Khi nói đến phản bội, ta thường nghĩ đến sự phản
bội giữa hai người thân với nhau. Chỉ hai người thân với nhau mới
phản bội nhau, đã là kẻ thù thì có gì để phản bội. Vì sự phản bội
gắn liền với tình thân của hai con người nên làm cho ai đó cảm thấy
đau khi bị phản bội. Tình thân càng thắm thiết thì sự phản bội càng
làm ta cảm thấy đau. Bạn bè phản nhau; tớ phản chủ; tôi phản Chúa;
trò phản thầy; vợ phản chồng; chồng phản vợ; con cái phản cha mẹ …Và
người ta có nhiều lý do để phản bội nhau.
Trong Tuần Thánh, khi tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu,
người ta thường hay nhắc tới Giuđa Ítcariốt, một trong mười hai
người môn đệ thân tín của Chúa Giêsu, nhưng lại là một kẻ phản bội
Thầy. Việc Giuđa Ítcariốt phản bội Chúa Giêsu có thể được coi là
cuộc phản bội có một không hai, và được người ta nhắc tới nhiều nhất.
Ông đã phản bội Thầy bằng cách bán Thầy cho kẻ thù chỉ với giá ba
mười đồng bạc. Phúc âm thuật lại:
“Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giuđa Ítcariốt, đi
gặp các thượng tế mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị
muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ
lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu.” (Mt 26, 14-16)
Xem ra Giuđa Ítcariốt phản bội Thầy chỉ vì ba mười đồng bạc, nhưng
việc ông “cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu” cho ta thấy rằng,
ông phản bội Thầy không hẳn chỉ vì ham tiền, mà chắc chắn phải còn
vì một ý do nào khác nữa? Giuđa đã cố tình đang tâm phản bội Thầy dù
đã được Thầy nhắc nhở. Đây chính là điều càng làm cho Chúa Giêsu cảm
thấy đau khổ nhiều hơn. “Giuđa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Rápbi, chẳng
lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!” (Mt 26, 25). Biết
học trò sẽ phản mình, nhắc nhở nó hầu mong nó sẽ thức tỉnh đừng phạm
tội phản Thầy, thế mà nó vẫn cố tình phạm. Người Thầy nào mà không
cảm thấy đau. Dẫu biết mình sẽ phải bị kẻ thù bách hại, nhưng sự
bách hại, những roi đòn, và cả cái chết do kẻ thù gây ra, chắc chắn
không đau cho bằng nỗi đau do chính học trò, người mà mình hết mực
yêu thương, gây ra.
Nói rằng Giuđa phản Thầy không hẳn là vì ham ba mươi đồng bạc, đâu
là nguyên nhân chính khiến ông phản Thầy?
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, trong một diễn từ trước dân chúng
trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 26 tháng 8 năm 2012 (theo
Vatican Radio) đã giải thích về sự phản bội của Giuđa như sau:
“Chúa Giêsu đã biết có một người trong nhóm Mười Hai đã không tin
Ngài: Giuđa. Giuđa có thể đã bỏ đi như các môn đệ khác (x. Ga 6,
64-66: chú thích của người dịch); thực sự, ông đã có thể bỏ đi nếu
ông trung thực, nhưng ông vẫn ở lại với Chúa Giêsu. Ông đã ở lại với
Chúa Giêsu không phải vì ông tin Chúa Giêsu hay vì ông yêu mến Ngài,
nhưng vì một ý định thầm kín, đó là muốn trả thù Thầy. Tại sao? Tại
vì Giuđa đã cảm thấy bị Chúa Giêsu phản bội, và đã quyết định sẽ
phản bội lại Ngài. Giuđa là người nhiệt thành, và muốn có một Đấng
Messia bạo lưc, người sẽ lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại người
Roma. Chúa Giêsu đã không làm thỏa những mong đợi đó. Vấn đề là
Giuđa đã không bỏ đi, và lỗi nghiêm trọng nhất của ông là sự dối trá,
đặc tính của ma quỉ. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với nhóm
Mười Hai: ‘Một người trong anh em là quỷ’ (Ga 6, 70).”
