MÙA PHỤC SINH


Tin mừng Phục Sinh 
Antôn Vũ Hữu Lệ (dịch)
Trong Living Bulwark Magazine

Cha Herb Schneider sj là Giáo sư Tân Ước và là Khoa trưởng của Loyola School of Theology, Philippines. Trong bài này, với một ít chất liệu Kinh Thánh từ sách Công Vụ, ngài trình bày tầm quan trọng của biến cố Phục sinh và hiệu quả tất yếu của biến cố ấy trong đời sống của người kitô hữu.

Đâu là những hiệu quả của biến cố Phục sinh?

Đã bao giờ bạn tự hỏi mình xem thế giới này sẽ ra sao nếu không có sự Phục Sinh, nếu Đức Giêsu không trỗi dậy từ cõi chết? Chắc chắn rằng các môn đệ không chỉ từ Giêrusalem quay về Galilê với nỗi thất vọng, chán chường sâu xa mà còn quay về với nếp sống thường ngày của họ rồi dần dần Đức Giêsu sẽ bị lãng quên. Người có đó nhưng chỉ còn là một ký ức mờ nhạt và giáo huấn của Người chỉ là một giấc mơ bị chôn vùi cùng với Người trong ngôi mộ. Lời khuyên của nhà thơ Horace sẽ là đúng: "cứ ăn, cứ uống và cứ vui chơi đi, vì ngày mai chúng ta sẽ chết." Và cũng như Catullus, một nhà thơ Lã-mã khác đã thúc giục người yêu của mình hãy sống để yêu đương và hôn hít, vì khi cuộc sống này chấm dứt và đêm tối sụp xuống rồi thì mãi mãi không còn bình minh nữa.

Thánh Phaolô còn viết: "Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người" (1Cr 15,14.17.19).

Nhưng cảm tạ Thiên Chúa! Người đã cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết. Mọi sự đã thay đổi. Tội lỗi của chúng ta đã được tha thứ. Chúng ta đã được hoà giải với Thiên Chúa và trong Đức Kitô trở thành con cái của Người. Trong Thánh Thần, Người đã kêu gọi chúng ta hợp thành dân của Người. Vào ngày lễ Ngũ tuần sách Công vụ tông Đồ mô tả những hệ quả của sự phục sinh vàsự vinh thăng của Đức Giêsu dưới những tiêu đề sau :

1. Ân ban Thánh Thần và sự lật ngược tất cả lời thề độc của sự cố Tháp Baben.

2.  Biến đổi những con người sợ hãi thành những người loan báo kiên cường những điều kỳ diệu của Thiên Chúa.

3. Công cuộc tạo dựng một cộng đoàn Thánh Thể các môn đệ thi hành sứ vụ.

Ân ban Thánh Thần

"Tất cả mọi người được tràn đầy Thánh Thần" (Cv 2,4). Những từ then chốt là "tất cả" và "được tràn đầy". Tất cả đang ở căn phòng lầu trên không loại trừ ai, họ đã lãnh nhận Thần Khí Chúa chừng nào họ có thể nhận được. Không có ai chỉ nhận được chút ít hay một phần. Có sự biến đổi ngay tức thì : những con người sợ hãi tụ tập phía sau các cánh cửa khoá kín nay bung mở các cánh cửa ra và đã có một buổi cầu nguyện hồ hởi trên đường phố. Nỗi sợ hãi của họ tan biến, lời ca ngợi và niềm hân hoan của họ trào dâng đến nỗi những người xem thấy tưởng rằng họ say bứ rồi (Cv 2,13.15).

