101 GIAI THOẠI CÁC THÁNH |
|
48. KHÔNG MỆT MỎI THỰC THI GIỚI RĂN: MẾN CHÚA - YÊU NGƯỜI | |
Công trình bác ái và truyền giáo của thánh Vinh Sơn bắt đầu vào năm 1612. Năm đó Đức Hồng y Pierre de Bérulle bổ nhiệm cha Vinh Sơn làm thầy dạy riêng cho các con của tướng Philippe-Emmanuel de Gondi. Sau khi đã hoán cải được vị tướng này, cha xin Đức Hồng y Bérulle gửi cha đến với người nghèo nhất ở miền quê Châtillons. Nhưng bà bá tước Gondi muốn giữ lại thầy giáo thánh thiện của các con bà, và cũng là linh hướng của bà. Năm tháng sau, 1617, bà đã vận động đưa cha trở lại và giao cho cha trọng trách săn sóc 12000 nông dân làm việc trên lãnh thổ của bà. Và một ngày kia, cha Vinh Sơn được biết tin có trọn một gia đình sắp chết. Cha đã nói về gia đình ấy trong bài giảng lễ. Sau Thánh lễ, cha đến thăm gia đình ấy, thì đã thấy có rất nhiều người trong làng đến để an ủi gia đình này. Thấy vậy, cha Vinh Sơn lên tiếng đề nghị: - Tốt hơn mỗi người chúng ta thay phiên nhau đến đây để chăm sóc và làm bếp cho họ. Và cha đã làm một danh sách thật dài phân công theo lượt, phiên phục vụ đầu tiên là cha. Qua công việc này, những người thiện chí dần dần tụ tập quanh cha, đó là những người đầu tiên thuộc đoàn các Nữ Tử Bác Ái. Mỗi năm tại Paris thời đó có khoảng 300 đến 400 trẻ em bị các bà mẹ bỏ rơi trên thềm các nhà thờ. Một số trẻ em còn sống sót mặc dù thiếu tình thương, không được chăm sóc, thiếu dinh dưỡng hoặc bị ngược đãi, nhiều đứa trẻ bị bán cho những tên hành khất chuyên nghiệp. Thật đáng thương, những kẻ bất lương này hành hạ đánh đập, thậm chí họ còn đập gẫy tay chân những trẻ thơ vô tội này, để làm cho những người qua đường động lòng thương mà bố thí. Có hàng chục ngàn trẻ em bị bỏ rơi đã được cha Vinh Sơn cứu thoát. Cha đã lập ra một tổ chức chuyên chăm sóc các trẻ em bị bỏ rơi và ủy thác cho thánh nữ Louise de Marillac nhiệm vụ chăm sóc các trẻ em. Ngoài ra, cha còn quan tâm đến số phận các tù nhân khổ sai. Sau lần thăm trại tù khổ sai ở Toulon và Marseille, cha xúc động vì hoàn cảnh sống vô nhân đạo của những phạm nhân. Thực vậy, khi các tù nhân không đủ sức để chèo thuyền của nhà vua, họ bị đưa xuống giam trong hầm, thiếu không khí và ánh sáng, ẩm thấp, hôi hám kinh khủng, bị hành hạ dã man, chân họ bị xích lại, lương thực chỉ có bánh đen và nước lã, những vết thương bị dòi bọ rúc rỉa, không thuốc thang. Trước cảnh thương tâm đó, cha Vinh Sơn đã can thiệp với nhà cầm quyền để cải tiến nếp sống của họ, yêu cầu nhà tù phải sạch sẽ. Tại Paris, cùng với một linh mục phụ tá, cha Vinh Sơn bắt đầu viếng thăm các nhà tù, an ủi và phục vụ họ. Một thời gian sau, cha tổ chức các nhóm thăm viếng các nhà tù, và thiết lập quy luật mới về vệ sinh. Năm 1618, vua Louis XIII bổ nhiệm cha Vinh Sơn làm tuyên úy hoàng gia của các nhà