NĂM ĐỨC TIN


Hãy Mở Cánh Cửa Đức Tin

Phaolô Phạm xuân Khôi

Bài 1 – Đức Tin là gì?

Để quý độc giả có thêm chất liệu mà sống Năm Đức Tin, kính gửi quý vị một số bài thuộc chủ đề "Hãy Mở Cánh Cửa Đức Tin" mà Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa ra cho Ngày Giáo Lý 2013.

“Cánh cửa đức tin” vẫn luôn mở rộng cho chúng ta, dẫn vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và cho phép người ta gia nhập Hội Thánh. Người ta có thể bước qua ngưỡng cửa đó khi Lời Chúa được loan báo và tâm hồn để cho mình được uốn nắn bởi ân sủng có sức biến đổi. Bước qua ngưỡng cửa ấy có nghĩa là dấn thân vào một cuộc hành trình kéo dài suốt đời. Hành trình này bắt đầu với bí tích Rửa Tội…, và kết thúc bằng việc vượt qua sự chết mà vào sự sống đời đời, hoa quả của việc phục sinh của Chúa Giêsu” (Porta Fidei, 1).

Mục đích của việc “Mở cánh cửa đức tin” là đưa chúng ta vào hiệp thông với Thiên Chúa.  Như thế đức tin là gì?  Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dạy:

Ðức tin là một hành vi cá nhân: là lời đáp lại cách tự nguyện của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa, Ðấng tự mặc khải. Nhưng đức tin không phải là một hành vi đơn độc…. Người tin nhận được đức tin từ những kẻ khác và phải thông truyền đức tin đó cho những người khác. Tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu và với tha nhân, thúc giục chúng ta nói về đức tin của chúng ta cho những người khác. Mỗi người tin là như một mắt xích trong xâu chuỗi rộng lớn các kẻ tin. Tôi không thể tin nếu không được nâng đỡ bằng đức tin của những người khác, và bằng đức tin của tôi, tôi góp phần vào việc nâng đỡ đức tin của những người khác (GLCG 166).

Vậy đức tin vừa là của cá nhân mà cũng là của cộng đồng Hội Thánh. Hội Thánh truyền lại đức tin cho chúng ta từ các Tông Đồ. Chúng ta nhận được đức tin qua bí tích Rửa Tội. Khi Rửa Tội chúng ta cùng với Đức Kitô chết cho tội lỗi, để cùng được sống lại với Người trong một đời sống mới (x. Rm 6:4-8).  Chúng ta cũng phải trưởng thành trong đức tin bằng cách học về đức tin và sống đức tin. Sống đức tin có nghĩa là “để cho mình được uốn nắn bởi ân sủng có sức biến đổi.” Nhờ sống đức tin, chúng ta được biến đổi nên giống Đức Kitô.  Một khi đã có đức tin thì chúng ta cũng có nhiệm vụ thông truyền nó cho người khác, để họ cũng được hiệp thông với chúng ta và với Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhiệm vụ này chính là truyền giáo.

Chúng ta tin gì? Chúng ta tin vào một mình Thiên Chúa, Đấng tạo nên chúng ta. Tin là gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa, đồng thời cũng là tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý Thiên Chúa đã mặc khải. Chúng ta tin vào Đức Kitô vì Người là Con Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần. Đức Kitô đã mặc khải Chúa Thánh Thần cho chúng ta, và Chúa Thánh Thần giúp chúng ta tin vào Ðức Kitô.

Ðức Tin có những đặc điểm sau: (x. GLCG 153-165)

• Ðức tin là một ân sủng.  Chúng ta chỉ có thể tin nhờ ân sủng.

• Ðức tin là một hành vi nhân linh. Trong đức tin, lý trí và ý chí con người hợp tác với ân sủng Thiên Chúa.

• Chúng ta không hiểu tất cả những gì Chúa mặc khải, nhưng có thể tin vì Người đã chứng minh những điều ấy bằng các phép lạ, các lời tiên tri, và sự phát triển của Hội Thánh. Đức tin chắc chắn bởi vì nền tảng của Ðức tin là chính Lời Thiên Chúa. Đức tin tìm hiểu biết vì nhờ đức tin mà ta biết Thiên Chúa và hiểu Lời Chúa rõ ràng hơn. Đức tin không bao giờ mâu thuẫn với lý trí hay khoa học, vì chân lý không thể mâu thuẫn với chân lý.

• Ðức tin là một hành vi tự do. Ðức tin phải tự nguyện. Mặc dầu đức tin cần thiết cho ơn cứu độ, Thiên Chúa không cưỡng ép chúng ta tin.

• Sự cần thiết của đức tin. Tin vào Đức Kitô và Ðấng đã sai Người đến để cứu độ chúng ta là điều cần thiết để đạt được ơn cứu độ. 

