Cuộc đời thánh
Valentino Vinh đẹp như một bài thơ và hùng tráng như bản tình ca
bất hủ. Quả thật, cuộc đời ngài chỉ vỏn vẹn có 34 năm với ba năm
Giám mục, không có nhiều thành quả lẫy lừng, nhưng đã là một
thiên tình ca hùng tráng… cuộc đời ấy được đan dệt bằng biết bao
biến cố thăng trầm, bao kỷ niệm gian khổ và bao thắng vượt anh
hùng.
Với tinh thần đơn
sơ của một người tràn đầy tình yêu Chúa và tha nhân, ngài đã
biến tất cả thành một giai điệu nên thơ. Tất cả những nỗi vất vả
đã được vị "Giám mục Hầm Trú" này khoác cho chiếc áo tươi vui
bằng thái độ kiên cường, bằng tình yêu nhiệt thành và sự trung
tín. Ngài biến đổi chúng bằng những phút chiêm niệm sâu xa và
bằng nụ cười bất diệt.
Valentino Berrio
Ochoa xuất thân trong một gia đình quý phái, đạo đức nhưng lại
nghèo. Sinh ngày 14 tháng 2 năm 1827 tại làng Elorrico, giáo
phận Vich, nước Tây Ban Nha. Cuộc đời Valentino chịu ảnh hưởng
rất nhiều của song thân. Cậu học được nơi cha sự cần cù kiên
nhẫn, và thừa hưởng nơi mẹ một đức tin sống động, lòng sùng kính
Đức Maria và tính vui tươi hòa nhã với mọi người. Đặc biệt với
thân mẫu, Valentino vẫn hằng ôm ấp mối tình thắm thiết cả khi đã
làm Giám mục mà chúng ta có thể thấy được, vẫn dạt dào trong các
lá thư viết về cho bà.
Vì thân phụ thường
đóng bàn ghế cho một tu viện Đaminh trong vùng, nên Valentino
được vào giúp lễ. Nhờ vậy, cậu có dịp tiếp xúc với cha linh
hướng của tu viện, một linh mục dòng Đaminh. Khi rảnh rỗi, cậu
đến gặp cha để nghe cha kể chuyện về các vị thừa sai Đaminh tại
Việt Nam, về những mẫu gương dấn thân và những cuộc tử đạo anh
hùng. Từ đó, cậu bé 12 tuổi ôm mãi trong lòng giấc mộng vàng, là
được làm linh mục Đaminh và đến phục vụ tại mảnh đất Việt yêu
dấu. Nhưng vì gia đình quá nghèo, cậu phải phấn đấu rất nhiều để
biến giấc mộng ước thành hiện thực.
Sáu năm liền,
Valentino phải kết hợp ba chương trình: vừa làm mộc giúp phụ
thân, vừa trau dồi văn hóa phổ thông và xếp thêm giờ học tiếng
Latinh. Theo gương đức Giêsu nơi xưởng mộc Nazareth xưa, cậu
kiên nhẫn chờ đợi ý Chúa được thể hiện. Năm 18 tuổi, nhờ sự gíup
đỡ của một linh mục, cậu xin phép cha mẹ gia nhập chủng viện
Logrono. Tại đây, cậu được các giáo sư, các bề trên và bạn bè
quý mến. Mọi người ghi nhận nơi chàng thanh niên này tính chăm
chỉ học hành, một nếp sống đạo đức sau xa, khổ chế với chính
mình nhưng lại tươi vui với mọi người. Đức Giám mục giáo phận,
khi kinh lý làng Elorrio ghé thăm gia đình anh, đã nói với thân
mẫu rằng : "Bà Maria ơi, có lẽ con bà sẽ làm đến Giám mục".
Sau ba năm triết
học với thành quả mỹ mãn, hè năm 1848, thày Valentino về thăm
gia đình, và thấy cha mẹ già yếu quá vất vả với công việc, thày
trở lại xin bề trên được sống ngoại trú, để vừa đi học thần học,
vừa có thể phụ giúp gia đình 30 tháng.