tù. Cha tìm cách thiết lập một quan hệ nhân bản với họ trong tình thương và tín thác, lắng nghe các nhu cầu về vật chất và tinh thần của họ, đồng thời đáp ứng những nhu cầu của họ bằng hành động cụ thể, giúp họ tái hội nhập vào các môi trường xã hội. Để mở rộng các hoạt động bác ái, cha Vinh Sơn bắt đầu từ việc thiết lập các nhà mồ côi để tiếp nhận các trẻ bị bỏ rơi, cho đến việc lập viện dưỡng lão và quỹ hưu bổng cho các công nhân thợ thuyền. Không có khía cạnh nào trong xã hội Pháp mà cha không quan tâm. Trong thời kỳ loạn lạc, dân chúng đói khổ, cha Vinh Sơn đã tổ chức tại khu Saint-Lazare một nhà ăn bình dân và cung cấp bữa ăn mỗi ngày cho khoảng 2000 người nghèo. Khi hoàng hậu nhiếp chính ủy thác cho cha Vinh Sơn bộ Bác Ái, cha Vinh Sơn nỗ lực trợ giúp cho người nghèo trên bình diện toàn quốc. Trong nhiệm vụ ấy, cha quản lý tiền bạc nhiều hơn cả bộ tài chánh nữa. Đó là tiền bác ái trợ giúp người nghèo. Giáo hội Pháp thời bấy giờ sa sút, tình trạng ấy xảy ra là do các linh mục hầu như mất tinh thần trách nhiệm. Trở thành linh mục không có nghĩa là chấp nhận phiền toái, mà là để được thuộc về giai cấp thứ nhất trong vương quốc Pháp. Các vị đó không được đào tạo kỹ lưỡng, trình độ chỉ ở mức biết đọc biết viết, học nghi thức để làm các cử chỉ bên ngoài, chứ không có một phong cách sống linh mục. Các vị sống nhàn rỗi, lười biếng, rượu chè be bét... các vị nổi tiếng vì nết xấu hơn là nhân đức. Cho nên giáo hữu không được học hỏi về đức tin, không biết thế nào là bổn phận kitô hữu. Thậm chí có thiếu niên lên rước lễ rồi lấy Bánh Thánh làm keo dán... Trước tình hình đó, cha Vinh Sơn rất đau lòng. Sau khi bàn bạc với thánh Giám mục Phanxicô Salê, Đức Hồng y Bérulle và cha Olier, cha Vinh Sơn quyết tâm tụ tập một số linh mục đạo đức, có học thức tương đối, lập thành tu hội Truyền Giáo. Tu hội được thành lập vào năm 1625, và ngày 12.6.1633, Tòa Thánh gửi sắc chỉ “Salvatori nostri” đặt nền tảng pháp lý cho tu hội. Mục đích của tu hội là huấn luyện thanh niên thành những linh mục tốt, có nhân đức và khả năng, để truyền giáo cho dân chúng. Để công việc phục vụ người nghèo được tiếp nối, cha luôn tìm cách kéo dài công việc mà cha đã làm cho họ. May mắn thay, cha gặp cô Louise de Marillac, một phụ nữ quý phái ở Paris, cô nhận cha làm linh hướng cho mình. Ít lâu sau, cha Vinh Sơn và cô Marillac thiết lập dòng tu Nữ Tử Bác Ái vào năm 1633, và được Giáo hội công nhận vào năm 1655. Khác với các dòng tu đương thời phải tu trong nội vi kín, dòng Nữ Tử Bác Ái dấn thân vào đời sống săn sóc bệnh nhân, người nghèo khổ, trẻ em bị bỏ rơi. Cha Vinh Sơn Phaolô, một con người không mệt mỏi trong việc thực thi giới răn “mến Chúa, yêu người”, đã được Giáo hội tôn phong lên bàn thánh, và được đặt làm bổn mạng các phong trào từ thiện. | |