Kính thưa quí độc giả,
Để hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khi mở Năm
Mân Côi, Thời Điểm Maria xin mời quí độc giả cùng với chúng tôi theo dõi
loạt bài “Tìm Hiểu Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria” của Trần Mỹ
Duyệt, một loạt bài đã được Chương Trình Phát Thanh Tin Mừng Sự Sống phổ
biến trong suốt Năm Môn Côi, từ giữa Tháng Mân Côi 2002, thời điểm Đức
Thánh Cha Gioan Phaolô II ban bố bức Tông Thư này vào dịp kỷ niệm bước
vào năm thứ 25 giáo triều của Ngài, 16/10/2002, tới hết Năm Mân Côi được
kết thúc vào đúng Ngày Thế Giới Truyền Giáo Chúa Nhật 19/10/2003, Ngày
Mừng Ngân Khánh 25 Năm Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II, cũng là ngày
phong chân phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta, vị sáng lập Dòng Thừa Sai Bác
Ái. Mục đích là suy tư và tìm hiểu những gì Đức Thánh Cha đã viết trong
Tông Thư, hầu làm tăng trưởng lòng yêu mến Đức Mẹ qua việc thực hành lần
hạt Mân Côi.
Toàn Tông Thư gồm 3 phần, kể cả Mở Đầu và Kết Thúc, tất cả bao gồm 43
đoạn.
Trong phần đầu dẫn nhập, Đức Thánh Cha trình bày tổng quát về những lý
do đến từ lòng sùng kính cá nhân của các thánh nhân, các Kitô hữu qua
mọi thời đại, đến nhu cầu của Giáo Hội và thế giới hiện nay khiến Ngài
đã mở Năm Mân Côi. Như một giây xích được móc nối từ các mắt xích, Đức
Thánh Cha đã dùng 5 đoạn cuối để nối kết việc lần hạt Mân Côi như một
khí cụ hoà bình và bình an cho các gia đình, cho nhân loại, và khuyến
khích mọi người cần phải khám phá những giá trị của Kinh Mân Côi trong
cuộc sống.
Tiếp tới là Chương I, một Chương mà Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc làm
thế nào để cùng với Mẹ Maria, chúng ta biết chiêm ngưỡng và học hỏi Chúa
Kitô qua những Mầu Nhiệm của Kinh Mân Côi.
Từ sự học hỏi và chiêm ngưỡng ấy, ở Chương II, Đức Thánh Cha muốn dẫn
chúng ta đi sâu vào những Mầu Nhiệm của Chúa Kitô mà Ngài cho rằng đó
cũng là những Mầu Nhiệm đã làm Mẹ say sưa suy ngắm. Do những Mầu Nhiệm
này, Đức Thánh Cha cho việc lần hạt Mân Côi cũng như việc đọc và suy
ngắm Phúc Âm, vì theo Ngài Kinh Mân Côi là một
Phúc Âm tổng hợp.
Sau cùng là Chương III, Chương dậy chúng ta cách thức phải suy ngắm và
lần hạt như thế nào. Từng lời kinh đọc, và từng tư tưởng cần phải suy
niệm, do đó, khi lần hạt Mân Côi không chỉ đọc kinh Lạy
Cha, Kính Mừng và Sáng Danh, mà hơn thế nữa phải biết im lặng, lắng nghe
Chúa nói và nói với Ngài qua từng chục kinh.
Tóm lại, Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria là một diễn tả đầy đủ về ý
nghĩa Phúc Âm, về lòng sùng mộ chắc chắn và ý
nghĩa để mọi Kitô hữu có thể qua đó sống mật thiết với Chúa Kitô và Tin
Mừng Cứu Độ của Ngài bằng việc lần hạt và suy ngắm Kinh Mân Côi.