Hơn hai năm rưỡi
đã trôi qua như thế, mãi tới khi theo lời đề nghị của một cha
giáo sư, Đức Giám mục cho thày lãnh chức cắt tóc và đặt thày làm
linh hướng dự khuyết của chủng viện. Đây là trường hợp rất họa
hiếm nói lên uy tín của thày, tuy còn là sinh viên mà đã được
chọn vào một trách vụ thường dành cho những vị linh mục lão
thành đạo đức, nhiều kinh nghiệm.
Lòng tín nhiệm
thày Valentino của Đức cha Irigoyen ngày càng rõ rệt hơn, khi
người lần lượt trao ban chức năm, chức sáu và linh mục cho thày
chỉ trong một năm (1851). Valentino đã chuẩn bị xứng đáng, và
trong niềm hân hoan khôn tả, vị tân linh mục đã viết thư cho
thân thân mẫu như sau : "Mẹ yêu dấu của con, hôm qua, ngày
14.08.1851, ngày mộng ước, ngày con được thụ phong linh mục… Con
của mẹ giờ đây đã được tình thương Chúa nhắc lên phẩm chất cao
cả, đến nỗi các thiên thần cũng phải run sợ…" (thư 16).
Hơn hai năm tận
tụy với chức vụ linh hướng đại chủng viện, cha Valentino vẫn ôm
ấp giấc mộng vàng thuở thơ ấu. Sau khi bàn hỏi với cha linh
hướng dòng Tên tại Loyola, cha xin phép Giám mục qua dòng
Đaminh. Lúc giã từ người quen, có người hỏi cha: "Cha đi đâu, và
bao giờ chở lại?". Cha đáp: "Tôi đi để quê tôi có người làm
Thánh". Và cha đã khởi sự quyết định nên thánh đó bằng thái độ
từ bỏ dứt khoát : đường từ nhà đến tu viện Ocanã độ ba bốn ngày
đường, cha quyết định đi bộ, không giày dép, không tiền bạc.
Hành trang duy nhất là cuốn sách nguyện. Sau có người thấy tội
nghiệp, tìm cách ép mời cha đi xe ngựa vài đọan đường.
Ocanã, một học
viện của tỉnh dòng Mân Côi từ năm 1830, nơi đã đào tạo hai Đức
cha An và Xuyên, khi đó đang làm Giám mục chánh và phó giáo phận
Trung Đàng Ngoài, đã rộng cửa đón vị linh mục linh hướng nổi
tiếng, trao tu phục và sau một năm tập như thường lệ, đã cho cha
khấn trọng ngày 12.01.1854.
Ba năm sau, cha
tiếp tục giấc mộng thời niên thiếu, nên qua trụ sở tỉnh dòng ở
Manila để tìm đường đến Việt Nam. Sáu tháng lênh đênh trên biển
cả, chiếc tàu của cha Valentino gồm các thừa sai của ba dòng tu
Đaminh, Phanxicô và Augustino. Các vị tổ chức đời sống như một
tu viện. Qua thư, cha Valentino thuật lại : các vị cùng nhau
dâng lễ, đọc kinh nguyện mỗi ngày. Dịp Tuần Thánh, các vị cũng
tổ chức nghi lễ rửa chân, suy niệm Đàng Thánh Giá, bắn pháo bông
mừng phục sinh và tổ chức việc suy niệm Đức Mẹ trong tháng hoa
nữa.
Ngày 17.06.1857,
cha đến Manila trong niềm vui của các anh em dòng tại đây. Anh
em ra đón cha tại bến tàu, rồi đưa về thánh dường hát kinh TE
DEUM và tạ ơn Đức Mẹ trước bàn thờ Mân Côi.
Ngày 30.03.1858,
cùng với cha Riaño Hòa và cha Carreras Hiển, cha Berrio Ochoa
đặt chân lên đất Việt Nam, đến trình diện cha chính Nam và Đức
cha Xuyên tại Kiên Lao. Cơn bách hại đang ở cao điểm : Đức cha
An mới bị tử đạo được tám tháng, thủ cấp của Đức cha Xuyên được
treo giá vàng, nên thường xuyên ngài phải ẩn nấp.