• Kiên trì trong đức tin. Ðức Tin là một ân sủng.  Chúng ta có thể làm mất ân sủng ấy vì coi thường hay phạm tội. Cần phải nuôi dưỡng đức tin bằng việc học hỏi Lời Chúa, cầu nguyện, và các việc bác ái.  Ðức tin phải được thể hiện qua đức ái, phải được đức cậy nâng đỡ và đâm rễ trong đức tin của Hội Thánh.

• Ðức tin là khởi điểm cuộc sống đời đời. Ðức tin cho ta nếm trước niềm vui được hưởng nhan Thiên Chúa, là mục đích đời ta. Ðức tin có thể bị thử thách bởi sự bất toàn của thế giới. Ta phải noi theo các gương mẫu của đức tin như Ông Abraham và Ðức Mẹ Maria, là Đấng đã hiệp thông với cuộc khổ nạn và cái chết Chúa Giêsu, cùng bao nhiêu nhân chứng đức tin khác, đạc biệt là các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Như thế chúng ta tin vì “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11:1). Nếu chúng ta “không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Dt 11:6).  Sau cùng đức tin phải đi đôi với việc làm nghĩa là phải “hoạt động qua đức ái” (Gal 5:6) vì: “đức tin không có việc làm là đức tin chết.” (Gc 2:17)

Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận:

1. Tôi đang sống đức tin thế nào? Tôi có nghĩ là mình trưởng thành trong đức tin không? Tại sao?

2. Tôi đang làm gì để thông truyền đức tin của tôi cho những người khác, nhất là con cái tôi?

 


Bài 2 – Thoát Ly Hoang Địa Tâm Linh trong cuộc

Hành Trình Đức Tin

“Ngay từ khi bắt đầu sứ vụ của tôi như người Kế Vị Thánh Phêrô, tôi đã nhắc nhở mọi người về sự cần thiết phải tái khám phá cuộc hành trình đức tin để càng ngày càng làm sáng tỏ niềm vui và lòng nhiệt thành được đổi mới nhờ gặp gỡ Đức Kitô. Trong bài giảng trong Thánh Lễ khai mạc triều đại Giáo Hoàng của tôi, tôi đã nói: ‘Hội Thánh nói chung và tất cả các Mục Tử trong Hội Thánh, như Đức Kitô, phải lên đường để dẫn đưa con người ra khỏi hoang địa, đi về nơi có sự sống, về phía tình bằng hữu với Con Thiên Chúa, về Đấng ban cho chúng ta sự sống, sự sống sung mãn’ ….” (Porta Fidei, 2).

Đối với người Công Giáo, đức tin là một “cuộc hành trình kéo dài suốt đời” (Porta Fidei, 1)  Cuộc hành trình này rất đòi hỏi và khó khăn cùng phải trải qua nhiều thử thách như Dân Do Thái xưa trong hoang địa. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo xác nhận rằng “Đức tin có thể bị thử thách. Trần gian mà chúng ta đang sống thường được coi như xa vời với những gì đức tin tuyên xưng; những kinh nghiệm về sự dữ và đau khổ, về những bất công và cái chết, dường như mâu thuẫn với Tin Mừng; những điều đó có thể làm cho đức tin bị nao núng và trờ thành một cám dỗ đối với đức tin” (GLCG 164).

Chúng ta đang sống trong một “Nền Văn Hóa Sự Chết,” một nền văn hóa thủ nghịch với Thiên Chúa. ĐTC Bênêđictô XVI viết trong Tông Thư Ubicumque et semper rằng những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật... đã góp phần không nhỏ trong việc thăng tiến cuộc sống con người, nhưng “cũng làm mất mát một cách đáng ngại ý thức về sự thánh thiêng, là điều đưa đến nghi ngờ ngay cả những nền tảng được coi là không thể lay chuyển nổi như đức tin vào một Thiên Chúa tạo hóa quan phòng, mặc khải về Chúa Giêsu Kitô như Đấng Cứu Độ duy nhất, ... Chẳng bao lâu … sẽ dẫn đến một ‘hoang địa nội tâm.’”

