118 Vị Tử Đạo Việt Nam


Phêrô Nguyễn Bá Tuần (1766 - 1838)

Phêrô Nguyễn Bá Tuần, Sinh năm 1766 tại Ngọc Ðồng, Hưng Yên, Linh mục triều, bị chết rũ tù ngày 15/07/1838 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêo XIII suy tôn chân phước linh mục Phêrô Nguyễn Bá Tuần ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 15/07.

Nụ hôn của Giuda

Được cha xứ Kim Sơn tin cậy gửi gấm hai linh mục, Bát Biên kín đáo giấu hia vị trong nhà. một tuần sau, ông nói với hai cha : "Con nghe tin quan biết hai cha ẩn ở đây và quan quân sắp đến vây làng. con phải đem hai cha đi nơi khác an toàn hơn". Rồi Bát Biên mời linh mục thừa sai Fernandez Hiền xuống một chiếc thuyền nhỏ chở đi. Lát sau lại trở về đón cha Phêrô Tuần.

Xuống thuyền đi trốn, hai cha hoàn toàn tin lời Bát Biên, chẳng ngờ chút nào sự săn sóc ân cần đó lại chính là "cái hôn của Giuđa".

Âm mưu bắt hai cha của Bát Biên thành công thật êm thắm. Những nụ hôn bao giờ mà chẳng nhẹ nhàng êm ái ! Và đàng sau nụ hôn đó, tù ngục, tra tấn, cái chết đang chờ đợi hai cha.

Phêrô Nguyễn Bá Tuần chào đời năm 1766 tại làng Ngọc Đồng, tỉnh Hưng Yên. Tử thuở bé, cậu tuần đã có tiếng là hiền lành, đạo đức, chăm chỉ học hành. Lớn lên, cậu vào sống trong nhà Chúa, tại đây cậu siêng năn học giáo lý, đồng thời học thêm chữ Hán. Thấy dấu chỉ có ơn kêu gọi, các linh mục giới thiệu cậu vào chủng viện. Nhưng mới theo học tại trường Latin ít lâu, Vua Cảnh Thịnh ra chiếu chỉ cấm đạo, thầy Phêrô phải nghỉ học và ẩn trốn nơi này nơi khác cùng với cha chính Hoan (Gatillepa). Thầy tỏ ra là một đệ tử đắc lực của ngài. May mắn thay, một thời gian sau, trường được mở lại, thầy Tuần trở về tiếp tục học hành và được lãnh chức linh mục năm 1807. Cha Tuần đã thi hành tác vụ thánh tại nhiều nơi, thu hái nhiều kết quả, được các bề trên hài lòng suốt 30 năm.

Giá trả về niềm tin

Năm 1838, khi vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo gắt gao hơn thì cha Tuần đang làm chánh xứ Lác Môn, tỉnh Nam Định. Cha không chỉ lo chu toàn trách vụ giáo xứ của mình, nhưng cha còn lưu tâm đến tình hình Giáo hội Việt Nam, lo đến các anh em linh mục. Nghe tin làng quần Liêu sợ vạ lây, không muốn chấp nhận cha chính Fernandez Hiền bị bệnh kiết lỵ trầm trọng đang chữa tại đây nữa, cha Tuần phải vội vàng đến can thiệp và ở lại để dân chúng yên tâm giúp đỡ cha chính. Không ngờ nghĩa cử yêu thương này đã nối kết số phận đời cha với vị thừa sai Âu Châu.

Sau vài ngày, hai cha bỏ Quần Liêu trấn lên Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, thuộc giáo phận Tây Đang Ngoài. Nhưng tại đây quan quân cũng đang tầm nã gắt gao, các tín hữu bắt buộc phải giấu hai cha ngoài bãi sình lầy, suốt hai ngày nắng sương gió rét. Khi đó, cha xứ Kim Sơn cho tìm một người ngoại đạo tên là Bát Biên, người thọ ân ngài nhiều lần và gởi gấm tạm hai vị mục tử. Ở đây, trước khi được làm chứng cho niềm tin vào Thiên Chúa, hai cha đã phải trả giá cho niềm tin vào con người. Bát Biên trở mặt nộp hai linh mục cho quan Tổng Đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh. Thế là hai cha bị đóng gông giam vào ngục.

Trong tù, vị linh mục già 72 tuổi, luôn can đảm trung thành với đức tin của mình, dù thân thể già nua ốm yếu phải chịu gông cùm xiềng xích với biết bao đòn vọt. Khi viên quan nói với cha : "Lão già quá rồi, không chịu nỗi các hình khổ đâu". Cha Tuần trả lời : "Quả thực tôi ốm yếu già nua, nhưng Thiên Chúa sẽ cho tôi sức mạnh để đón nhận mọi cực hình và cả cái chết vì Ngài". Lần khác, quan cho một tín hữu đã bỏ đạo ra đạp lên thánh giá và bảo cha làm theo như vậy, cha liền nói: "Sao tôi lại phải bắt chước kẻ bội giáo? Mẫu gương tôi soi là hai Đức cha của tôi, tôi muốn noi gương các đấng ấy". (Cha Tuần muốn nói đến Đức cha Henares Minh và Delgado Y, tử đạo ngày 26.06 và 12.07).

Rũ tù trong vinh phúc.