Họ mạnh dạn loan báo: "Những kỳ công của Thiên Chúa được hoàn tất" (Cv 2,11) và tất cả những người đến với nhau, "những người Do-thái thuộc mọi dân tộc dưới bầu trời này" đều nghe được tiếng bản xứ của họ, điều mà Thiên Chúa đã hoàn tất nhờ Đức Giêsu (Cv 2,8-11). Sách Sáng Thế đi đến tột đỉnh trong câu truyện tội lỗi của loài người bằng cách kể rằng trong sự ngạo nghễ, dân chúng đã cố gắng xây một cái tháp lên đến tận trời hầu tước đoạt vị trí của Thiên Chúa. Thiên Chúa đối phó với sự kiêu căng ấy bằng cách làm cho tiếng nói của họ trở nên hỗn độn. Câu truyện cho thấy hậu quả cuối cùng của tội lỗi : không chỉ gây ra mối bất hoà với Thiên Chúa, mà còn gây ra mối bất hoà với nhau. Tội lỗi phá huỷ kênh truyền thông khiến cộng đoàn trở nên xáo trộn. Nhưng giờ đây, nhờ sự Phục Sinh, nhờ cuộc khải hoàn của Đức Giêsu trên tội lỗi, ân ban Thánh Thần của Người phá tan lời nguyền của Tháp Baben. Kênh truyền thông và sự hiệp thông được phục hồi. Trong Đức Giêsu và qua Người, một lần nữa cộng đoàn lại có thể hiện hữu trong Thánh Thần. Dẫn đưa dân Chúa liên kết với nhau là mục tiêu của ân ban Thánh Thần.

Một cộng đoàn Dân Thiên Chúa được cứu độ

Luca mô tả cho chúng ta trong Cv 2,42-47 là dân Thiên Chúa được cứu độ. Cộng đoàn là hoa trái của cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu và sự vinh thăng ngự bên hữu Thiên Chúa trong tư cách là Đức Chúa và là Đấng Mêsia (Cv 2,34.36). Cộng đoàn dân Thiên Chúa được cứu chuộc, trước hết, là một Cộng đoàn Thánh Thể, một cộng đoàn có thể dâng lời ca ngợi và thờ phượng Thiên Chúa (Cv 2,46-47). Họ cử hành Bữa Tối của Chúa với với trái tim tràn đầy niềm vui (Cv 2,42-46). Họ quan tâm đến nhau đến độ không để cho ai phải thiếu thốn sự gì (Cv 2,44-45). Họ tăng trưởng trong tư cách là môn đệ sống theo sự hướng dẫn của các Tông đồ (Cv 2,42). Họ đón nhận những thành viên mới (Cv 2,47).

Tin mừng cho chúng ta

Sự phục sinh của Đức Giêsu là một biến cố một lần. Điều đã xảy vào ngày đầu tuần cách đây khoảng 2000 năm. Tuy nhiên, các hiệu quả của sự phục sinh và siêu thăng của Đức Giêsu không bao giờ dừng lại. Sự Phục sinh theo nghĩa này diễn ra bất cứ lúc nào khi người ta chấp nhận Đức Giêsu là Đức Chúa và là Đấng Cứu Độ của họ và họ được tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần và được kêu gọi làm nên một cộng đoàn. Sự Phục sinh xảy ra khi các môn đệ Đức Giêsu đang ở trong cộng đoàn và được mạnh sức nhờ Thánh Thần, đang thờ phượng và ngợi khen Chúa Cha vì những điều kỳ diệu mà Người đã thực hiện trong và nhờ Đức Giêsu. Vâng, sự Phục sinh xảy ra khi họ mạnh dạn loan báo và không sợ hãi "rằng Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu, Đấng đã bị đóng đinh trở thành vừa là Đức Chúa vừa là Đấng Mêsia" (Cv 2,36), khi các môn đệ chia sẻ các tài nguyên của họ với nhau thì điều ấy không những nâng đỡ sứ vụ phúc âm hoá, mà còn quan tâm tới nhu cầu của nhau nữa, và họ trổ sinh hoa trái trong sự tăng trưởng của dân Chúa nhờ mạnh dạn rao giảng.

Chính xác đây là những gì đang diễn ra giữa chúng ta. Trong nhiều đường lối khác nhau, chúng ta nhận biết Đức Giêsu là Đức Chúa được siêu thăng và là Đấng Mêsia tuôn đổ Thánh Thần của Người để khơi lên cộng đoàn gồm các môn đệ thi hành sứ vụ trong Giáo Hội, hầu không bị hạn chế trong những hoàn cảnh đặc thù, mà các chương về Sự Phục Sinh và lễ Ngũ Tuần trong sách Công Vụ nói đến. Đối với những điều kỳ diệu của Thiên Chúa thì chỉ có một lời giải đáp thôi, lời ấy có một tiến trình nhị bội : ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa với tiếng Halêluia chứa chan khiến chúng ta luôn sẵn sàng cho sứ vụ của Người.