Như vậy là đã rõ nguyên nhân chính dẫn đến việc Giuđa phản bội Thầy:
muốn trả thù. Thế nhưng tại sao Giuđa lại nghĩ là mình bị Chúa Giêsu
phản bội? Tại vì ông, tuy “đồng sàng” nhưng “dị mộng” với Chúa Giêsu.
Ông đã muốn Chúa Giêsu phải theo ý ông. Ông muốn Ngài phải là một
Đấng Messia của bạo lực theo kiểu thế gian. Chính vì sự “dị mộng” đó,
ông đã cảm thấy lạc lõng khi sống với Thầy, với anh em. Theo Thầy,
sống với Thầy nhưng ông đã không vượt qua được ý riêng, đã không để
cho Thầy huấn luyện trở nên người môn đệ đích thực theo gương Thầy.
Chính vì “đồng sàng nhưng dị mộng”, không “lái” được Thầy theo ý
mình, Giuđa đã cảm thấy bất mãn với Thầy, cảm thấy như bị Thầy phản
bội, nên thay vì bỏ đi, ông đã cố tình ở lại để tìm dịp thuận tiện
hầu trả thù Thầy cho thỏa cái ý nghĩ sai lạc và dối trá của ông. Và
dịp thuận tiện đã tới, ông đã tận dụng thời cơ để bán Thầy cho kẻ
thù với giá ba mươi đồng bạc, coi như cho bõ công ba năm theo Thầy.
Vì “dị mộng” với Thầy, ông đã không thể trở nên giống Thầy và theo
Thầy cho đến cùng, nên ông đã quyết định bán Thầy, coi như ông vớt
cú chót. Vậy là cuối cùng ông đã quyết định ra đi để thực hiện những
gì ông đã dự tính bấy lâu. Giuđa đã bỏ ra đi trong khi những anh em
khác đang cùng với thầy chia sẻ những tâm tình trong bữa tiệc ly, và
theo như Kinh Thánh thuận lại, chính lúc ông ra đi thì trời tối (x.
Ga 13, 30). “Trời tối” không chỉ có nghĩa là trời về đêm, mà còn
muốn nói đến “bóng tối của tội lỗi” và quyền lực của tội là Satan.
Giuđa đã ra đi lúc “trời tối”, có nghĩa là ông đã đi vào và đi theo
con đường tội lỗi ông đã ấp ủ bấy lâu nay, mà kẻ dẫn lối đưa đường
chính là Satan, kẻ thù lớn nhất đã chống lại chương trình kế hoạch
của Thiên Chúa. Đi vào con đường tội lỗi, Giuđa đã đánh mất sự hiệp
thông với Thiên Chúa, với Thầy và với anh em. Ông đã đi vào con
đường của diệt vong.
Chỉ vì cố chấp theo ý mình, Giuđa đã hiểu lầm Thầy, nghĩ Thầy phản
bội mình nên đã nuôi ý định trả thù Thầy, và cuối cùng ông đã bán
Thầy. Ông đã gây ra sự chia rẽ, nghi kị và đánh mất sự hiệp thông
trong nhóm Mười Hai. Và thật đáng tiếc, vẫn còn đó những Giuđa
Ítcariốt của thời đại!
Quả vậy, trong Giáo Hội ngày nay vẫn còn đó những Giuđa Ítcariốt,
vẫn còn đó những con người tuy sống trong Giáo Hội nhưng lại “dị
mộng” với Giáo Hội, muốn Giáo Hội phải theo ý riêng mình, và khi
Giáo Hội không làm theo ý họ thì, cũng như Giuđa Ítcariốt, họ cho là
Giáo Hội phản bội họ, và thế là tìm cách hại Giáo Hội. Đấy là xét
trong phạm vi một Giáo Hội rộng lớn. Còn trong phạm vi nhỏ hơn như
giáo xứ, cộng đoàn tu, gia đình thì sao?