Khi trình bày mỗi đoạn nào của Tông Thư, chúng tôi sẽ cho đăng nguyên
văn đoạn ấy, và tiếp theo là phần cảm nhận của người đọc. Để rộng đường
tư tưởng, chúng tôi mong đón nhận mọi đóng góp xây dựng của quí độc giả,
để tất cả chúng ta mỗi ngày một hơn, thêm lòng yêu mến Đức Trinh Nữ
Maria, để nhờ Mẹ, kết hợp mật thiết với Chúa Kitô qua những Mầu Nhiệm
được tóm gọn trong Tin Mừng mỗi khi chúng ta lần hạt Nâm Côi.
Nhập đề
1.- Kinh Mân Côi của Trinh
Nữ Maria, một kinh đã từ từ hình thành trong thiên kỷ thứ hai theo sự
hướng dẫn của Thần Linh Thiên Chúa, là một kinh được vô vàn Vị Thánh mến
chuộc cũng như được Huấn Quyền khuyến khích. Tuy đơn giản nhưng sâu xa,
kinh nguyện này, vào đầu thiên kỷ thứ ba đây, vẫn là một kinh nguyện có
một tầm vóc quan trọng trong việc mang lại một mùa gặt thánh đức. Kinh
nguyện này dễ dàng hoà trộn với cuộc hành trình thiêng liêng của đời
sống Kitô hữu, một cuộc hành trình mà, sau hai ngàn năm, vẫn không mất
đi vẻ tươi mới của thuở ban đầu, và cảm thấy được Thần Linh Thiên Chúa
lôi kéo đến chỗ “thả lưới ở chỗ nước sâu” (duc in altum!) để một lần nữa
loan báo, thậm chí la lên, trước thế giới rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa
và là Đấng Cứu Thế, là “đường, là sự thật và là sự sống” (Jn 14:6), là
“mục đích của lịch sử loài người và là điểm qui tụ cho những ước muốn
của lịch sử và nền văn minh” (Pastoral Constitution on the Church in the
Modern World Gaudium et Spes, 45).
Mặc dù rõ ràng là mang đặc tính Thánh Mẫu, Kinh Mân Côi tự bản chất là
một kinh nguyện có tâm điểm là Chúa Kitô. Nơi những yếu tố bình dị của
mình, Kinh Mân Côi chất chứa tất cả những gì sâu xa của toàn thể sứ điệp
Phúc Âm, có thể nói được rằng Kinh Mân Côi là một tổng hợp Phúc Âm (Pope
Paul VI, Apostolic Exhortation Marialis Cultus [2 February 1974], 42:
AAS 66 [1974], 153). Kinh này còn là tiếng vọng của lời Mẹ Maria cầu
nguyện, đó là Ca Vịnh Ngợi Khen bất hủ của Mẹ về công cuộc của Việc Nhập
Thể cứu chuộc được bắt đầu trong cung lòng trinh nguyên của Mẹ. Với Kinh
Mân Côi, dân Kitô Giáo ngồi học ở ngôi trường Maria và được dẫn đến chỗ
chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên dung nhan của Chúa Kitô cũng như đến chỗ cảm
thấy được những vực thẳm sâu của tình Người yêu thương. Nhờ Kinh Mân Côi
tín hữu lãnh nhận được muôn vàn ân sủng, như thể từ chính bàn tay của
Người Mẹ Chúa Cứu Chuộc ban cho.
Cảm nhận người đọc: Trong phần đầu dẫn nhập, Đức Thánh Cha đã
trình bày tổng quát về những lý do đến từ lòng sùng kính cá nhân của các
thánh nhân, các Kitô hữu qua mọi thời đại, trong việc đọc và suy ngắm
Kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi, một kinh nguyện tuy đơn sơ, nhưng chất chứa
đầy đủ ý nghĩa thần học, tu đức học, thánh mẫu học, cũng như giáo hội
học. Trải qua muôn thời đại, Kinh Mân Côi đã trở nên một kinh nguyện
chung và một hình thức suy ngắm của mọi Kitô hữu. Vì nhờ Kinh Mân Côi,
con người có thể tìm gặp chính Đức Kitô, tâm điểm của lịch sử Cứu Độ và
lịch sử nhân loại. Đức Thánh Cha đã ca tụng Kinh Mân Côi như sau: “Kinh
này còn là tiếng vọng của lời Mẹ Maria cầu nguyện, đó là Ca Vịnh Ngợi
Khen bất hủ của Mẹ về công cuộc của Việc Nhập Thể cứu chuộc được bắt đầu
trong cung lòng trinh nguyên của Mẹ. Với Kinh Mân Côi, dân Kitô Giáo
ngồi học ở ngôi trường Maria và được dẫn đến chỗ chiêm ngưỡng vẻ đẹp
trên dung nhan của Chúa Kitô cũng như đến chỗ cảm thấy được những vực
thẳm sâu của tình Người yêu thương. Nhờ Kinh Mân Côi tín hữu lãnh nhận
được muôn vàn ân sủng, như thể từ chính bàn tay của Người Mẹ Chúa Cứu
Chuộc ban cho”.
