THÁNH CẢ GIUSE

Lm.Hồng Phúc. DCCT

CHƯƠNG I: GIUSE TRONG MẦU NHIỆM CỨU CHUỘC.

Trẩy Hội Đền Thờ.

Chúa Hài Nhi từ một em bé đã trở nên một thiếu niên. Vóc dáng nhân tính càng nảy nở thì đời sống thiên tính càng phát triển trong cử chỉ, điều bộ và tâm tư. Thánh Giuse và nhất là Đức Mẹ đã chứng kiến cuộc biến đổi kỳ diệu ấy. Chúa Hài Nhi chắc cũng đã nhiều lần làm cho cha mẹ bỡ ngỡ kinh ngạc khôn tả. Phúc âm tường thuật lại một biến cố lúc Chúa lên 12 tuổi trong dịp trẩy hội đền thời.

Mọi thiếu niên Israel lên 12 tuổi được coi là trưởng thành, là công dân của Lề luật, chịu trách nhiệm về cuộc sống. Mỗi năm ba lần vào dịp lễ vượt qua, lễ Thất tuần và lễ Nhà tạm, phải lên đền thờ dân của lễ phụng tự. (Xh 23, 34- Dt 17). Nhưng nếu ở xa hơn 100 cây số, như ở Nazareth thì chỉ có thể lên một lần vào dịp lễ vượt qua.

Luca viết: “Khi Chúa lên 12 tuổi, Ngài đi cùng cha mẹ lên Giêrusalem vào dịp lễ vượt qua. (Lc 2, 41-42). Đường dai khoảng 140 cây số, mất ba hay bốn ngày đàng.

Hẳn Chúa phải xúc động biết bao, khi bước vào trong nhà của Cha Ngài. Kìa trầm hương nghi ngút bao tế sinh được dâng lên, bao giòng máu loang lỗ chảy hay được rưới lên lễ vật. Nhất khi Ngài tham dự lễ sát tế con chiên Pasca thì Ngài xúc động biết chừng nào. Ngài muốn có những giây phút trầm lặng, xa biệt với mọi người, kể cả cha mẹ thân yêu, để kết hiệp với Cha Ngài. “Tôi đến đến làm theo ý Cha tôi”

Đại lễ bế mạc diễn ra ngày 21 tháng Nisan, sau khi mọi người đã ăn thịt chiên vượt qua và bánh không men, để tưởng niệm ngày xuất hành ra khỏi Ai cập dưới sự hướng dẫn của Môisê. Nghi lễ có tính cách gia đình do gia trưởng chủ sự. Và người gia trưởng ấy là Giuse.

Khi bài ca Alleluia cuối cùng được hát lên thì khách hành hương từng đoàn, từng lớp lại lên đường trở về. Phái đoàn Nazareth đã hẹn nhau giờ ra đi và địa điểm dừng chân nghỉ lại. Chúa Giêsu nay đã là Bar Mitsva, con của Giao ước, trên đầu chít một băng vải màu rộng, được tự do đi lại với bạn bè thân hữu. Thánh Giuse và Đức Mẹ cũng lên đường, không thắc mắc vì con đã lớn, và chăng khách hành hương có tục lệ đi riêng từng đoàn nam nữ, trẻ con đi theo cha hoặc theo mẹ. Đến chiều tối khi đến điểm hẹn, hai ông bà mới hay Chúa Giêsu không có trong đoàn giáo lữ. Thế là hai ông bà vội đi ngược lại quãng đường dài đã đi, lần hỏi từng nhóm cho đến khi trở lại Giêrusalem. Hai ông bà lo âu biết chừng nào khi bước qua cổng thành, đi vào những con đường nhỏ lố nhố người và vật. Làm sao tìm lại được một đứa trẻ trong đám người nhung nhúc như kiến!

Ngaỳ thứ ba, hai ông bà lại lên đền thờ để cầu nguyện hơn là để gặp lại con ở đó. Thì, kìa con đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Lối giảng dạy lộ thiên, thưa và hỏi đó cỉa các thầy Rabbi rất thịnh hành. Người ta kể: có một thầy Rabbi đã mớm câu hỏi trước cho đệ tử và câu trả lời…. Để có dịp cho ông bạn đối thủ một bài học chua cay đích đáng.

