“Đức Tin là nhìn nhận sự cao
cả của Thiên Chúa và chấp nhận tình trạng nhỏ bé của chúng
ta.”
Dưới đây là bản dịch Bài Giáo Lý thứ mười sáu của ĐTC
Bênêđictô XVI về Năm Đức Tin, được ban hành tại Sảnh Đường
Phaolô VI hôm thứ tư ngày 6 tháng 2, 2013. Hôm nay ĐTC tiếp
tục những bài Giáo Lý về Kinh Tin Kính trong loạt Bài Giáo
Lý về Đức Tin.
* * *
Anh chị em
thân mến,
Kinh Tin Kính mở đầu bằng cách mô tả Thiên Chúa là “Cha Toàn
Năng,” như chúng ta đã suy niệm tuần trước, rồi nói thêm
rằng Ngài là “Đấng Tạo Thành trời đất”, và như thế nhắc lại
lời khẳng định mở đầu Thánh Kinh. Trong câu đầu tiên của
Thánh Kinh, chúng ta đọc: “Khởi đầu Thiên Chúa dựng nên trời
đất” (Stk 1:1): Thiên Chúa là nguồn gốc của tất cả mọi sự và
sự toàn năng của Ngài như một người Cha đầy yêu thương được
trải ra trong vẻ đẹp của việc tạo dựng.
Thiên Chúa tỏ lộ như Chúa Cha trong việc tạo dựng, vì Ngài
là nguồn mạch sự sống, và trong việc tạo dựng, Ngài tỏ bày
sự toàn năng của Ngài. Các hình ảnh được sử dụng trong Thánh
Kinh về điều này rất gợi cảm (x. Is 40:12; 45,18; 48:13; Tv
104:2.5; 135:7; Cn 8:27-29; G 38-39). Ngài như một người Cha
tốt lành và uy lực, chăm sóc những gì Ngài đã dựng nên bằng
một tình yêu và lòng trung thành không bao giờ phai tàn, như
được nhắc lại nhiều lần trong các Thánh Vịnh (x. Tv 57:11,
108:5, 36:6). Do đó, việc tạo dựng trở thành một nơi để biết
và nhìn nhận sự toàn năng của Thiên Chúa và sự tốt lành của
Ngài, và trở thành một lời mời gọi các tín hữu đến đức tin
để chúng ta rao giảng Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa. Tác giả
thư Do Thái viết, “Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng thế gian
đã được hình thành bởi Lời của Thiên Chúa; cho nên những gì
chúng ta nhìn thấy không được tạo nên từ những vật hữu hình”
(11:3). Vì vậy, đức tin bao gồm việc biết nhìn nhận sự vô
hình bằng cách nhận diện dấu vết của nó trong thế giới hữu
hình. Tín hữu có thể đọc cuốn sách vĩ đại của thiên nhiên và
hiểu ngôn ngữ của nó (x. Tv 19:2-5); nhưng cần có Lời mặc
khải của Thiên Chúa, là Lời nhóm lên ngọn lửa đức tin, để
con người có thể có một ý thức đầy đủ về thực tại của Thiên
Chúa như Đấng Tạo Hóa và Cha. Chính trong Sách Thánh Kinh mà
trí tuệ con người có thể tìm thấy, trong ánh sáng đức tin,
chìa khóa giải thích để hiểu thế gian. Đặc biệt là chương
thứ nhất của sách Sáng Thế Ký giữ một địa vị đặc biệt, với
trình bày trang trọng về công trình tạo dựng của Thiên Chúa
diễn ra trong bảy ngày: Thiên Chúa hoàn tất việc tạo dựng
trong sáu ngày và ngày thứ bảy, ngày Sabath, Ngài ngưng mọi
hoạt động và nghỉ ngơi. Đó là ngày tự do cho mọi người, ngày
hiệp thông với Thiên Chúa. Và như thế, với hình ảnh này,
sách Sáng Thế Ký cho chúng ta biết rằng ý tưởng đầu tiên của
Thiên Chúa là tìm một tình yêu biết đáp lại tình yêu của
Ngài. Ý tưởng thứ hai sau đó là tạo dựng một thế giới vật
chất để đặt tình yêu ấy vào đó, những tạo vật này tự ý đáp
trả Ngài. Cho nên, một cấu trúc như thế, làm cho văn bản
được nhịp nhàng nhờ một số lần lặp đi lặp lại đáng kể. Thí
dụ câu này được lặp lại sáu lần: “Thiên Chúa thấy điều ấy
tốt đẹp” (cc. 4.10.12.18.21.25), và cuối cùng, lần thứ bảy,
sau khi tạo dựng con người: “Thiên Chúa thấy các việc Ngài
đã làm: điều ấy thật rất tốt lành” (câu 31). Tất cả những gì
Thiên Chúa tạo dựng đều tốt lành và xinh đẹp, đầy khôn ngoan
và tình yêu, hành động sáng tạo của Thiên Chúa mang lại trật
tự, hòa hợp và ban cho chúng vẻ đẹp. Như vậy, trong tường
thuật Sáng Thế điều nổi bật là việc Chúa tạo dựng bằng Lời
của Ngài: bản văn dùng thuật ngữ “Thiên Chúa phán” mười lần
(các câu 3.6.9.11.14.20.24.26.28.29). Chính là Lời, Ngôi Lời
(Logos) của Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc của thực tại của
thế giới và khi nói “Thiên Chúa phán,” thì được như vậy, là
nhấn mạnh đến hiệu năng của Lời Chúa. Khi tác giả Thánh Vịnh
hát: “Bởi Lời Chúa mà các tầng trời được tạo thành, nhờ hơi
thở Ngài mà có muôn tinh tú…. Vì khi Ngài phán, mọi vật được
tạo thành, Ngài ra lệnh, thì chúng hiện hữu” (33:6,9). Sự
sống nảy sinh, thế giới hiện hữu, bởi vì mọi sự đều vâng
nghe Lời Chúa.
