Những khi muốn dâng hoa lên Đức Mẹ, tôi
thấy việc tìm kiếm hoa là việc khá quan trọng.
Nhưng đôi khi tôi có cảm tưởng rằng: Tìm
Đức Mẹ, để dâng hoa, cũng là việc quan trọng không kém.
Tất nhiên, chỉ có một Đức Mẹ Maria.
Nhưng Đức Mẹ Maria duy nhất của chúng ta vốn được gọi bằng nhiều tước
hiệu, như Đức Mẹ Vô nhiễm, Đức Mẹ Mân côi, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Nữ
vương v.v...
Thiết tưởng mỗi người sẽ gọi Mẹ bằng tước hiệu nào, mà mình ưa thích
nhất. Phần tôi, tôi quen gọi Mẹ Maria của tôi bằng những tước hiệu không
mấy sang trọng. Như: Mẹ là nơi ẩn náu của kẻ tội lỗi. Mẹ là Đấng an ủi
kẻ âu lo. Mẹ là hy vọng của kẻ thất vọng.
Riêng những lần dâng hoa, tôi thường đặt hoa của tôi trước ảnh “Đức Mẹ
Trái tim”. Tức là ảnh Đức Mẹ mở trái tim mình bốc lửa. Tôi hiểu lửa đó
là tình yêu đau khổ.
Tôi dám chắc việc làm đó của tôi sẽ đẹp lòng Mẹ. Bởi vì tôi nhìn Đức Mẹ
có rất nhiều đau khổ vì yêu mến Chúa và xót thương nhân loại.
Đức Mẹ đau khổ được nói trong Kinh Thánh.
Phúc Âm thánh Luca thuật lại: Khi thánh Giuse và Đức Mẹ Maria đem hài
nhi Giêsu lên đền thờ, để tiến dâng cho Thiên Chúa theo Luật dạy, thì
tiên tri Simeon đã nói với Đức Mẹ rằng: “Thiên Chúa đặt cháu bé này làm
duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn
là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ
đâm thấu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải
lộ ra” (Lc 2,34-o4
Ngay liền đó, thánh Luca đã ghi một chi tiết ứng nghiệm lời tiên tri
Simeon. Chi tiết đó là biến cố Đức Mẹ và thánh Giuse phải đau đớn đi tìm
con mình trong ba ngày. Khi gặp được Chúa Giêsu trong đền thờ, Đức Mẹ đã
không giấu nổi nỗi đau. Mẹ nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như
vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (Lc
2,48).
Phúc Âm cho thấy: Đức Mẹ đã phải cực lòng, không phải chỉ lần đó, mà
phải cực lòng trong suốt cuộc đời cộng tác vào chương trình cứu chuộc
của Đức Kitô. Dấu ấn cực lòng nhất là cảnh Đức Mẹ chứng kiến cuộc khổ
nạn của Chúa Giêsu. Thánh Gioan chỉ tả lại vắn tắt: “Đứng gần thập giá
Đức Kitô, có thân mẫu Người...” (Ga 19,25).
Như vậy, Mẹ đã đau khổ, vì chia sẻ trọn vẹn những đớn đau của Chúa
Giêsu. Đó là một sự thực không thể thiếu được trong nhận thức của chúng
ta.
Hơn nữa, Mẹ đã đau đớn, còn vì chia sẻ trọn vẹn những xót xa vô vàn của
Chúa trước cảnh bao người tự huỷ mình trong mọi thời. Họ tự do chọn con
đường tội lỗi dẫn xuống hoả ngục. Đó cũng là một sự thực ta không nên
coi thường.
Đức Mẹ đau khổ trong lịch sử hiện nay.
Tâm tình khổ đau của Mẹ đã được chính Mẹ tỏ lộ trong những lần Mẹ hiện
ra. Khi hiện ra tại La Salette, tại Lộ Đức, tại Fatima, Đức Mẹ đã chỉ
nhắc đi nhắc lại lời khuyên nhủ: Hãy ăn năn sám hối, hãy năng cầu nguyện
và hy sinh, hãy trở về với Chúa. Mẹ nhắn nhủ bấy nhiêu đều với nét mặt
buồn sầu.
