101 GIAI THOẠI CÁC THÁNH

LUY GONZAGA MARIA, CMC

18.  ANH HÙNG TỬ ĐẠO DA ĐỎ CHỨNG NHÂN CỦA ĐỨC MẸ

 Nhìn thấy áo Đức Bà anh thanh niên mang trên người, Longgăng rất bực mình khó chịu. Vốn là người Bỉ có óc vô thần, Longgăng luôn tự cho mình có tư tưởng cấp tiến, lúc nào hắn cũng tỏ thái độ chống đối đạo, chống báng các linh mục cũng như những người tu trì. Hắn ra lệnh cho anh thanh niên phải vứt bỏ áo Đức Bà đi.

Anh thanh niên coi đó là biểu tượng lòng sùng kính Đức Mẹ, đồng thời cũng là biểu hiện của một người Công giáo, nên anh nhất quyết không cởi bỏ áo ấy.

Vài ngày sau, thấy anh thanh niên vẫn còn mang áo Đức Bà, Longgăng tức giận đến độ hắn túm lấy anh quất cho 25 roi.

Người thanh niên đó chính là Chân phước Isiđô Bakhangcha, người bộ lạc Bôăngchi nước Cônggô. Bakhangcha sinh khoảng giữa thập niên 1880-1890. Anh theo đạo Công giáo vào năm 1906 trong thời gian làm phụ hồ ở Băngđaca. Sau đó Bakhangcha chuyển qua làm công ở đồn điền cao su cho các ông chủ thuộc địa người Bỉ, dưới quyền giám thị của Longgăng. Tuy là một tân tòng, nhưng Bakhangcha giữ đạo cầu nguyện và lần hạt Mân Côi rất sốt sắng, luôn cư xử tốt với mọi người. Anh thường lợi dụng những giây phút rảnh rỗi để dạy cho các bạn đồng hương biết về đạo Công giáo, và chỉ cho họ cách cầu nguyện. Longgăng đã nhiều lần ngăn cấm răn đe Bakhangcha không được làm những việc đó vì hắn rất ghét đạo. Nhưng Bakhangcha thấy rằng không có gì là sai trái khi dùng thời giờ rảnh rỗi để làm việc riêng tư không hại đến ai cả.

Tức giận, Longgăng liền thộp lấy Bakhangcha, đưa tay giật lấy áo Đức Bà và vất cho con chó, rồi bóp cổ Bakhangcha quật anh xuống đất, đoạn ra lệnh cho gia nhân đánh đập anh tàn tệ. Hắn sai hai người khác nắm tay kéo chân Bakhangcha để hắn tha hồ đá vào người cách không thương tiếc. Mặc cho Bakhangcha kêu gào van xin, Longgăng vẫn cho người dùng roi đánh đập tàn nhẫn đến khi họ mệt nhoài không còn sức đánh nữa mới thôi.

Hơn 200 roi giáng xuống nát lưng Bakhangcha. Anh không còn đủ sức đứng dậy để đi, anh ngã quỵ trên vũng máu của mình. Longgăng lôi Bakhangcha vào trong phòng chứa mủ cao su, xích chân anh lại để mặc anh quần quại trên vũng máu và phân. Anh bị vất bỏ ở đó nhiều ngày trong khí độc hại của cao su, mùi khai thối của phân và nước tiểu.

Hai người bạn lén lút giúp Bakhangcha thay đổi thế nằm và chỗ nằm, tiếp tế cho anh ít cơm và nước uống, nhưng anh không thể nào ăn được. Giòi bọ bắt đầu sinh sản rúc rỉa thân xác Bakhangcha càng làm cho anh thêm đau nhói.

Longgăng sợ chủ biết nội vụ, hắn buộc Bakhangcha phải rời đi nơi khác. Nhưng Bakhangcha nói rằng anh đau đớn quá không thể đi được, hắn dọa dẫm và tiếp tục hành hạ anh, khiến anh phải gắng gượng ra đi.

Sau đó, người ta chuyển Bakhangcha về công ty và cấp thuốc chữa trị cho anh. Song vết thương đã bị nhiễm trùng trầm trọng thâm vào nội tạng. Vả lại, anh mất quá nhiều máu nên hết hy vọng cứu sống.

Tháng 7.1909, Bakhangcha được nhận lãnh bí tích sau hết và của ăn đàng, rồi được đưa về nhà các thầy giảng ở Lolêca. Anh hoàn toàn tàn phế, những vết thương làm cho anh đau đớn, nhức nhối khôn cùng, song tay anh không bao giờ rời tràng hạt Mân Côi.

Ngày Chúa nhật đầu tháng 8.1909, Bakhangcha tham gia cầu nguyện với một số lớn tín hữu, rồi lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng, tay anh vẫn không rời tràng hạt Mân Côi. Isiđô Bakhangcha là một tín hữu Công giáo đích thực, với vai trò một giáo lý viên, Bakhangcha đã hiến cả thời giờ nhàn rỗi vào việc thực hiện công cuộc Phúc âm hóa giữa những người anh em mình, rồi sau đó đã không ngại hiến dâng mạng sống mình cho Thiên Chúa, can đảm mạnh mẽ tuyên xưng đức tin và giữ một lòng tin cậy vào tràng chuỗi Mân Côi.

Ngày 24.4.1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong anh hùng tử đạo Isiđô Bakhangcha lên bậc Chân phước.