Nhưng hôm chúng ta có thể tự hỏi: có còn hợp lý không khi
nói về việc tạo dựng trong thời đại khoa học kỹ thuật? Chúng
ta nên hiểu các tường thuật của sách Sáng Thế như thế nào?
Thánh Kinh không có ý định là một cẩm nang về khoa học tự
nhiên, trái lại Thánh Kinh có ý giúp chúng ta hiểu chân lý
đích thực và sâu xa của các sự vật. Chân lý cơ bản mà những
tường thuật của sách Sáng Thế mặc khải cho chúng ta là thế
giới không phải là một tập hợp các quyền lực đối nghịch
nhau, nhưng có nguồn gốc và sự ổn định của nó trong Ngôi
Lời, trong Lý Trí vĩnh cửu của Thiên Chúa, là Đấng tiếp tục
nâng đỡ vũ trụ. Có một kế hoạch cho thế giới phát sinh từ Lý
Trí do này, từ Thần Khí Tạo Dựng. Việc tin có kế hoạch này
là nền tảng của mọi sự, soi sáng mọi khía cạnh của cuộc đời
và cho chúng ta can đảm để đương đầu với cuộc phiêu lưu của
cuộc đời trong niềm tin tưởng và hy vọng. Như vậy, Thánh
Kinh cho chúng ta biết rằng nguồn gốc của sự vật, của thế
giới, nguồn gốc của chúng ta không phải là điều phi lý và
điều tất yếu, nhưng là lý trí, tình yêu và tự do. Như thế
phải chọn một trong hai: hoặc là ưu tiên của điều phi lý,
của điều tất yếu, hoặc ưu tiên của lý trí, tự do và tình
yêu. Chúng ta tin vào quan điểm thứ hai này.
Nhưng tôi cũng muốn nói một lời về điều là tột đỉnh của tất
cả việc tạo dựng; là người nam và người nữ, con người, loài
duy nhất “có khả năng biết và yêu mến Đấng Tạo Hóa của mình”
(Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, 12). Tác giả Thánh Vịnh
nhìn bầu trời mà tự hỏi: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa
cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?”
(8,4-5). Con người, được Thiên Chúa dựng nên qua tình yêu,
là một vật quá nhỏ bé trước sự bao la của vũ trụ; và đôi khi
thích thú nhìn lên không trung rộng lớn của bầu trời, chúng
ta cũng ý thức được tình trạng hạn chế của mình. Con người
chứa đựng sự mâu thuẫn này: sự nhỏ bé và hữu hạn của chúng
ta cùng tồn tại với sự cao cả của điều mà tình yêu vĩnh cửu
của Thiên Chúa đã muốn cho chúng ta.
