Các kinh nguyện Thánh Thể
Bài này được viết ra là vì:
Thứ nhất, Kinh nguyện Thánh Thể là lời kinh quan trọng nhất trong tất cả các lời nguyện của chủ tế đọc trong thánh lễ, nhưng thường ít ai để ý tới khi chuẩn bị phụng vụ. (1)
Thứ hai, ý thức lời nhắn nhủ của Công đồng Vatican II và của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rằng: “ …cần phải cổ võ sinh hoạt phụng vụ trong các cộng đồng của chúng ta, bằng một cuộc huấn luyện đầy đủ cho các vị thừa tác viên cũng như cho tất cả mọi tín hữu, nhắm đến việc tham dự một cách trọn vẹn, ý thức và chủ động vào các việc cử hành phụng vụ theo ý hướng của Công đồng”.(2)


Thứ ba, trong các giáo xứ và tu viện tại Việt Nam, hiếm khi quý cha sử dụng Kinh nguyện Thánh Thể nào khác hơn là Kinh nguyện Thánh Thể số II đến độ các tín hữu rất quen thuộc, hầu như thuộc lòng Kinh nguyện Thánh Thể số II và đinh ninh rằng chỉ có một Kinh nguyện Thánh Thể này hay quá lắm chỉ biết đến 4 Kinh nguyện Thánh Thể (I, II, III, IV) mà thôi! Điều này có thể lý giải tại sao trong tất cả những lớp học hỏi về phụng vụ do chúng tôi phụ trách, khi được hỏi có bao nhiêu Kinh nguyện Thánh Thể thì chưa bao giờ học viên nào trả lời đúng.
Có bao nhiêu Kinh Nguyện Thánh Thể?
Trong Sách Lễ hiện nay, có tổng cộng 13 Kinh nguyện Thánh Thể để vị tư tế có thể chọn lựa sử dụng:
1] Kinh nguyện Thánh Thể I
2] Kinh nguyện Thánh Thể II
3] Kinh nguyện Thánh Thể III
4] Kinh nguyện Thánh Thể IV
5] Kinh nguyện Thánh Thể Giao Hòa I
6] Kinh nguyện Thánh Thể Giao Hòa II
7] Kinh nguyện Thánh Thể - Cầu cho những nhu cầu khác nhau I
8] Kinh nguyện Thánh Thể - Cầu cho những nhu cầu khác nhau II
9] Kinh nguyện Thánh Thể - Cầu cho những nhu cầu khác nhau III
10] Kinh nguyện Thánh Thể - Cầu cho những nhu cầu khác nhau IV
11] Kinh nguyện Thánh Thể - Thánh lễ dành cho trẻ em I
12] Kinh nguyện Thánh Thể - Thánh lễ dành ho trẻ em II
13] Kinh nguyện Thánh Thể - Thánh lễ dành cho trẻ em III






Hiện nay, có đến 13 Kinh nguyện Thánh Thể trong Sách lễ Rôma, nhưng trong vòng hơn 1500 năm trước Công đồng Vatican II, nghi điển Rôma chỉ sử dụng duy nhất một Kinh nguyện Thánh Thể (Lễ quy Rôma) (3) mà thôi trong khi các nghi điển khác thuộc Công giáo và Chính Thống giáo lại sử dụng nhiều Kinh nguyện Thánh Thể khác nhau.
