101 GIAI THOẠI CÁC THÁNH

LUY GONZAGA MARIA, CMC

93.  CUỘC HOÁN CẢI CỦA MỘT TÔNG ĐỒ BÁC ÁI VĨ ĐẠI

Thánh Vinh Sơn Phaolô sinh ngày 24.4.1581 tại làng Pouy, gần thành Dax, trong miền Lamdes thuộc nước Pháp. Cha mẹ ngài nhận thấy Vinh Sơn có khả năng học hành để trở thành linh mục. Vào thời đó, nếu một người con trong gia đình trở thành linh mục, là có thể bảo đảm một địa vị đàng hoàng cho những người thân trong gia đình.

Năm 15 tuổi, Vinh Sơn được gởi đi học ở trường Récollets ở Dax. Đến năm 1597, Vinh Sơn theo học tại Đại học Toulouse. Tuy thiếu tiền bạc nhưng Vinh Sơn lại có thừa tinh thần tổ chức. Với bất cứ giá nào, Vinh Sơn cũng quyết phải trở thành linh mục.

Con đường tiến chức của Vinh Sơn thật nhanh chóng. Ngày 13.9.1599, vị Tổng Đại diện của Dax cho phép Vinh Sơn được thụ phong linh mục.

Sau khi chịu chức linh mục, cha Vinh Sơn tìm cách để được phụ trách một giáo xứ, nhưng lại bị người khác tranh mất. Cha qua Rôma một thời gian. Khi trở về quê hương, cha Vinh Sơn tìm cho được một địa vị, mà ở thế kỷ chọn quyền cao chức trọng này phải mang lại cho cha sự vẻ vang. Với bằng tú tài thần học ở Toulouse cho phép cha mơ tưởng tới chức Giám mục. Nhưng muốn đạt được mục đích ấy, dĩ nhiên phải có tiền và thật nhiều tiền. May mắn thay, cha Vinh Sơn được thừa hưởng gia tài của một quả phụ, nhưng con nợ của bà quả phụ đã bỏ trốn. Cha lên đường đi tìm con nợ và bắt gặp họ ở Marseille. Sau khi đã lấy được tiền, cha trở về bằng đường biển.

Nhưng trên đường về, tàu cha đi bị ba tàu hải tặc Thổ Nhĩ Kỳ cướp phá. Cha bị bắt làm nô lệ. Cha bị trưng bán ở chợ nô lệ, đây quả là một sự sỉ nhục nặng nề. Trước tiên là một ngư phủ mua cha, sau đó một y sĩ và cuối cùng là một người bội giáo. Ông chủ mới có ba bà vợ, hai bà trong số đó đối xử với cha như bạn, bà kia là tín đồ Hồi giáo. Bà rất xúc động khi nghe cha hát Thánh vịnh, nhất là khi hát kinh “Salve Regina”. Bà đã thuật lại cho chồng nghe và do đó làm bừng dậy trong lòng ông tình yêu quê hương và sự luyến tiếc đối với đức tin đã đánh mất.

Cùng với nô lệ là cha Vinh Sơn, người bội giáo đã đáp tàu đi miền Bắc, sau đó vào nước Pháp. Tại đây tình thế đã đảo ngược, nô lệ trở thành ân nhân của ông chủ, vì nhờ cha Vinh Sơn, ông chủ được hòa giải với Giáo hội Công giáo.

Nếu sự việc bị bắt làm nô lệ đã làm mất uy tín của cha đối với ân nhân, thì bây giờ cha cần phải bù lại thời giờ, nhất là thu hồi số tiền đã mất, cha luôn tìm dịp thuận tiện để thăng quan tiến chức, hy vọng có cuộc sống thoải mái hơn cho chính mình và gia đình. Nhưng cha cần phải thay đổi mục tiêu đang theo đuổi.

