MÙA PHỤC SINH


Chúa Đã Sống Lại ! Hallelujah !

+Gm Giuse Vũ Văn Thiên 
TGM Hải Phòng

Phục sinh ! một niềm vui lan tỏa đến muôn người, một ánh sáng tưng bừng chiếu rọi mọi nơi. Phục sinh ! hai từ thật đẹp và ý nghĩa, giúp biến đổi cuộc đời chúng ta. Từ việc chỗi dậy khỏi nấm mồ tăm tối, Đức Giêsu đã chứng tỏ quyền năng Thiên Chúa và đem lại cho chúng ta niềm hy vọng vào sự sống lại của thân xác con người.

Tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu là cốt lõi của đời sống Kitô hữu. Chính từ sự phục sinh này mà chúng ta tìm được lối thoát cho những vấn nạn về kiếp con người: Chung cục đời tôi sẽ như thế nào? Tôi sẽ đi về đâu sau khi chết?

Lễ Phục sinh cũng được gọi là lễ Vượt qua. Phụng vụ của đêm vọng Phục sinh đã nhắc tới nhiều lần khái niệm này. Đâu là ý nghĩa của hai từ “Vượt qua” được dùng trong phụng vụ?

Khái niệm “Vượt qua” trước hết nhắc lại cuộc giải phóng của dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai-cập. Kể từ khi gia đình ông Gia-cóp đến định cư tại Ai-cập, người Do Thái đã có thời gian 430 năm sống tại đây. Có những năm tháng oai hùng như thuở ông Giuse quan đệ nhị, nhưng cũng có những năm tháng lầm than, làm việc nô dịch, bị khinh bỉ và ngược đãi. Trước lời kêu xin tha thiết của Dân được tuyển chọn, Thiên Chúa đã dùng Ông Môi-sen để dẫn đưa họ ra khỏi đất nước này. Ra khỏi Ai-cập, tức là ra khỏi cuộc sống cũ để đến  với chân trời mới; ra khỏi nô lệ để đến với tự do; ra khỏi tối tăm để đến với ánh sáng. Dân Do Thái đã thực hiện một cuộc “vượt qua”  nhờ quyền năng của Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã vượt qua cái chết để đến sự sống. Chính Người đã ra khỏi nấm mồ tối tăm và sống lại quang vinh. Khi vượt qua cõi chết, Đức Giêsu cũng vượt qua sự ghen ghét của con người để tha thứ cho họ. Người chiến thắng những mưu mô của một số kỳ mục Do Thái không bằng hận thù, nhưng bằng trái tim yêu thương. Sự phục sinh của Người là một cuộc “vượt qua” bằng chính quyền năng mà Chúa Cha đã ban cho Người.

Người tín hữu, ngay từ đầu mùa Chay, đã được mời gọi vượt qua chính bản thân mình để sống cao thượng và nhân ái hơn qua việc chay tịnh, lĩnh nhận các bí tích, cầu nguyện và chia sẻ. Quả vậy, sự hy sinh bao giờ cũng đòi hỏi chúng ta phải “vượt qua” những ham muốn, những toan tính đời thường của chính bản thân để có thể đón nhận và hòa đồng với anh chị em mình. Cuộc “vượt qua” của người tín hữu còn phải được thực hiện liên lỉ, trong suốt cuộc đời. Bởi lẽ cuộc sống này cũng đang là một cuộc “vượt qua”: chúng ta đang đi trong hành trình cuộc sống hôm nay để về với tương lai vĩnh cửu. Mỗi ngày sống trên trần gian là chúng ta được đến gần với Chúa hơn. Lễ Phục sinh nhắc nhở chúng ta hãy ý thức về hành trình “vượt qua đó”.

Trong cả ba biến cố được nhắc đến trên đây, chúng ta đều thấy hình ảnh của “Chiên vượt qua”. Trước khi người Do Thái ra khỏi Ai-cập Thiên Chúa đã ra lệnh cho họ phải ăn thịt chiên, lấy máu bôi trên khung cửa để sứ thần của Chúa “vượt qua” không giết hại các con đầu lòng của họ. Trước lúc chịu khổ nạn, Đức Giêsu đã cùng ăn tiệc vượt qua với các môn đệ. Trong tiệc đó, Người muốn ám chỉ, chính Người là Chiên vượt qua mới. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá mà Chúa sẽ tha thứ mộ tội lỗi nhân gian. Người tín hữu Kitô hôm nay, khi cử hành lễ Phục Sinh, được mời gọi nhận ra nơi Đức Giêsu chính là “Chiên vượt qua mới”, nhờ Chiên này mà chúng ta được thanh tẩy. Nhờ Chiên này mà chúng ta vượt qua từ nô lệ đến tự do, từ tối tăm đến ánh sáng, từ tội lỗi đến thánh thiện.

“Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên vượt qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (1 Cr 5,7a-8). Thiết tưởng những lời trên đây của Thánh Phaolô là những lời khuyên rất phù hợp với chúng ta khi mừng lễ Phục Sinh hôm nay.                                          

Trang nhà

Mùa Phục Sinh