HÀNH TRÌNH YÊU THƯƠNG
MỪNG TẾT QUÝ TỴ 2013


Mấy tuần nay, trên các kênh truyền hình oang oang giới thiệu các quà tết, chợ tết, thật lộng lẫy hấp dẫn như thúc đẩy con người ta tới các tụ điểm trưng bày để ngắm nhìn, thưởng thức, mua sắm cho những ngày Tết tưng bừng hoan lạc hạnh phúc. Mùa xuân Con Rắn đang trườn mình vươn tới dương gian bắt đầu năm mới, các công nhân viên đi làm xa nhà dù bận bịu ngàn công việc cũng phải cố gắng tìm cách mua vé xe, vé tàu để bảo đảm cho chuyến du hành trở về gia đình mừng xuân mới. Trước niềm vui của cả triệu người dân Việt, Ban Truyền Giáo Đồng Công đã nghĩ tới những em bé mồ côi, các cụ già neo đơn trong nhà dưỡng lão và những người phong cùi xấu số lầm lũi ở những vùng sâu vùng xa hay trong các trại, làng hẩm hiu đang sống trong những ngày nhớ nhung buồn tủi cuối năm. Họ cũng là con cái Chúa Kitô Tử Giá cần được sự quan tâm hay nhận một chút niềm vui, một chia sẻ yêu thương trong dịp mừng xuân này.

Sáng sớm ngày 23.1.2013, sau điểm tâm, các anh em linh mục, tu sĩ Đồng Công được Bề Trên cử đi phát quà cho những người xấu số trên đã xúm lại khuân các thùng quà lên xe tải. Đúng 7g30, Cha Trưởng Ban Truyền Giáo Giuse M. Vũ Kim Ngân, CMC cùng với 30 anh em lên xe trực chỉ tới 6 điểm phát quà tết theo lộ trình sau đây:

1. Nhà dưỡng lão Tình Thương Suối Tiên, Cây Gáo.

Viện dưỡng lão Tình Thương Suối Tiên tại Cây Gáo này do các nữ tu Đaminh Tam Hiệp thành lập và chăm sóc. Khu đất mua từ năm 1975, nhưng năm 1996 mới chính thức lập viện dưỡng lão. Tới năm 2006 sơ Hường, Cựu Giám đốc Nữ Tu Đaminh Tam Hiệp, nghỉ hưu lên đây khai thác qui mô hết số đất là 3 hecta để phục vụ các bà già neo đơn. Trong khuôn viên có 5 hồ lớn được dẫn nước ở suối vào để nuôi cá, chung quanh hồ ghép bằng đá móng. Đây là nguồn kinh tế của viện. Đường đi lối lại quanh hồ trồng toàn cây cau kiểng, để các cụ còn khỏe đi lại tập dưỡng sinh. Hiện nay, có 65 cụ bà, phần đông đi lại được, mười mấy cụ yếu bệnh khó đi lại đã trên 80, 90 tuổi. Cũng có một số người Hoa vào dưỡng lão. Các sơ cố gắng giúp cho mọi người theo đạo Công Giáo. Phục vụ ở đây có 5 sơ, phụ vào đó là những bà còn khỏe giúp các bà yếu. Cha Giuse M. Vũ Kim Ngân, Trưởng Ban Truyền Giáo ĐC đã tới chúc tết các sơ, các bà và phát quà cho các bà cụ... Nhà Dòng Đồng Công cũng tặng cho Viện Dưỡng Lão một số tiền để yểm trợ sự phục vụ của các sơ. Sơ Giám đốc đã dẫn phái đoàn đi thăm quan toàn khu, cũng có ốc đảo Thánh Martin Pores ở giữa hồ nước trông thật thơ mộng. Có tượng đài Thánh Giuse rất thiêng, sơ đã kể mấy tích rất mới, Ngài ban cho cơ sở và cá nhân tới cầu khẩn. 10 giờ, chúng tôi chào giã các sơ và các cụ bà và lên xe trở về Biên Hòa tới trại phong Hàn Mạc Tử.