Cha Vinh Sơn đã đến Paris vào mùa thu năm 1608, công việc đầu tiên của cha ở đây là làm tuyên úy cho hoàng thái hậu Marguerite de Valois. Cha nhận công tác bố thí tiền, bánh mì, thức ăn cho hàng trăm người nghèo đến gõ cửa lâu đài của hoàng thái hậu. Cha bố thí của cải nhưng không ban phát tình yêu, chỉ lấp đầy bàn tay chứ không lấp đầy tâm hồn. Đó chỉ là công việc bên ngoài chứ chưa phải là một cuộc hoán cải.

Khoảng năm 1911, cha ở chung phòng trọ với một người đồng hương. Ngày kia cha lâm bệnh và một nhân viên của nhà thuốc mang thuốc đến cho cha, khi ra về chàng nhân viên này đã ăn cắp túi tiền của người ở cùng phòng với cha. Khi trở về, chủ nhân túi tiền hỏi cha về túi tiền bị mất, nhưng cha không tìm được lời giải thích nào có thể chấp nhận được. Cuối cùng cha bị vu khống là ăn cắp. Đây quả là lời tố cáo kinh khủng đối với một con người tham vọng và đang tìm quyền thế để nương tựa.

Nhưng cha Vinh Sơn đã có một biến đổi nào đó trong tâm hồn nên cha đã chọn thái độ im lặng. Sau đó ít lâu, thủ phạm đánh cắp túi tiền bị lột mặt nạ, và đây là lần đầu tiên cha có kinh nghiệm về những người nghèo không có tiếng nói và cũng không được ai bênh vực.

Trong thời gian này, cha Vinh Sơn quen biết một nhà thần học và ông đã kể cho cha nghe cơn cám dỗ kinh khủng về đức tin của ông, ông bị cám dỗ có những tư tưởng xấu xa là phỉ báng Chúa Giêsu Kitô, và tuyệt vọng đến độ ông muốn nhảy qua cửa sổ để tự tử. Nhận thấy tình trạng đáng thương đó, cha Vinh Sơn đã cúi đầu cầu xin Chúa giải thoát cho nhà thần học ấy và xin chịu khổ thế cho ông. Lời cầu nguyện của cha đã được Chúa nhận lời. Chúa đã giúp nhà thần học, Ngài cho ông bị ngã bệnh và chỉ chốc lát, ông được giải thoát khỏi cơn cám dỗ, ông bắt đầu thấy rõ và hiểu rõ ràng các chân lý đức tin.

Nhưng bây giờ đến lượt cha Vinh Sơn, cha cảm thấy như bị bức màn đen tối bao phủ. Cha cầu nguyện, khổ chế, nhưng đêm tối vẫn bao phủ tâm hồn. Cha đã viết từng đoạn kinh Tin Kính và may vào trước ngực áo. Mỗi lần cơn cám dỗ đến, cha lại đặt tay trên ngực như để khẳng định đức tin của mình. Trong lần bị thử thách trước, cha Vinh Sơn cảm nhận được thân phận người nghèo là không có được sự an ủi che chở nào về phía con người. Giờ đây, cha lại thấy được tình trạng của cái nghèo thiêng liêng, cái nghèo tận căn, đó là thân phận của Đức Kitô trên thập giá, bị Chúa Cha bỏ rơi. Cơn cám dỗ của cha Vinh Sơn kéo dài khoảng bốn năm. Từ đó, cha Vinh Sơn quyết định thăm viếng các bệnh nhân ở bệnh viện Bác Ái do hoàng hậu Marie de Médicis lập năm 1601, bà đã mời các tu sĩ dòng Gioan Thiên Chúa đến làm việc ở đây. Cơn cám dỗ biến mất. Chính những con người nghèo đã chiến thắng và giải thoát cho cha.

Kể từ đó, cha Vinh Sơn luôn đứng về phía người nghèo, và cha cũng hiểu được rằng muốn chữa lành những căn bệnh thiêng liêng thì phải dấn thân phục vụ. Và để việc phục vụ những người đau khổ, đặc biệt là những người nghèo cách hiệu quả hơn, cha Vinh Sơn đã nối dài cánh tay của mình bằng việc lập tu hội Bác Ái, ngày nay gọi là Tu đoàn Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn. Tu đoàn này đã lan rộng khắp thế giới, số tu sĩ khoảng hơn 4000.