Trong thư 93 gửi
về gia đình, cha Vinh đã ghi nhận : "Cánh đồng truyền giáo này
không thấy lấy một ngày quang đãng, không ngày nào không phải cố
gắng giữ nét vui tươi. Không ngày nào không có đau thương để
khóc, không có lo toan để tìm phương bổ cứu, không có kẻ lạ mặt
theo dõi hay quan quân truy lùng".
Sườn núi Canvê
trơn dốc của cha Vinh đã bắt đầu. Tại đây tất cả đều còn lạ lẫm
: Ngôn ngữ, tập quán, đường đi, con người và bao nhiêu thứ phải
làm quen, phải học. Thế mà chỉ mới mấy ngày sau khi chào vị chủ
chăn giáo phận, vì tình hình an ninh, mỗi vị phải chia tay nhau
ẩn náu mỗi người một phương. Tuy mới chân ướt chân ráo đến vùng
truyền giáo, cha Vinh phải vận dụng sự khôn ngoan sáng tạo để
hòan thành những công tác mục vụ, thăm viếng. Tất cả mọi việc
đều phải lén lút.
Hai tháng rưỡi
trôi qua, tuy tiếng Việt nói chưa thông, nhưng tài năng và nhân
đức của vị linh mục trẻ tuổi này đã được khẳng định. Đức cha
Sampedro Xuyên, trước nguy cơ có thể bị bắt, đã chuẩn bị cho
tương lai của giáo phận, ngài dùng quyền Tòa Thánh để chọn một
Giám mục phó có quyền kế vị. Ngài đã chọn cha Berrio Ochoa Vinh.
Đây là tâm sự của vị được tiến chức :
"Thưa Đức cha, nếu
được thì xin cất chén đó cho con… Con thấy lòng tràn ngập lo
lắng, áy náy khi nghĩ đến địa vị mà Đức cha muốn đặt con lên.
nhưng điều mà môi miệng con nói thì con cũng xin nói cả tấm
lòng, đó là xin vâng trọn ý Chúa, bây giờ và đời đời chẳng
cùng".
Lễ tấn phong Giám
mục Valentino Vinh, quả thực có một không hai trong lịch sử Giáo
hội. Đêm 25 rạng ngày 26.06.1858, Đức cha Xuyên cử hành lễ tấn
phong trong nhà ông trùm Chi ở Ninh Cường. Lễ nghi được tiến
hành âm thầm giữa đêm thâu, không một tiếng hát, không một người
tham dự. Hai cha Riano Hòa và Carreas Hiển là thụ phong, bao
tay, vớ tất không có, mũ ngọc của tân Giám mục làm bằng giấy bìa
cứng cũng phủ giấy tráng kim, gậy ngọc là một cây nứa, đầu gậy
cuốn bằng rơm cũng được bọc giấy tráng kim. Việc chuẩn bị cho
ngày lễ, chúng ta hãy nghe ngài thuật lại trong thư gửi cho cha
Orge ở Manila.
"Con thú thật
rằng, con muốn thoát khỏi vòng ràng buộc này. Nhưng biết bao lần
Đức cha đã bảo con, nên theo lương tâm, buộc con phải vui nhận
việc tuyển chọn… Con không giám cưỡng ý Chúa đã rõ rệt. Sau ngày
được tuyển chọn, con chỉ còn vừa đủ thì giờ để cấm phòng. Con
lắng nghe Ngài phán trong thinh lặng, không có lấy một cuốn sách
nào giúp tĩnh tâm, mà có tìm cũng không ra … Không phải chỉ
thiếu sách cấm phòng, nhưng chiều áp lễ tấn phong, thấy rằng chỉ
có độ một nửa khăn áo cần dùng trong nghi lễ, Đức Giám mục đại
diện Tông tòa và con phải vội vàng hai tay kim chỉ đóng vai thợ
may. Tạ ơn Chúa, tới đúng giờ đã định, chúng con cũng có ít khăn
áo xứng đáng…" (Thư 79).
