh Các Thánh Ngày 1 tháng 9 THÁNH ÊGIĐIÔ TU VIỆN TRƯỞNG (Thế kỷ IV) |
Sau thánh Antôn, Êgiđiô cũng gọi là Gilliô, là vị thánh được tôn sùng nhất tại các giáo đoàn Tây phương, nhất là ở nước Pháp. Bằng chứng cụ thể là có nhiều nhà thờ dâng kính dựng lên khắp nơi. Thực là rạng danh cho “những kẻ có lòng kính sợ Thiên Chúa và hoan hỉ giữ giới răn Người” (Tv 3,1). Theo nhiều văn liệu và những mẩu truyện còn lưu truyền lại, thánh Êgiđiô sinh quán tại Athena. Ông Thêôđôrê và bà Pêlagia, cha mẹ ngài là công dân uy thế bậc nhất trong thành. Xuất thân trong một gia đình nền nếp lại thuộc dòng quý tộc, Êgiđiô lớn lên nổi tiếng thông minh và nhân đức. Thán phục đức tin sâu xa của thánh nhân, người đời bấy giờ quen gọi ngài là “chiến sĩ” và là “anh hùng” của đức tin. Nhưng quý hóa hơn cả là trong đức tin ngời sáng của thánh nhân, còn gói ghém một tinh thần bác ái bao la. Thực vậy, chỉ vì thực lòng yêu người và có lòng tin tưởng mạnh mẽ mà lúc 15 tuổi thánh Êgiđiô đã được Chúa tán thưởng bằng một phép lạ. Trên con đường dẫn đến trường học, Êgiđiô gặp một người hành khất bệnh tật nằm rên rỉ bên vệ đường. Động lòng trắc ẩn, cậu bèn cởi áo choàng đắp cho người ấy. Ngờ đâu vừa đắp xong chiếc áo, người hành khất liền được khỏi bệnh, da thịt trở nên hồng hào. Lòng tràn đầy vui sướng và tâm tình tri ân, người hành khất cùng hòa với Êgiđiô dâng lời cảm tạ Chúa. Nhưng rồi chưa đầy hai mươi tuổi, Êgiđiô đã phải lần lượt chịu tang cha và mẹ. Hai ông bà lần lượt theo nhau từ trần để lại cho Êgiđiô một gia tài kếch sù, với nhiều tiền của. Sẵn lòng bác ái, lại muốn theo đuổi lý tưởng tu hành, Êgiđiô đem bán tất cả gia tài, lấy tiền phân phát cho người nghèo, chỉ giữ lại cho mình một phần nhỏ. Trong số những người đến lĩnh của bố thí, có một người bị rắn độc cắn và một người khác bị quỉ ám lâu năm. Cả hai đều được thánh nhân lấy tên Chúa Giêsu Kitô chữa cho lành bệnh. Sau đó được ơn Chúa soi sáng, thánh nhân kín đáo bỏ nhà trốn đi. Ra tới bờ biển, ngài trông thấy một chiếc tầu đang lâm cảnh bão táp. Thánh nhân quỳ xuống cầu nguyện. Và nhờ đó, con tầu giạt vào bến yên hàn. Biết rõ là ơn riêng của thánh nhân, các thủy thủ liền đến từ tạ và xin ngài lên tầu đi Rôma. Bốn hôm sau, chiếc tầu ghé vào một đảo nhỏ. Tại đây thánh Êgiđiô gặp một nhà tu hành đã mười hai năm sống đời ăn chay đền tội. Thánh Êgiđiô mừng rỡ xin ở lại thụ giáo với vị tu hành một thời gian rồi mới đáp tầu về Massilia. Vừa cập bến, thánh nhân đi thẳng đến đỉnh Arles thăm thánh Cêsariô, xin trọ trong một nhà góa phụ giầu có tên là Thêôcrita. Bà này có một người con gái mắc bệnh kinh phong từ hồi ba tuổi, được thánh nhân chữa khỏi. Theo lời thánh Cêsariô xin, ít lâu sau thánh Êgiđiô lại đến thăm và sống chung với vị thánh lão thành đó suốt hai năm. Sau đó, vì lòng mến đời sống tịch mạc, thánh Êgiđiô lên đường qua sông Rôđanô, vào một khu rừng già sát bên sông, ở đó có một vị tu hành thâm niên tên là Vêrêđêmô. Hai người trở nên thân tình và chia nhau mỗi người sống ẩn trong một hang đá gần nhánh sông Gard. Ở đây, nhờ lời cầu nguyện và lòng tin vững bền của các ngài, Chúa đã cho các ngài làm nhiều phép lạ, chữa các bệnh nhân và bảo vệ mùa màng cho dân chúng. Vì thế, tiếng tăm của các ngài mỗi ngày một đồn thổi xa, và dân chúng tuôn đến ngày đêm không ngớt. Nhưng thánh Êgiđiô rất khổ tâm trước quang cảnh nhộn nhịp và náo động ấy. Ngài lại kín đáo tìm đến một cái hang khác, cách xa hai ngày đường và ở trong một đồng cỏ rậm rạp, gần cửa sông Rôđanô. Lúc đầu thánh nhân chỉ sống bằng cỏ tươi và nước lã, nhưng sau Chúa đã