Tháng Kính Thánh Giuse Ngày 26 - Giáo hội Việt nam tôn kính Thánh Cả |
Khi linh mục Alexander Rhodes (Đắc Lộ) và P.Marque được sai tới truyền giáo ở Việt nam, Ngày 19/3/1627 các ngài đã đặt chân lên cửa Bạng, tỉnh Thanh hóa nhằm ngày lễ kính Thánh Cả Giuse. Để ghi nhớ, các ngài đã đặt tên là cửa Thánh Giuse, và nhận Thánh Giuse là Bổn mạng của Giáo hội Đàng Ngoài. Năm 1678, Đức Thánh Cha Innôcentê 11, đã chấp nhận lời xin của các Thừa sai Đông phương, tôn Thánh Cả Giuse làm Bổn mạng Nước Việt nam và các nước lân cận. Với sự cổ võ của các linh mục, nhiều làng nhiều họ tại nước ta đã nhận Thánh Cả Giuse làm Bổn mạng cá nhân và cả làng, cả họ, nhiều nhà thờ mang danh là nhà thờ Thánh Giuse, họ thánh Giuse.(Theo tài liệu của Cố Lương, Tháng Thánh Giuse, Sài gòn xuất bản, 1964, trang 9). Truyện thánh - Nhân chứng được ơn thánh Giuse
(VietCatholic News (Chúa Nhật 1/8/2004) Dù ngôi đền nằm khuất trong con hẻm ngắn đường Cách Mạng Tháng 8, nhưng người đến tham dự thánh lễ chiều thứ tư mỗi tuần thật đông. Họ đứng kín tất cả các chỗ trống. Cung thánh để cha dâng lễ được đặt ở trước hành lang của đền, sâu tuốt bên trong. Sự sốt sắng của mọi người và bầu khí trang nghiêm của buổi lễ làm tôi khó mà di chuyển để chụp hình... Nơi đây là nhà hưu dưỡng của các cha gốc Bùi Chu. Trước kia, cha Giuse Phạm Châu Diên, sau thời gian phục vụ giáo xứ, đã về đây an dưỡng tuổi già. Lòng sùng kính Thánh Giuse đặc biệt của cha dần dà hình thành nên một nơi hành hương hàng tuần của nhiều người; không chỉ ở Sài Gòn mà từ nhiều nơi xa đến như Biên Hòa, Vĩnh Long. Nay cha đã 91 tuổi đời, vẫn âm thầm trong căn phòng giản dị. Hoa huệ người ta dâng cúng quyện với nhang trầm sực nức hương thơm làm bầu khí nơi này thêm phần thánh thiêng. Dường như tất cả dều nói rằng họ đến đây để tạ ơn hoặc xin ơn. Không biết có bao nhiêu người được Thánh Giuse trợ giúp; bao nhiêu người trở thành nhân chứng tình yêu của Đức Kitô qua bàn tay của Thánh Giuse; nhưng câu chuyện dưới đây là một nhân chứng điển hình. Trước đây, người ta hay thấy anh H. xe ôm thường ngồi trên chiếc xe máy, đứng giữa đường nói lảm nhảm vì say xỉn; có khi xe ngả một bên còn anh ngồt bệt dưới đất, vẻ vất vưởng, nói năng lung tung. Một lần, còn trong cơn say, anh lên xe trong tư thế nổ máy phóng đi, tôi sợ quá nói với người anh ruột:” Trời ơi, đừng để cậu ấy chạy xe lúc này, nguy hiểm quá!” Người anh buồn phiền:” Nó bị làm sao thì đã có cha xứ đến làm phép! Còn chị thương thì đến phúng……chứ biết làm sao?” Dù đang sợ, tôi cũng phải bật cười. Trong cơn say, lời nói của anh H. câu này vắt ngang câu kia, suy nghĩ này xuyên qua cảm xúc nọ; nhưng chú ý một chút, ai đó có thể hiểu rằng anh mặc cảm về cái nghèo và khao khát được đổi đời. Từ sau lễPhục Sinh 2004, nhiều người thấy chiều nào anh H. cũng áo quần lịch sự đến dự lễ hằng ngày; rồi còn đi đọc kinh với các ông trong hội Legio và Thánh Tâm nữa. Chưa kịp hỏi thăm thì vợ anh đến nhà tôi xin bộ Sách Giáo Khoa lớp 8, tôi hỏi chuyện ngay. Cô ấy kể: “Thấy em quá thất vọng về chồng, gần 10 năm cứ nước mắt ngắn dài, bà hàng xóm giới thiệu em lên đền Thánh Giuse khấn. Em lê chân đến đó với những suy nghĩ rất mơ hồ. Lần đầu ra về thấy lòng bớt buồn; lần thứ hai thấy bình an; lần nữa thấy vui, thế là ngày nào đi làm về ngang em cũng ghé đền năm bảy phút, kể cả lúc trời mưa. Rồi một ngày, tự nhiên anh ấy nói:” Ngày mai tôi đi lễ xem đời mình có thay đổi không?” Em hồi hộp về sự việc này. Sau đó chồng em thay đổi, gần giờ lễ, có ai gọi chạy một cuốc xe, anh cũng nhường cho người khác để về kịp giờ. Em chắc chắn rằng nhờ ơn thánh Giuse cầu bầu.” Tôi gặp anh Đa Minh Nguyễn Đức H., 45 tuổi, sau thánh lễ chiều. Anh vui vẻ: “ Lúc trước nghe bạn bè rủ, em liên tục đi nhậu. Khi tỉnh lại thấy buồn vì nghèo, em thấy cuộc đời bế tắc; em thử đi lễ xin Chúa cho đời sống khá hơn, nhưng càng đi lễ càng thấy vui, lại chẳng quan tâm đến chuyện giàu nghèo nữa. Tiền chạy xe kiếm được ít hơn lúc trước nhưng em lại CẢM THẤY ĐỦ cho cuộc sống. “ Nhìn anh H. mập đẹp hơn trước, tôi thấy phần thưởng của lời cầu nguyện mạnh mẽ biết bao! Việc bền đỗ trong bậc gia đình thật là trôi nổi, khó khăn nếu không có ơn Chúa. Tại sao người ta cứ khát khao đổi đời để tránh hoàn cảnh nghèo khó mà không khao khát đổi mới tâm linh để xa lìa cái xấu? Và thế nào là giàu? Thế nào là nghèo? Nếu một người ăn xin đứng giữa dòng đời, mà biết ngửa mặt nhìn trời, thốt lên rằng:” Chúa ơi! Con là người giàu có nhất trên đời, vì con là con của Chúa và tất cả những gì của Chúa là của con. ……nào con còn thiếu chi đâu……” thì câu nói ấy thật có lý và tuyệt vời biết bao trước mặt Thiên Chúa vô biên. (Maria Vũ Loan) |