101 GIAI THOẠI CÁC THÁNH

LUY GONZAGA MARIA, CMC

64.  TÔI CŨNG LÀ MỘT TAY ĐÁNH TRỐNG

Sau hai năm làm Bề trên tỉnh dòng Đức Mẹ, cha Colin giao cho thánh Phêrô Giulianô Eymard linh mục (1811-1868) chức vụ Tổng Kinh Lý với nhiều trách nhiệm nặng nề.

Trong thời gian mấy năm đó, cha Eymard liên tục đi kinh lý nhiều cộng đoàn dòng Đức Mẹ ở Pháp. Tuy có nhiều trọng trách và sức khỏe yếu kém, nhưng nhiệt tình tông đồ của cha không hề suy giảm. Các nhà thờ trong vùng cũng thường mời cha giảng tĩnh tâm Mùa Chay. Cha được mọi người biết đến không những qua việc giảng dạy mà còn vì cách thức cha giúp đỡ mọi người.

Một lần kia, Cha Eymard đến thăm bệnh viện, cha lại bên một cụ già thường khoe mình quen biết vua Napoléon đệ nhất, và ông cụ đã từng là một người lính đánh trống trong quân đội của Napoléon. Cha Eymard chăm chú nghe ông cụ nói, và cha chợt nhớ ra trước kia cha cũng từng đánh trống khi còn là học sinh ở trường trung học Balley. Thời đó, cha hay đi tới đi lui hành lang của hội trường, vừa đi vừa đánh trống để giúp các bạn giải khuây và xua đi nỗi buồn của họ. Cha Eymard nói với người lính già:

- Tôi cũng là một tay đánh trống.

Người lính già ngạc nhiên nói:

- Hay thật! Một linh mục đánh trống.

Cha Eymard hỏi:

- Ông biết đánh bao nhiêu hành khúc?

Người lính già nhanh nhảu đáp:

- 14 hành khúc.

- Tốt quá, thế thì cụ hơn tôi rồi, tôi chỉ biết đánh có 10 hành khúc.

Thế là từ đó, hai người thường chia sẻ với nhau những câu truyện về hoàng đế Napoléon. Cha Eymard kể lại cho người lính già nghe trước đây cha đã thấy hoàng đế đi bộ qua làng La Mure (quê hương của cha), khi hoàng đế đã tới chỗ lưu đày trở về. Rồi với sự khéo léo, cha lái câu chuyện về cuộc lưu đày cuối cùng của Napoléon ở đảo St. Helena và tế nhị thuật lại việc hoàng đế hoán cải, trở về với Chúa. Nghe đến đó, người lính già đã khóc vì cảm động, ông xin xưng tội và theo gương vị anh hùng của mình, ông đã hoán cải.