Dưới thời đế quốc Rô-ma, người ta mừng sinh nhật các nhà lãnh đạo, nên các Ki-tô hữu cũng muốn mừng sinh nhật Chúa của mình. Tuy nhiên, việc mừng lễ như thế ngay từ ban đầu không phải được mọi người chấp nhận. Các giáo phụ như I-rê-nê và Tê-tu-li-ô thậm chí bỏ không kể ngày Giáng Sinh nằm trong các lễ đạo. Riêng O-ri-gen còn cho rằng theo Kinh Thánh, chỉ có người tội lỗi mới mừng ngày sinh của mình. Và Ac-nô-bi-ô còn chế diễu về ngày sinh nhật của các thần thánh: đã là Chúa rồi mà còn có ngày sinh nhật? Nhưng theo thời gian, Giáo Hội phương Đông mừng ngày sinh của Chúa vào mùng 6 tháng Giêng, mở đầu niên lịch theo mặt trời, còn ngày lễ Hiển Linh thì để mừng lễ Chúa chịu phép Rửa. Đến khi lễ Hiển Linh du nhập vào phương Tây, thì lại để mừng việc Chúa tỏ mình cho Ba Vua. Vào năm 330, Giáo Hội Rô-ma lấy ngày 25 tháng 12 làm ngày sinh của Chúa. Đến thế kỷ thứ năm, thì tập quán này của Giáo Hội Rô-ma trở thành phổ quát, và giữ lại mừng hai ngày 25 tháng 12 cho Giáng Sinh và 6 tháng Giêng cho Hiển Linh.
Có người nghĩ rằng Giáo Hội chọn ngày 25 tháng 12 làm ngày sinh của Chúa Ki-tô vì muốn tín hữu quên đi ngày lễ Thần Mặt Trời (Natale solis invicti) mà Hoàng Đế Ao-rê-li-ô đã đặt ra để mừng thần Ê-mê-sa của người Sy-ri. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng việc chọn ngày 25 tháng 12 làm ngày sinh nhật của Chúa vì theo truyền thống, Giáo Hội đã từng mừng Lễ Truyền Tin và Tử Nạn của Chúa vào ngày 25 tháng 3.
Theo phụng vụ Rô-ma, có tất cả ba thánh lễ Giáng Sinh được cử hành vào ba thời điểm khác nhau: Lễ Nửa Đêm (missa in nocte), Lễ Rạng Đông (missa in aurora), và Lễ Ban Ngày (missa in die). Phúc Âm công bố trong 3 thánh lễ này cũng khác: Lễ Nửa Đêm là việc Truyền Tin (Lc 2:1-14), Lễ Rạng Đông thì kể lại việc mục đồng đến viếng thăm Chúa (Lc 2:15-20), và Lễ Ban Ngày nói về việc Nhập Thể (Ga 1:1-18). Ba thánh lễ được cho là biểu tượng 3 lần sinh của Chúa Giê-su: (1) sinh ra tự muôn đời, từ Chúa Cha, (2) sinh ra trong lịch sử, qua Đức Mẹ Maria, và (3)sinh ra trong tâm hồn con người, vào trong lòng của từng tín hữu.
Chung quanh Lễ Giáng Sinh và Mùa Vọng có một số phong tục tập quán đã hình thành. Mùa Vọng thì có việc thắp nến và làm vòng hoa bắt nguồn tại Đức quốc từ thế kỷ 16; việc chuẩn bị máng cỏ từ Pháp; hoạt cảnh tìm chỗ cho Chúa sinh (phát xuất từ Herbergesuchen của Đức quốc và Posada của Tây Ban Nha). Còn trong Mùa Giáng Sinh thì có hát thánh ca (Carols); làm hang đá hay máng cỏ (theo câu chuyện thánh Phan-xi-cô A-si-di làm hang đá cho Hài Nhi Giê-su); thắp nến đèn Giáng Sinh, cây thông (cũng phát xuất từ nước Đức). Rồi có những lễ nghi đã tục hóa hoàn toàn như gửi thiệp, tặng quà, và ăn uống vui chơi trong dịp lễ.
Người Thanh Giáo (Puritans) đã bãi bỏ hoàn toàn lễ Giáng Sinh vì cho rằng nó đã bị thế tục hoá. Vào năm 1642, họ cấm không có lễ nghi trong nhà thờ cũng như mừng lễ của công chúng trong ngày 25 tháng 12. Vào năm 1647, Quốc hội Anh đã chính thức ra lệnh hủy bỏ ngày lễ Giáng Sinh cũng như những ngày lễ khác. Mặc dù bị dân chúng phản đối, luật này vẫn được thi hành nghiêm nhặt. Mãi đến năm 1660, khi chế độ quân chủ được phục hồi, lễ Giáng Sinh mới được mừng trở lại, cũng như mừng lại việc ông già Noel. Tại các thuộc địa của Mỹ lúc bấy giờ, chuyện ông Sinter Klass của người Hoà Lan đã biến thành ông già Santa Claus, và việc thăm viếng của Thánh Ni-cô-la vào ngày 5 tháng 12 đã được dời vào đêm 24 tháng 12. Vì người Thanh Giáo ghét các ngày lễ cũng như các giám mục, nên hình tượng của ông già Noel Santa Claus đã được biến đổi cho giống thần Thor của người Bắc Âu hơn là giống thánh Ni-cô-la của thế kỷ thứ tư.
Ngày nay, người ta muốn tục hoá ngày lễ Chúa Giáng Sinh, vì có quá nhiều tôn giáo không tin vào Chúa Cứu Thế. Thay vì câu Merry Christmas đã có truyền thống lâu đời, nhiều tổ chức phi tôn giáo hay có gốc từ Ki-tô giáo, muốn tỏ ra tổ chức của mình khách quan, không thiên vị đạo nào, đã sử dụng câu chúc Happy Holidays trong dịp lễ Giáng Sinh. Người Công Giáo cũng như những người tin vào Chúa Giê-su không nên vô tình làm mất ý nghĩa ngày lễ cũng như căn tính của niềm tin mình, nên cần ý thức khi tổ chức lễ mừng trong dịp này, chẳng hạn không nên quá lưu ý đến việc vui chơi phung phí, cũng như không nên mua và gửi những tấm thiệp chỉ có câu chúc chung chung mừng lễ, mà không hề nhắc đến một biến cố trọng đại là việc Thiên Chúa là Ngôi Hai nhập thể, mang thân phận con người vì yêu thương chúng ta. Chính Chúa Giê-su là món quà Giáng Sinh lớn lao nhất mà chúng ta đón nhận, và qua việc đón nhận này, chúng ta cũng sẽ là món quà cho Chúa và cho tha nhân. Mà món quà nào cũng chỉ có ý nghĩa khi được cho đi, đón nhận, mở ra và chia sẻ. Chúa Giê-su đã là món quà trao ban cho chúng ta nhận lãnh, và như thế mầu nhiệm Thiên Chúa làm người mới thật có ý nghĩa cho người tín hữu. Merry Christmas – Mừng Chúa Giáng Sinh – Emmanuel - Joyeux Noël ●