Khi nói đến trái tim thì mọi người không chỉ nghĩ đấy là một cơ phận của thể xác con người, nhưng còn nghĩ ngay đến chiều sâu bên trong là ý hướng, tình cảm, tâm trạng, nỗi niềm .... Triết Đông còn dùng chữ "tâm" (心:trái tim)để chỉ thế giới tinh thần (tâm linh) của con người. Có thể nói "trái tim" là biểu tượng nói lên cái cốt yếu của con người đích thực. Chính vì thế mà Đại Thi hào Nguyễn Du từng bảo:
"Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" (Truyện Kiều).
Cũng vì ý nghĩa và tầm quan trọng của biểu tượng trái tim mà chúng ta có lễ trọng "Thánh Tâm Chúa Giêsu" và lễ "Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ" liền kề nhau.
Câu chuyện có thật về người đàn bà "hủi", mẹ thằng Chiền (Tú Anh) trong phim "Chuyện Tử Tế" của đạo diễn Trần Văn Thủy cũng để lại cho ta nhiều suy nghĩ. Trong phim chỉ cho biết mẹ thằng Chiền bị hủi, bị xua đuổi khỏi làng, bị chồng bỏ, đi xin ăn, đêm đêm lén về nhào đất đúc được 18 vạn (180.000) với ước mơ con có một mái nhà ...đã làm cho khán giả xúc động. Nhưng Khi đọc những bài báo viết sau đó mười mấy hay hai chục năm, nhất là bài "Chuyện cổ tích về số phận kỳ lạ của một người đàn bà" của tác giả Phùng Nguyên (2005) cho ta biết thêm nhiều thông tin hơn về người đàn bà "hủi" có tên Trần Thị Hằng, mẹ thằng Chiền. Bài báo đã tạo một cơn sốt ngưỡng mộ nơi độc giả. Chị Hằng đã từng nung dao nóng đỏ để chặt lần lượt mười ngón tay bị cho là "hủi' của mình, phải làm bè sống trên ao, ban ngày đi gánh nước hoặc cát thuê, đêm về gánh đất lấp ao để có một nền nhà .... Chị còn thảm thương hơn cả chị Dậu trong "Tắt Đèn" của Ngô Tất Tố, vì Chị Dậu còn có bầy chó để bán.
Chính trái tim thương con của người mẹ đã giúp chị Hằng vượt qua tất cả. Từ đôi bàn tay bị cho là "hủi" phải chặt cụt từng ngón cùng với trái tim người mẹ luôn yêu thương thao thức vì con, sau mười mấy năm lăn lộn với khổ đau cùng tận, chị Hằng đã thành công trong cuộc sống, đã trở thành triệu phú, có ngôi biệt thự lớn nhất xã Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình (năm 2005).
Cả ba bài đọc phụng vụ hôm nay đều mời gọi chúng ta có trái tim vâng phục Thiên Chúa như Đức Maria.
Bài đọc 1, sách 2Sm mời gọi mọi người sống tâm tình của người con luôn tùng phục Thiên Chúa: "Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao ? ... Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con."
Bài đọc 2, thánh Phao lô xác tín với giáo đoàn Rôma: "Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa. Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí".
Bài Tin Mừng, bằng vài nét chấm phá, thánh sử Luca phác họa chân dung Đức Maria: là người thôn nữ bình thường như mọi thôn nữ khác (c 27), là người nữ "đầy ơn sủng" và được "Đức Chúa ở cùng" (c 28), là người được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đấng Messia Con Thiên Chúa (c 30-33)... Tuy nhiên câu kết của Tin Mừng đã làm bừng sáng cả bức chân dung Đức Mẹ là một con người bình thường nhưng thật vĩ đại vì trái tim đã vâng phục Thiên Chúa cách triệt để: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói."
Chiêm ngắm cuộc đời Đức Mẹ, chúng ta không chỉ thấy Trái tim Đức Mẹ thốt lên hai tiếng "xin vâng" trong biến cố Truyền tin, khi chứng diện trước Sứ thần của Thiên Chúa; mà cả cuộc đời Đức Mẹ, trái tim vẫn luôn rung nhịp vâng theo thánh ý Thiên Chúa giữa bao nghịch cảnh. Mẹ vâng phục Thiên Chúa trong mọi nơi, mọi lúc, mọi biến cố, mọi phút giây. Trong biến cố hạ sinh con nơi hang bò lừa giữa cánh đồng hoang vu đêm khuya gió rét, biến cố trốn sang Ai Cập, dâng con trong Đền thờ, ẩn cư tại Nazareth ... ở mọi thời khắc Đức Mẹ đều thinh lặng, nhưng con tim ghi nhớ và suy niệm (x. Lc 2,19). Cả biến cố dưới chân thánh giá, Mẹ chứng diện trước cái chết của người con dấu yêu. Có nỗi đau nào sánh ví! Thế mà Mẹ vẫn thinh lặng, vâng phục và phó thác, trao phó con tim mình cho Thiên Chúa.