Quan tâm lớn nhất của Đức Bênêđictô là ảnh hưởng của “thuyết Tương Đối” trên đức tin. Thuyết tương đối là thuyết cho rằng không có gì là Chân Lý tuyệt đối cả.  Những chủ thuyết như thả lỏng vế luân lý, đa nguyên về tôn giáo..., là những tà thuyết nảy sinh ngay trong lòng Hội Thánh và đang được phổ biến rộng rãi trong giới trí thức và các đại học Công Giáo trong 50 năm qua. Những thuyết này là hậu quả của Chủ Nghĩa Hiện Đại và một chủ thuyết mà năm 1899 ĐTC Lêô XIII đã gọi là Americanism trong Thông Điệp Testem Benevolentiae. Chủ thuyết ấy cho rằng: “Hội Thánh phải thích nghi với nền văn hóa tân tiến và nới lỏng sự nghiêm khắc cổ xưa không những về những quy luật sống mà còn cả về kho tàng đức tin, và phải bỏ qua hay giảm thiểu một số điểm về đức tin, hoặc gán cho chúng những ý nghĩa mà từ trước đến giờ Hội Thánh chưa từng bao giờ nghĩ đến.” (Tự Điển Bách Khoa Công Giáo). 

Do ảnh hưởng của chủ thuyết này mà 20 Đại Học Công Giáo lớn ở Mỹ, trong đó có Notre Dame, đã tuyên bố độc lập với Huấn Quyền Hội Thánh vào năm 1967 tại Land O’Lakes; nhiều thần học gia Công Giáo đã bóp méo “tinh thần” của Công Đồng Vaticanô II cùng phản đối Thông Điệp Humanae Vitae; nhiều Đại Học và Thần Học Gia Công Giáo Hoa Kỳ đang cực lực phản đối Tông Hiến Ex Corde Ecclesiae. Tất cả cùng với chủ trương chú giải Thánh Kinh hoàn toàn theo phương pháp khoa học đã tạo ra một “hoang địa tâm linh” cho nhiều người Công Giáo Hoa Kỳ khiến người ta như lạc vào mê hồn trận mà không còn thấy đâu là Chân Lý!

Hậu quả là nhiều người Công Giáo ở Hoa Kỳ, đặc biệt là các chính trị gia và các học giả, đã và đang tách rời đức tin ra khỏi đời sống hằng ngày. Họ chỉ chấp nhận những giáo huấn nào hợp với quan điểm của họ, những giáo huấn nào bùi tai họ, những giáo huấn nào không đòi họ phải từ bỏ ý riêng, phải vác thập giá mà theo Chúa. Họ mất cảm thức về tội lỗi, mất định hướng về chân lý, và đang  lang thang trong một hoang địa tâm linh vô tận. Cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi có rất nhiểu chính khách vỗ ngực tự nhận là người Công Giáo nhưng lại công khai ủng hộ những đạo luật vô luân như phá thai, ngừa thai và hôn nhân đồng tính.

Để giúp chúng ta “ra khỏi hoang địa, đi về nơi có sự sống, về phía tình bằng hữu với Con Thiên Chúa,” Hội Thánh không những chỉ có Thánh Kinh và Thánh Truyền mà còn có Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo như những “quy luật vững chắc để truyền dạy đức tin.” Ngoài ra còn có Huấn Quyền là “quyền giáo huấn được Chúa Giêsu ủy thác cho ĐTC và các Giám Mục hiệp thông với ngài. Huấn quyền này không ở trên Lời Chúa, nhưng phục vụ Lời Chúa và chỉ giảng dạy những điều được truyền lại” (GLCG 85,86).

Ở đây cần phải nói rõ về ơn Bất Khả Ngộ của Huấn Quyền Hội Thánh. Nhiều người nghĩ rằng chỉ có một số tín điều về luân lý hay đức tin được ĐTC long trong công bố cho toàn thể Hội Thánh khi ngồi trên tòa Thánh Phêrô mới không sai lầm và chúng ta phải tin, còn những giáo huấn khác chúng ta không buộc phải vâng theo. Thực ra có ba trường hợp mà Huấn Quyền được ơn bất khả ngộ:

1. ĐTC ngồi trên tòa Thánh Phêrô long trọng công bố tín điều mà toàn thể Hội Thánh phải tin.

2. Huấn Quyền Đặc Biệt là quyền giáo huấn của ĐTC và các Giám Mục họp ở một Công Đồng, hay một mình ĐTC, quyết định một điều gì dứt khoát về luân lý hay tín lý, như giáo huấn của ĐTC Gioan Phaolô về việc truyền chức Linh Mục cho nam giới trong Tông Thư Ordinatio Sacerdotalis, hay giáo huấn về ngừa thai của ĐTC Phaolô VI trong Thông Điệp Humanae Vitae.

