"Con ơi, hãy tha
thứ. Đừng tìm báo thù kẻ tố giác cha nhé". Đó là lời trăn trối
cuối cùng của thánh Emmanuel Lê Văn Phụng cho con trai trước khi
bị xử chém. Noi gương Đức Kitô trên Thập Giá xin Chúa cha tha
những kẻ hành hạ mình, thánh nhân nài nỉ các bạn hữu sống trọn
vẹn giới luật bác ái Kitô Giáo : "Hãy tha thứ cho kẻ thù. Đừng
báo oán những kẻ tố giác hay kết án tôi, hãy tha thứ, hãy tha
thứ vì chính tôi, tôi đã thứ tha…"
Cho đến muôn đời,
mẫu gương và lời nói đó sẽ mãi mãi vang vọng trong lòng người
tín hữu Việt Nam.
Emmanuel Lê Văn
Phụng sinh năm 1796 tại họ Đầu Nước, Cù Lao Giêng, tỉnh An
Giang, thuộc trấn Châu Đốc, Nam Hà. Nhìn bề ngoài, ông Phụng
không mấy hấp dẫn, vì vóc dáng có vẻ gân guốc, lại hay lớn tiếng
với mọi người. Nhưng trái lại, nhờ tính cương trực, sự dứt khoát
cũng như lòng nhiệt thành với việc chung, ông được bà con tín
nhiệm đề bạt làm "câu" (Trùm) họ Đầu Nước. Đáp ứng lại sự tín
nhiệm đó, ông Câu Phụng đã góp sức tổ chức giáo họ thêm lớn mạnh
ngay trong thời bách hại đạo dưới thời vua Tự Đức.
Nhờ tài đức của
ông, họ đạo đã tái thiết được ngôi thánh đường khang trang, cất
nhà cho các nữ tu và trở thành khu trú ngụ khá an toàn cho các
giáo sĩ. viên quan huyện địa phương một phần vẫn nhận tài trợ
của ông, một phần đã thấy rõ sinh hoạt tôn giáo không có gì nguy
hiểm, nên cho người báo tin trước khi phải kiểm tra theo lệnh
trên, đủ thời giờ để các tín hữu cất dấu ảnh tượng và các vật
dụng tôn giáo.
Tai họa
bất ngờ
Thế nhưng có điều
ông Câu Phụng không ngờ tới là món tiền thưởng của nhà vua vốn
có một hấp lực với một vài lương dân trong vùng. Những ngày này
chia nhau theo dõi nhà ông, mỗi đêm họ cử người leo lên cây xoài
gần đó để quan sát, và họ đã toại nguyện. Cuối năm 1858, họ đã
phát hiện một vị thừa sai ngoại quốc Pernot Định đang tạm trú
tại nhà ông Câu.
Đêm hôm đó, khi
mọi người đã an giấc, cha Pernot ra sân đi dạo để hít thở không
khí trong lành và cầu nguyện giữa khí mát trăng sao. Đêm thanh
như có phép màu làm tiêu tan đi những mệt nhọc ban ngày và giúp
cha hướng về Đấng Tạo Hóa cao thẳm, thầm ước mong các tín hữu
Việt Nam sẽ đông đúc như sao ở trên trời. Trước khi khép cửa để
vào nhà nẩ nấp, cha còn nói với lại : "Chào các bạn tinh tú nhé.
Thực là tồi tệ cho những ai bắt tôi phải sống thế này".
Thế là hai người
rình rập hôm đó mừng rỡ, họ vội vã kéo nhau đi báo cho quan trấn
phủ Châu Đốc. Họ tố gíac ông Câu Phụng chứa chấp Tây Dương Đạo
Trưởng. Họ cũng không quên xin phái quan lãnh binh đi bắt, chứ
đừng báo quan huyện, vì quan này thông đồng với Công Giáo.
Sáng ngày
07.01.1859, ông Câu Phụng chưa hay biết gì cả. Ngoài thừa sai
Pernot, còn có cha Phêrô Quý (cha sở mới họ Đầu Nước). Đang trọ
tại nhà ông. hai linh mục vẫn dâng lễ như thường. Sau đó, mới có
người chạy về báo tin là quan quân Châu Đốc đi thuyền và đi bộ
đang tiến đến nhà ông. Ông Phụng liền cử người đưa hai cha đi
trước, nhưng cha Quý nhất định ở lại, vì nghĩ mình có thể trà
trộn vào dân được, và tìm chỗ ẩn núp ngay trong nhà.
Đến khi quan quân
ập vào hạch hỏi và dọa đánh chủ nhà, cha sở Quý tự ra trình
diện. Thế là quân lính liền bắt trói ông Câu Phụng, cha Quý và
32 giáo hữu khác áp giải về Châu Đốc. Trước mặt quan, vì có
người tố cáo, ông Câu khẳng khái xác nhận mình đã từng tiếp đón
và cho thừa sai nước ngoài trọ tại nhà mình. nhưng sau đó, dù
tra tấn hay dụ dỗ nhiều lần, ông nhất định không khai thêm chi
tiết nào khác về các thừa sai, và cương quyếtk bỏ đạo.
