101 GIAI THOẠI CÁC THÁNH |
|
81. BÁN ÁO KINH SĨ LẤY TIỀN NUÔI NGƯỜI NGHÈO | |
Tuy chỉ là cha xứ của một xứ đạo nhỏ bé, nhưng thánh Gioan Vianey đã nổi tiếng khắp nước Pháp. Tại xứ Ars này, ngày nào người ta cũng kéo đến đông nghẹt để xưng tội, dự lễ và nghe cha Gioan Vianey giảng. Ai cũng nhìn nhận cha có công trạng lớn lao, cần được phần thưởng xứng đáng. Cuối năm 1852, Đức cha Chalandon quyết định tặng thưởng cha Gioan lên chức Kinh sĩ, xét vì cha có công nghiệp nhất trong hàng giáo sĩ của địa phận. Đức cha đến xứ Ars cùng với cha tổng đại diện Poncet. Nghe tin có Đức cha đến, cha phó xứ Ars là Raymonđô ra đón ở cửa nhà thờ. Còn cha Gioan được tin, vội mặc áo các phép ra cửa nhà thờ hầu dâng nước thánh cho Đức cha theo thói quen cũ. Đây là lần gặp Đức cha Chalandon đầu tiên kể từ khi ngài lên làm Giám mục chính của giáo phận, nên cha Gioan muốn nói mấy lời chúc mừng Đức cha. Nhưng không để cha kịp nói, Đức cha liền nhanh tay lấy ra một vật quý. Đó là chiếc áo may bằng lụa đen lẫn với lụa đỏ, bốn phía viền một thứ da mỏng, rất mịn màng và láng bóng. Hiểu ý Đức cha muốn gì, cha Gioan vội nói: - Xin Đức cha đừng trao cho con, nhưng cho cha phó, cha phó mặc xứng hợp hơn con. Nhưng vô ích, cha Poncet và cha Raymonđô liền mặc chiếc áo kinh sĩ cho cha Gioan. Lúc mặc vào, cha Gioan cố sức cởi ra, đang khi dùng dằng đó, Đức cha đã cài cúc áo được rồi, và xướng kinh Chúa Thánh Thần mà vào nhà thờ. Thường thì khi được thưởng chức tước, người ta hân hoan vui sướng, nhưng cha Gioan lại ủ rũ như tội nhân bị buộc cổ lôi ra pháp trường xử quyết. Cha chạy trốn ra phía sau bàn thờ. Ông bá tước đi theo, thấy cha Gioan ra sức cởi áo kinh sĩ, ông nói: - Nếu cha cởi áo ra như thế, ắt thẹn mặt Đức cha. Nghe vậy, cha Gioan mới không cởi nữa. Nhưng khi Đức cha đã về, lòng cha Gioan mới an tĩnh lại. Kinh sĩ Vianey quyết định bán chiếc áo ấy để kiếm tiền làm một việc dự tính. Cha Gioan muốn để cho cha Borjin chiếc áo ấy để lấy 12 quan mà ông không chịu. Cha Gioan bán lại cho cô Maria Ricotier. Cô này thấy cha bán áo rẻ quá, nên đã đi dò hỏi thì biết áo này do tu viện Thánh Giuse ở Bourg làm với giá 50 quan. Và cô đã đưa cha 50 quan. - Áo này từ nay là của con, nhưng con xin biếu cha để cha dùng. Được giá cao, cha Gioan vui vẻ trả lời: - Giá Đức cha cho tôi cái nữa, tôi bán kiếm tiền thêm. Rồi cha bảo cô Maria đưa áo ấy về: - Sau này nếu Đức cha có bắt cha phải mặc, thì có sẵn ở nhà con rồi. Đến ngày 04.11.1852, cha Gioan viết thư gởi Đức cha nói cho ngài biết cha rất vui mừng vì quà tặng của Đức cha đã bán được 50 quan, lấy tiền ấy để lập công quỹ tĩnh tâm cho một giáo xứ. * Sự kiện người tứ xứ tuôn đến xứ Ars, nếu xét bề ngoài, cũng là có ích chung. Các quan chức tỉnh Ain đều nhìn nhận cha Gioan Maria Vianey không những đáng mến phục, mà còn là một ân nhân của mọi người nữa. Thời bấy giờ có rất nhiều người muốn chống báng đạo thánh và đức tin, mà có một linh mục thánh thiện như cha Gioan, thật hết sức lạ. Mọi người đều hoàn toàn tin tưởng cha, công nhận cha là thánh Vinh Sơn thứ hai, hết lòng mến Chúa yêu người. Tháng 6.1855, quan tri huyện Trévoux là hầu tước Castellane đã trình cho ông tỉnh trưởng xin cho cha Gioan được ân