Nếu thánh Phaolô
xưa tự nhận mình là tông đồ sinh non, vị tân Giám mục cũng tự
nhận là Giám mục sinh non, sinh thiếu tháng. Chưa đầy ba tháng
trên đất Việt với số tuổi 31, thế mà giờ đây phải quan tâm săn
sóc một giáo phận trên 150 ngàn giáo hữu giữa cơn cuồng phong
bách hại ác liệt nhất. lúc này đây, ngoài Chúa ra, ai có thể cảm
thông được nỗi ưu tư của ngài ?
Sau ngày tấn
phong, hai Đức cha và hai linh mục lên xứ Quần Cống. Được ít
hôm, quan án sát Nam Định đến bao vây làng này, khiến mỗi vị
phải đi một ngả. Đức cha Vinh phải chạy sang Trà Lũ, Đức cha
Xuyên qua làng Thôn Đông, rồi đến Kiên Lao thì bị bắt ngày
08.07, và bị xử lăng trì ngày 28.07.1858. Từ nay, Đức cha Vinh
phải một mình lãnh trách nhiệm toàn giáo phận Trung. Theo ý vị
tiềm nhiệm, Đức cha bỏ giáo phận trốn qua tỉnh Hải Dương, là nơi
cuộc bách hại còn lắng dịu. Sau bốn ngày vượt sông băng lạch,
ngài đến Cao Xá, tỉnh Hưng Yên, rồi tới nơi Đức cha Hermosilla
Liêm và cha Almato Bình trú ẩn. Được ít lâu, ngài đã tìm được
nơi trú ẩn mới trong vườn nhà anh Thăng, làng Hương La, xử Tử Nê
(Bắc Ninh). Gia chủ đã đào cho ngài một hầm trú ẩn khá an toàn.
Chính tại hầm này, vị "Giám mục hầm Trú" đã thành lập tòa Giám
mục trong gần trọn đời Giám mục của ngài.
Khi nghe tin Đức
cha Xuyên tử đạo, dầu kiên nhẫn và bình tĩnh, Đức cha Vinh đã
phải phát biểu nửa đùa nửa thật rằng : "Đức Giám mục khả kính
Sampedro Xuyên để lại cho tôi một gánh quá nặng. Ngày nào tôi
nhoai đến thiên cung, tôi sẽ tố cáo ngài".
Trong thư gửi cho
một linh mục bạn, ngài viết : "Tôi còng lưng gánh một gánh mà
tôi sợ, rất sợ, sợ đổ vỡ dọc đường…". Sau đó, Đức cha tìm mọi
cách trở về với giáo phận, nhưng không thể được, vì cơn bách hại
tại giáo phận Trung qua khắc nghiệt.
Theo cha M.
Gispert, có một lần duy nhất trong đời Giám mục, Đức cha Vinh về
xứ Kẻ Mèn, thuộc giáo phận Trung. Nơi đây, cùng với cha Riano
Hòa, hai vị tuyên thệ xây cất một Thánh đường dâng kính Đức Mẹ
Vô Nhiễm, và nhận người làm bổn mạng của giáo phận, nếu Chúa ban
cho Giáo Hội thoát khỏi cơn bách hại và hưởng thái bình. Lời
tuyên thệ này về sau khi cha Hòa làm Giám mục đã thực hiện. Đó
là thánh đường sau ba lần tái thiết, nay là một thánh đường kiểu
Gothique nguy nga dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Phú Nhai.
Trở lại vị Giám
mục hầm trú tại Hương La. Sáu tháng đầu, ngài sống chung với Đức
cha Alcazar Hy, Đức cha phó giáo phận Đông, cho đến khi vị này
phải rời xứ truyền giáo tạm lánh qua Macao. Chính tại hầm trú
này, Đức cha điều hành giáo phận gần trọn ba năm. Nơi đây, ngài
sống như một ẩn sĩ, nhưng vẫn là linh hồn của giáo phận Trung.
Sinh hoạt thường ngày của ngài là cầu nguyện, hy sinh, viết thư
cho các linh mục và các giáo xứ bên giáo phận. Hỗ trợ Đức cha có
bốn địa chủng sinh và ông lang Thư, người Cao Xá, trong việc sao
chép thư luân lưu, cũng như việc liên lạc.