khiến một con nai ngày ngày đến trước cửa hang cho thánh nhân lấy sữa nuôi mình. Nhưng rồi một hôm tiểu vương Flaviô và đoàn tùy tùng đi săn bắt gặp chính con nai kia. Nghe tiếng súng, con vật hoảng hốt chạy đến với thánh Êgiđiô như để xin che chở. Thánh nhân quỳ xuống cầu nguyện, và bỗng nhiên trời đổ sương mù khiến nhà vua phải lên hiệu cho đoàn tuỳ tùng trở về. Sáng hôm sau, có lẽ vì tiếc con nai vừa to vừa đẹp đã bắt gặp chiều hôm trước, nên vua lại kéo đoàn tùy tùng đến săn bắn. Lần này có cả Đức giám mục cùng đi. Và con nai lại một phen hoảng sợ vì tiếng súng của nhà vua. Con vật chạy đến ẩn náu sau lưng vị thánh tu hành. Và chính vị thánh này đã tìm hết cách che chở cho con vật. Sau tiếng súng của nhà vua, tưởng đã hạ được con vật rừng đáng giá, bèn cùng Đức giám mục thả cương dong ngựa tới. Nhưng các ngài phải bỡ ngỡ biết bao khi thấy một ông lão đang vui vẻ dịt chặt vết thương và con vật ngoan ngoãn nằm dưới chân ông, thè lưỡi liếm từng giọt máu chảy ra trên mặt đất. Mọi người xuống ngựa đem thuốc đến băng bó cho ông lão, rồi yên lặng nghe ông kể sự liên lạc giữa ông và con vật. Nghe câu truyện, nhà vua và đức giám mục mới nhận ra đó là vị tu hành thánh thiện mà dân chúng mến phục và đồn thổi từ lâu… Từ đấy, cứ mỗi tuần, vua và đức giám mục lại tới thăm Êgiđiô, dâng cho ngài nhiều thức ăn. Thánh nhân từ chối không nhận những của ăn đắt tiền ấy, chỉ ngỏ ý xin nhà vua và Đức giám mục giúp mình thiết lập một tu viện. Vua đồng ý nhưng đòi điều kiện là chính thánh Êgiđiô phải làm bề trên. Đầu tiên thánh nhân từ chối, nhưng sau vì lời truyền của Đức giám mục, ngài phải lĩnh ý. Ngoài việc xây tu viện, thánh nhân còn dựng hai thánh đường, một dâng kính thánh Phêrô, và một dâng kính thánh Privatô. Ngày Đức giám mục đến làm phép nhà thờ cũng là ngày thánh Êgiđiô được chịu chức linh mục, và hơn mười thầy khác được ban áo dòng và nhận lời khấn trọng thể. Hai năm sau, vì nghe biết tiếng nhân đức của thánh Êgiđiô, Hoàng đế nước Pháp là Carôlô cho sứ giả đến mời thánh nhân về Paris. Trên đường về thủ đô, thánh Êgiđiô đã trừ quỷ cho một người tại Orléans. Hoàng đế đón tiếp thánh nhân rất nồng nhiệt. Hơn nữa, khi vừa gặp ngài, Hoàng đế đã quỳ xuống xin xưng tội. Cử chỉ nhà vua khiến nhiều người cảm động, thêm sốt sắng và cùng thán phục nhân đức của vị tu hành cao niên. Lúc trở về tu viện, thánh Êgiđiô rẽ vào thành Nimes viếng các di tích thánh và làm nhiều phép lạ cho con trai ông thị trưởng đã chết một ngày được sống lại. Ngoài ra, mấy năm cuối đời, thánh nhân còn được Chúa cho làm nhiều phép lạ và nói tiên tri nhiều điều. Ngài cũng cố gắng lo cho tu viện được bền vững về sau. Vì thế, ngài đi Rôma xin Toà thánh châu phê luật dòng và còn xin Đức Giáo Hoàng bảo trợ dòng cách riêng. Công việc thành tựu, thánh Êgiđiô sung sướng trở về. Nhưng về nhà vừa được năm tháng thì thánh nhân ngã bệnh và mệnh chung ngày 01 tháng 9. Xác thánh nhân được mai táng trong nhà thờ của tu viện. Đến sau, người ta cải mộ và phân tán hài cốt của thánh nhân cho nhiều nơi ở Tây phương. Ngày nay nhiều nhà thờ nước Pháp và nước Đức vẫn hãnh diện vì còn giữ được phần hài cốt của thánh Êgiđiô. Song đôi với phong trào sùng kính ấy, nhiều thánh đường, nhà nguyện, tu viện được thiết lập và mang tên thánh nhân. Lạy Chúa là Đấng đã ban cho thánh Êgiđiô được lòng tin bền vững, đức bác ái nhiệt thành để làm nhiều phép lạ cứu giúp các linh hồn, xin vì lời bầu cử của thánh nhân, ban cho chúng con cũng được mạnh tin và giầu lòng bác ái, hầu làm sáng danh Chúa và đáng lãnh nhận hạnh phúc muôn đời. |