Vậy, trẻ Giêsu đã tham dự một cuộc giảng dạy như vậy. Ngài lắng tai nghe, đặt câu hỏi và trả lời khi được hỏi. Nhưng các câu trả lời của ngài về đạo lý, luân lý thật đầy ý nghĩa cao siêu và minh bạch đến nối các thầy tiến sĩ oai vệ, dáng dấp đạo mạo phải kinh ngạc và tự hỏi: làm sao một thiếu nhi mới từng ấy tuổi, lại có thể có một nền học vấn uyên thâm như vậy.

Thánh Giuse và Đức Mẹ tình cờ đi tới và khựng lại khi nhìn thấy con “ngồi giữa các tiến sĩ mà nghe và hỏi họ. Mọi kẻ khác nghe Ngài đều sửng sốt về trí thông minh và các lời đối đáp” (Lc 2, 46-47). Hai ông bà cũng đã biết phần nào sự bí ẩn, nhưng chưa bao giờ thấy con phát lộ cách rõ ràng sự khôn ngoan siêu việt như vậy. Lớp học vừa tan, mọi người đứng dậy ra về thì Đức mẹ chạy đến, nói nhỏ với con: “Con ơi, sao con làm cho cha mẹ lo như thế?, kìa cha con và mẹ đây đã phải đau khổ tìm con”. Lời bọc phát từ tâm hồn một người mẹ. Nếu có một chút than phiền trách móc, chỉ khi Mẹ rất ngạc nhiên về cử chỉ của con, từ trước đến nay, vốn rõ ra rất thuận thảo và vâng phục. Câu nói cũng diễn tả một sự lo âu tột độ. Đức Mẹ hẳn phải rùng mình khi nghĩ lại ba ngày xa biệt ấy vì Mẹ sợ cho tính mạng của con. Lời cụ già Simêon còn vang vọng: “Con bà sẽ là mục tiêu cho người ta chống đối”. Chúa Giêsu thưa lại với hai ông bà: “Tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con sao” đây là những lời đầu tiên của Chúa mà phúc âm ghi lại, nhưng là những  lời sâu xa và khó hiểu hơn cả.

Người Đông phương có lễ giáo rất quý trọng cha mẹ, đứng lên khi cha mẹ vào và chỉ ngồi xuống khi được phép. Trước mặt Chúa hôm nay có cả cha lẫn mẹ. Ngài không hăm hở chạy đến. Và trước người mà mẹ gọi là “Cha Con”, Ngài lại nói đến một người Cha khác. “Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của cha con sao? (Lc 2,50). Mẹ chỉ hiểu sau ngày Phục sinh sống lại, ba ngày lạc mất ở Giêrusalem trong lễ vượt qua tiên báo là ám chỉ ba ngày Chúa nằm trong mồ và việc Chúa về cùng Đức Chúa Cha. Mẹ không hiểu nhưng mẹ ghi sâu vào ký ức. Tội nghiệp hơn cả là Giuse, ông không nói, nhường lời cho Đức Mẹ. Và Mẹ Maria tế nhị biết chừng nào khi đặt người bạn thân yêu lên hàng đầu và nói “Cha con và mẹ”. Giuse là cha, là người dưỡng phụ nuôi nấng Chúa.

Một gia đình kia có một đứa con lên tám tuổi. Nó là con nuôi và biết như vậy. Khi có người hỏi, nó trả lời rất chân thật và ngây thơ, “Con là con nuôi, nhưng cha và mẹ không cứ phải là người sinh ra con mà là người Chúa trao phó con cho”. Sự thật phát xuất tự miệng con trẻ, một lời nói đơn sơ nhưng chân thật. Giuse là người dưỡng phụ mà Đức Chúa Cha đã trao phó Con Một Ngài, cũng như Maria “Ái nữ của Ngài”, để Người săn sóc gìn giữ. Một trách nhiệm lớn lao, bên cạnh Chúa Giêsu và Maria, Giuse là người đại diện Thiên Chúa với tư cách ấy Giuse là người rất có quyền năng, Người xin gì không bao giờ Chúa Giêsu từ chối.

Luca viết: “Người theo hai ông bà trở về Nazareth và hằng tùng phục hai ông bà” (Lc 2,51). Chúa Giêsu theo cha mẹ trở về Nazareth. Đối với Giuse và Maria, từ biến cố trẩy hội đền thờ, hai ông bà vẫn lo âu không biết cuộc sống của con ở Nazareth sẽ đột ngột chấm dứt lúc nào. Họ có ngờ đâu rằng dưỡng phụ sẽ ra đi trước và cuộc đời mai ẩn của con sẽ kéo dài gần 20 năm và gồm tóm trong mấy câu súc tích: “Con trẻ lớn lên trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta” (Lc2,52)


Last Updated:17-02-2008