Thật đáng khâm
phục, trong cảnh dầu sôi lửa bỏng như thế, Đức cha vẫn hướng về
ánh sáng cuối đường hầm, vẫn nhìn trời xanh qua kẽ lá, vẫn chuẩn
bị cho Giáo Hội tương lai trong hòan cảnh tưởng như tuyệt vọng
này. Trong hầm trú, ngài vẫn tiếp tục hướng dẫn, dạy thần học
cho một chủng sinh, huấn luyện các linh mục tương lai. Để ôn
thêm và để việc huấn luyện được đầy đủ, giữa khung cảnh bão táp
ấy, ngài viết thư cho cha quản lý ở Macao, xin gởi cho cha bộ
Tổng Luận thần học, bộ Contra Gentiles của thánh Tôma và nhất là
bộ Giáo Luật.
Ba năm trải qua
như thế. Tất cả ở dưới hầm trú, trừ đôi lần giữa đêm, ngài ra
khỏi đó để thăm và xưng tội với Đức cha Liêm, hoặc đi giúp các
bệnh nhân, nhưng không vượt ra khỏi ranh giới hai làng Đức Trai
và Tử Nê. Một vài lần, ngài phải cuốn gói chạy trốn qua một hầm
khác để tiếp tục ẩn nấp. Thực tả sao cho xiết nỗi cơ cực và nỗi
khổ ngài chịu. Cơ cực vì hầm chật chội, ngột ngạt, ăn uống thiếu
thốn … Khổ tâm vì không thể về với giáo phận mình, trong khi cơn
bách hại ngày càng gia tăng. Các hung tin được loan báo tới tấp
: Một, hai … rồi 18 linh mục tử đạo, các thày giảng và biết bao
giáo hữu bị ngã gục vì đức tin chân chính. Trong một thư gửi cho
Thánh Bộ Truyền Giáo, cha viết:
"Rất có thể trong
ít tháng nữa, giáo phận của tôi chẳng còn thừa sai, chẳng còn
linh mục, không chủng sinh, không thày giảng và không biết còn
nên nói thêm chăng, không còn bổn đạo" (Thư 93).
Tuy sống gian khổ
như thế, Đức cha Vinh đã không một lời rên rỉ, không một tiếng
thở than. Cái "chương trình" thánh thiện trong vui tươi của anh
chủng sinh vừa học vừa làm thời niên thiếu, giờ dây ngài vẫn
trung thành thực hiện. Ta có thể thấy điều đó trong một thư gửi
cho thân mẫu vào tháng 08.1860 :
"Mẹ chí yêu lòng
con,
"Mẹ hỏi con sống
thế nào, ăn uống làm sao ? Mẹ quý mến của con ơi ! Con sống tươi
lắm, con làm Giám mục cơ mà ! Còn thức ăn ngày nào cũng có. Đừng
lo mẹ ạ, chúng con chẳng đói đâu. Nhưng mẹ tưởng hễ làm Giám mục
là phải ngồi ngựa à ? Không, chúng con tuột giầy ra giữa đêm hôm
tăm tối, nhoài hết chỗ lội này đến quãng lội khác, vậy mà cứ vui
thôi. Một hôm, con lội sáu dặm đường, trên mưa tuôn, dưới bùn
trơn, con ngã soành soạch không biết bao nhiêu lần. Tuy là Giám
mục, con cũng ướt như chuột và lấm bùn be bét. Nhưng giáo hữu ở
đây tốt lắm, về tới nhà đã thấy họ đổ nước cho con tắm rửa sạch
sẽ để chuẩn bị dâng lễ…
"Ồ có lẽ mẹ bảo :
Vinh nhỏ của mẹ ơi, sống thế xìu lắm ! Không, chả buồn chả xìu
chút nào mẹ ạ. Ở đây người ta sống mạnh, sống tươi, nhanh nhẹn
lắm. Chúa an ủi chúng con trong lao nhọc. Con tuy là "trai già"
mà nhảy qua vũng lội vẫn lẹ như sóc ấy. Mẹ ạ, Vinh trước đã là
đứa con nhảy nhót qua núi đồi thì nay bộ mặt đầy râu của nó,
cũng sẽ làm những tên quỷ già nhất ở trong hỏa ngục phải run
sợ…"(Thư 116).
