THÁNH CẢ GIUSE | Lm.Hồng Phúc. DCCT |
CHƯƠNG I: GIUSE TRONG MẦU NHIỆM CỨU CHUỘC. | |
Truyền Tin | |
Lễ đính hôn giữa Giuse và Maria đã qua, hai người trở về cuộc sống thường nhật. Một biến cố quan trọng như đảo lộn cuộc đời hai người xảy đến và Luca tường thuật cách đơn giản như sau: Thiên Thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến một thành xứ Galilê, tên là Nazareth, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ được chúc phúc giũa các người phụ nữ. Nghe lời đó trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì? (Lc 1. 16-29). Vị Thiên sứ được chỉ định nói lên tầm quan trọng của sứ mạng. Gabriel đã từng được gởi đến để giải thích cho ngôn sứ Đaniel ý nghĩa 70 năm dẫn đến ngày Đấng Mêsia xuất hiện. Nay thời gian viên mãn, cũng chính người được gởi đến để báo tin ngày Cứu độ đã đến. Thiên thần cúi chào trinh nữ “đầy ơn phúc”. Người Do Thái quen chào nhau bằng danh từ Shalom: Bình an, chưa bao giờ một người được chào cách long trọng như vậy, cách riêng đối với một phụ nữ. Cả những khi hai người bạn đến thăm nhau, phép xã giao dạy không được nói trực tiếp với vợ mà chỉ hỏi thăm người chồng về sức khỏe bà vợ, đó là cách kính trọng người phụ nữ. Maria “bối rối”: không phải vì sự xuất hiện đột ngột của một nam nhân, mà Phúc âm nói rõ: “vì ý nghĩa của lời chào”. Thiên thần trấn an, gọi cô bằng tên Maria và bảo: “Maria, đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa nơi Thiên Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên con là Giêsu. Người sẽ nên cao trong và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít Tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô cùng tận”. Maria vốn thông thạo Thánh kinh hiểu ngay lời sứ thần muốn ám chỉ, tiên báo ngày Đấng Mêsia xuất hiện. Cô tin vào lời của Đấng Thiên sai. Cô không xin một ấn bảo chứng. Nhưng có điều cô không hiểu: làm sao việc ấy có thể thực hiện được, vì cô có lời hứa đồng trinh tận hiến cho Thiên Chúa. Và, với tất cả sự kính cẩn, cô đặt câu hỏi: “việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam” trong quá khứ, không một người đàn bà nào đã được Thiên Chúa hứa ban một người con trai, như Sara, như bà vợ ông manuê, như bà mẹ ông Samuel, lại đặt một câu hỏi như vậy. Nếu trong lúc truyền tin, Maria chưa được đính hôn với Giuse thì câu hỏi đó có vẻ ngớ ngẩn. Nhưng cô đã được liên kết với tương quan như vợ chồng, thì câu hỏi ấy nói lên quyết tâm của cô ở đồng trinh suốt đời, để tận hiến cho Thiên Chúa. Lời hứa ấy hẳn đã được sự đồng ý của Giuse, “Người công chính”, vì với lễ đính hôn, Maria ở trong tình trạng một người đã kết bạn. Và khi cô nói với thiên thần rằng cô không biết đến nam nhân, tất nhiên phải hiểu rằng Giuse đã chia sẻ lời tuyên hứa ấy. Dữ kiện này, đối với một số người, có vẻ nghịch tại, thì đối với các giáo phụ, rất tự nhiên. Thánh Augustinô viết: “Maria sẽ không hỏi lại như vậy, nếu cô không có lời hứa đức khiết trinh, tận hiến cho Thiên Chúa. Vì tục lệ Israel muốn như vậy, nếu cô được đính hôn với một người công chính, chẳng những không chiếm đoạt sự khiết trinh của cô mà còn trở nên người gìn giữ bảo vệ. (De Virginitate IV). Thiên thần liền cho Maria hiểu rằng sứ điệp của Thiên Chúa không thay đổi gì quyết tâm của cô. “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa”. Maria, “đầy ơn phúc”, không phải lo sợ cho đức khiết trinh, vì Thiên Chúa toàn năng sẽ đổ tràn ơn phúc, dùng quyền năng tạo dựng bao phủ cô, đến trong cung lòng cô, như xưa Ngài đã đến trong Hòm Bia thánh. Và Người Con do cô sinh ra, không có sự cộng tác của nam nhân mà chỉ bởi quyền lực Chúa Thánh Thần, sẽ thật sự là Con Thiên Chúa. Sứ điệp của Gabriel đến đây là hết. Người chỉ chờ sự ưng thuận của Maria để cáo biệt. Maria khiêm tốn trả lời sứ thần: “Tôi là tôi tớ Thiên Chúa, tôi xin vân lời sứ thần truyền”. Con Thiên Chúa đã xuống trong cung lòng Đức Mẹ. “Ngôi lời đã hóa thành nhục thể” (Ga1, 14). | |
|