Cũng vẫn có đó những Giuđa Ítcariốt, những người tuy “đồng sàng
nhưng dị mộng” trong những giáo xứ, cộng đoàn và gia đình, cho nên
vẫn có những những nghi kị, chia rẽ và bất đồng nơi giáo xứ, nơi
cộng đoàn và trong gia đình. Nguyên nhân chính vẫn là: chẳng ai chịu
bỏ ý riêng. Ai cũng cho ý mình là tốt, là hay, và muốn người khác
phải theo ý mình. Khi người khác không theo ý mình thì cho là họ
phản bội mình, cho nên tìm cách hại họ trước, và coi đó là giải pháp
an toàn cho bản thân mình. Những người hay đi nói xấu, chỉ trích
người khác là một ví dụ cụ thể. Giuđa Ítcariốt, chỉ vì nghĩ rằng
Thầy sẽ phản bội mình nên mới tìm cách phản bội Thầy trước. Nhưng
thực ra Thầy đâu có phản bội ông. Cũng vậy, một người hay đi nói xấu,
chỉ trích người khác là vì nghĩ rằng người khác sẽ nói xấu mình, nên
phải đi nói xấu họ trước, như là cách để che lấp những điều xấu của
mình.
“Đồng sàng nhưng dị mộng” với những người sống chung là vì họ có
những tính toán riêng tư, không bắt nhịp được với những người sống
chung nên cảm thấy lạc lõng cô đơn. Chính vì cảm thấy lạc lõng cô
đơn giữa một tập thể nên họ đi tìm sự đồng cảm từ bên ngoài, như
Giuđa Ítcariốt đã đi tìm sự đồng cảm nơi những người kẻ thù của Thầy,
và từ đó nảy sinh những suy nghĩ lệch lạc về anh chị em mình, cảm
thấy họ là kẻ thù và tìm cách hại họ. Với suy nghĩ và hành động như
vậy, người đó trở thành nguyên nhân gây chia rẽ trong tập thể, trở
thành cầu nối cho kẻ thù đang tìm cách làm hại tập thể, trở thành kẻ
chỉ điểm cho kẻ thù, như Giuđa Ítcariốt đã trở thành cầu nối, kẻ chỉ
điểm cho kẻ thù bắt Thầy mình.
Suy nghĩ về việc Giuđa Ítcariốt phản bội Thầy và những Giuđa
Ítcariốt của thời đại chính là dịp để tôi suy nghĩ về chính mình. Vì
biết đâu, rất có thể tôi cũng đang là một Giuđa Ítcariốt chăng?
Thực thế, khi tôi phản bội lại chính lương tâm ngay lành của tôi,
sống và làm theo những xúi dục của ma quỉ, chiều theo những khuynh
hướng xấu, tôi đang phản bội Chúa. Khi vì những tính toán ích kỷ
riêng tư, cố chấp theo ý riêng, phá đổ sự hiệp nhất yêu thương trong
cộng đoàn, tôi đang phản bội Chúa. Khi vì muốn lấy điểm với bề trên,
với người này người nọ, muốn khỏa lấp những sai lỗi của mình, tôi đi
nói xấu anh chị em tôi, làm cho anh chị em tôi đau khổ vì hành động
“cả vú lấp miệng em” đó, tôi đang phản bội Chúa. Khi tán tận lương
tâm, phản Thầy, hại bạn, tôi không còn là môn đệ đích thực của Chúa
nữa. Nếu như vậy, cũng như Giuđa Ítcariốt, tôi đang đi vào và đi
theo “Bóng Tối”, đang đi đến sự diệt vong. Vẫn còn đó những Giuđa
Ítcariốt, nhưng khốn cho tôi nếu tôi là một trong số đó! Những dấu
hiệu cho thấy tôi đang là một Giuđa Ítcariốt là, khi sống chung với
tập thể nhưng tôi không thể hòa nhập được với mọi người trong những
sinh hoạt chung, và muốn tách riêng, đánh lẻ, cố chấp trong ý riêng
với ý nghĩ sai lạc về người khác, và nhất là sống dối trá, phản bội
những người thân.
