101 GIAI THOẠI CÁC THÁNH

LUY GONZAGA MARIA, CMC

 33.  CON BÒ CÂM ĐẢO SICILIA

Thuở thanh niên, thánh Tôma Aquinô có một thân hình to béo, lại ít nói và khuôn mặt có vẻ đăm chiêu, trầm ngâm. Bạn bè đặt cho cậu cái tên chẳng mấy ý nghĩa và đẹp đẽ gì: “Con bò câm”.

Một hôm, sau hồi trống báo hiệu, các sinh viên cười nói vui vẻ bước vào lớp. Họ ngạo nghễ chỉ vào Tôma đang yên lặng bước vào và nói với vẻ thích thú:

- Ô kìa! Con bò câm đảo Sicilia.

Sau bản kinh đầu giờ học, thánh Anbêtô, giáo sư đại học ở Paris, là người hiểu Tôma hơn ai hết, ngài đã nghiêm nét mặt nói với tất cả các sinh viên:

- Các bạn gọi Tôma là con bò câm, nhưng tôi nói thật cho các bạn biết, rồi đây tiếng rống của nó sẽ chấn động cả hoàn cầu.

Thánh Anbêtô nói như một tiên tri. Các tác phẩm của thánh Tôma Aquinô rất nổi tiếng và có ảnh hưởng rất lớn trong Giáo hội vào thế kỷ XIII đến bây giờ và mãi về sau nữa. Năm 23 tuổi, Tôma đã dạy học về các môn thần học và Kinh Thánh cho hàng trăm sinh viên và các bạn trẻ. Năm 25 tuổi (1250), Tôma chịu chức linh mục. Và hai năm sau, cha Tôma được Bề trên gọi về Paris để trình bày luận án tiến sĩ thần học, khi ấy cha Tôma mới 27 tuổi, tức là lấy bằng tiến sĩ trước mười tuổi theo luật định.

Cha Tôma được xem như là sứ giả của Thiên Chúa ở trường đại học, như một dũng tướng của Giáo hội. Cha phải đương đầu với mọi phong trào tư tưởng sai lạc, mọi ảnh hưởng nguy hại của nền triết học ngoại giáo đang ào ạt tràn vào phương tây thời ấy. Thiên Chúa muốn cha là ngọn hải đăng soi chiếu chân lý cho mọi tâm hồn. Trung thành với Giáo hội, cha chỉ cho mọi người biết phải lĩnh hội hệ thống triết học của Platôn và Aristốt như thế nào cho có ích lợi và khỏi sai lạc. Vì thời ấy, các nhà trí thức đang hoang mang trước học thuyết có vẻ hấp dẫn của hai triết gia này. Những tác phẩm của cha Tôma biên soạn như là những pháo đài kiên cố bảo toàn tòa nhà chân lý của Giáo hội. Công trình vĩ đại và tuyệt tác nhất của cha Tôma là Bộ Tổng Luận Thần Học (Summa theologica) cha đã dày công biên soạn trong suốt 21 năm dạy học. Cha đã trải qua biết bao nhiêu vất vả và thử thách trước những trào lưu triết học ngoại giáo, cha cương quyết trước chủ trương đi ngược lại với chân lý của đạo Chúa, và cha luôn tùng phục mọi huấn điều của Giáo hội.

Đời sống trí thức và luân lý của cha Tôma được diễn tả một cách thích hợp trong tước hiệu “Tiến sĩ Thiên thần” mà sau này Giáo hội đã truy tặng cha năm 1567. Thực vậy, với cha Tôma, óc suy luận và lý trí con người được khai thác triệt để và đưa lên tới độ chót. Cha quan niệm rằng không gì cao quí hơn sự trong trắng của tâm hồn, nhờ đó mà cha đã thâu nhận dễ dàng mọi chân lý, mọi vấn đề sâu xa khác mà các triết gia Platôn và Aristốt không vươn tới được. Cha không viết một điều gì trước khi suy nghĩ và cầu nguyện. Nếu gặp điều nào nghi ngờ, cha đến cầu nguyện trước bàn thờ, cha cầu nguyện bằng tâm hồn, bằng nước mắt, và bằng sự đánh tội. Cha sống rất nhiệm nhặt, cha ăn rất ít, mỗi ngày chỉ ăn một bữa và chỉ dùng những thức ăn rẻ tiền. Người ta nói rằng cha ngủ không quá 4 tiếng mỗi đêm. Vậy mà cha làm việc liên tục, suốt ngày chỉ cần cù với sách vở và triền miên trong cầu nguyện.