Đức Maria Nữ Vương 22-08


Kitô hữu nhìn lên Nữ Vương Maria

Sưu tầm

1.- Lòng tôn sùng thịnh hành vốn kêu cầu Mẹ Maria như là một Vị Nữ Vương. Công Đồng Chung Vaticanô II, sau khi nhắc lại Việc Đức Trinh Nữ Mông Triệu “cả xác lẫn hồn vào vinh quang thiên quốc”, đã giải thích rằng Mẹ “được Chúa tôn làm Nữ Vương trên tất cả mọi sự, để Mẹ có thể hoàn toàn nên giống hơn Con Mẹ là Chúa các chúa (x Rev 19:16) và là Đấng chiến thắng tội lỗi cùng sự chết” (Lumen Gentium, 59).

Thật vậy, bắt đầu từ thế kỷ thứ năm, hầu như trong cùng một giai đoạn Công Đồng Chung Êphêsô công bố Mẹ là “Mẹ Thiên Chúa”, thì tước hiệu Nữ Vương cũng đã được bắt đầu được gán cho Mẹ. Nhận biết hơn về vai trò cao cả của Mẹ như thế, dân Kitô giáo muốn đặt Mẹ lên trên tất cả mọi thụ tạo, vinh thăng vai trò và tầm quan trọng của Mẹ nơi đời sống của hết mọi người cũng như của cả thế giới.

Thế nhưng, trong một khúc bài giảng được cho rằng của giáo phụ Origen, cũng đã chất chứa lời dẫn giải này về những lời bà Elizabét thốt lên trong biến cố Thăm Viếng: “Đáng lẽ chị phải đến thăm em, vì em có phúc hơn mọi người nữ, em là Người Mẹ của Chúa chị, em là Vị Tôn Nữ của chị” (Fragment, PG 13, 1902 D).

Bản văn chuyển một cách tự nhiên từ lời diễn tả “Người Mẹ của Chúa chị” sang tước hiệu “Vị Tôn Nữ”, trước cả những gì Thánh Gioan Đamascênô sau này nói khi thánh nhân gán cho Mẹ tước hiệu “Vương Chủ”: “Khi Mẹ trở nên Mẹ của Đấng Hóa Công, Mẹ thực sự trở nên nữ vương của tất cả mọi tạo vật” (De fide orthodaxa, 4, 14, PG 94, 1157).

2.- Vị Tiền Nhiệm đáng kính Piô XII của Tôi, trong bức Thông Điệp Ad coeli Reginam, một văn kiện được bản văn của Hiến Chế Lumen Gentium qui chiếu, xác định việc Mẹ cộng tác vào công cuộc Cứu Chuộc đã là nền tảng cho vai trò nữ vương của Mẹ Maria, thêm vào vai trò mẫu thân của Mẹ. Bức Thông Điệp đã lập lại bản văn phụng vụ: “Có Thánh Maria, Nữ Vương thiên đàng và là Vị Vương Chủ thế giới, đau thương đứng kề bên cây Thập Giá của Chúa Giêsu Kitô” (AAS 46 [1954] 634). Như thế, bức Thông Điệp này đã nêu lên tính cách tương tự giữa Mẹ Maria và Chúa Kitô, một tính cách tương tự giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng nơi trạng thái trung thành của Đức Trinh Nữ. Chúa Kitô là Vua không phải chỉ vì Người là Con Thiên Chúa, mà còn vì Người là Đấng Cứu Chuộc; Mẹ Maria là Nữ Vương không phải chỉ vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, mà còn vì Mẹ đã cộng tác vào công cuộc cứu chuộc loài người, với tư cách là tân Evà cùng với tân Adong.

Trong Phúc Âm Thánh Marcô, chúng ta đọc thấy rằng, vào ngày Thăng Thiên, Chúa Giêsu “được đưa lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa” (16:19). Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, “ngồi bên hữu Thiên Chúa” nghĩa là chia sẻ quyền bính tối cao. Ngồi “bên hữu Cha”, Người thiết lập vương quốc của Người, vương quốc của Thiên Chúa. Được đưa lên trời, Mẹ Maria được liên kết với quyền năng của Con Mẹ, và được giành vào việc phát triển Vương Quốc này, ở chỗ thông phần vào việc ban phát ân sủng thần linh trên thế giới.

Nhìn vào tính cách tương tự giữa việc Chúa Giêsu Thăng Thiên và việc Mẹ Maria Mông Triệu, chúng ta có thể kết luận rằng, Mẹ Maria, dựa vào Chúa Kitô, là một Vị Nữ Vương nắm thượng quyền và thực hiện thượng quyền do Con Mẹ ban Mẹ trên vũ trụ.

