101 GIAI THOẠI CÁC THÁNH |
|
96. MƯỜI HAI NĂM BỊ BẮT CÓC LÀM NÔ LỆ | |
Một cô bé da đen 8 tuổi, người Suđăng, đang hồn nhiên hái hoa bắt bướm ở ngoài đồng gần nhà, thì bị hai người đàn ông Ả Rập bắt cóc. Họ đặt tên cho cô bé là Bakita, nghĩa là may mắn. Cô bé đó chính là thánh nữ Giôsêphin Bakita. Cuộc đời thơ ấu và thành niên của chị là một hành trình đầy gian nan, khốn khổ. Nhưng nhờ đó, chị được nhận biết Thiên Chúa, chị đã yêu mến Ngài cả trước khi nhận biết Ngài. Làm nô lệ từ lúc còn bé và rất nhiều cuộc phiêu lưu đến ngạt thở, Bakita đã được chúc phúc với sự tự do làm con cái Chúa, được tận hiến trong một dòng tu, để rồi cuối cùng trở nên một vị thánh. Sau khi Bakita bị bắt cóc, hai người đàn ông lạ mặt đã dẫn cô bé đến một nơi xa lạ. Họ bán cô cho một người buôn nô lệ. Ông này giải những người nô lệ đi nơi khác. Họ làm một hành trình suốt 8 ngày ròng rã. Họ phải băng rừng, leo núi, lội suối và băng qua sa mạc. Những nô lệ lớn tuổi thì cổ họ bị xích lại thành từng 3 người một. Bakita còn nhỏ nên lúc đi không bị xích, nhưng về đêm thì bị xích chân để đề phòng sự bỏ trốn. Đến chợ nô lệ, Bakita được một người mua. Một lần, ông chủ mua về hai bao bắp, ông tháo xích trói Bakita và một nô lệ khác, sai hai cô đi ra ngoài bẻ bắp. Lợi dụng sự sơ hở không để ý của chủ, hai cô bé liền bỏ trốn. Chúng cố gắng chạy thật nhanh, chạy suốt đêm, chạy đến một ngôi làng kia. Tưởng rằng đã tới làng của mình, nhưng hai cô đã thất vọng, nơi này hoàn toàn xa lạ. Phân vân chưa biết đi về đâu, thì một người đàn ông xuất hiện. Ông ta giả bộ hỏi thăm và hứa sẽ dẫn Bakita và người bạn trở về gia đình. Ông dẫn hai cô về nhà ông nghỉ ngơi, nhưng tại đây ông đã trói hai cô bé lại, chờ thời cơ thuận tiện để bán. Một phú hộ đã mua hai cô. Và ông này lại bán Bakita cho người đàn ông giàu có nhất vùng. Bakita được chọn làm người hầu cho con gái ông nhà giàu này. Chỉ trong một thời gian ngắn con gái ông chủ đã thương mến Bakita cách đặc biệt. Sống trong ngôi nhà rộng lớn này, Bakita được đối xử tử tế và không thiếu thứ gì. Nhưng hạnh phúc kéo dài chẳng được bao lâu, vì một ngày kia Bakita vô ý làm vỡ chiếc bình bằng sứ. Người con trai ông chủ điên tiết đánh Bakita tới tấp bằng chiếc roi da. Anh ta vừa đánh vừa dùng chân đạp Bakita hết sức dã man, sau cùng anh ta bỏ đi để mặc Bakita dở sống dở chết. Bakita được đưa đến một ổ rơm, và cô đã nằm đó hơn một tháng trời. Sau khi sức khỏe hồi phục, Bakita được bán cho một ông tướng người Thổ Nhĩ Kỳ, để hầu hạ mẹ và vợ ông ta. Cả hai người đàn bà này đều độc ác với những nô lệ. Bakita được giao việc phải luôn luôn kề cận các bà để phục vụ. Khốn cho Bakita nếu cô làm cho họ giận, những lằn roi sẽ giáng xuống trên người cô không thương tiếc. Không một ngày nào qua đi mà Bakita không bị trừng phạt hay bị đánh đập. Bakita và các nô lệ phải thức dậy lúc tờ mờ sáng và làm việc thật khuya mới được đi ngủ. Các nô lệ một ngày chỉ được ăn hai bữa trưa và tối. Một lần ông tướng và bà vợ cãi nhau, tình cờ các nô lệ có mặt ở đó, để giải tỏa cơn giận, ông tướng đã cho lính dùng hết sức lực để đánh các nô lệ đến độ da thịt rách nát. Kết quả Bakita đã phải nằm liệt trên ổ rơm suốt hai tháng dài mà không cử động được gì. Theo tục lệ, các người nô lệ phải bị xâm mình. Đây là dấu hiệu đầy danh dự cho người chủ. Mụ phù thủy có một đĩa bột, một đĩa muối và một dao cạo. Bà bắt Bakita nằm xuống, hai người nô lệ khỏe mạnh giữ chặt hai tay và hai chân Bakita. Rồi bà phù thủy lấy bột vẽ 6 kiểu hình phức tạp lên ngực Bakita, và 60 kiểu khác ở trên bụng và hai cánh tay. Bà phù thủy lấy dao rạch lên những đường đã vẽ, tổng cộng là 140 đường cắt, trong khi nạn nhân khốn khổ rên la thảm thiết. Bakita tưởng mình sẽ chết, đặc biệt là khi muối được xát vào những đường dao rạch. Muối xát vào vết thương càng lâu lành thì những đường nét dao rạch càng rõ. Nhưng cô đã không chết, Bakita tắm trong vũng máu, cô được mang đi, cô ngất đi mấy tiếng đồng hồ. Hơn 3 tháng Bakita