Pháp luật thời đó không cho phép xử chém người già trên 60 tuổi. Thế nhưng ngày 18.07.1838, vua Minh Mạng vẫn phê án xử trảm cha Tuần. Bản án "vi hiến" đó đã không bao giờ thi hành được. Các hình khổ trong tù : tra tấn, đánh đập, đói khát, nóng nực và muỗi rệp, cuối cùng đã làm thay công việc của lý hình. Trước đó ba ngày cha Tuần đã hoàn tất cuộc đời làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa ngay trong nhà tù, tức ngày 15.07.1838.

Con đường tử đạo của cha không kết thúc đẫm máu, không có những bi kịch thảm thương. Một con đường khá bình thường, được dệt nên bằng những việc quen thuộc mà nhiều người khác có thể từng gặp trong đời: một người anh em mắc bệnh, một người phản bội vô tâm, đòn vọt, rệp muỗi... Nhưng "trên từng cây số" con đường đó, cha đã đi thật đúng đắn, thật trung thành, thật trọn vẹn. Cha đã tận tình lo cho người anh em gặp hoạn nạn. Cha đã hết sức tin vào con người, dù có thể gặp phải kẻ phản bội. Cha đã sống trọn vẹn niềm tin của mình trong những hoàn cảnh khó khăn, mới thoạt nhìn qua như có vẻ bình thường, nhưng vì dai dẳng nên cái bình thường đó không kém phần gay go.

Lòng trung thành trong những "việc nhỏ" như thế, đáng được coi là trung thành trong những "việc lớn". Lòng trung thành đó đã đưa cha đến phúc tử đạo dù không đổ máu. Cha được về quê trời ngày 15.07.1838 trong khi đã sẵn sàng bước ra pháp trường lấy máu mình minh chứng niềm tin. Giáo hữu rước thi hài cha về an táng tại nhà thờ xứ Ngọc Đồng, sau đem vào Nam đặt tôn kính tại xứ Lạc An, Biên Hòa.

Đức Lêo XIII suy tôn chân phước linh mục Phêrô Nguyễn Bá Tuần ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

Nguồn từ thư viện Đa Minh

Trường thi tử Đạo.

Nguyễn Bá Tuần sinh năm Bính Tuất (1766)
Tại Ngọc Ðồng đẹp nhất Hưng Yên
Hồng ân Chúa được ưu tiên
Nhập vào chủng viện học liền Latinh

Ðược ít lâu Triều đình bắt đạo
Giải tán trường, đôn đáo đó đây
Cha Chính Hoan nhận Bá Tuần
Chờ thời ổn định, toàn phần vui tươi

Tin mở cửa khắp nơi chủng viện
Về học thêm thực hiện thụ phong
Thầy Tuần ơn Chúa quan phòng
Thụ phong Linh Mục, ngoài vòng bốn mươi

Tác vụ thánh nhiều nơi kết quả
Các bề trên tất cả đều khen
Bất ngờ vua lại bật đèn
Truy lùng đạo Chúa, nhiều phen tơi bời

Cha Bá Tuần đương thời Cha sở
Giáo dân đông ngài ở Lác Môn
Quần Liêu sợ hãi nóng nôn
Cha Hiền đau ốm, dân không chứa ngài

Cha Tuần tới ghé vai can thiệp
Ðể giáo dân cứ việc an tâm
Lính vây kéo tới rầm rầm
Bắt luôn một lúc giam cầm hai cha

Lính giải đi đường xa thị xã
Tỉnh Ninh Bình có cả cũi gông
Cha Hiền vô cũi khổ không
Cha Tuần chúng bắt, mang gông mang xiềng

Tổng Ðốc nói lời khuyên già lão
Không chịu nổi gươm giáo khổ hình
Tôi đây già yếu thực tình
Vững tin vào Chúa, tôn vinh danh Người

Quan xúi dại, không ai nghe được
Sống mẫu gương mực thước khiêm nhu
Tôi không theo kẻ bội thù
Ðạp lên Thánh Giá, Giêsu nhân lành

Quan lại hỏi xung quanh quen biết
Cha trả lời, đặc biệt lệnh vua
Mạnh ai nấy trốn thi đua
Quan quân truy quét, đi lùa đó đây

Quan lại hứa kiếm thầy thông dịch
Nếu nghe ta chắc nịch là xong
Quan ơi chớ có lòng vòng
Sẵn sàng chịu chết, cầu mong Nước Trời

Trong ngục tối, yếu hơi kiệt sức
Cha xỉu đi, lập tức lìa trần
Gia đình thân thuộc giáo dân
Thi hài đón rước, mộ phần tiễn đưa

Ngọc Ðồng chốn quê xưa làng cũ
Khi di cư thường trú Phú Cường
Lạc An giáo xứ thân thương
Hồng ân Chúa thưởng, Thiên Ðường quang vinh

Phúc tử đạo linh đình Mậu Tuất (1838)
Bỏ thế gian không mất Nước Trời
Thiên đàng vĩnh phúc thảnh thơi
Suy tôn Canh Tý (1900) trọn đời Thánh gia

Lời bất hủ: Cha Tuần trả lời quan lớn: "Qủa thực, tôi ốm yếu già nua, nhưng Thiên Chúa sẽ cho tôi sức mạnh để đón nhận mọi cực hình và cả cái chết vì Ngài". Lần khác, quan cho một người tín hữu đã bỏ đạo ra đạp lên Thánh Giá và bảo cha làm theo như vậy, cha nói: "Sao tôi lại phải bắt chước kẻ bội giáo?! Mẫu gương tôi
học là hai Ðức Cha của tôi, tôi muốn noi gương các Ðấng ấy". (Ý nói Ðức Cha Henares Minh và Delgado Y mới chịu Tử Ðạo).