Dẫu biết rằng tôi có những yếu đuối, có những tính toán riêng tư
theo ý mình, không theo ý Chúa và chối Chúa như Phêrô, có tham vọng
muốn được ngồi bên tả bên hữu Chúa như hai anh em Giacôbê và Gioan,
nhưng Chúa vẫn muốn huấn luyện tôi trở thành người môn đệ đích thực
của Ngài. Vấn đề là tôi có tin tưởng Chúa, có sẵn sàng để cho Ngài
cắt tỉa, uốn nắn, hay tôi cứ khăng khăng theo ý mình, nghi ngờ Chúa
để rồi phản bội Ngài như Giuđa Ítcariốt? Nếu tôi không là người môn
đệ trung tín thì chắc chắn tôi sẽ là người môn đệ phản Thầy và là
người hại bạn. Người môn đệ trung tín với Thầy là người, theo như
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cùng với anh em “bước đi” theo Thầy trên
con dường Thập giá để “xây dựng” một Hội Thánh hiệp nhất trên nền đá
vững chắc là Thập giá, qua việc “tuyên xưng” một niền tin vào Đức
Kitô chịu đóng đinh.
Tuy nhiên, rất có thể tôi cũng đang bước đi, nhưng không cùng với
anh em nên tôi bị lạc lõng và lạc nhịp, không theo ý Chúa mà theo ý
mình nên tôi loại trừ Thập giá; rất có thể tôi cũng đang nỗ lực xây
dựng Hội Thánh, nhưng không xây trên nền đá vững chắc là Thập giá
cùng với những hy sinh, nên thay vì xây dựng sự hiệp nhất trong Hội
Thánh, trong cộng đoàn, tôi đã và đang phá đổ sự hiệp nhất đó, gây
ra những chia rẽ, bè phái và những nghi kị; rất có thể tôi cũng
tuyên xưng niềm tin của tôi, nhưng không phải là niềm tin vào Đức
Kitô chịu đóng đinh nên, thay vì tôi tôn thờ Chúa, tôi đã và đang
tôn thờ chính mình với những ý riêng; tôn thờ thế gian và những gì
thuộc về nó.
Để kết, tôi xin mượn lời của bài hát “Tình Yêu Thập Giá” để muốn nói
lên lời trần tình với Chúa vì những lần sa ngã phạm tội phản bội
Ngài, và từ đó cũng muốn nói lên một cảm nhận về tình yêu mà Thiên
Chúa đã và đang dành cho tôi, dù tôi tội lỗi, phản bội Ngài. Lời bài
hát đó thế này:
“Nhìn vào thập giá, con thấy tội trần gian. Nhìn vào thập giá, con
thấy tội của con. Chối từ hồng ân tuôn tràn từ Thiên Chúa. Sống
trong đam mê chống lại tình yêu. Đang tâm phản nghịch đóng đinh Chúa
từ nhân”.
Nhưng, nhìn vào thập giá, tôi cũng thấy được tình yêu và sự tha thứ
mà Thiên Chúa dành cho tôi - Tình yêu của một Thiên Chúa luôn dang
rộng vòng tay ôm trọn lấy tôi để âu yếm, an ủi vỗ về và sẵn sàng tha
thứ, dù tôi có phản bội Ngài. Thiên Chúa yêu tôi và sẵn sàng tha thứ
cho tôi, như người cha nhân hậu luôn sẵn sàng chờ đợi đứa con hoang
đàng trở về.
Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh xin thương xót con. Amen. |