Quả thực, phải có
tâm hồn tươi trẻ và siêu nhiên mới có được thái độ và lời lẽ như
vậy, vừa dí dỏm vừa tươi vui pha chút đùa bỡn nữa. Những lá thư
như thế phản ảnh được sự bỏ mình và nét tươi trẻ của vị Giám mục
tử đạo 34 tuổi xuân này. Thực là cái vui của các vị thánh, của
những tâm hồn đầy Chúa. Chẳng bao lâu nữa, vẫn với niềm vui tươi
và tính đơn sơ phó thác ấy, ngài giơ đầu đón nhát gươm lý hình,
và trên khuôn mặt đẫm máu đào của ngài, còn ánh lên nét tươi
vui.
Tháng 8.1861,
chiếu chỉ phân sáp của vua Tự Đức như một cơn hồng thủy tràn lan
mọi thị xã cũng như thôn quê. Làng Hương La cũng không thể yên
ổn được nữa. Đức cha Vinh liền xuống thuyền với linh mục Almato
Bình, xuôi dòng xuống Hải Dương. Tại đây, may mắn hai vị gặp Đức
cha Liêm và thày Khang đang ở trên một thuyền khác trong bầu
không khí thân mật và cảm động. Nhưng sau đó, thuyền ngài lại
phải tiếp tục cuộc hành trình. Các giáo hữu giới thiệu hai vị
trọ nhà một người ngoại giáo làm phó lý ở gần đó. Không ngờ cháu
ông này đi báo với quan, khiến hai vị bị bắt ngày 25.10.1861 và
bị đóng cũi giải về Hải Dương. Tại đây, hai vị gặp Đức cha Liêm
trong một cũi khác, ngài đã bị bắt trước đó năm ngày.
Ngày 01.11.1861,
ba vị thừa sai cùng bị đem đi xử. Quân lính áp giải đông như đi
rước. Cũi Đức cha Vinh đi giữa hai vị kia. Ngài bình tĩnh ngồi
cầu nguyện như thói quen, nét mặt tươi tỉnh khiến mọi người phải
ngạc nhiên. Tại pháp trường Năm Mẫu, sau ít phút cầu nguyện, lý
hình đã chém đầu các ngài theo hiệu chiêng trống. Thi thể ba vị
tử đạo được chôn tại đó, sau được cải về Thọ Ninh, rồi Kẻ Mốt.
Đến đời Đức cha Hiển, thi thể Đức cha Vinh được gởi về Macao, và
sau cùng được đem về quê hương của ngài.
Đức Piô X đã suy
tôn Giám mục Valentino Berrio Ochoa Vinh lên bậc Chân Phước ngày
20.05.1906. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài
lên hàng Hiển thánh.
Nguồn từ thư
viện Đa Minh
Trường Thi Tử Đạo
Valentinô Vinh
sinh năm Ðinh Hợi (1827)
Tại Elorricô tên gọi (Tây) Ban Nha
Ðịa phận Vich là quê cha
Con ông thợ mộc như là (Chúa) Giêsu
Từ thủa nhỏ thích tu, ham học
Nhà lại nghèo làm mộc sinh nhai
Cậu Vinh nài nỉ một hai
Xin vào Chủng viện tương lai huy hoàng
Cậu tình nguyện vừa làm vừa học
Sau năm năm hết bậc phổ thông
Cậu được cha mẹ bằng lòng
Cho vào Chủng viện thuộc dòng Logromo
Học hành giỏi điểm tô đức hạnh
Với mọi người bên cạnh thân thương
Ðức Cha Giáo phận địa phương
Ðến thăm quê cậu đoán đường về sau
Tương lai cậu (Vinh) tiến mau Giám mục
Vì tinh thông vượt bực Chủng sinh
Mẹ nghe lòng cũng đinh ninh
Nhà quê nào biết con mình giỏi giang
Sau ba năm bậc thang Triết học
Về trông thấy mệt nhọc của cha
Tuổi cao vất vả thân già
Cậu xin ngoại trú việc nhà đảm đương