Những tường thuật về việc tạo dựng, trong sách Sáng Thế,
cũng đưa chúng ta vào lãnh vực huyền bí này, giúp chúng ta
biết kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người. Trước hết
chúng xác quyết rằng Thiên Chúa đã tạo thành con người từ
bụi đất (x. St 2:7). Điều này có nghĩa là chúng ta không
phải là Thiên Chúa, chúng ta đã không tự tạo ra mình, chúng
ta là đất. Nhưng cũng có nghĩa là chúng ta đến từ đất tốt,
bởi hành động của Đấng Tạo Hóa tốt lành. Thêm vào điều này
là một thực tại cơ bản khác: tất cả mọi người đều là bụi,
vượt ra ngoài sự khác biệt được tạo ra bởi văn hóa và lịch
sử, vượt ra ngoài bất kỳ sự khác biệt nào về xã hội; chúng
ta là một nhân loại duy nhất được hình thành với một loại
đất duy nhất của Thiên Chúa. Rồi còn có một yếu tố thứ hai:
con người có nguồn gốc bởi vì Thiên Chúa thở hơi sự sống vào
thân xác được nặn ra từ đất (x. St 2:7). Con người được tạo
dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1:26-27). Như
vậy tất cả chúng ta đều mang trong mình hơi thở sự sống của
Thiên Chúa, và Thánh Kinh nói với chúng ta rằng mỗi sự sống
của con người đều được đặt dưới sự bảo vệ đặc biệt của Thiên
Chúa. Đây là lý do sâu xa nhất cho sự bất khả xâm phạm của
nhân phẩm chống lại bất kỳ nỗ lực nào muốn đánh giá con
người theo các tiêu chuẩn vị lợi và quyền lực. Là hình ảnh
và giống Thiên Chúa có nghĩa là con người không đóng kín nơi
chính mình, nhưng tìm thấy điểm quy chiếu thiết yếu của mình
nơi Thiên Chúa.
Trong chương đầu của sách Sáng Thế chúng ta tìm thấy hai
hình ảnh quan trọng: khu vườn với cây biết lành biết dữ và
con rắn (xem 2:15-17; 3,1-5). Khu vườn cho chúng ta biết
rằng thực tại mà trong đó Thiên Chúa đã đặt con người vào
không phải là một khu rừng hoang vu, nhưng là một nơi được
bảo vệ, nuôi dưỡng cùng trông nom, và con người phải nhìn
nhận thế giới không như một tài sản để cướp phá và khai
thác, nhưng như quà tặng của Đấng Tạo Hóa, một dấu chỉ về ý
muốn cứu độ của Ngài, một món quà để canh tác và chăm sóc,
để làm cho tăng trưởng và phát triển trong tinh thần tôn
trọng và hòa hợp, theo các nhịp điệu và luận lý, theo kế
hoạch của Thiên Chúa (x. St 2:8-15). Rồi đến con rắn là một
hình ảnh bắt nguồn từ việc thờ cúng thần sinh sản của Đông
phương, là điều hấp dẫn với dân Israel và là một cám dỗ
không ngừng cho việc từ bỏ giao ước nhiệm mầu với Thiên
Chúa. Trong ánh sáng này, Thánh Kinh trình bày cám dỗ mà ông
Ađam và bà Evà đã trải qua như điều nòng cốt của cám dỗ và
tội lỗi. Thực ra con rắn nói gì? Nó không phủ nhận Thiên
Chúa, nhưng đưa ra một câu hỏi xảo quyệt: “Có thật Thiên
Chúa đã phán: ‘Các ngươi không được ăn bất kỳ cây nào trong
vườn’ không?” (St 3:1). Bằng cách này, con rắn gây ra sự
nghi ngờ rằng giao ước với Thiên Chúa như một dây xích trói
buộc con người, làm cho họ mất tự do cùng điều tốt đẹp và
quý giá nhất trong đời sống. Cám dỗ ấy trở thành một cám dỗ
xây dựng một thế giới riêng để họ sống trong đó, không chấp
nhận những giới hạn của việc là một tạo vật, những giới hạn
của thiện và ác, của luân lý; việc lệ thuộc vào tình yêu của
Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa bị coi như một gánh nặng cần phải
trút bỏ. Điều này luôn luôn là bản chất của cám dỗ. Nhưng
khi người ta uốn cong mối liên hệ với Thiên Chúa bằng một
lời nói dối, đặt mình vào địa vị của Ngài, tất cả những liên
hệ khác bị thay đổi. Khi ấy người khác trở thành một đối
thủ, một mối đe dọa: Ông Adam, một khi đã ngã gục trước cơn
cám dỗ, lập tức đổ lỗi cho bà Evà (x. St 3:12); cả hai trốn
tránh cái nhìn của Thiên Chúa là Đấng họ thường trò chuyện
như bằng hữu (x. 3:8-10); thế giới không còn là khu vườn để
sống hòa hợp, nhưng là một nơi để khai thác, trong đó tàng
ẩn những cạm bẫy (x. 3:14-19); ghen tương và hận thù nhau
nhập vào lòng con người: như trường hợp Cain giết Abel là em
mình (x. 4:3-9). Thực ra, khi chống lại Đấng Tạo Hóa của
mình, con người chống lại chính mình, phủ nhận nguồn gốc của
mình và do đó phủ nhận chân lý về mình, và sự dữ nhập vào
thế gian, với xiềng xích của đau khổ và cái chết. Như thế,
những gì Thiên Chúa đã tạo dựng thì tốt lành, thực ra, rất
tốt; sau quyết định tự do này của con người vì nghe theo một
lời nói dối và chống lại sự thật, sự dữ nhập vào thế gian.
