101 GIAI THOẠI CÁC THÁNH

LUY GONZAGA MARIA, CMC

59.  TINH THẦN LẠC QUAN CỦA MỘT VỊ THÁNH

Cuộc đời chỉ vỏn vẹn có 34 năm, thánh Valentinô Berriô-Ochoa Vinh (1827-1861) đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm. Nhưng với tinh thần đơn sơ của một người tràn đầy tình yêu Chúa và tha nhân, ngài đã biến tất cả thành một giai điệu nên thơ. Tất cả những vất vả gian lao của cuộc đời của ngài ở Tây Ban Nha cũng như trên đất Việt đã được ngài khoác cho chiếc áo vui tươi bằng thái độ kiên cường, bằng tình yêu nhiệt thành và sự trung tín. Ngài biến đổi chúng bằng những phút chiêm niệm sâu xa và bằng nụ cười bất diệt.

Trong niềm hân hoan khôn tả ngày chịu chức linh mục, cha Valentinô đã viết thư cho mẹ: “Ngày mộng ước, ngày con được thụ phong linh mục... Con của mẹ giờ đây đã được tình thương Chúa nhắc lên chức phẩm cao cả, đến nỗi các thiên thần cũng phải run sợ”.

Sau hai năm tận tuỵ với chức vụ linh hướng đại chủng viện, cha đã xin vào dòng Đaminh để thực hiện giấc mơ truyền giáo bên Việt Nam từ khi còn niên thiếu. Lúc từ giã, có người quen hỏi cha:

- Cha đi đâu, và bao giờ trở lại?

Cha vui vẻ trả lời:

- Tôi đi để quê tôi có người làm thánh.

Ngày 30.3.1853, cha Valentinô cùng với 3 vị thừa sai khác đặt chân lên đất Việt, nơi đây đang xảy ra cuộc bách hại Công giáo. Vì thế cha vừa phải trốn tránh, vừa tìm cách gặp gỡ giáo dân và làm việc mục vụ. Trong thư gởi gia đình, cha viết: “Cánh đồng truyền giáo này không thấy một ngày quang đãng, không một ngày nào không có đau thương để vác, không có lo toan để tìm phương bổ cứu, không có mặt kẻ theo dõi hay quan quân truy lùng.”

Hai tháng rưỡi trôi qua, tuy tiếng Việt nói chưa thông, nhưng tài năng và nhân đức của vị linh mục trẻ này đã được khẳng định. Đức cha Sampedro Xuyên, trước nguy cơ có thể bị bắt, đã chuẩn bị cho tương lai của giáo phận, ngài dùng quyền Tòa Thánh để chọn cha Valentinô Vinh làm Giám mục phó có quyền kế vị. Đây là tâm sự của cha:

- Thưa Đức cha, nếu được thì xin cất chén đó cho con... Con thấy lòng con tràn ngập lo lắng khi nghĩ đến địa vị mà Đức cha muốn đặt con lên. Nhưng điều mà môi miệng con nói thì con cũng xin nói với cả tấm lòng, đó là xin vâng trọn ý Chúa, bây giờ và đời đời chẳng cùng.

Lễ tấn phong Giám mục của cha Valentinô Vinh có một không hai trong lịch sử Giáo hội. Đêm ngày 13 rạng ngày 14.6.1858, Đức cha Xuyên đã cử hành lễ tấn phong cùng với hai thừa sai khác tại nhà ông trùm Chi ở Ninh Cường. Lễ nghi được tiến hành âm thầm, không một tiếng hát, không một người tham dự. Bao tay, bít tất không có, mũ ngọc của tân Giám mục được làm bằng bìa cứng phủ giấy trang kim, gậy ngọc là cây nứa, đầu gậy cuốn bằng rơm cũng được bọc giấy trang kim.

Hơn một tháng sau, khi nghe tin Đức cha Xuyên tử đạo, dù đã kiên nhẫn và bình tĩnh, Đức cha Vinh cũng phải thốt lên nửa đùa nửa thật:

- Đức Giám mục khả kính Sampedro Xuyên để cho tôi một gánh quá nặng. Ngày nào tôi nhoai đến Thiên cung, tôi sẽ tố cáo ngài.

Mới 31 tuổi, nhưng Đức cha Valentinô Vinh đã phải quan tâm coi sóc một địa phận trên 150 ngàn giáo dân đang trong thời kỳ bách hại đạo khốc liệt nhất. Các linh mục, thầy giảng, và biết bao giáo dân đã bị ngã gục vì đức tin chân chính. Bản thân Đức cha Valentinô Vinh cũng phải sống trong hầm trú, ở đây ngài dạy Thần học cho các chủng sinh, huấn luyện các linh mục tương lai, thỉnh thoảng đến đêm ngài đi ra ngoài giúp các bệnh nhân... Nhưng Đức cha Vinh không thở than, không một lời rên rỉ. Cái chương trình “thánh thiện trong vui tươi và xả kỷ” của ngài từ hồi còn là chủng sinh giờ đây ngài vẫn trung thành thực hiện. Điều đó, ta có thể thấy trong lá thư gởi cho thân mẫu vào tháng 8 năm 1860:

“Mẹ chí yêu của lòng con,

“Mẹ hỏi con sống thế nào, ăn uống làm sao?

“Mẹ quí mến của con ơi! Con sống tươi lắm, con làm Giám mục cơ mà! Còn thức ăn ngày nào cũng có. Đừng lo mẹ ạ, chúng con chẳng đói đâu. Nhưng mẹ tưởng hễ làm Giám mục là phải ngồi ngựa à? Không, chúng con tuột giày ra giữa đêm hôm tăm tối, nhoài hết chỗ lội này đến quãng lội khác. Vậy mà cứ vui thôi. Một hôm, con lội 6 dặm đường, trên mưa tuôn, dưới bùn trơn, con ngã soành soạch không biết bao nhiêu lần. Tuy làm Giám mục, con cũng ướt như chuột và lấm bùn be bét. Nhưng giáo hữu ở đây tốt lắm, về tới nhà đã thấy họ đổ nước cho con tắm rửa sạch sẽ để chuẩn bị dâng lễ...

“Ồ có lẽ mẹ bảo: Vinh nhỏ của mẹ ơi, sống thế xìu lắm! Không, chả buồn chả xìu chút nào mẹ ạ. Ở đây người ta sống mạnh, sống tươi, nhanh nhẹn lắm. Chúa an ủi chúng con trong lao nhọc. Con nay tuy là ‘trai già’ mà nhảy qua vũng lội như con sóc đấy. Mẹ ạ, Vinh trước kia đã là đứa con nhảy nhót qua núi đồi thì nay bộ mặt đã đầy râu của nó, cũng sẽ làm những tên quỷ già nhất ở trong Hỏa ngục phải run sợ...”

Phải có tâm hồn tươi trẻ và siêu nhiên mới có được thái độ và lời lẽ như vậy, vừa dí dỏm vừa tươi vui pha chút đùa dỡn nữa. Những lá thư phản ánh được sự bỏ mình và nét đơn sơ tươi trẻ của vị Giám mục 34 tuổi xuân này. Thực là cái vui của các thánh, của tâm hồn đầy Chúa. Ngày 01.11.1861, vẫn với niềm vui tươi và tính đơn sơ phó thác ấy, Đức cha Valentinô Vinh đã đưa đầu đón nhát gươm của lý hình, và trên khuôn mặt đẫm máu đào của ngài, còn ánh lên nét tươi vui.