101 GIAI THOẠI CÁC THÁNH |
|
52. NƯỚC MẮT NGƯỜI MẸ KHÔNG VÔ ÍCH | |
Augustinô đã đến tuổi phải lên vùng Mador theo học. Thánh nữø Mônica đau lòng vì sự chia ly này, bà lo lắng cho cậu Augustinô vì phải sống giữa nơi đầy cạm bẫy, xa hoa, mà không có người chăm sóc bảo ban. Nỗi ưu phiền của Mônica không phải vô cớ, vì chính nơi theo học Augustinô đã bị đầu độc bởi bạn bè xấu xa, rạp hát đồi bại, chơi bời truỵ lạc. Mônica bỏ ăn mất ngủ, khóc suốt sáng thâu đêm... Năm bà 39 tuổi, chồng bà là Patriciô qua đời, lòng người quả phụ càng thêm khô héo. Bà xa lánh cuộc đời nhộn nhịp. Bà tìm mọi cách làm việc bác ái, gia tăng hy sinh cầu nguyện để xin Chúa tha tội và lấy lại tình yêu Ngài cho con bà. Từ ngày chồng mất, Mônica phải tằn tiện và hy sinh rất nhiều mới đủ cho con theo học. Lúc đó Augustinô đang tấn tới, rạng rỡ về văn chương và triết học lại càng thông thái. Năm 19 tuổi, Augustinô nói năng hoạt bát, trí tuệ thông minh. Augustinô cũng đọc Thánh Kinh nhưng không sao hiểu được vì thiếu lòng khiêm nhường và mất đức trong sạch. Mỗi lần Augustinô vào nhà thờ, mục đích là để khoe mẽ và lọt vào mắt xanh của người đẹp. Sau này, Augustinô dan díu với một thiếu nữ. Hai người theo nhau đi khắp mọi nẻo đường, sinh được một con trai. Mãi tới khi Augustinô sắp rửa tội nàng mới chia tay. Càng ngày Augustinô càng sa ngã, nương theo đạo rối Manikêô, chống đối Hội Thánh. Mônica không ngờ Augustinô lại có thể làm việc tày trời như vậy. Trong cơn đau khổ vô bờ, bà đã đuổi Augustinô và cấm không cho gọi bà là mẹ nữa. Tuy kiêu căng ương ngạnh nhưng Augustinô vẫn có lòng yêu kính mẹ, nên ông đã trở về sống với bà. Sau khi hồi tỉnh, bà Mônica rất dè dặt và khôn ngoan, nên không hề phiền trách hay dùng quyền lực để ngăn cản, tránh hết sức những điều tương phản. Nhưng nhờ các bậc thông thái tìm cách tranh luận với Augustinô. Đồng thời bà ra sức hãm mình, hy sinh và cầu nguyện cho con. Các nhà thông thái nói với bà: - Augustinô đang tuổi trẻ, lòng tự ái quá cao, xin bà nén lòng chờ đợi. Augustinô mỗi ngày một học rộng tài cao. Bà Mônica thường khuyên con nên tìm hiểu về khoa học, vì đó là con đường đưa Augustinô đến với Chúa. Một ngày kia, Augustinô được tiếp kiến vị lãnh đạo cao cấp của đạo rối mà nhiều người kính nể. Ra về, Augustinô chán nản vô cùng, vì ông cũng chẳng thêm được lẽ gì vững chắc. Sau 9 năm học hỏi, Augustinô mới thấy nghi nghờ về đạo rối. Trong thời gian này, Augustinô lại như sắp đắm chìm trong truỵ lạc, nhưng bà Mônica cương quyết cứu con ra khỏi vực sâu, dầu phải hy sinh và cầu nguyện nhiều bà cũng chẳng từ nan. Bị bạn bè quyến rũ rằng ở Rôma là kinh thành dễ bề theo đuổi danh vọng, là chốn gặp gỡ các bậc tài ba, Augustinô có ý định đi Rôma không phải vì tiền bạc và danh vọng, nhưng là vì ông muốn học thêm lên. Tuy có lòng hiếu kính mẹ, song với tuổi 30 ông không chịu phục tùng, xem mẹ là một trở ngại lớn nên quyết định trốn đi. Sự ra đi này đã khiến cho bà Mônica vô cùng đau khổ, đến mất cả tinh thần, bà kêu lên: - Chúa ôi! Chúa bỏ con rồi sao? Năm 383 Augustinô đến Rôma, ông ở nhà người bạn theo đạo rối, tuy trong thâm tâm không còn tin theo thuyết của đạo ấy nữa. Chúa đã tạo nên sự thông minh khác thường như Augustinô cho tới nay cũng chưa ai hơn được. Nhưng đáng tiếc thay chỉ vì lòng kiêu ngạo, xem cái gì cũng ngờ vực mơ hồ, nên bao năm trời ông sống như con thuyền không lái giữa bão táp phong ba. Ở Rôma một thời gian ông bắt đầu chán