101 GIAI THOẠI CÁC THÁNH

LUY GONZAGA MARIA, CMC

91.  LỠ MỘT LẦN CHỐI CHÚA, XIN TRỌN ĐỜI TÍN TRUNG

Để việc bắt đạo có hiệu quả, tổng đốc Nam Định đã nhắm vào hàng ngũ binh sĩ Công giáo trước tiên. Quan tổng đốc tổ chức một bữa tiệc đãi tất cả các binh sĩ Công giáo Nam Định. Có khoảng 500 binh sĩ đến dự. Sau bữa tiệc, quan tổng đốc hứa hẹn ban thưởng cho những ai trung thành với vua, bỏ đạo Công giáo, đồng thời xử phạt đối với những người không bỏ đạo. Tiếc thay trong số 500 binh sĩ chỉ có 15 người trung kiên không bước qua thánh giá, sẵn sàng chịu cực hình.

Sau nhiều lần tra tấn dã man, các binh sĩ lần lượt bỏ đạo, cuối cùng chỉ còn lại 3 ông. Đó là ông Augustinô Phan Viết Huy (1795-1839) ở làng Hạ Linh; người thứ hai là ông Nicôlas Bùi Đức Thể (1792-1839) ở làng Kiên Trung; người thứ ba là ông Đaminh Đinh Đạt (1803-1839) ở làng Phú Nhai.

Từ đó trở đi, ba ông còn phải chịu nhiều cuộc tra tấn khác nữa. Khi thì mỗi người 24 roi, khi thì 150 roi... Có lần quan truyền đưa ba ông ra phơi nắng chỗ công cộng 21 ngày liền, mọi người đi qua đều tự do hành hạ, sỉ nhục tùy ý. Rồi lần khác, quan chuyển qua kế hoạch mới, dọa nạt vợ con, thân nhân, bạn bè của ba ông, bắt họ vào dụ dỗ nài nỉ, hy vọng các ông sẽ xiêu lòng. Nhưng ba vị vẫn cương quyết trung thành với Chúa.

Cuối cùng, quan tổng đốc cho gọi các kỳ mục ba làng Hạ Linh, Kiên Trung, Phú Nhai đến, ra hẹn trong một tháng phải ép ba chiến sĩ đức tin bỏ đạo, bằng không sẽ bị phạt. Sau một tháng, các kỳ mục thất bại, không dụ dỗ được. Quan liền tập trung các kỳ mục lại và lệnh cho lính đánh đòn họ trước mặt ba vị chiến sĩ Đức Kitô. Động lòng trước cảnh các bô lão bị đòn thâm tím vì mình, ông Thể và ông Đạt lần lượt xin quan tha cho các cụ và đồng ý bước qua thập giá. Hôm sau, trước lời dụ dỗ của quan, ông Huy cũng theo chân các bạn bỏ đạo. Quan cho mỗi người 10 quan và cho trở lại quân ngũ.

Nhưng khi trở về, ba người lính này thấy lòng áy náy, lương tâm cắn rứt. Nhiều người đã cầu nguyện xin ơn kiên trung cho các ông, nhưng việc bỏ đạo của các ông trở thành một tin buồn lớn cho tập thể. Thế là ba ông sau khi xưng tội, đã bàn bạc với nhau và cương quyết lên tỉnh tuyên xưng đức tin một lần nữa.

Trước mặt quan tổng đốc, ba ông đã trình bày nguyện vọng của mình:

- Bẩm quan, đạo Thiên Chúa là đạo thật. Chúa chúng tôi thờ là Đấng quyền năng vô biên. Mấy ngày trước chúng tôi đã trót dại bước qua thập giá. Nay chúng tôi xin trả tiền lại cho quan để được giữ đạo Chúa cho thật lòng.

Quan tổng đốc tức giận, chửi mắng các ông thậm tệ. Nhưng đã lỡ báo cáo lên vua việc bỏ đạo của các ông, nên quan chỉ cho đánh đòn các ông rồi đuổi ra khỏi dinh.