thưởng, nhân dịp ông đi lễ mừng hoàng đế Napoléon III, tâu xin cho cha Gioan Maria Vianey được ân thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh. Ngày 11.8.1855, bộ trưởng lễ nghi cho Đức cha Chalandon biết có chỉ dụ của hoàng đế ân thưởng ngũ đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh cho cha Gioan Vianey. Ngày 15.8, báo chí loan tin về việc khen thưởng này. Đích thân bá tước Garets là lý trưởng làng Ars đưa tin cho cha Gioan, cha điềm nhiên hỏi: - Được đặc ân như thế có được lương bổng nào không? - Không có lương bổng tiền của gì, đó chỉ là một phần thưởng danh dự. - Kẻ nghèo khó chẳng được nhờ đó chút gì, xin ông tâu lên hoàng đế: tôi không muốn lĩnh ân thưởng ấy. Nhưng ông lý trưởng đã không tâu như ý cha Gioan muốn. Ít lâu sau, một linh mục gởi lời chúc mừng cha Gioan: “Mừng cha được chính quyền và giáo quyền ân thưởng. Chúa sẽ không quên ân thưởng cho cha trên Thiên đàng”. Nhưng cha Gioan đã trả lời: “Đó là điều làm tôi lo sợ, khi tôi chết mà đem phần thưởng ấy ra trước tòa Chúa, hẳn Chúa sẽ xua đuổi tôi rằng: Mày xéo đi cho rảnh, mày đã được phần thưởng rồi”. Nhà nước ủy thác cho Đức cha Chalandon đến gắn huy chương cho cha Gioan, nhưng Đức cha không làm ngay mà đợi đến tháng 11. Trong khi đó, tòa chưởng ấn gởi thư cho cha Gioan yêu cầu cha phải gửi 12 quan sở phí gửi đi bằng cấp và huy chương. Cha Gioan giật mình kêu lên: - Á, sao được, để 12 quan tiền nuôi được 12 người. Và cha Gioan đã không gởi tiền sở phí. Cha Toccanier biết, nên bí mật gởi lên tòa chưởng ấn 12 quan. Về sau, cha Gioan nói: - Tôi không gởi 12 quan mà người ta cũng gởi huy chương cho tôi đấy. Khi gặp ông tỉnh trưởng cha Gioan nói: - Nhờ ông đem huy chương thưởng cho người khác xứng đáng hơn. Phần tôi, tôi muốn được một số tiền để nuôi người nghèo hơn chiếc huy chương ấy. Ngày ấn định trao huy chương đến, Đức cha Chalandon nhớ lại chuyện ba năm trước về chiếc áo kinh sĩ, thì chắc huy chương cũng không khỏi bị bán đi mà nuôi người nghèo. Vì thế, Đức cha khôn ngoan phái cha Toccanier làm đại diện. Cha này dặn trước mấy sư huynh dạy ở trường, hai cô Lassagne và Filliat một kế hoạch. Khi cha Gioan ở trong phòng, cha Toccanier đưa cho cha Gioan một hộp nhỏ có ấn của hoàng đế nói: - Hộp này có lẽ là dấu thánh người ta gởi cho cha. Cha Toccanier vừa nói xong, nhóm các sư huynh và hai cô đợi ở cầu thang cũng bước vào. Cha Gioan không biết đó là mưu kế, muốn tôn kính dấu thánh, cha liền mở ra và reo lên: - Đúng thật là dấu thánh. - Cha xem, trên có thánh giá, xin cha làm phép vật này. Khi cha Gioan làm phép xong, cha Toccanier nói: - Bây giờ cha bằng lòng để con đeo trên ngực cha một chút. Cha Gioan nghiêm nghị nói: - Ngày trước vua Totila sai quân hầu cận cải trang thành ông vua, đến gặp thánh Biển Đức thì thánh nhân bảo: “Quan hãy cởi bỏ y phục này đi, nó đâu có phải là của quan”. Bây giờ tôi cũng phải cảnh giác lắm kẻo người ta bảo tôi như vậy? Rồi cha Gioan đưa huy chương cho cha Toccanier: - Tôi hân hoan cho cha huy chương này, cha cũng hân hoan nhận lấy. Cha Gioan không chịu đeo huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh, cả đời cha chỉ đeo có một lần khi cha đã qua đời, người ta đặt nó trên quan tài. | |