I. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ MÙA CHAY
Trong tiếng La-tinh, Mùa Chay là QUADRAGESIMA, từ
nầy có nghĩa là “40”. Trong Mùa Chay, chúng ta cùng sống với Đức
Kitô 40 ngày trong sa mạc, để trải qua cuộc hành trình 40 năm của
dân It-ra-en tiến về Đất hứa. Trong suốt thời gian dài đằng đẳng
nầy, đoàn dân ông Mô-sê lãnh đạo thường phải đói khát, đôi khi nản
chí và lắm lần quị ngã bất trung. Nhưng đặc biệt, chính trong cuộc
“trường hành” nầy, họ đã có được cái kinh nghiệm độc nhất vô nhị về
sự dạy bảo và lòng ưu ái thiết tha của Thiên Chúa dành cho họ.
Cuộc trải nghiệm đó cũng chính là kinh nghiệm
thân mật với Chúa mà tất cả cộng đoàn Dân Mới, những người đã chịu
phép rửa, cũng như các Dự Tòng, muốn sống một lần nữa trong lúc lên
đường chuẩn bị mừng Đại Lễ Phục sinh, và để tìm được trong đó niềm
vui của tâm hồn được thanh luyện, khi thông hiệp với Đức Kitô Đấng
đã hoàn tất cuộc Vượt Qua bằng cái chết và sự sống lại của mình.
Trong Mùa Chay, Dân Chúa bắt đầu một cuộc cố gắng
tuy đòi hỏi nhưng đem lại sự giải thoát, đưa họ tới chỗ lắng nghe
tiếng gọi của Chúa cũng như tiếng kêu của cộng đồng nhân loại. Khi
họ tự cắt giảm những của ăn trần thế, dưới những hình thức khác
nhau, họ sẽ học biết cách thưởng thức hơn Bánh Lời Chúa và Bánh
Thánh Thể ; đồng thời cũng am hiểu hơn những nghĩa vụ của sự sẻ chia
bác ái huynh đệ.
Ngày xưa, khi bước vào Mùa Chay, Hội Thánh nhấn
mạnh đến những cách thế hy sinh hãm mình. Ngày nay, Hội Thánh nhắc
lại cho chúng ta mục đích và ý nghĩa của công việc đó. Việc hy sinh
hãm mình trong Mùa Chay qui hướng về Thiên Chúa , tôn vinh Người,
đồng thời cũng qui hướng về tha nhân, để lưu tâm giúp đỡ, sống tình
bác ái huynh đệ.
Khi ăn chay hãm mình như thế,chúng ta chứng tỏ
một cách hùng hồn lòng tuân phục khiêm tốn của người môn đệ Đức Kitô
đối với hai giới răn yêu mến. Bài Kinh Tiền Tụng thứ III của Mùa
Chay đã tìm được lời lẽ thích hợp để nói lên điều đó như sau :
“Cha dạy chúng con là những kẻ tội lỗi phải ăn
chay hãm mình, làm của lễ hy sinh đền tạ. Như vậy, chúng con vừa bớt
được tính kiêu căng, vừa biết noi gương Cha từ bi nhân hậu, mà chia
cơm xẻ áo cho kẻ đói nghèo…”
Đối với tất cả những ai không đóng cửa lòng lại,
nhưng lắng nghe tiếng Chúa, thì ngay từ bây giờ, Hội Thánh hứa hẹn
là khi đi hết độ đường trong ánh sang Đêm Thánh, “họ sẽ được tràn
đầy ân sủng mà Chúa dành sẵn cho con cái thảo hiền”.
II. SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG MÙA CHAY
Khi một con người, vào lúc nào đó trong đời, bừng
tỉnh dậy trước đức tin và khám phá ra Đức Kitô, nếu muốn bước vào sự
hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh, họ cần được chuẩn bị và học hỏi.
Hơn nữa, không người kitô hữu nào có thể tự hào
rằng vì mình đã sống lâu năm trong đức tin, nên đã biết đầy đủ về
mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, và đã chuẩn bị sẵn sàng để tham
dự mầu nhiệm ấy.
Do đó, chúng ta phải qua 6 tuần lễ liên tục, vượt
qua chặng đường 40 ngày để chuẩn bị lễ Phục Sinh. Sáu tuần lễ chăm
chú lắng nghe Lời Chúa và tăng cường tập luyện sống đức tin chính là
trọng tâm ý nghĩa thiêng liêng và định hướng sống đạo của Mùa Chay
thánh.
Đối với các Dự Tòng sắp lãnh nhận các bí tích gia
nhập Kitô giáo vào dịp Phục sinh, thì mấy tuần lễ nầy là thời gian
tối quan trọng và cần thiết. Đây chính là thời điểm mà mầu nhiệm
Kitô giáo, dưới ánh sáng của Lời Chúa, được trình bày cho họ trong
tất cả vẽ rực rỡ của chân lý cứu rổi, và với tất cả những đòi hỏi
nghiêm túc của hành trình đức tin. Bởi vì thời gian nầy cũng chính
là lúc họ phải chấp nhận đời sống trong Hội Thánh như một cuộc dấn
thân đi theo Chúa Kitô và phụng sự Người. |