Ba mươi tháng hồi hương tạm trú
Cậu học hành chăm chú hơn ai
Ðức Cha nhận rõ biệt tài
Ban phép cắt tóc một vài tháng sau
Làm linh hướng tiến mau dự khuyết
Chức vụ này đặc biệt các cha
Thầy Vinh phúc lộc chan hoà
Chịu chức linh mục hoan ca tưng bừng
Hơn hai năm lẫy lừng linh hướng
Xin Ðức Cha đổi xuống (dòng) Ðaminh
Thực hiện ý định của mình
Muốn sang giảng đạo cảm tình Việt Nam
Ðường đi lại gian nan cách trở
Chặng đi đầu tạm ở nước Phi
Vài tuần sau có chuyến đi
Con tàu Phi Việt gặp khi tốt trời
Ðến Việt Nam ôi thôi mừng quá
Ðiều ước mơ nay đã tới liền
Ðến trình diện với Ðức Cha Xuyên
Cha con gặp gỡ ở miền Kiên Lao
Lệnh cấm đạo gắt gao hơn trước
Ở bên nhau chỉ được mấy ngày
Cha con lại phải chia tay
Mỗi người một ngã tránh bầy sói lang
Tuy phải trốn ngài càng nổ lực
Thăm giáo dân khổ cực ban đêm
Thánh Thần phù hộ ngài thêm
Ðức Cha Xuyên muốn cha lên thay ngài
Ðoán trước được tương lai giáo phận
Khuyên cha Vinh nên nhận lời mời
Mừng lo khó nói nên lời
Chén đó con sợ không rời ý cha
Lễ tấn phong ban ra Mậu Ngọ (1858)
Tại nhà ông trùm họ Minh Cường
Kể ra thì rất thảm thương
Gậy tre mũ giấy thánh đường nhà dân
Sau chịu chức trú chân Quần Cống
Ðược vài ngày chiêng trống bao vây
Bây giờ biết tính sao đây
Mỗi người một ngã đường dây đi về
Ðức Cha Xuyên bốn bề vây bắt
Ðức Cha Vinh sắp đặt trong ngoài
Bây giờ biết cậy vào ai
Trên mình gánh nặng một hai sẵn sàng
Cuộc bách hại ngày càng gay gắt
Ở quanh đây bị bắt như chơi
Buộc lòng ngài phải xa rời
Hưng Yên, Cao Xá là nơi an toàn
Một giáo hữu khôn ngoan anh Thắng
Có thửa vườn thanh vắng của nhà
Ðào hầm trú ẩn nuôi (Ðức) Cha
Ở đây hoạt động được ba năm trường
Việc Giáo phận đảm đương phụ trách
Còn dạy cho đặc trách Chủng sinh
Khi dâng lễ, lúc nguyện kinh
Nơi Toà Giám Mục thu mình hầm sâu
Lệnh phân sáp khổ đau ập đến
Ngài rời đây tới bến Hưng Yên
Ðến đây ngài bị bắt liền
Ðem nộp quan huyện lãnh tiền thưởng chơi
Ðức Cha Vinh được mời vào củi
Tuy bị giam mặt mũi vẫn tươi
Tử hình án đã phê rồi
Pháp trường Năm Mẫu là nơi hành hình
Phúc tử đạo hiển vinh Ðinh Hợi (1861)
Một chứng nhân quen gọi cái tên
Ðức Cha hầm trú ngày đêm
Gậy tre mũ giấy là tên của ngài
Năm Bính Ngọ (1906) bài sai Toà Thánh
Ðược suy tôn danh tánh của ngài
Lên bậc Chân phước không sai
Ðời đời bên Chúa trần ai phụng thờ
Lời bất hủ: Các hung tin được loan báo tới tấp, một.hai
rồi 18 linh mục tử đạo, các thầy giảng và biết bao tín hữu bị
ngã gục vì đức tin chân chính, trong bức thư gửi Thánh bộ Truyền
giáo Ðức Cha viết: "Rất có thể ít tháng nữa, địa phận của tôi
chẳng còn thừa sai, chẳng còn linh mục, không chủng sinh, không
thầy giảng và không biết còn nói thêm chăng.Không còn bổn đạo".
(trích thư chung 93) |