Hơn nữa, Đức Mẹ không buồn sầu sao được khi nhìn vào một nền văn hoá
biến chất đang chuyên chở một phần nhân loại. Nền văn hoá này đang có
những khủng hoảng trầm trọng.
Khủng hoảng về thiếu chiều cao. Càng ngày càng bớt đi tình hiếu thảo đối
với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Càng ngày bổn phận tôn thờ Đấng Tạo Hoá
càng bị quên lãng hoặc chối bỏ.
Khủng hoảng về thiếu chiều sâu. Rất nhiều người không hề tìm hiểu ý
nghĩa đời mình, hướng đi đời mình, trách nhiệm đời mình. Mặc kệ đời sống
mình trôi giạt trong khoảng trống mịt mù.
Khủng hoảng vì thiếu chiều ngang. Liên đới giữa người với người rất hẹp
và căng. Cái tôi trở thành trung tâm. Xung quanh là bầu khí dửng dưng,
thiên kiến, thù hận, sợ hãi, ganh tị, ghen ghét.
Khủng hoảng vì thiếu chiều kích nội tâm. Không quen, không thích và
không có khả năng suy nghĩ, đào sâu tư tưởng, gạn lọc ước muốn, đối diện
với các sự thực, nhất là sự thực về chính mình.
Khủng hoảng vì thiếu chiều kích tu thân. Thả lỏng nguồn khát vọng. Quên
đi lời Kinh Thánh:
“Tuổi thọ đáng kính,
không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi.
Đối với con người, sự khôn ngoan còn quí hơn tóc bạc.
Sống không tì ố đã là sống thọ” (Kn 4,8-9).
Nền văn hoá với những khủng hoảng kể trên đang dần dần ảnh hưởng xấu đến
tôn giáo.
Chúng ta còn nhìn thấy điều đó. Phương chi Đức Mẹ càng thấy rõ hơn. Đức
Mẹ thấy, Đức Mẹ buồn, Đức Mẹ muốn cứu, nếu chúng ta có thiện chí, biết
vâng lời Đức Mẹ.
Đức Mẹ khổ đau trong khát khao cứu độ.
Tuy khổ đau vì tội lỗi chúng ta, nhưng Đức Mẹ với trái tim bốc lửa vẫn
mãi là nguồn hy vọng của chúng ta. Tôi tin vững vàng điều đó. Bởi vì Đức
Mẹ rất thương chúng ta.
Ngoài ra, Đức Mẹ là Đấng đầy ơn Chúa Thánh Thần. Ngày truyền tin, thiên
sứ đã nói với Đức Mẹ: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng
Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà... Đối với Chúa, không có gì là không
thể làm được” (Lc 1,35-37).
Với những lời bảo đảm trên đây của thiên sứ, chúng ta tin tưởng, khi
dâng hoa và đời ta lên Đức Mẹ.
Phần tôi, Đức Mẹ mở trái tim bốc lửa vẫn là hình ảnh gợi ý. Không những
gợi ý, mà còn như cần thiết. Nhất là những lúc thân phận yếu đuối của
tôi cảm thấy mình cần được gần gũi một tình mẹ đầy xót thương, giàu sức
cứu độ. Đặc biệt là những khi trí khôn tôi đã quá mệt mỏi, hầu như không
còn khả năng tập trung suy nghĩ, thì sự nhìn một hình ảnh tình thương
đẹp như hình ảnh Đức Mẹ Trái Tim sẽ được coi như rất hữu ích, để giúp
tôi cầu nguyện với niềm tin vào lòng thương xót Chúa.
Hình ảnh Đức Mẹ Trái Tim không ở đâu xa. Tôi nhìn thấy gần tôi, hầu như
ngay trong chính tim tôi. |