Các Vị Giáo Hoàng và
Kinh Mân Côi
2.- Nhiều vị tiền nhiệm
của Tôi đã mặc cho kinh nguyện này một tầm quan trọng đặc biệt. Nổi bật
nhất về điều này có Đức Lêô XIII đã ban hành một Thông Điệp ngày
1/9/1883 (Cf. Acta Leonis XIII, 3 (1884), 280-289), một văn kiện rất
sáng giá, một trong những điều Ngài dạy về kinh nguyện này, một kinh
nguyện Ngài cho là một khí giới thiêng liêng hiệu nghiệm trong việc
chống lại những sự dữ đang tác hại xã hội. Trong những vị Giáo Hoàng gần
đây, vị mà từ thời Công Đồng Chung Vaticanô II, đã nổi bật về việc cổ võ
Kinh Mân Côi, Tôi muốn nhắc đến là Vị Giáo Hoàng Chân Phước Gioan XXIII
(đáng chú ý nhất là bức Tông Thư về Kinh Mân Côi Il religioso convegno
[29 September 1961]: AAS 53 [1961], 641-647), nhất là Đức Giáo Hoàng
Phaolô VI, vị mà trong Tông Huấn Marialis Cultus, theo tinh thần của
Công Đồng Chung Vaticanô II, đã nhấn mạnh đến đặc tính phúc âm của Kinh
Mân Côi cũng như đến cái hồn sống của kinh này là Chúa Kitô. Chính Tôi
vẫn thường khuyến khích thường xuyên lần hạt Mân Côi. Từ thời còn trẻ,
kinh nguyện này đã giữ một vai trò quan trọng trong đời sống thiêng
liêng của Tôi. Tôi đã mạnh mẽ nhắc nhở về việc này trong cuộc tông du
Balan gần đây của Tôi, nhất là ở Đền Kalwaria. Kinh Mân Côi đã theo Tôi
trong những lúc vui mừng cũng như trong những khi gặp khốn khó. Tôi đã
phó thác cho kinh này biết bao nhiêu là điều quan tâm; Tôi luôn luôn tìm
thấy nguồn ủi an nơi kinh ấy. Hai mươi bốn năm trước đây, vào ngày
29/10/1978, gần hai tuần sau khi được tuyển chọn lên Ngai Toà Thánh
Phêrô, Tôi đã minh nhiên công nhận rằng: “Kinh Mân Côi là kinh nguyện
Tôi yêu chuộng. Một kinh nguyện tuyệt vời! Tuyệt vời ở tính cách đơn sơ
mà lại sâu xa của kinh ấy. […]. Có thể nói rằng, ở một nghĩa nào đó,
Kinh Mân Côi là một kinh nguyện chú giải cho chương cuối cùng của Hiến
Chế Công Đồng Chung Vaticanô II Ánh Sáng Muôn Dân Lumen Gentium, một
chương bàn về sự hiện diện của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô
và Giáo Hội. Dựa vào bối cảnh của những lời Kinh Kính Mừng mà những biến
cố chính yếu của cuộc đời Chúa Giêsu Kitô được tuần tự diễn xuất trước
mắt của linh hồn. Những biến cố này làm thành một chuỗi đầy đủ những mầu
nhiệm vui mừng, đau thương và vinh hiển, và là những biến cố đem chúng
ta đến chỗ được sống hiệp thông với Chúa Giêsu nhờ trái tim Mẹ của
Người, chúng ta có thể nói như thế. Đồng thời lòng của chúng ta bao gồm
nơi những chục Kinh Mân Côi tất cả mọi biến cố làm nên cuộc sống của cá
nhân, gia đình, quốc gia, Giáo Hội và toàn thể loài người. Những quan
tâm riêng của chúng ta cũng như những quan tâm của tha nhân chúng ta,
nhất là của những người gần chúng ta nhất, những người thân yêu nhất của
chúng ta. Như thế, kinh nguyện đơn sơ Mân Côi làm nên nhịp sống của con
người vậy” (Angelus: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, I [1978]:
75-76).