2. Trại phong Hàn Mạc Tử.

Con đường quen mọi năm đã đi năm nay bị nhà nước cấm xe lớn vào, nên đi luẩn quẩn mất nửa giờ tìm ra đường vào, sau cùng cũng tới được cơ sở. Trại phong này do thời thế lập nên. Khi giải phóng tới thì trại cùi ở Sóc Trăng và ít nơi bị giải tán, nên các người bệnh phong tản mát khắp nơi, không nơi trú chân, nên họ ra nghĩa trang ở với người chết. Ở giáo xứ Đaminh, Tam Hiệp có nghĩa trang còn đất trống, mấy người phong tạm mượn chỗ này nghỉ đêm rồi ban ngày đi xin. Người nọ giới thiệu người kia mà làm nên trại. Một thầy Dòng Phanxicô tên là Thầy Nhung tới giúp họ về tinh thần, sau dựng được một Nhà nguyện nhỏ và qui tụ họ thành một trại cùi tự túc, không cơ quan nào giúp đỡ chỉ đi ăn xin và nhờ sự giúp đỡ các nhà từ thiện. Hiện nay, có 84 bệnh nhân; ai nhập trại được phát cho một tấm thẻ. Khi có ai tới cho quà thì ông thư ký gọi tên và đưa thẻ ra để lấy quà, rất thứ tự. Nơi đây tự túc nên thuốc men tự mua, vì thế người cùi ở đây khó khỏi và lở loét dễ sợ. Tuy nhiên, nhiều người cũng xây được nhà. Sau khi chúc tết bà con và phát quà, phái đoàn rời trại đi qua Long Thành tới huyện Nhơn Trạch thăm những người khiếm thị.

 

3. Hội người mù Nhơn Trạch.

Huyện Nhơn Trạch có 12 xã, các người khiếm thị họp nhau thành Hội người mù Nhơn Trạch để tương trợ nhau. Hội có ban điều hành. Trưởng hội hiện nay là bác Hiểm mù và cô thư ký còn một mắt, nên cũng đọc được. Hội có mấy phòng Massage và tập cho một số người trong hội biết massage hay làm vật lý trị liệu để sinh sống. Khi có hội Bác ái tới tặng quà thì Hội trưởng báo cho các hội viên. Tất cả 62 người đông đủ, có người ở xa tới 60 km.

Xe phái đoàn Dòng Đồng Công tới nơi, các người khiếm thị thuộc 12 xã đã tới đầy đủ ngồi chờ. Cha Giuse M. Vũ Kim Ngân, CMC thay mặt cho Nhà Dòng chào chúc năm mới, khích lệ mọi người chấp nhận số phận và gắng sức lạc quan vươn lên. Sau đó, các Thầy tới bên, dắt từng người đến nhận quà vì họ không thấy đường. Tội nghiệp! Nhưng khi nhận được gói quà và tiền mặt trong tay ai nấy đều vui vẻ phấn khởi. Sau khi từ giã bà con khiếm thị phái đoàn đã đến nhà hàng dùng bữa trưa lúc 13 giờ.

4. Cô nhi viện Hoa Mai, Long Thành.

14 giờ 30 phái đoàn tới  Cô Nhi Viện Hoa Mai, các cháu đang chơi vui vẻ. Cô nhi viện này có may mắn là được một người Pháp bảo trợ. Trước kia họ chu cấp đầy đủ, nhưng kinh tế thế giới xuống dốc, ông chỉ giúp được 50 %,  còn lại thì nhờ vào các hội từ thiện chu cấp. Phái đoàn đã tặng tiền giúp đỡ Ban Giám Đốc, sau đó đi thăm quan nhà ở và phát quà cho các cháu. Viện cô nhi có dãy nhà cho các cháu nữ, có dãy cho các cháu nam và mấy phòng để các sinh viên đến thực tập. Cũng có vườn cây ăn trái, nhưng èo ọt khô cằn. Cô nhi viện Hoa Mai cũng hãnh diện là đã giúp cho nhiều em ra trường Đại Học. Quá 15 giờ, phái đoàn từ giã ra đi tới làng phong Bình Minh.