nản, sau đó ông đi Milan để nhận chức giáo sư văn chương. Tại quê nhà, bà Mônica héo mòn trong thương nhớ, mặc dầu bên cạnh bà còn có hai con rất hiếu thảo là cậu Navigiô và cô Perpêtua. Nhưng nghĩ tới Augustinô, lòng bà không khuây nổi. Một thời gian sau, bà nhận được thư của Augustinô cho bà biết về cuộc sống của ông, và ông cũng thật tình bày tỏ cùng mẹ nỗi thất vọng của ông. Dù xa cách ngàn trùng, bà nhất quyết ra đi tìm con. Gia cảnh nghèo lấy đâu ra tiền làm lộ phí? Nhưng không một ngãng trở nào có thể ngăn cản được tấm lòng của người mẹ. Năm 385, bà Mônica xuống tàu qua Rôma. Khi tàu vừa cập bến, bà vội vã tìm con để thỏa lòng mong nhớ. Nhưng thương thay cho người mẹ vì Augustinô đã đi Milan. Có lẽ vì thư về nhà quê quá trễ, chứ không đời nào một người con hiếu thảo như Augustinô khi rời chỗ ở lại không báo cho mẹ biết. Mới qua chặng đường rất dài từ làng Thagaste (Ai Cập) đến Rôma, nay muốn tới Milan phải đi thêm 200 dặm nữa (1 dặm = 1,609 km). Chẳng một chút nghĩ ngợi, bà quyết định tiếp tục hành trình không quản ngại đường xa khó nhọc. Sau bao công phu học hỏi, qua bao nhiêu nhà thông thái và hiền triết cổ điển, Augustinô vẫn chẳng thấy kết quả gì. Càng đi sâu vào tìm hiểu, tâm hồn Augustinô lại càng thấy rối ren, không lối thoát. Augustinô lại thấy rõ cái trống rỗng của nền đạo lý suông, sự suy đồi của phong hóa. Mặc dù Augustinô lúc nào cũng mong mỏi tìm ra chân lý. Chính Chúa muốn bà Mônica đến vào lúc này, vì cần kéo một linh hồn chai cứng dưới vực sâu bao nhiêu thì Chúa lại càng phải dùng tới sự khôn khéo, mền dẻo của người mẹ bấy nhiêu. Đồng thời lúc này, thánh Ambrôsiô Giám mục cũng tới Milan giảng đạo và ngài đã gieo vào tâm hồn của Augustinô một mầm mống tin tưởng. Mỗi lần nghe giảng về Thánh Kinh, Augustinô thấy hiểu rõ hơn. Trước kia ông không chấp nhận: là người Công giáo buộc phải tin tất cả những lời Kinh Thánh, ngay cả những gì trí óc của mình chưa hiểu thấu. Nay nghe thánh Ambrôsiô giảng ông mới nhận thấy sự sai lạc của mình. Vì hiểu rõ tâm trạng Augustinô, thánh Ambrôsiô tránh hết sức những tranh luận, chỉ chuyên đề giảng dạy mà thôi. Trong mùa Phục Sinh năm 386, thánh Ambrôsiô liên tiếp giảng 8, 9 ngày liền với lý lẽ hùng hồn và tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, ngài đã gây một niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa cho toàn dân vùng đó. Suốt thời kỳ này, bà Mônica ra sức cầu nguyện để xin ơn biến đổi cho con, bà không bỏ qua một bài giảng nào và cũng không quên dẫn Augustinô bên cạnh mình. Bao nhiêu năm lầm đường lạc lối, nay thấy tâm hồn rung động và hoan lạc, Augustinô ước ao được đứng vào địa vị của thánh Ambrôsiô. Lúc đầu Augustinô đi nghe giảng chỉ vì muốn xem thánh Ambrôsiô có tài đức như lời đồn đại không, chứ không phải để hấp thụ những lời dạy bảo. Nhưng sau những buổi giảng thuyết hùng hồn thấm thía, đức tin đã chói sáng trong lòng ông. Bà Mônica hết lòng tận tuỵ, mang cả cuộc đời cầu nguyện, với những dòng nước mắt, dùng làm của lễ hy sinh cho đến khi Augustinô thoát khỏi xiềng xích tội lỗi mới thỏa lòng mẹ thương con. Ngày 24.4.387, Augustinô chịu phép Rửa tội, vào giáp hôm lễ quan thầy của bà Mônica. Bà sung sướng nép mình dưới chân Chúa, chìm say trong hạnh phúc độc nhất của đời bà là được thấy con trở về với Chúa. Sau này, Augustinô làm Giám mục sống thánh thiện và là một nhà giảng thuyết lừng danh. Giáo hội đã phong ngài làm Thánh Tiến sĩ Hội thánh. | |