Mặc dầu các tài liệu của Công đồng Vatican II không đề cập đến những Kinh nguyện Thánh Thể mới, nhưng ngay từ đầu năm 1963, thần học gia Hans Kung đã tiến hành hiệu đính lại Lễ quy Rôma và soạn thảo những Kinh nguyện Thánh Thể mới. Các Giám mục thuộc vùng nói tiếng Đức - Hà Lan, Indonesia và Pháp cũng cho lưu hành một số Kinh nguyện Thánh Thể mới và đem áp dụng chúng dù chưa có tiếng nói từ Rôma.(4)
Về phía thẩm quyền chính thức là Tòa Thánh, Nhóm nghiên cứu số 10 (Coetus X) chịu trách nhiệm cải tổ Lễ quy của thánh lễ đã tiến hành xem xét những thay đổi đối với Kinh nguyện Thánh Thể truyền thống (Lễ quy Rôma) của Giáo hội Latinh để rồi nhờ những nỗ lực làm việc của Nhóm này, đặc biệt là của Dom Cipriano Vagaggini, OSB (2 Kinh nguyện Thánh Thể III và IV) cũng như đóng góp của các tham dự viên Thượng Hội đồng Giám mục (10/1967), mà các Kinh nguyện Thánh Thể mới dần dần được ra đời, được chuẩn nhận, đem thử nghiệm và áp dụng như hiện nay.
Ba Kinh nguyện Thánh Thể mới (II, III, IV) đã được ban hành theo sắc lệnh của Bộ Lễ nghi (ngày 2.5.1968) và bắt đầu cho sử dụng từ ngày 15.8.1968. Nhờ vậy, 4 Kinh nguyện Thánh Thể (I, II, III, IV) đã xuất hiện trong Sách lễ Rôma (ấn bản mẫu thứ I - năm 1970). Toàn bộ 13 Kinh nguyện Thánh Thể đều nằm trong ấn bản Sách lễ Rôma mẫu thứ III (năm 2002).



Về các Kinh nguyện Thánh Thể khác: Bộ Phụng tự Thánh trước hết được phép của Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI (ngày 03.5.1973) để chuẩn bị 2 công thức cho thánh lễ [với] thiếu nhi và một Kinh hiến lễ (anaphora) đặc biệt sử dụng cho Năm Thánh 1975 nhằm đáp lại ước muốn của một số Hội đồng Giám mục trong Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ I diễn ra năm 1967. Sau đó, Bộ đã nhất trí quyết định trong cuộc họp đầu tiên diễn ra vào 13-15.11.1973 là sẽ soạn thảo 3 “Kinh nguyện Thánh Thể cho Thánh lễ [với] thiếu nhi” cũng như 2 Kinh nguyện Thánh Thể cho Năm Thánh 1975 (tức 2 Kinh nguyện Thánh Thể về chủ đề Hoà giải). Vào ngày 1.11.1974, Giáo hội ban hành 3 Kinh hiến lễ cho thánh lễ thiếu nhi cùng với Dẫn nhập riêng cho mỗi Kinh (Praenotanda). Hai Kinh nguyện Thánh Thể Hòa giải được xuất bản cùng với 3 Kinh hiến lễ cho thánh lễ thiếu nhi. Ban đầu, Giáo hội có ý định sử dụng những Kinh nguyện Thánh Thể này như một thử nghiệm (ad experimentum) có thời hạn với sự kiểm soát của các Hội đồng Giám mục và dành cho các Hội đồng Giám mục nào đã thỉnh cầu sử dụng chúng nên chỉ được xuất bản trong một cuốn sách nhỏ. Năm Kinh nguyện này đã được ĐGH chuẩn nhận vào tháng 10.1974 và được sử dụng không giới hạn thời gian ad experimentum từ năm 1980.(5)
Các “Kinh nguyện Thánh Thể cho những nhu cầu khác nhau” phát xuất từ một bản văn cơ bản cố định được gắn với 4 phần khác nhau có thể thay đổi (Kinh tiền tụng và Kinh chuyển cầu) để làm thành 4 Kinh nguyện Thánh Thể. Các Kinh nguyện Thánh Thể này được Giáo hội chuẩn nhận trước hết để sử dụng ở Thụy Sĩ nhân dịp Công nghị Thụy Sĩ (Synod) diễn ra năm 1972. Sau này (năm 1974), “Kinh nguyện Thánh Thể cho Công nghị Thụy Sĩ” mới được chấp thuận cho sử dụng mở rộng ở những nơi khác nữa do thỉnh cầu của một số Hội đồng Giám mục các nước (Thụy Sĩ, Hà Lan, Brazin). Hiện nay “Kinh nguyện Thánh Thể cho Công nghị Thụy Sĩ” mang một cái tên mới là “Kinh nguyện Thánh Thể cho những nhu cầu khác nhau” và được đưa vào Sách lễ Rôma nhằm sử dụng một cách đặc biệt khi cử hành những bài lễ “Thánh lễ và Lời nguyện cho những nhu cầu và những dịp khác nhau”.(6)