nằm bất động, không có một miếng vải để lau chất nước vàng rỉ ra. Sau nhiều tháng vắng mặt, ông tướng quyết định trở về quê hương ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông bán đi một vài nô lệ, trong đó có Bakita. Bạn ông là vị lãnh sự Ý ở Cactum, một người Công giáo, tỏ lòng quí mến Bakita, ông đã mua Bakita. Đây là lần thứ năm, cô gái nhỏ người Suđăng bị bán làm nô lệ. Một chương sử dài đầy tủi nhục và đắng cay của cô đã đến hồi kết thúc. Những điều tốt đẹp đã bắt đầu hình thành, lần đầu tiên trong gần 10 năm trời, Bakita được mặc một chiếc áo. Người chủ mới thật tốt bụng. Bakita phụ giúp người tớ gái của ông lo các việc trong nhà. Lần đầu tiên, Bakita không hề bị trách mắng, trừng phạt và không bị đánh đập trong suốt 10 năm bị bắt cóc. Hai năm sau, ông lãnh sự được gọi về Ý có việc quan trọng, Bakita xin theo ông chủ. Hai tháng sau, ông nhận được tin nơi mà ông mới rời bỏ ở Cactum đã bị cướp đốt phá, và chúng bắt tất cả những người làm công trong nhà ông. Bakita lại thoát nạn một lần nữa, nếu cô ở lại thì cô sẽ bị bắt cóc một lần nữa. Trên đường về Ý, họ ở trọ khách sạn của người bạn, ông bà bạn này đã yêu cầu ông lãnh sự bán Bakita và một nô lệ khác cho họ. Ông lãnh sự bằng lòng. Ông chủ mới đưa Bakita về Miranô Vêlettô. Bakita sống 3 năm ở đó và trở thành vú nuôi cho con gái đầu lòng của họ. Đứa bé và Bakita rất thương mến nhau. Sau đó, bà chủ, đứa con và Bakita đi Giokim Phi Châu, vì chồng bà đang làm chủ một khách sạn lớn ở đó. Họ ở đó được 9 tháng, thì ông chủ quyết định bán tài sản ở Ý và định cư luôn ở Phi Châu. Bà chủ, đứa con và Bakita đi Ý, họ ở Miranô Vêlettô được 2 năm. Đã đến lúc phải trở về Phi Châu, bà chủ gởi con vào trường nội trú của các nữ tu Nữ Tử Bác Ái Canôsiêng để con bà có được sự giáo dục về văn hóa vững chắc, Bakita mong được ở lại với con bà, nhưng bà chủ không muốn. Vấn đề kéo dài cả tháng không giải quyết được. Người quản lý của bà chủ coi Bakita như con, ông tặng cho Bakita một cây thánh giá bằng bạc và giải thích: - Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, và Ngài đã chết cho chúng ta. Khi ấy, Bakita chưa hề biết Chúa là ai, cô kính cẩn giữ gìn tặng vật quí ấy. Khi nhìn vào thánh giá, Bakita có một cảm giác kỳ lạ không thể giải thích được. Ông quản lý thuyết phục bà chủ cho Bakita ở lại và mong muốn Bakita được nhận vào trường dạy giáo lý cho các tân tòng. Cuối cùng Bakita được nhận vào học viện dưới sự hướng dẫn chăm sóc của một nữ tu. Chị nữ tu này bảo đảm với Bakita rằng: nếu Bakita muốn, chị sẽ trở thành một người Công giáo cách tự nguyện, không bị ép buộc. Bakita đáp lại: - Trở thành người Công giáo chính là mục đích đưa tôi vào học viện này. 9 tháng sau, bà chủ lấy quyền làm chủ đòi Bakita theo bà ta trở về Phi Châu. Nhưng Bakita suy nghĩ kỹ và quyết định ở lại với các nữ tu, không trở về Phi Châu nữa, vì khóa học để rửa tội chưa hoàn tất. Sau nhiều lần thuyết phục Bakita thất bại, bà chủ vô cùng tức giận, cho Bakita là kẻ vô ơn bội nghĩa. Bà dùng lời hăm dọa Bakita nhưng cô vẫn cương quyết ở lại, mặc dù cô vẫn quí mến bà chủ. Vị Bề trên dòng Nữ Tử Bác Ái xin Đức Hồng y Giáo chủ Venis và người đại diện hoàng đế can thiệp, ông này trả lời rằng vấn đề nô lệ ở Italia là bất hợp pháp. Như thế, Bakita là một người tự do. Chị không trở về Phi Châu với người chủ cũ để sống đời nô lệ, nhưng chị chọn làm một người tự do để được làm con cái Chúa trong đức tin Công giáo. Chị đã chối từ để được tất cả. Bakita được rửa tội năm 21 tuổi. Sau đó, chị ở lại học viện và dạy giáo lý cho tân tòng của dòng Nữ Tử Bác Ái. Trong thời gian này, chị nghe được tiếng Chúa thúc giục dâng hiến cuộc đời cho Ngài. Chị trình bày cho cha giải tội biết, ngài khuyên chị lên gặp Bề trên nhà này, chị Bề trên nhà này đã liên lạc với Bề trên Tổng quyền. Không những Bakita sẽ được gia nhập Tập viện ngày 07.12.1893, mà chị nữ tu Bề trên tốt lành này còn đòi cái danh dự được mặc áo dòng cho Bakita trong ngày tuyên khấn. | |