5. Làng phong Bình Minh, Long Thành.

Làng phong Bình Minh được hội Tin Lành Na Uy thiết lập trước giải phóng với mặt bằng 47 hecta. Khi giải phóng, nhà nước đã tiếp quản vì người ngoại quốc phải về nước. Họ sống èo ọt, vì là người cùi, các công ty không nhận, họ phải đốt lò than, bán than, nhưng về sau kiểm lâm cấm lấy gỗ nên chỉ còn đi ăn xin. Họ rất cơ cực chỉ nhờ các hội bác ái, và lén lút làm các nghề vặt. Nhà nước cho mỗi người bệnh mỗi tháng 15 kg gạo, vì thế khi một hội từ thiện tới cả dân làng kéo đến rất hồ hởi. Hằng năm Dòng Đồng Công vẫn tới viếng thăm và phát quà cho họ. Nơi đây có 108 gia đình. Ông Trưởng Làng Phong, cũng là người phong, gọi tên chủ hộ mang bao lên lĩnh đồ, lĩnh tiền về ăn tết rất vui vẻ. Có thể nói tết năm nay thần hên đã tới gõ cửa. Sau khi trao hết đồ, phái đoàn chào giã ban điều hành và bà con để tới điểm cuối cùng.

6. Làng Phong Thiên Trợ, Phước Tân.

Đường xá ở Việt Nam như một bát quái trận, đi đến đâu là phải hỏi thăm tìm đường. Đã được chỉ điểm là hai cây xăng: Một cây là Vina nhưng lại đề lầm là nona, nên chẳng tìm thấy nó đâu; một cây khác là Toàn Dung, năm trước đề chữ rất to ở trước cửa tiệm coi rất rõ, nhưng nay họ bỏ bảng lớn, chỉ làm một tấm bảng nhỏ nên không thấy rõ, thành ra xe chạy quá tới ngã ba Vũng Tàu. Đành phải quay xe lại làm cho ai cũng bực mình vì lại đi lạc và ngày đã về chiều, nhưng may là cũng đã tới nơi. Sau khi chào hỏi, chúc tết các sơ phục vụ và các bệnh nhân. Các phần quà đã trao cho hết 102 gia đình. Làng này được các sơ Nữ Tử Bác Ái coi sóc, nên tinh thần và tổ chức rất đàng hoàng, sống đạo rất tốt. Làng phong trực thuộc trại cùi Bến Sắn nên thuốc phát trị trùng cùi Hassen rất công hiệu. Hầu như trùng cùi được khống chế, mấy năm nay, các sơ nói  không còn trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng cùi nữa. Dầu vậy, dân gian vẫn chưa chấp nhận người đã bị phong vào xí nghiệp hay đi học vẫn còn bị kỳ thị. Tội nghiệp cho các con em của họ.

Khi đã chu toàn phận sự bác ái xã hội, phái đoàn vào Nhà Dòng chào tất cả lên xe ra về vì trời đã tối. Về Nhà Dòng lúc này đã quá giờ ăn, nên phái đoàn đã ghé vô Quán cháo cá Miền Tây dùng bát cháo cá thay cho bữa tối. Phái đoàn về tới nhà  lúc 20giờ 15.

Qua một ngày thăm các thành phần xấu số trong xã hội: neo đơn như các bà già ở Suối Tiên; sống cô đơn mù loà như các bệnh nhân ở Nhơn Trạch;  mồ côi như các cháu cô nhi Hoa Mai; lở ghẻ, cùi, cụt, lại bị xã hội hât hủi tránh xa như các bệnh nhân ở các trại cùi như Hàn Mạc Tử, Bình Minh, Thiên Trợ... Nhìn lại mình quá may mắn: Thân xác lành lặn hoàn hảo. Nhất là lại được làm con Chúa. Khi thăm viện Dưỡng Lão Suối Tiên, Cây Gáo, một bà đã nắm tay tôi và tâm sự: “Con sung sướng vì con mới được làm con của Chúa”. Một điều làm tôi thán phục là đa số các bệnh nhân, kể cả các người bị bệnh phong cùi… phấn lớn họ rất vui và có tình thương yêu nhau. Đó là một tấm gương chấp nhận đau khổ trong cuộc sống và yêu thương người khác. Chúng ta hãy cầu cho những người đang sống trong đau khổ, tuyệt vọng được Chúa, Đức Mẹ ban ơn nâng đỡ họ; xin cho họ được biết chấp nhận số phận và gắng sức vươn lên cho bớt khổ ở đời sống tạm bợ này để đời sau cũng được về hưởng vinh phúc trong Nhà Cha trên trời.

 

 

Trang Truyền Giáo

Trang Nhà