Ngay từ thời xa xưa, các Giáo phụ và những vị đại thánh đã ca ngợi Trái Tim Đức Mẹ:
Thánh Giêrônimô: Không trí khôn thụ tạo nào, không trái tim thụ tạo nào, không sức lực nhân loại nào có thể biết được Trái Tim Mẹ Maria yêu mến Chúa chúng ta đến mức nào.
Thánh Bênađô: Tình Chúa yêu thương chiếm trọn Trái Tim Mẹ Maria, đến nỗi Trái Tim Mẹ đầy tràn tình yêu, vì Thiên Chúa không làm bùng lên tình yêu trong trái tim nào khác như trong Trái Tim Rất Thánh Nữ Trinh. Và vì Mẹ thoát khỏi mọi dính bén thế tục để Mẹ lãnh nhận được ngọn lửa thánh này.
Thánh Bênađinô: Đức Nữ Trinh hiển vinh không lặp lại những tác động yêu mến như các thánh, vì trọn cuộc đời Mẹ là một tác động yêu mến liên lỉ do một đặc ân Mẹ luôn luôn yêu mến Thiên Chúa.
Thánh Phanxicô Salêsiô: Mẹ Maria trung thành yêu mến Thiên Chúa trong những giờ phút đen tối nhất và tuyệt vọng nhất, đặc biệt trên đồi Canvê. Mẹ tới một mức độ yêu mến hoàn hảo nhất, cao cả nhất. Điểm căn bản là tâm hồn Mẹ tan hòa kết hợp với Chúa và chỉ yêu mến duy một Thiên Chúa trong mọi sự và mọi nơi.
Thánh Gioan Maria Vianney: Chúa Con có đức công bình của Người, Mẹ không có gì, chỉ có tình yêu là Trái tim của Người. Không có ơn nào từ trời xuống mà không qua tay Mẹ.
Thánh Eymard: Ai muốn hiểu biết những bí nhiệm thẳm sâu tình yêu Thiên Chúa, và những nhân đức kín nhiệm Thiên tính Chúa Giêsu, thì phải học trong tấm gương trong suốt Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.
Lời mời gọi của thánh Eymard, cũng là lời mời gọi của Lời Chúa hôm nay: Hãy nên giống trái tim Đức Mẹ.
Có lẽ chúng ta sẽ bảo rằng: thật khó để thanh luyện trái tim mình nên giống Trái tim Đức Mẹ. Quả là khó chứ không phải là điều không thể. Điều quan trọng là tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa có tinh tuyền và mãnh liệt như Đức Mẹ hay không. Nếu có tình yêu thì chúng ta sẽ làm được tất cả, vượt qua tất cả mọi gian nan hay đam mê lôi cuốn. Cha ông ta đã từng bảo: "yêu nhau mấy núi cũng trèo" mà! Mẹ thằng Chiền chẳng phải đã thắng vượt tất cả vì yêu con sao?
Chính trái tim yêu mến Thiên Chúa cách trọn vẹn và mãnh liệt đã làm nên một Maria vâng phục thánh ý Thiên Chúa suốt cả đời. Cũng thế, nếu trái tim chúng ta luôn thao thức qui hướng về Thiên Chúa, rung nhịp với Tin Mừng tình yêu vĩnh cửu của Ngài thì mỗi người chúng ta cũng có thể vượt qua tất cả mọi trở ngại để vâng phục Thiên Chúa cách hoàn toàn và suốt cả đời như Đức Mẹ. Các Vịnh gia từng thốt lên: "Tim thét gào thì miệng phải rống lên" (Tv 38,9) (xem bài diễn giải rất hay của thánh Augustinô về câu Thánh vịnh này ở Bài đọc 2 Kinh Sách, thứ 6 tuần 3 mùa vọng).
Nếu chúng ta không thanh luyện trái tim mình nên giống trái tim Đức Mẹ, tức để cho tim mình rung nhịp theo những xúc cảm tầm thường, nhất thời, thì trái tim chúng ta không chóng thì chày cũng dễ bị lạc nhịp theo những xu hướng của thế tục, của sự ích kỷ vụ lợi cá nhân.
Ước mong Lời Chúa hôm nay soi dẫn, mỗi người chúng ta thanh luyện chính mình để trái tim chúng ta trở nên máng cỏ yêu thương nơi Hài Nhi Giêsu ngự trị và để chúng ta có thể mang Chúa đến cho tha nhân.