Anh Chị Em thân mến, với
những lời này, Tôi đã bắt đầu năm đầu tiên của Giáo Triều Tôi theo nhịp
Kinh Mân Côi hằng ngày. Hôm nay đây, khi Tôi bắt đầu năm thứ 25 việc Tôi
phục vụ như Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, Tôi cũng muốn làm giống như vậy.
Biết bao nhiêu là ân sủng Tôi đã nhận được từ Đức Trinh Nữ nhờ Kinh Mân
Côi trong những năm này: Magnificat anima mea Dominum! Linh hồn tôi ngợi
khen Chúa! Tôi muốn dâng lời cảm tạ Chúa bằng những lời của Người Mẹ Rất
Thánh, Đấng Tôi đã đặt thứa tác vụ Phêrô của Tôi cho sự bảo vệ của Mẹ:
Totus Tuus! Tất cả của con là của Mẹ!
Cảm nhận người đọc:
Trong phần dẫn nhập, Đức Thánh Cha trình bày tổng quát về ý nghĩa của
Kinh Mân Côi liên quan đến Đức Trinh Nữ Maria. Ở phần 2, Ngài đã lần
lượt nêu ra vài vị trong số các Giáo Hoàng nhiệt thành với lòng sùng mộ
Kinh Mân Côi.
Trong số các Giáo Hoàng
ấy, Đức Gioan Phaolô II đặc biệt nhắc đến Đức Lêô XIII qua Thông Điệp
ban hành ngày 1 tháng 9 năm 1883, trong đó, Đức Lêô XIII đã gọi Kinh Mân
Côi là “khí giới thiêng liêng hiệu nghiệm chống lại những sự dữ đang tác
hại Giáo Hội.”
Tiếp đến là Á Thánh Giáo
Hoàng Gioan XXIII, Vị đã nhiệt tình cổ vỡ Kinh Mân Côi qua Tông Thư Il
religioso convegno, ban hành ngày 29 tháng 9 năm 1961.
Sau nữa là Đức Phaolô VI,
trong Tông Huấn Marialis Cultus, đã nhấn mạnh đến đặc tính Phúc Âm của
Kinh Mân Côi.
Riêng Ngài, Đức Gioan
Phaolô II, đã liên kết mật thiết Kinh Mân Côi với cuộc đời của mình,
Ngài viết: “Kinh Mân Côi đã theo cha trong những lúc vui mừng cũng như
trong những khi gặp khó khăn. Cha đã phó thác cho kinh này biết bao
nhiêu là điều quan tâm. Cha luôn luôn tìm thấy nguồn an ủi nơi kinh ấy”.
Theo Đức Thánh Cha, không
những cá nhân, gia đình, Giáo Hội, mà cả xã hội chúng ta đang sống hiện
nay thật sự đang cần đến lời cầu xin và sự che chở đặc biệt của Đức
Maria. Và như vậy thì không gì hơn là mọi Kitô hữu hãy sốt sắng lần hạt
và suy ngắm những Mầu Nhiệm Mân Côi.