Trong những tường thuật tạo dựng, tôi muốn nhấn mạnh đến một
giáo huấn cuối cùng: tội lỗi sinh sản ra tội lỗi và tất cả
tội lỗi của lịch sử đều nối kết với nhau. Khía cạnh này dẫn
chúng ta đến việc nói về điều được gọi là “tội nguyên tổ”. Ý
nghĩa của thực tại rất khó hiểu này là gì? Tôi chỉ muốn đưa
ra một số yếu tố. Trước hết chúng ta phải kể rằng không có
người nào bị đóng kín trong chính mình, không ai có thể chỉ
sống một mình và cho mình; chúng ta nhận được sự sống từ
người khác, không phải chỉ lúc mới sinh, nhưng mỗi ngày. Là
con người là sống trong mối liên hệ: Tôi chỉ là chính mình
trong bạn và qua bạn, trong một liên hệ tình yêu với Chúa
của Thiên Chúa và bạn của những người khác. Vâng, tội lỗi là
làm đảo lộn hay tiêu hủy mối liên hệ với Thiên Chúa, đây là
bản chất của nó: tiêu hủy mối liên hệ với Thiên Chúa, mối
liên hệ cơ bản, tự đặt mình vào địa vị của Thiên Chúa. Sách
Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nói rằng với tội đầu tiên,
con người “chọn chính mình thay vì Thiên Chúa và chống lại
Thiên Chúa, chống lại những đòi hỏi của tình trạng tạo vật
của mình và do đó chống lại cả sự tốt lành cho chính mình”
(số 398). Khi mối liên hệ cơ bản bị đảo lộn, thì tất cả các
trục liên hệ khác bị tổn thương hoặc bị hủy diệt, tội lỗi
làm hỏng những mối liên hệ, thì cũng làm hỏng tất cả, bởi vì
chúng ta là những sinh vật có liên hệ với nhau. Giờ đây, nếu
cấu trúc về liên hệ của nhân loại bị đảo lôn ngay từ đầu,
mọi người bước vào một thế giới được đánh dấu bởi sự đảo lộn
này của mối liên hệ ấy, họ bước vào một thế giới bị đảo lộn
bởi tội lỗi, và họ bị đánh dấu cách cá nhân; tội đầu tiên
tấn công và làm tổn thương bản tính con người (x. Sách Giáo
Lý của Hội Thánh Công Giáo, 404-406). Và một mình con người
không có thể tự giải thoát mình khỏi tình trạng này, không
ai có tự chuộc tội mình; chỉ một mình Đấng Tạo Hóa mới có
thể phục hồi những liên hệ đúng đắn. Chỉ khi nào Đấng, mà
chúng ta đã bỏ mà đi lạc đường, đến cùng chúng ta và đưa tay
yêu thương dắt tay chúng ta, thì những mối liên hệ chính
đáng có thể được tái lập. Điều này được thể hiện trong Đức
Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đi theo một hướng hoàn toàn trái
ngược với ông Ađam, như được mô tả trong bài thánh thi ở
chương 2 của Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Philipphê
(2:5-11): trong khi Ađam không nhìn nhận thân phận tạo vật
của mình và muốn đặt mình vào địa vị Thiên Chúa, thì Chúa
Giêsu, Con Thiên Chúa, sống trong mối liên hệ con thảo hoàn
hảo với Chúa Cha, Người tự hạ mình xuống, Người trở thành
đầy tớ, đi con đường tự hạ cho đến chết trên thập giá, để
xắp đặt lại cho có thứ tự những liên hệ của chúng ta với
Thiên Chúa. Thập giá của Đức Kitô trở thành Cây mới của Sự
Sống.
Anh chị em thân mến, sống bằng đức tin là nhìn nhận sự cao
cả của Thiên Chúa và chấp nhận sự bé nhỏ của mình và tình
trạng tạo vật của mình, để Chúa đổ đầy nó bằng tình yêu của
Ngài, và như thế cho phép sự vĩ đại thật của chúng ta được
phát triển. Sự dữ, với gánh nặng đau thương và sầu khổ của
nó, là một mầu nhiệm được chiếu soi bởi ánh sáng đức tin,
cho chúng ta sự chắc chắn có thể được giải thoát: sự chắc
chắn rằng làm một người là điều tốt.