Trở về nhà, các ông quyết định vào tận kinh đô để tuyên xưng đức tin. Cha Tuyên nhắc bảo các ông phải trông cậy Chúa hơn là sức mình, phải cầu nguyện nhiều mới có thể can đảm làm chứng cho đạo Chúa. Các ông cùng nhau viết một lá đơn và cùng ký vào đó.

Sau 20 ngày đi bộ, các ông đã tới kinh đô vào đầu tháng 5.1839. Một người con ông Huy mới 18 tuổi cũng đi theo cha để nghe ngóng tin tức.

Theo thủ tục, các ông đã nộp đơn ở tòa Tam Pháp chờ đợi. Các quan nhận đơn, nhưng bỏ qua không trình lên vua. Đợi mãi không thấy trả lời, các ông lại viết thêm một lá đơn nữa, nhưng tòa Tam Pháp vẫn làm ngơ.

Thế là các ông phải tìm kế khác táo bạo hơn. Nhân dịp vua Minh Mạng ngự giá trong thành phố, ông Huy và ông Thể đón đường để trình đơn trực tiếp với vua. Đọc xong, vua Minh Mạng nổi giận truyền tống giam cả hai, và giao cho các quan bộ hình cứu xét.

Hai ông bị tra tấn dã man nhưng vẫn kiên trung tuyên xưng niềm tin.

Một hôm, quan hỏi trong đơn có chữ ký của Đinh Đạt mà sao không thấy ông ấy đâu? Hai ông trả lời:

- Bẩm quan, anh Đạt cũng không chịu quá khóa, nhưng bận việc quân nên không đi với chúng tôi được. Anh ấy dặn: chúng tôi thế nào, anh ấy cũng như vậy.

Các quan trình bày sự việc lên vua để lĩnh ý. Sau đó, theo lệnh vua, quan cho bày trước mặt hai ông mười nén vàng, một tượng chịu nạn và một thanh gươm rồi nói:

- Cho bay tự ý chọn, bước qua tượng thì được vàng, bằng không thì gươm sẽ chặt đôi ngươi ra, xác sẽ bị bỏ trôi ngoài biển.

Hai ông bày tỏ ý chọn gươm. Vua Minh Mạng nổi giận truyền đem hai ông ra biển lấy rìu lớn chặt ngang lưng rồi bỏ xác xuống biển, để làm cho người khác biết tỏ điều ngăn cấm.

 Ngày 13.6.1839, quân lính đưa ông Huy và ông Thể lên thuyền chèo ra giữa biển Thuận An, đồng thời đặt một thánh giá trong thuyền hy vọng hai ông đổi ý mà đạp lên. Nhưng quan thất vọng, truyền lính trói hai vị chiến sĩ Đức Kitô vào cột chèo, thay vì chặt ngang lưng, họ chặt đầu rồi bổ thân ra làm bốn, vất xuống biển làm mồi cho cá.

Cuối tháng 6.1839, ông Đạt được tin ông Huy và ông Thể đã được phúc tử đạo, ông rất vui mừng và từ giã mọi người thân thuộc. Khi lính đến bắt, ông lánh mặt xưng tội rước lễ xong, rồi theo họ lên tỉnh. Dọc đường ông lần chuỗi Mân Côi cách sốt sắng.

Đến Nam Định, quan tổng đốc bảo ông:

- Hai bạn của ngươi vì cuồng dại không chịu bỏ đạo tà, nên đã bị chém làm tư quăng xuống biển. Còn ngươi, nếu khôn thì chối bỏ đạo đó đi để về với vợ con.

Ông Đạt thẳng thắn thưa:

- Tôi đã chịu nhiều cực hình vì đức tin, nay tôi sẵn sàng chịu nhiều khổ hình khác nữa. Hai bạn tôi đã được phúc trọng, quan cứ chém tôi làm tám khúc cũng được.

Quan biết có đe dọa cũng không thành công, liền lập án gởi về kinh xin xử giảo.

Ngày 18.7.1839, ông bị giải ra pháp trường Bảy Mẫu. Tại đây các lý hình đã dùng dây xiết cổ ông cho đến khi tắt thở. Sau đó, hài cốt của ông được lưu giữ tại nhà thờ Phú Nhai.

Ngày 27.5.1900, Đức Lêô XIII đã phong Chân phước cho các ông.