3. Huấn Quyền Thông Thường Phổ Quát là những giáo huấn về luân lý hay tín lý không được long trọng công bố nhưng được ĐTC và đại đa số các Giám Mục khắp nơi đồng thanh giảng dạy, như vấn đề ngừa thai, phá thai, ly dị, hôn nhân đồng tính…

Như thế để chắc chắn không lạc đường trong hoang địa, chúng ta phải tham chiếu sách Giáo Lý và giáo huấn của Huấn Quyền ngõ hầu phân biệt được đâu là chân lý, đâu là sai lạc.  Không phải bất cứ điều gì được dạy ở Đại Học Công Giáo, hay ngay cả trong các chủng viện, đều đúng. Chỉ có những gì không nghịch với Giáo Lý và Huấn Quyền mới đúng.  Bởi vì theo Đức Bênêđictô XVI thì “thực sự có một thần học đặt sự uyên bác lên trên, để tỏ ra khoa học mà quên thực tại sống còn là sự hiện diện của Thiên Chúa, sự hiện diện của Ngài giữa chúng ta, việc Ngài nói hôm nay, chứ không chỉ trong quá khứ….  Đó chính là lạm dụng thần học, là sự kiêu căng của lý trý, điều đó không nuôi dưỡng đức tin mà che khuất sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế gian” (Hỏi Đáp cuối năm Linh Mục – Phần II).  Theo Reuter ngày 18 -9-2007 thì ĐTC Bênêđictô XVI cũng đã cảnh giác các thần học gia Công Giáo về việc trở nên kiêu căng trong một bài giảng trong Thánh Lễ dành riêng cho các học trò của ngài.

Chúa Giêsu đến để mặc khải cho chúng ta Chân Lý. Trên Thánh Giá, Người đã trao cho chúng ta Mẹ Người. Sau khi về Trời Người đã gửi Chúa Thánh Thần xuống để hướng dẫn chúng ta đến toàn thể Chân Lý. Chân Lý ấy là chỉ nam dẫn chúng ta ra khỏi hoang địa thế gian mà về Quê Trời. Chân Lý ấy được cắt nghĩa và lưu truyền trong Hội Thánh, được Huấn Quyền bảo vệ và giải thích. cùng được cô đọng trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo.  Không một cá nhân hay một nhóm người nào, dù uyên bác đến đâu có thể tự cho là mình biết trọn chân lý và đúng hơn Hội Thánh, vì Chúa ThánhThần chỉ ban cho mỗi người khả năng hiểu biết một phần chân lý.  Còn kho tàng khôn ngoan của Hội Thánh đã được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và  chứng thực, cùng tích lũy sự hiểu biết của rất nhiều người trong hơn 2.000 năm qua. Những kiến thức của các học giả hiện đại chỉ là hạt cát so với kho tàng này. Ai đi tìm Chân Lý mà coi thường Giáo Lý và Huấn Quyền của Hội Thánh thì chẳng khác gì Philatô hỏi Chúa Giêsu “Chân Lý là gì?” rồi bỏ ra ngoài mà không nghe Chúa trả lời. Đức Mẹ là mẫu gương của người khiêm nhường đón nhận chân lý vì Mẹ lắng nghe, Mẹ tin Lời Chúa, Mẹ giữ Lời ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng.  Nhờ thế Mẹ đã vượt qua được hoang địa đau thương nơi Thánh Giá để được vui mừng khi Chúa Phục Sinh. Có thể nói cả đời của Mẹ từ lúc Truyền Tin cho đến khi Chúa Sống Lại là một hoang địa tâm linh, nhưng nhờ đồng hành với Chúa mà Mẹ không mất niềm tin.

Để kết luận chúng tôi xin mượn lời của Sứ Điệp Kết Thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa: “Đức Mẹ Maria là Đấng dẫn chúng ta trên đường. Công việc của chúng ta, như ĐTC Bênêđictô nói, có vẻ như một đường mòn qua hoang địa; chúng ta biết rằng mình phải lên đường, mang theo mình những gì là cần thiết: sự đồng hành của Chúa Giêsu, chân lý của Lời Người, Bánh Thánh Thể là lương thực nuôi dưỡng chúng ta, tình hiệp thông Hội Thánh, động lực của Đức Ái.  Đó là nước của giếng làm cho hoang địa nở hoa. Như những vì sao sáng hơn trong đêm nơi hoang địa, thì ánh sáng của Đức Mẹ, Ngôi Sao của Tân Phúc Âm Hóa, cũng từ Trời chiếu sáng con đường của chúng ta. Chúng ta hãy tin tưởng phó thác nơi Mẹ” (câu 14).

Câu hỏi để suy nghĩ và thảo luận:

1. Tôi đang gặp những khó khăn gì trong cuộc hành trình đức tin của tôi? Tôi giải quyết thế nào?

2. Tôi đang làm gì và sẽ làm gì để hiểu biết thêm về đức tin?

3. Làm sao tôi có thể phân biệt được những gì là đúng, những gì là sai khi đọc các bài viết về tôn giáo hay luân lý?

Trang Độc Giả

Trang Nhà