3.- Tước hiệu Nữ Vương dĩ nhiên không thay thế cho tước hiệu Làm Mẹ, ở chỗ, vai trò làm nữ vương của Mẹ vốn là hệ quả của sứ vụ đặc biệt làm mẹ, và chỉ để thể hiện quyền năng được ban cho Mẹ để Mẹ thi hành sứ vụ ấy mà thôi.

Trích lại Trọng Sắc Ineffabilis Deus của Đức Piô IX, Đức Piô XII nhấn mạnh đến chiều kích làm mẹ nơi vai trò nữ vương của Đức Trinh Nữ: “Cảm thương chúng ta với lòng từ mẫu và quan tâm đến phần rỗi của chúng ta, Mẹ vươn vòng tay săn sóc của Mẹ ra ôm ấp tất cả loài người. Được Chúa cắt đặt làm Nữ Vương trời đất, được nâng lên trên tất cả mọi ca đoàn thiên thần cũng như tất cả mọi hàng ngũ các thánh trên trời, ngự bên hữu Người Con duy nhất của mình là Chúa Giêsu Kitô, Mẹ chắc chắn chiếm được những gì Mẹ muốn dùng lời nguyện cầu từ mẫu của Mẹ mà kêu xin; Mẹ chiếm được những gì Mẹ tìm kiếm và không bị khước từ” (xem AAS 46 [1954] 636-637).

4.- Bởi thế, Kitô hữu hãy tin tưởng nhìn lên Nữ Vương Maria, và điều này chẳng những không làm suy giảm mà thực sự làm tăng thêm việc trao phó bản thân mình với tình con thảo của họ cho Mẹ, Đấng làm mẹ theo cấp trật ân sủng.

Thật vậy, nỗi quan tâm của Nữ Vương Maria đối với loài người có thể hoàn toàn tác hiệu chính là vì trạng thái vinh hiển của Người xuất phát từ việc Mẹ Mông Triệu. Thánh Germanus I ở Contantinôpôli đã cho thấy sự kiện này rất hay. Thánh nhân chủ trương rằng trạng thái này bảo toàn mối liên hệ thân mật giữa Mẹ Maria với Con của Mẹ, và cho phép Mẹ thực hiện việc Mẹ can thiệp hộ giúp chúng ta. Ngỏ lời cùng Mẹ Maria, thánh nhân viết, Chúa Kitô muốn “có một kết nối giữa môi miệng của Mẹ với lòng trí của Mẹ; bởi thế Người đồng ý với tất cả mọi ước muốn Mẹ bày tỏ cùng Người, khi Mẹ chịu đựng vì con cái của Mẹ, Người làm tất cả mọi sự Mẹ kêu xin Người bằng quyền năng thần linh của Người” (Hom. 1 PG 98, 348).

5.- Người ta có thẻ kết luận rằng Việc Mông Triệu làm cho Mẹ Maria chẳng những hoàn toàn hiệp thông với Chúa Kitô, mà còn với mỗi một người trong chúng ta nữa, ở chỗ, Mẹ ở bên chúng ta, vì tình trạng vinh hiển của Mẹ khiến cho Mẹ có thể theo chúng ta trong cuộc hành trình trần thế hằng ngày của chúng ta. Như chúng ta cũng đọc thấy ở Thánh Germanus: “Mẹ ở với chúng con một cách thiêng liêng, và việc Mẹ hết lòng coi sóc chúng con cho thấy Mẹ hiệp thông đời sống với chúng con” (Hom. 1, PG 98, 344).

Bởi vậy, thay vì tạo nên khoảng cách giữa Mẹ và chúng ta, tình trạng vinh hiển của Mẹ Maria lại tạo nên một tình trạng liên tục gần gũi và chăm sóc. Mẹ biết hết mọi sự xẩy ra trong đời sống của chúng ta, và nâng đỡ chúng ta bằng tình yêu từ mẫu của Mẹ trong những cơn thử thách cuộc đời của chúng ta.

Được đưa về trời vinh hiển, Mẹ Maria hoàn toàn hiến mình cho công cuộc cứu độ, để thông truyền cho hết mọi con người sống động thứ hạnh phúc Mẹ lãnh nhận. Mẹ là một Vị Nữ Vương ban phát tất cả những gì Mẹ chiếm hưởng, trước hết, ở chỗ Mẹ tham dự vào cuộc sống và tình yêu của Chúa Kitô.