Năm Mân Côi:
10/2002-10/2003
3.- Bởi thế, để tiếp tục ý tưởng của Tôi trong Tông Thư “Vào Lúc Mở Màn
Cho Một Ngàn Năm Mới”, một bức tông thư Tôi đã mời gọi dân Chúa sau khi
cảm nghiệm được Năm Thánh hãy “bắt đầu lại từ Chúa Kitô” (AAS 93 [2001],
285), Tôi cảm thấy được thúc đẩy trong việc cần phải cống hiến những suy
tưởng về Kinh Mân Côi, như một thứ bổ túc về Thánh Mẫu cho Bức Tông Thư
ấy và như là một lời kêu gọi hãy chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô với Mẹ
Rất Thánh của Người và tại học đường của Mẹ Người. Việc lần hạt Mân Côi
không là gì khác ngoài việc cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan
Chúa Kitô. Như là một cách thức để nhấn mạnh đến lời mời gọi này, nhân
dịp kỷ niệm 120 năm tới đây của bức Thông Điệp đã được nhắc đến trên đây
của Đức Lêô XIII, Tôi muốn rằng trong thời gian của năm này, Kinh Mân
Côi phải được đặc biệt đề cao và phát động nơi các cộng đồng Kitô giáo
khác nhau. Vậy Tôi công bố từ Tháng 10/2002 tới 10/2003 là Năm Mân Côi.
Tôi xin trao phó dự án mục vụ này cho sáng kiến của mỗi một cộng đồng
Giáo Hội. Tôi không có ý chất thêm gánh nặng mà là làm hoàn trọn và củng
cố những chương trình mục vụ của Các Giáo Hội Riêng. Tôi tin tưởng rằng
dự án này sẽ được đón nhận mau mắn và nhiệt tình. Kinh Mân Côi, với tất
cả ý nghĩa của mình, nằm ngay tâm điểm của đời sống Kitô hữu; kinh này
cống hiến một cơ hội quen thuộc nhưng lại đầy linh thiêng và tri thức
cho việc chiêm ngưỡng của mỗi người, cho việc đào luyện Dân Chúa cũng
như cho việc tân truyền bá Phúc Âm Hoá. Tôi hân hoan xác nhận lại về vấn
đề Kinh Mân Côi này cũng là để vui mừng tưởng nhớ đến một kỷ niệm khác,
đó là kỷ niệm 40 năm khai mạc Công Đồng Chung Vatican II vào ngày
11/10/1962, một “đại ân phúc” Thần Linh Chúa đã ban cho Giáo Hội trong
thời đại của chúng ta (trong thời gian sửa soạn cho công đồng này, ĐGH
Gioan XXIII không ngừng khuyến khích cộng đồng Kitô hữu lần hạt Mân Côi
để cầu cho công đồng được thành quả tốt đẹp: cf. Letter to the Cardinal
Vicar [28 September 1960]: AAS 52 [1960], 814-816).
Cảm nhận người đọc: Trong bối cảnh xã hội, Giáo Hội và con người
ngày nay, tất cả đang sống, và phải hít thở bầu khí của một nền văn hoá
sự chết. Khả năng con người như ngừng đọng, và những nỗ lực tự nhiên xem
như không đạt được kết quả trong khi giải quyết những xung đột và các
biến chuyển trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế. Đó là lý do tại
sao Đức Thánh Cha mở Năm Mân Côi. Theo Ngài, con cái Giáo Hội cần phải
tận dụng năm Mân Côi hầu sống với ý nghĩa của Tin Mừng Cứu Độ. Bằng việc
suy niệm Kinh Mân Côi, qua hành động miệng đọc, tâm suy, người Kitô hữu
có thể kín múc sức sống thần linh tiềm ẩn trong Thánh Kinh được diễn tả
qua những Mầu Nhiệm Mân Côi.
Thế giới hôm nay, một thế giới đầy bạo loạn, chiến tranh, đói khổ, bệnh
hoạn, và nghèo túng. Do đó, cách tốt nhất để tìm được sự trợ giúp của
trời cao, để tâm hồn con người được bình an, và để thế giới hoà bình,
Giáo Hội hiệp nhất, đó là sốt sắng lần hạt và suy ngắm Kinh Mân Côi. Đặc
biệt trong Năm Mân Côi. |