Tại sao lại cần nhiều Kinh Nguyện Thánh Thể?(7)
Giáo hội thêm vào nhiều Kinh nguyện Thánh Thể vì những lý do sau:
1] Lễ quy Rôma khá dài, do vậy các tín hữu sẽ cảm thấy thật nặng nề và đơn điệu nếu đọc lớn tiếng Lễ quy Rôma cho mọi buổi cử hành Thánh lễ. Bởi thế, Giáo hội mong muốn có thêm những Kinh nguyện Thánh Thể khác vắn gọn hơn;
2] Danh sách các vị thánh trong Lễ quy Rôma mang tính chất hạn hẹp địa phương;
3] Lễ quy Rôma chưa hoàn trọn về cấu trúc lẫn thần học và chỉ nguyên Kinh nguyện Thánh Thể này không thể chứa đựng tất cả sự phong phú về các phương diện thần học, tâm linh, mục vụ và phụng vụ;
4] Nếu có nhiều Kinh nguyện Thánh Thể thì nội dung của những Kinh nguyện Thánh Thể này sẽ bổ túc cho nhau hầu khắc phục được những giới hạn nếu có của từng Kinh nguyện Thánh Thể.
5] Có nhiều khám phá và tiến bộ trong lãnh vực nghiên cứu phụng vụ, nhờ đó chúng ta biết đến các mẫu Kinh hiến lễ (anaphora) từ phụng vụ Do Thái, các Kinh hiến lễ cổ khác nhau thuộc gia đình phụng vụ Đông phương, thuộc nghi điển Rôma cũng như thuộc cả nghi điển Tây phương không phải Rôma…
(còn nữa)
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS(cgvdt.vn)
___________________________________
1 Xc. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (= QCSL) số 30 và 78.
2 Xc. Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 14; Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Thư “Vicesimus Quintus” (Kỷ niệm 25 năm Hiến Chế Phụng Vụ Thánh) (4/12/1988), số 15 (AAS 81 (1989), pp. 911-912); Tông Thư “Spiritus et Sponsa” (Kỷ niệm 40 năm Hiến Chế Phụng Vụ Thánh) (4/12/1988), số 7.
3 Theo thánh Grêgôriô Cả, Lễ quy Roma có thể được soạn thảo dưới thời của ĐGH Damacus (366-385) và được phát triển sau đó để rồi có hình thức cố định hồi thế kỷ VI, hình thức như chúng ta biết hiện nay là từ thế kỷ XIII.
4 Xc. Cassian Folsom, O.S.B., “From One Eucharistic Prayer to Many: How it Happened and Why” đăng trong Adoramus Bulletin, Online Edition - Vol. II, Nos. 4 - 6: September - November 1996 (http://www.adoremus.org/9-11-96-FolsomEuch.html)
5 Xc. Alan F. Detscher, “The Eucharistic Prayers of the Roman Catholic Church” trong Frank C. Senn (ed), New Eucharistic Prayers (Newyork: Paulist Press, 1987), 22-23; Enrico Mazza, The Celebration of the Eucharist: The Origin of the Rite and the Development of Its Interpretation, dịch bởi Matthew J. O’Connell (Minnesota: The Liturgy Press, 1998), 275-276.
6 Xc. Enrico Mazza, The Celebration of the Eucharist: The Origin of the Rite and the Development of Its Interpretation, 277-278.
7 Xc. Xc. Cassian Folsom, O.S.B., “From One Eucharistic Prayer to Many: How it Happened and Why” trong http://www.adoremus.org/9-11-96-FolsomEuch.html.