Kỷ vật
cuối cùng
Sau sáu tháng giam
giữ, không hy vọng gì các tù nhân đổi ý, các quan trấn Châu Đốc
làm án gởi về kinh đô xin xử giảo và vua Tự Đức châu phê liền.
Ngày 31.07, linh mục Phêrô Đoàn Công Quý và ông Câu Lê Văn Phụng
được đưa ra pháp trường Chà Và. Cả hai vị bình tĩnh, cha Quý vừa
đi vừa đọc kinh Mân Côi, còn ông Câu thì dặn dò các bạn hữu tha
thứ cho những kẻ hại mình.
Tại pháp trường,
ông câu gặp các con mình. ông đeo vào cổ con gái – cô Anna Nhiên
– ảnh Thánh Giá và nói: "Con ơi, hãy nhận lấy kỷ vật của ba. Đây
là ảnh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Anh này quý hơn vàng bạc
bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm
chiều con nhé".
Ông cũng dặn con
trai, đừng chôn cất rầm rộ, và nhớ chôn ông bên cạnh cha sở của
mình. Tiếp theo, hai chứng nhân của Chúa quỳ xuống cầu nguyện.
Cha Quý giải tội cho ông Câu. Sau ba tiếng chiêng vang, vị linh
mục bị chém dầu, còn ông Câu Emmanuel bị xiết cổ bằng dây thừng
do hai người kéo.
Đức Piô X suy tôn
hai vị tử đạo lên bậc Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày
19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Đặc biệt ông câu Emmanuel Phụng được đứng trong số sáu vị đứng
đầu danh sách 117 hiển thánh tại Việt Nam.
Nghĩa cử quảng đại
tha thứ của ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng trước giờ tử đạo đã là
bài giảng hùng hồn nhất về sự bao dung của đức bác ái Kitô giáo.
Nguồn từ
thư viện Đa Minh
Trường thi tử đạo
Lê Văn Phụng là
ông trùm họ
Năm Bính Thìn (1796) sinh trọ An Giang
Tính người cương trực đàng hoàng
Ông hay nói thẳng không màng thân quen
Trong họ đạo lo toan kiến thiết
Ngôi thánh đường cho thiệt khang trang
Tiếng thơm trong họ ngoài làng
Ông còn chơi rộng đến hàng huyện quan
Thời cấm đạo lo toan cất giấu
Các Cố Tây nương nấu trong nhà
Ngoài ra còn các cha ta
Khi đi khi ở vào ra bình thường
Ai ngờ bỗng tai ương mang đến
Mấy người lương thân quyến tham tiền
Chia nhau theo dõi liên miên
Có lần bắt gặp chủ chiên nước ngoài
Trong đêm vắng các ngài dâng lễ
Tại nhà ông chúng kể rõ ràng
Báo cáo cặn kẻ đàng hoàng
Xưa nay quan huyện dễ dàng với ông
Muốn ăn chắc báo ông quan trấn
Cho bao vây cẩn thận đêm khuya
Trong ngoài kín mít êm ru
Sáng ra ập đến giấu thu cách nào
Ông trùm Phụng làm sao ngờ được
Ðem cha Ðịnh ngoại quốc trốn ngay
Còn cha Quý trong vòng vây
Tự mình ra nộp Ðức Thầy tuyên xưng
Tôi tên Quý chính danh đạo trưởng
Giảng đạo trời ảnh hưởng đến ai
Lệnh vua sai bắt thưa ngài
Còn ông trùm Phụng chẳng nài tuyên xưng
Người Công giáo tôi tin có Chúa
Sống thương người chan chứa hồng ân
Một đời sống đạo chuyên cần
Ðời này tích đức để dành đời sau
Còn cái lệnh bắt nhau bỏ đạo
Thì tôi đây tuyên cáo rằng không
Cho dù roi sắt vạc đồng
Bảo tôi quá khoá cũng không được nào
Quan thấy rõ không sao thuyết phục
Sáu tháng giam rút cục không thành
Bèn làm bản án về kinh
Ông này xử giảo điển hình biết tay
Ông trùm Phụng khi hay tội ấy
Thật vui mừng như thấy thiên nhan
Có cô con gái tên Nhiên
Trao ảnh chuộc tội như khuyên vài lời
Ảnh thánh giá trên đời quý nhất
Theo ý Cha quý thật hơn vàng
Nói xong bình tĩnh đàng hoàng
Pháp trường xử giảo dễ dàng quy thiên
Kỷ Mùi (1859) tử đạo trên niên giám
Là chứng nhân bảo đảm đức tin
Rôma Toà Thánh hướng nhìn
Kỷ Dậu (1909) phong thánh trăm nghìn hồng ân
Lời bất hủ: Tại pháp trường cha và ông Trùm Phụng gặp các
con mình. Ông đeo vào cổ con gái Anna Nhiên ảnh Thánh giá và
nói: "Con ơi, hãy nhận lấy kỷ vật của ba, đây là ảnh Chúa Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta. Ảnh này quý hơn vàng bạc bội phần, con hãy
luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé". |